VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà văn Thái Chí Thanh: Bởi tôi từng là lính trận

Thứ Năm, 21/12/2023 10:03

 Tôi được gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Thái Chí Thanh lần đầu tiên tại trại sáng tác văn học ở Ninh Bình tháng 9 năm 2022. Trước đó tôi đã biết đến ông qua những câu chuyện chân thực và xúc động viết về người lính đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tuy nhiên, chỉ khi tham dự trại viết, được ngồi trò chuyện với ông hằng ngày tôi mới cảm nhận rõ hơn chất lính từ ông và phần nào hiểu vì sao ông viết về người lính lại sâu sắc đến vậy.

Nhân dịp kỉ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một lần nữa tôi được trò chuyện cùng ông về đề tài này. Trước đó, ông vừa ra mắt bạn đọc cuốn truyện và kí Cổ tích trong làn đạn. Sách do Nxb Văn học ấn hành, in trong diện sách đầu tư của Bộ Quốc phòng.

- Đọc cuốn truyện và kí Cổ tích trong làn đạn có thể thấy ông mang trong mình cả kho tư liệu về chiến tranh. Những trận đánh, những vùng đất, những người lính… được ông khắc hoạ hết sức tự nhiên, chân thật, sinh động và xúc động. Đó là những trải nghiệm của chính ông trong những năm tháng là một người lính?

+ Trước hết, cho tôi được cảm ơn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đăng tải các bài kí về đời lính của tôi để có được tập sách Cổ tích trong làn đạn, do Bộ Quốc phòng đầu tư. Tôi cũng không biết có phải đã mang trong mình "kho tư liệu" về chiến tranh như bạn nói không, nhưng đó thực sự là những trải nghiệm, hay đúng hơn là những tháng ngày trong vinh quang và đau đớn của một người lính trận như tôi. Chặng đường làm anh bộ đội chỉ 7 năm, làm lính trận càng ít hơn, chỉ có gần 5 năm, từ giữa năm 1971 đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Quãng thời gian đó quá ngắn, so những quãng đời tôi đã sống, nhưng sao tôi thấy nó đằng đẵng, bởi ngày tháng nào trong chiến trận cũng đầy ắp những hồi ức bi hùng, thấm đẫm máu và nước mắt, chan chứa tình đồng đội và nỗi nhớ quê nhà.

- Ông làm tôi chợt nhớ đến quan niệm thời gian của Kawabata, trong một cuốn sách ông ấy viết: “Thời gian vũ trụ tất nhiên là một, nhưng thời gian trong tâm thay đổi với từng người. Dòng sông thời gian là một cho mọi người, nhưng mỗi người trôi đi trong dòng sông ấy một cách khác nhau”. Dòng đời cũng như dòng sông, cũng có những quãng nhanh, chậm khác nhau…

+ Có lẽ là vậy, quãng thời gian ấy đã luôn chảy trong tôi, khi ồn ào, khi thầm lặng nhưng không bao giờ tôi quên mình là một người lính. Có những thời điểm như năm 1972 ở Quảng Trị, Thừa Thiên, có những ngày, thậm chí có những giờ trôi qua dài như hàng năm, hàng chục năm, bởi cái sống, cái chết chỉ tính trong gang tấc, qua được trận đánh này, nhưng còn những trận đánh sau... Hôm nay mình chôn đồng đội mình, liệu mai mình hi sinh, ai sẽ chôn mình đây...

Tôi là lính của Sư đoàn 304 A may mắn còn sống sót sau bao chiến dịch ác liệt như Quảng Trị 1972, Thượng Đức (Quảng Nam - Đà Nẵng) 1974 và theo đoàn quân thần tốc, tham gia giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975. Sau đó, thật hạnh phúc là được ở lại tiếp quản thành phố mang tên Bác cho đến lúc ra quân tháng 6/1976. Mỗi chiến dịch có bao trận đánh, qua bao nhiêu trận bom, làn đạn. Mỗi trận đánh, dù lớn, dù nhỏ, dù thắng, dù thua, đã có bao đồng đội cùng chiến đấu với mình, ai đã hi sinh, ai bị thương, ai không chịu nổi, ai đào tẩu... Tất cả đều làm đầy lên dòng chảy của kí ức, khiến tôi cứ mãi sống, mãi trôi trong dòng chảy ấy.

- Chiến tranh làm thay đổi hầu như mọi thứ. Nếu không có chiến tranh số phận của mỗi người lính đã khác đi rất nhiều. Vậy theo nhà văn, điều gì còn lại, và không thay đổi khi cuộc chiến đi qua?

+ Chiến tranh là hình thức cuối cùng để thử thách một con người, nên tôi cũng không muốn nói về đồng đội tôi ai có lỗi hay không có lỗi. Tôi được kết nạp Đảng ngày 19/8/1972 sau trận pháo địch cùng bốn đồng đội khác. Nhưng rồi, sau chiến tranh còn lại chỉ có tôi là trọn vẹn, ba người hi sinh, một người đào ngũ. Chính người bạn đào ngũ đó đã rủ tôi cùng trốn vì sau khi làm công tác tử sĩ cho mấy người bạn thân sau trận đánh thất bại vì bị lộ, không cầm lòng nổi, hai đứa khóc rất nhiều... Trong chiến trường, tôi đã cùng chiến đấu với bao đồng đội, đã từng luồn sâu, ở trong nhà dân mỗi lần trinh sát, bám địch, được bao nhiêu người cưu mang. Nhớ lắm đồng đội, đồng bào... và những em thanh niên hỏa tuyến, ác liệt chẳng kém gì mình. Hết chuyển đạn lại tải lương thực trong bom rơi, đạn nổ, nhiều người khiêng thương binh, tử sĩ còn khổ hơn người lính. Tôi nhớ cả những tù binh địch mà ta bắt được trong một trận đánh hay gặp họ bị giải ra tuyến ngoài. Có những người dân cưu mang che chở tôi như gia đình mẹ Hoạt ở Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị; hay hình ảnh bọ mạ ở xã Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình, gia đình chị Đồng Thị Xường ở xã Hòa Thọ, Hòa Vang, Đà Nẵng năm 1974... Như vậy thì làm sao tôi có thể phản bội lại những tình yêu thương ấy. Và đó chính là những điều còn lại, những điều sẽ không thể thay đổi, cũng là những thứ giữ cho người lính tin vào con đường của mình.

Những người dân, những đồng đội tôi đã từng gặp sao cứ ám ảnh, lưu lại trong tôi mãi mãi. Không hiểu sao, tôi nghĩ mình lỡ quên những con người đó, những tháng ngày đó, khác chi mình là kẻ bội bạc với quá khứ, với chính mình.

- Đó là lí do mà sau này ông trở thành nhà văn viết về người lính?Con đường đến với văn chương của ông đã bắt đầu như thế nào?

+ Bản thân tôi trong những năm tháng khói lửa của chiến tranh cũng đã từng viết, khao khát được viết, nhưng chiến trận thiếu thốn trăm bề, đến thư viết về cho cha mẹ có khi viết trên giấy bọc lương khô, mực bằng thuốc tím rửa vết thương. Thế mà thư vẫn về đến nhà, chỉ tiếc là ngoài địa chỉ còn đọc được, tất cả đều bị bay màu. Nhưng dù không có sổ sách, không có giấy bút để ghi chép, tôi phải ghi lại trong kí ức, với hi vọng, nếu còn sống sau chiến tranh sẽ học hỏi để viết lại kí ức của một thời. Chính sự ghi lại trong kí ức đó nó mới được lâu dài, sống động mãi.

Cũng như nhiều người lính khác thế hệ tôi, hết chiến tranh lại trở về quê hương, tôi tiếp tục trở lại ghế nhà trường. Đợt nhập ngũ cùng tôi có 5 học sinh, hai bạn mãi mãi gửi thân xác lại chiến trường, còn tôi và hai người khác trở về, nhưng duy nhất có tôi phải học lại lớp cuối cùng hệ phổ thông để thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Tôi cùng học với em gái mình, cô giáo dạy văn chính là bạn gái cùng lớp trước ngày tôi đi bộ đội. Tôi thấy cuộc đời thật đẹp và hạnh phúc khi ước mơ trở lại mái trường thành sự thật. Rồi đi thi đại học. Tôi chật vật mua vé xe để đi thi xa nhà hàng trăm cây số. Đến Diễn Hồng, huyện Diễn Châu là cụm của các thí sinh thi vào các trường đại học khu vực Hà Nội như Tổng hợp, Bách khoa... tôi gặp người bạn thời mặt trận Quảng Trị. Thế là hai đứa vui đến tận sáng, đến nỗi, môn thi đầu tiên tôi chỉ làm được nửa bài thì ngủ gục trên bàn thi. May mà còn vào được đại học.

Ở đấy, những khóa sau chiến tranh, đồng đội tôi rất nhiều, phần đông là lính trận, gác bút lên đường, nay trở lại, nên kí túc xá Mễ Trì của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đặc màu áo lính. Nhiều em học sinh phổ thông vào cứ ngơ ngác, ngỡ vào đại học mà vào trại lính. Đấy, điều kiện, hoàn cảnh ấy đã hun đúc thêm, cung cấp thêm cho tôi "chất lính" khi đã rời quân ngũ.

Tốt nghiệp đại học, tôi về Nhà xuất bản Sự thật công tác. Như có duyên nợ với văn chương, một lần sát tết ta, tôi đi ăn phở ở phố Lê Văn Hưu, thấy bàn bên cạnh mấy nhà văn đang làm ở Báo Văn nghệ vừa ăn phở vừa bàn về việc chuẩn bị bài cho số báo Tết. Tôi nghe lỏm mà nuốt từng lời. Rồi lẳng lặng về viết thử truyện thiếu nhi. Do không quen ai, nên đến Báo Văn nghệ, rón rén bỏ vào thùng thư của tòa soạn. Kết quả thật bất ngờ là truyện đó đã được đăng ngay số báo Tết. Điều này đã khích lệ và giúp tôi đến với văn chương từ đó. Nhưng hoàn toàn viết cho thiếu nhi chứ không nghĩ mình sẽ viết về người lính. Mãi khi tuổi đã xế chiều, qua mấy chục năm hết học lại công tác ở nước ngoài, tôi mới trở lại văn chương, và thật không ngờ, những trang viết về người lính đầu tiên mới xuất hiện sau gần nửa thế kỉ cởi áo lính.

Chân dung nhà văn Thái Chí Thanh qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Thị Hòa.

- Ông đã sử dụng những chất liệu, trải nghiệm như thế nào trong tác phẩm của mình để từ tư liệu trở thành văn học, gây nên những xúc động cho bạn đọc? Vì sao đã lâu như vậy rồi mà cảm giác những câu chuyện vẫn đầy lên trong ông chứ không bị mai một theo thời gian, theo trí nhớ?

+ Thực ra cuộc chiến, chỉ nói riêng chống Mĩ cứu nước mà tôi tham gia mấy năm cuối đã có hàng triệu đồng đội cùng chiến đấu, hàng chục triệu đồng bào cả hai miền cùng chịu bao hi sinh, mất mát, bản thân tôi quá nhỏ nhoi trong cuộc chiến. Đã có bao nhiêu đồng đội trải qua biết bao trận chiến bi hùng, có bao nhiêu kí ức bằng máu, nước mắt của hàng triệu đồng đội tôi, nhưng chẳng phải ai cũng có cơ may để thể hiện. Hoặc là họ đã hi sinh, hoặc là vì bươn chải cuộc sống, hoặc là họ không muốn viết, và vì ti tỉ lí do khác nữa nên cuộc chiến mà ta đã đọc, đã biết qua truyện, phim ảnh... chỉ là phần nổi của cả một trầm tích bi thương và kiêu hãnh đang chìm vào quên lãng. Và tôi dường như chỉ ghi lại những câu chuyện, những kí ức ấy xuống giấy một cách chân thật nhất.

Cơn cớ ấy từ gốc rễ bởi tôi từng là lính trận, trong người lúc nào cũng ăm ắp những kí ức của người lính, chất lính chưa bao giờ phai nhạt trong tôi. Sau mấy lần ngồi uống rượu với những người lính, là nhà văn lớn như Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương và các nhà văn, nhà thơ trẻ của Văn nghệ Quân đội, tôi bỗng thấy trào dâng cảm xúc, rồi viết và gửi. Ngay tác phẩm đầu tiên đã thành công, được khích lệ nên tôi càng hào hứng, và từ đó, trở thành cộng tác viên thường xuyên viết về người lính.

- Chiến tranh đã lùi xa. Chúng ta cũng đã có rất nhiều tác phẩm văn học về chiến tranh, người lính, có những tác phẩm luôn giữ vị trí hàng đầu những cuốn sách hay nhất của văn học Việt Nam đương đại. Nhưng khi đọc Thái Chí Thanh bạn đọc có cảm giác đề tài này vẫn luôn mới mẻ, xúc động và gây ngỡ ngàng về những năm tháng chiến tranh. Những câu chuyện ông viết vẫn có sự mới mẻ. Nhà văn có thể lí giải điều này?

+ Nó mới mẻ vì những câu chuyện đó luôn sống động trong hồi ức, trong kỉ niệm của tôi. Bởi kỉ niệm của người lính, nhất là lính trận trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, khi đã găm vào trí nhớ thì hằn sâu mãi, chẳng những không phai nhạt mà tôi có cảm giác như càng ngày càng sâu đậm hơn. Mọi cái rồi cũng phai mờ theo thời gian, nhưng riêng kí ức chiến trận của người lính thì theo một quy luật khác. Bởi vì những kí ức đó gắn với sự sống còn của chính mình, của những đồng đội mình, đơn vị mình, và có những kỉ niệm gắn với cả những thời khắc lịch sử của dân tộc. Như cái chết của liệt sĩ Hà Văn Khuôn ở cây số 43, trục đường H ở bắc sông Mỹ Chánh. Chiến trường Quảng Trị vào tháng 10 năm 1972 thì hơn nửa thế kỉ rồi tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ, từng khoảnh khắc ngắn về cái chết của anh ấy. Anh Khuôn rất khỏe. Cả đơn vị chạy pháo qua đoạn đường độc đạo phơi mình về phía cao điểm 367, nơi địch mới chiếm lại, đang tập trung nã pháo DKZ thẳng xuống mặt đường, ai cũng chạy tưởng đứt hơi. Vậy mà anh Khuôn còn đứng chờ tôi và hai người vì quá yếu mới bị sốt rét, tụt lại sau cùng, để động viên và vác hộ súng cho tôi và hai đồng đội. Bất ngờ, một quả đạn pháo nổ trúng vào anh, đôi chân anh văng lìa ra. Anh đã chết. Một cái chết nhanh hơn chớp mắt, anh không kịp sợ hãi, không kịp đau đớn, chỉ để lại những cái đó cho người còn sống. Tôi không đủ sức vác cả thân xác lùng nhùng thịt da của anh, chỉ đủ sức vác một bên chân anh và vừa chạy tránh pháo vừa khóc như trẻ nhỏ...

Hay quên sao được, cái chết của một đồng đội bị thương, phải khiêng qua nhiều địa hình phức tạp và gần địch. Người lính bị thương cứ tuột dần, tay chân buông thõng khỏi cáng. Anh đang chết từ từ, từ tứ chi lên đến não nên vô cùng tỉnh táo. Đó là quãng thời gian khủng khiếp của anh, và của chúng tôi, những đồng đội đang khiêng anh từ trận địa về hậu cứ. Anh giấu nước mắt, khóc thầm và trăng trối vài lời cho vợ con, gia đình qua đồng đội... Lại có những cái chết của đồng đội một cách thanh thản, bình an như đi vào cõi mộng của người lính trẻ cùng hầm với tôi thời ở Quảng Trị. Tên em là Tài, chưa một mối tình vắt vai, hồn nhiên và thật thà đến hoang dại. Em đã chết trong vòng tay ôm ấp của tôi mà cả em và tôi không hề hay biết trước. Tôi vẫn nhớ đến ấy, em cùng đơn vị đi đánh trận về, một trận đánh đẹp, diệt được một trận địa pháo ở Nam đường Một thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ta chỉ bị thương lúc rút lui mấy người, trong đó có em, nhưng vết thương quá nhỏ vì mảnh M79 cắm vào gáy khi địch bắn đuổi theo. Em và tôi chui vào hầm, lại như mọi ngày, kể chuyện yêu đương mà tôi biết phần nhiều em bịa ra. Rồi hai đứa ngủ, ngủ mê mệt cho đến khi tôi thấy khó thở, tỉnh dậy tôi mới thấy em đã chết lúc nào, chân tay đã cứng lạnh trong vòng tay tôi...

Những cái chết đó đã xa về thời gian, nhưng trong tâm khảm tôi không bao giờ xưa cũ, mà mỗi lần nhớ lại, tôi lại day dứt với bao cảm xúc như mới chôn đồng đội hôm nào.

- Kí ức là một phần không thể thiếu với nhà văn, nhưng với người viết chuyên nghiệp như ông thì chắc chắn kí ức cũng cần phải được nuôi dưỡng, theo một cách nào đó…

+ Chẳng cứ tôi, mà những người lính trận đi qua chiến tranh, hễ gặp lại nhau là ôn lại bao kỉ niệm. Tôi nhớ mãi trại viết ở Phú Yên năm 2019 của Văn nghệ Quân đội, tôi tình cờ gặp nhà thơ Nguyễn Giúp, người mà hồi đánh Thượng Đức tôi đã từng gặp anh, khi đó mới là cậu học sinh trung học, lại tiếp thêm bao chất liệu mới. Những câu chuyện về đời lính của tôi luôn được bổ sung, bồi đắp thêm trên những chặng đường mới cuộc đời tôi. Tôi có nhiều năm học tập, công tác ở nước ngoài, đã từng có những cuộc gặp gỡ, mối quan hệ rất đặc biệt.

Hồi học ở Nga, thế hệ tôi, nghiên cứu sinh, sinh viên nhiều lính trận chống Mĩ, chúng tôi luôn kết với nhau bằng những câu chuyện của lính trận. Hay hơn 4 năm công tác ở Ba Lan, tôi cũng từng thân thiết với những người Ba Lan đã từng đến Việt Nam trong những năm chiến tranh ác liệt. Cộng đồng ta ở Ba Lan, ai cũng biết và quý trọng nữ nhà văn, nhà báo Monika Warnenska. Tôi nhớ mãi ngày mới sang Ba Lan, năm 2002, tôi và gia đình hay ra nhà vườn của tiến sĩ địa chất học Nguyễn Quốc Cường giữa trung tâm Vác-sa-va để dự tiệc, thường đi qua một tòa biệt thự đẹp, xinh xắn gần đó. Được anh em kiều bào cho biết đó là biết thự của nữ nhà văn Monika Warnenska, một người xem Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của mình, tôi vào thăm bà, sau đó tôi và bà trở thành những người bạn của nhau. Nữ nhà văn lúc này đã 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn và khỏe khoắn. Bà rất vui, giới thiệu ngôi biệt thự là tiền nhuận bút do bà viết sách về chiến tranh ở Việt Nam…

Từ trái qua: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Thái Chí Thanh, nhà văn Monika Warnenska, cháu gái nhà văn Monika Warnenska, Đại sứ Đinh Xuân Lưu
(ảnh chụp năm 2004). 

- So với những nhà văn cùng lứa, cùng đi ra từ cuộc kháng chiến chống Mĩ thì nhà văn Thái Chí Thanh cầm bút viết về người lính muộn hơn. Cái sự muộn này có làm khó gì cho ông không?

+ Tôi vẫn giữ được bầu máu nóng của người lính chiến trong mình, điều đó giúp cho trang viết của tôi cũng giữ được chất lính. Thậm chí tôi còn may hơn các nhà văn viết trước bởi thời gian đã bổ sung cho tôi rất nhiều câu chuyện, rất nhiều nhân vật như tôi vừa nhắc ở trên, kể cả tư liệu đến từ phía bên kia. Độ lùi cũng giúp tôi nhìn lại rõ ràng hơn nhiều vấn đề mà ít phải tranh cãi như giai đoạn trước. Tôi viết bằng cảm xúc tự nhiên, chân thành của chính mình nên không sợ bị trùng, bị giống với bất cứ ai cả.

- Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện rất cảm xúc này!

Nhà văn Thái Chí Thanh, sinh ngày 19/5/1953 tại Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông nhập ngũ là tham gia chiến đấu ngay, từ năm 1971 đến năm 1976. Hoà bình lập lại, ông học tại Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm từ năm 1977 đến năm 1981. Nhà văn Thái Chí Thanh đã trải qua các vị trí công tác: Cán bộ Nxb Sự thật (1982-1996); Trường Đảng Cao cấp Mát-xcơ-va (1985-1989); Văn phòng Chính phủ (1987-2000); Cán bộ ngoại giao tại Ba Lan (2002-2005), tại Hoa Kỳ (2009-2014); Nxb Dân Trí (2015-2019); NXB Hội Nhà văn (từ 2020). Hiện ông đang là Chủ tịch Hội đồng văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã có khoảng 20 đầu sách, nhiều kịch bản phim, được nhận nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực văn học và điện ảnh.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)