Tôi trở về từ chiến trường, với đôi mắt bị thương, không nhìn thấy nữa. Không nhìn thấy nhưng tôi vẫn vẽ, với niềm tin ánh sáng ở trong mình. Tôi một đời nặng nợ với núi sông, nặng nợ với những người đã hi sinh, cho Tổ quốc cho hoà bình dân tộc… |
- Thưa Đại tá, hoạ sĩ Lê Duy Ứng, xem phòng trưng bày của ông, ở đâu tôi cũng bắt gặp tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chân dung: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người lính, người mẹ, người chị… đã góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Xin ông có thể chia sẻ điều này?
+ Với tầm vóc của những con người đã chiến đấu, đã hi sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc là thật sự lớn lao. Dù tôi có vẽ bao nhiêu, có tạc tượng thế nào cũng không thể diễn tả cho hết được chân dung của những con người đó. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi một lòng tôn kính; đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi suốt đời nể trọng; đối với những người đã cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do cho dân tộc, tôi nặng nợ, mang ơn…
Lúc bị thương tưởng không qua khỏi, tôi đã lấy máu từ đôi mắt của mình để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với một niềm tin mãnh liệt về ngày toàn thắng thuộc về ta. Sau này, khi đôi mắt đã được chữa lành, tôi vẫn vẽ, vẫn làm tượng Bác Hồ, Bác Giáp và biết bao nhiêu con người đã cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc. Ngay cả bây giờ, khi mắt không còn nhìn được nữa, tôi vẫn tiếp tục công việc ấy.
Mỗi dịp đi đâu, tới mảnh đất nào, chỉ cần có trong tay một khúc gỗ hay vật liệu, tôi đều làm tượng về những con người đã từng chiến đấu, hi sinh, ở mảnh đất ấy và nghĩ: “Mỗi một gốc cây, ngọn cỏ đều thấm xương máu của những người ngã xuống. Vì thế, linh hồn họ đã thổi hồn vào những bức tượng của tôi.”
- Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngoài những chiến công hiển hách còn có biết bao câu chuyện đặc biệt được viết nên từ người lính. Những câu chuyện đặc biệt đó đã trở thành huyền thoại và sống mãi với non sông ta. Một người lính trong lúc bị thương, nguy cấp tới tính mạng đã dùng máu chảy ra từ đôi mắt để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với chúng tôi cũng là một câu chuyện huyền thoại. Tôi rất muốn được nghe kể câu chuyện này từ hoạ sĩ Lê Duy Ứng - tác giả của bức chân dung Ánh sáng niềm tin - Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân.
+ Năm 1974 khi đang làm công tác tuyên huấn của Quân đoàn 2, tôi cùng đồng đội tiến vào chiến trường tham gia Chiến dịch giải phóng Miền Nam. Khi được tham gia một cuộc họp dưới sự chủ trì của Trung tướng Lê Trọng Tấn (sau là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) tại rừng cao su Xuân Lộc tôi được biết mũi tấn công của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203 sẽ đánh vào căn cứ Nước Trong và tiến vào Giải phóng Sài Gòn thì háo hức lắm, muốn được đi cùng. Xong cuộc họp, tôi tìm gặp Thượng tá Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2 (sau này là Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) xin đi theo cánh quân của Sư đoàn 304 và Lữ đoàn 203. Thủ trưởng Lê Khả Phiêu lúc đầu không đồng ý bởi tôi còn nhiệm vụ vẽ bức tranh Tiến lên toàn thắng ắt về ta cho báo Chiến sĩ giải phóng. Tôi thưa với thủ trưởng rằng sẽ hoàn thành ngay bức tranh trong ngày và tiếp tục xin đi. Công việc hoàn thành, thủ trưởng đồng ý cho tôi xuống Sư đoàn 304, rồi đến Lữ đoàn 203. Tại Lữ 203, tôi được xếp đi cùng xe tăng 847, xuất phát ở vị trí số 3.
Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn đánh vào căn cứ Nước Trong vào 17h ngày 26/4 và diễn ra rất ác liệt. Nhiều chiến sĩ của quân đội ta đã anh dũng hi sinh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm hoạ sĩ Lê Duy Ứng tại nhà riêng. Ảnh: NVCC
Rạng sáng 28/4, trong lúc tôi đang ngồi trên xe tăng 847 để tác nghiệp thì bất ngờ xe bị trúng đạn, đồng chí trinh sát hi sinh, còn tôi bị thương ở mắt và đầu. Tôi ngã xuống sàn xe tăng, chân của đồng chí trinh sát đè lên ngực. Không biết ngất đi bao lâu nhưng khi tỉnh dậy tôi thấy ngực như bị đá đè, hai mắt ròng ròng máu chảy, trong đó mắt phải rơi lòng thòng ra ngoài. Kinh nghiệm chiến trường, lúc bị thương nặng mà tỉnh táo, rất có thể là sắp hi sinh. Nghĩ tới đó, tôi liền vơ vội chiếc cặp bên cạnh, lấy giấy, chấm máu từ đôi mắt đang chảy để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Tổ quốc, cờ Đảng phấp phới sau lưng Bác. Vẽ xong, tôi ghi đậm dòng chữ bên dưới Ánh sáng niềm tin - Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân, kí tên rồi gấp cho vào ngực áo bên trái và ngất đi. Tỉnh dậy lần thứ hai, tôi cảm giác có một cánh tay rất khỏe nâng mình lên, bế ra khỏi sàn xe tăng. Bom đạn xung quanh vẫn rùng rùng lẫn trong tiếng hô xung phong của các chiến sĩ. Giữa khoảnh khắc đạn réo bom cày, người chiến sĩ đặt tôi xuống vệ đường, rồi như lấy cả thân mình phủ lên người bảo vệ cho tôi.
Tôi được chuyển ra trạm phẫu tiền phương sát trận địa. Đồng đội kể lại, băng bó, cấp cứu xong, tôi tắt thở và được chuyển vào nhà xác. Thật diệu kì, trong chính nhà xác tôi đã sống lại và kêu khát nước. Nghe tiếng kêu, anh em đồng đội chạy vào bế tôi ra một căn hầm nhỏ mới đào gần đó. Tôi vừa vào hầm thì pháo dội trúng làm sập nhà xác, vùi lấp tất cả những chiến sĩ đã hi sinh đang nằm trong đó. Người vừa đưa tôi ra ngoài bảo: “Đồng chí cao số thật! Chỉ chậm một chút thôi thì đã bị vùi lấp cùng anh em trong ấy rồi”.
Mà tôi cao số thật anh ạ! Sau này, trong rừng cao su Xuân Lộc tôi còn tắt thở thêm lần nữa. Anh em đã quấn tăng võng và đưa tôi đến chỗ an táng nhưng đến nơi thì tôi lại tỉnh dậy.
- Với một nghệ sĩ, sau khi xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, khi hòa bình họ quay lại với công việc sáng tạo của mình là chuyện bình thường, nhưng với một thương binh nặng hỏng cả hai mắt (ít nhất là trong suốt 8 năm từ năm 1974 đến 1982) như ông thì việc trở lại ấy hẳn vô cùng khó khăn?
+ Đất nước thống nhất, tôi được chuyển đưa ra Viện quân y 108 để điều trị. Nói thật, lúc này tôi buồn và rất bi quan về bản thân. Thương tật 91%, hai mắt đã hỏng, chỉ nghĩ mình sống được thôi cũng khó. Có thời gian dài, tôi còn không dám nghĩ đến chuyện gia đình, chứ nói gì tới hội hoạ. Nhưng trong những ngày ở bệnh viện, bác sĩ Đào Xuân Trà, Phó viện trưởng, kiêm Chủ nhiệm Khoa mắt, cùng anh em động viên tôi rất nhiều. Bác sĩ Trà nói: “Ứng ơi, cậu đừng buồn nữa! Mình sang bên Liên Xô thấy một người bị mù nhưng nặn tượng rất giỏi. Ứng thử nặn tượng xem sao.” Sau câu nói ấy, tôi nhờ người quen, bạn bè ở trường mĩ thuật mang đất đến để nặn tượng. Tôi muốn thử sức mình và cũng để làm theo câu nói của Bác “thương binh tàn nhưng không phế” và tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đang tạc tượng. Nhớ bữa đó, Đại tướng đến viện khám mắt, bác sĩ Đào Xuân Trà kể cho Đại tướng nghe về trường hợp của tôi. Tôi đang tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và loay hoay khắc câu thơ lên đó: Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con, thì nghe giọng nói cất lên từ phía sau lưng: “Đồng chí này có đôi bàn tay thật nhạy cảm, đúng là đôi bàn tay vàng.” Giọng nói Quảng Bình vang lên quá đỗi trầm ấm, tôi quờ tay ra phía sau và hỏi: “Ai thế?” Người phía sau vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: “Đại tướng, Đại tướng đây.” Bác Giáp! Là Bác Giáp! Sự có mặt của Đại tướng khiến tôi bàng hoàng đến xúc động vì không ngờ Đại tướng lại đến thăm mình. Bác Giáp ngồi cạnh tôi một lúc lâu, hỏi chuyện gia đình, vợ con, quê quán rồi bác hỏi: “Ứng có biết Beethoven, nhạc sĩ người Đức sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không?” Thấy tôi ấp úng chưa trả lời được, Đại tướng liền nói: “Điếc hai tai. Điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nghe được âm thanh mà khi bị điếc hai tai vẫn có thể sáng tác ra những bản nhạc hay nhất cho nhân loại. Đồng chí là một họa sĩ, cần nhìn thấy đường nét, hình khối, ánh sáng, màu sắc… bây giờ mắt không còn thấy được gì thì hãy lấy tấm gương của Beethoven mà phấn đấu, rèn luyện.” Lời động viên khiến tôi bừng tỉnh. Tôi trở lại với con đường điêu khắc, hội họa từ lúc đó.
Bác Giáp là vị tướng thiên tài về quân sự nhưng ở người còn có sự am hiểu về nghệ thuật đến kính nể. Bác rất giỏi động viên, truyền cảm hứng cho mọi người trong đó có tôi.
- “Yêu bằng trái tim, vẽ bằng bàn tay, nhìn bằng đôi mắt,” là điều thường thấy ở một người họa sĩ, nhưng điều quen thuộc ấy phải song hành với tài năng, sự rèn giũa thường xuyên. Dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, tôi vẫn thấy ông vẽ Bác Hồ rất có thần và toát nên tinh thần của vị Lãnh tụ vì dân vì nước. Trước khi bị thương, ông có vẽ Bác Hồ nhiều không?
+ Tôi vẽ Bác nhiều chứ. Nhưng có chuyện vui vui thế này.
Năm 1971, tôi vào quân đội, trở thành lính trinh sát của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ, đắp sa bàn, làm bích báo. Tờ bích báo nào của đơn vị cũng có ảnh Bác Hồ trên đầu trang. Lần đầu tôi được giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác, đồng chí chính trị viên đại đội liền hỏi: “Đồng chí vẽ ai thế?” “Dạ em vẽ Bác Hồ” - tôi trả lời. Chính trị viên nghiêm sắc mặt thắc mắc: “Làm sao Bác lại trẻ thế này được? Đây là cậu vẽ… em Bác Hồ chứ có phải Bác đâu. Vẽ lại.” Tôi tỉ mẩn vẽ lại. Vẽ xong, chính trị viên xem, tiếp tục hỏi: “Cậu lại vẽ ai đấy?” Tôi đáp: “Dạ, Bác Hồ ạ!” “Bác Hồ sao già như thế? Đây là… anh Bác Hồ chứ có phải Bác Hồ đâu. Vẽ lại, lát nữa tôi sẽ kiểm tra,” đồng chí nghiêm khắc nói. Tôi tiếp tục ngồi vẽ chân dung Bác. Vẽ xong được một lúc thì chính trị viên về tới, liền hỏi ngay: “Cậu vẽ ai đây?” Vừa cuống, vừa sợ, tôi trả lời: “Thưa thủ trưởng, em vẽ… bố em ạ!” Câu trả lời khiến chính trị viên bật cười, cười xong, nghiêm mặt bảo: “Bố đồng chí sao giống Bác Hồ thế? Đây mới đúng là chân dung Bác. Cậu hiểu chưa?” Những bích báo sau, thủ trưởng đơn vị tiếp tục yêu cầu vẽ đi vẽ lại chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến bao giờ ưng mới thôi. Sau rất nhiều lần như thế, tôi gần như thuộc mọi đường nét về Bác. Thậm chí nhắm mắt lại tôi cũng vẽ được chân dung Bác mà đồng đội vẫn thấy giống.
Làm nghệ thuật thực sự phải rèn luyện. Tài đến đâu cũng không mấy người thành công trong một sớm một chiều đâu anh ạ!
- Có lần ngồi nói chuyện với nhà báo Đông Hà (con trai của hoạ sĩ Lê Duy Ứng - PV), anh có cho tôi biết “xuất xứ” cái tên của mình. Anh kể, tên mình được cha mẹ đặt để kỉ niệm những ngày hai người gặp gỡ và yêu nhau ở Đông Hà, Quảng Trị năm 1973. Tôi từng được nghe về câu chuyện tình đầy thi vị, và cảm động giữa ông và người bạn đời của mình - một người Hà Nội. Tình yêu đặc biệt ấy được hun đúc ra sao, thưa họa sĩ?
+ Cảm động chắc là có nhưng giữa bom đạn ác liệt của chiến tranh rất hiếm có sự thi vị, lãng mạn trong tình yêu, dẫu vẫn biết Đường ra trận mùa này đẹp lắm (thơ Phạm Tiến Duật). Có chăng cũng là sự lãng mạn… tình cờ…
Tôi biết bà xã Trần Thị Lê vào mùa xuân năm 1973, khi ấy Lê cùng với 25 cô gái Hà Nội vào Trạm T72, Đông Hà, Quảng Trị để tham gia đoàn trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn. Khi vừa đánh xong trận Cửa Việt, Hiệp định Pari đã được kí kết, những người lính như chúng tôi có chút ít thời gian nghỉ ngơi. Lúc đoàn trao trả tù binh ngang qua, tôi thấy một cô gái xinh đẹp nổi bật nên vội lấy giấy, chì ra kí hoạ. Bức chân dung được hoàn thành rất nhanh. Tôi chạy đến tặng cho nhân vật. Cầm bức tranh trên tay, cô vui đến ngỡ ngàng, còn các bạn của cô vây quanh xem và khen nức nở: “Ai vẽ cái Lê mà đẹp thế này?” Lúc ấy, tôi mới biết tên cô là Lê. Tôi quen Lê từ đó, rồi mỗi lần có điều kiện lại chạy lên Trạm T72 để gặp gỡ. Khi Lê rời khỏi Đông Hà về lại Hà Nội có trao cho tôi địa chỉ nhà riêng. Từ đó chúng tôi thường thư đi thư lại cho nhau rất tình cảm. Đầu năm 1974, tôi được về Thủ đô làm triển lãm tranh, tôi đã mua vé xem phim để cùng Lê đi xem và còn đến thăm gia đình cô ấy ở khu tập thể Trương Định. Đến nhà, tôi mới biết bố của Lê cũng quê Quảng Bình lại là đồng hương cùng xã nên tình cảm giữa chúng tôi càng thêm sâu nặng.
Tôi chia tay Lê trở lại chiến trường rồi bị thương. Hòa bình, tôi trở lại Hà Nội, nhưng là để điều trị ở Viện quân y 108. Bị thương nặng, lại không còn nhìn thấy gì nên tôi tự ti về bản thân lắm. Không muốn gặp ai và cũng không muốn báo tin cho Lê. Thấy tình cảnh ấy, người bạn học của tôi là Trương Hồng Tân đã tìm gặp cô ấy, bày tỏ mong muốn Lê đến động viên tinh thần cho tôi. Biết tin, Lê vội vã tới. Lê trách tôi: “Tại sao anh ra Hà Nội mà không báo một lời?” Tôi đáp: “Giờ anh đã là một thương binh nặng, mắt không còn nhìn được gì nên không muốn làm khổ một người con gái như em. Anh biết có chàng trai đang theo đuổi em bấy lâu, em hãy đến với người đó. Anh thực sự muốn em hạnh phúc.” Tôi nói xong, Lê òa khóc, cô ấy nói: “Em đã yêu ai thì yêu đến chết một người.”
Đấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau sau những ngày tôi bị thương nặng. Sau đó, dù tôi cố lảng tránh, Lê vẫn đến thăm. Lê còn nói: “Anh là người vì dân vì nước nên em nguyện làm con mắt cho anh, làm cây gậy cho anh trên suốt quãng đời còn lại.” Dù rất cảm động, tôi vẫn từ chối tình yêu của Lê. Tôi chuyển vào Đoàn an dưỡng 200 ở Nghệ An, Lê và gia đình đã lặn lội vào thăm. Tôi không muốn làm khổ cô ấy, nhưng Lê đầy quyết liệt. Cô nhắn nhủ: “Anh đừng từ chối em mãi thế. Em biết anh từ chối em thì sau này anh sẽ có vợ, em sẽ có chồng nhưng anh sẽ không biết mặt vợ anh, con anh, còn em là người yêu mà anh đã biết mặt. Sau này khi mình sinh con, người ta nói con giống em thì anh sẽ tưởng tượng được khuôn mặt con.” Sau câu nói ấy, tôi không thể nào từ chối Lê được nữa…
Tôi hạnh phúc và biết ơn vì có một người vợ thủy chung, hết lòng vì chồng vì con. Cô ấy đã giúp tôi vượt qua những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời. Những khi đôi mắt tưởng không còn và sức khỏe yếu; những khi đôi mắt được chữa lành nhưng đau ốm; những khi đôi mắt bỗng mờ mịt trở lại như ngày đầu bị thương… Lê luôn bên tôi, lặng lẽ chăm lo mọi việc.
Đời tôi, lúc gian nguy đến cả tính mạng vẫn có những người hết lòng cứu giúp. Tôi mang ơn Bác Hồ, mang ơn cha mẹ, mang ơn Lê, mang ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, bác sĩ Trà và những người đồng đội của mình, bạn bè của mình, bà con của mình…
- Giữa ông với Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có kỉ niệm như thế nào?
+ Tôi gặp thủ trưởng Lê Trọng Tấn trong một dịp tình cờ tại chiến trường Cửa Việt. Năm 1972, Trung đoàn 101, Sư 325 của chúng tôi hành quân từ Chí Linh, Sao Đỏ tiến vào Nam để tham gia Chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Trung đoàn đóng quân, chốt giữ ở Đông Bắc thành cổ tại chợ Sải, An Tiêm, Chi Bưu. Tại mặt trận Quảng Trị, tôi đã ở trọn vẹn 81 ngày đêm, ác liệt, với biết bao hi sinh của đồng đội. Ở mặt trận này, ngày 23/8/1972 tôi được phong hạ sĩ, và được kết nạp vào Đảng ngay tại chiến hào Đông Bắc thành cổ.
Sau khi giải phóng thành cổ, tôi được phong chuẩn úy, rồi C bậc phó (như thiếu úy thời bây giờ), cùng đơn vị chuyển xuống Gio Linh, đóng ở bắc sông Cửa Việt, để chuẩn bị vượt sông đánh vào Cửa Việt. Cửa Việt lúc đó là một cảng chiến lược quan trọng và là đầu mối giao thông đường thủy có ý nghĩa lớn đối với cả hai bên nên chiến dịch diễn ra rất cam go. Và như anh đã biết, quân đội ta đã thắng trận này. Tại đây, tôi được giao nhiệm vụ vẽ bức tranh Đuổi giặc ra khỏi Cửa Việt làm truyền thống cho trung đoàn. Trong lúc tôi đang nằm bò trên cát để vẽ thì thấy bên bờ sông, một chiếc xuồng cao su tấp vào, vài ba người lộc cộc bước đến nhìn tôi vẽ. “Bức tranh đẹp quá! Người trong cuộc mới vẽ sinh động như thế này. Đồng chí có thể tặng cho tôi được không?” Vì đang mải vẽ nên tôi quay sang trả lời: “Không! Đây là bức tranh tôi vẽ cho truyền thống Trung đoàn 101 nên không thể tặng đồng chí được.” Tôi trả lời rồi tiếp tục cặm cụi hoàn thành bức tranh. Buổi trưa, lúc đang ở chiến hào, đồng chí liên lạc viên gọi tôi lên hầm chỉ huy gấp. Tôi vội chạy lên thì thấy người hỏi xin bức tranh của mình hồi sáng đang ngồi với trung đoàn trưởng và chính ủy. Thấy tôi, đồng chí trung đoàn trưởng giới thiệu: “Đây là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận cánh đông.” Nghe vậy, tôi run bắn người nhưng Thiếu tướng Lê Trọng Tấn lại hồ hởi bảo: “Tôi đã gặp sáng nay khi cậu ấy đang ngồi vẽ rồi. Bức tranh rất sống động, tôi có xin nhưng cậu ấy không cho và bảo vẽ cho truyền thống của trung đoàn ta.” Nghe xong, tôi liền xin ý kiến trung đoàn trưởng và xin phép được tặng lại bức tranh cho bác Tấn. Cũng nhờ cơ duyên ấy, sau này tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ từ ông. Nói cách khác, thủ trưởng Lê Trọng Tấn là ân nhân của cuộc đời tôi.
Từ bài đăng của nhà báo Sơn Tùng về câu chuyện việc tôi bị hỏng cả hai mắt trong lúc chiến đấu, bác Tấn đã biết tin về tình trạng của tôi. Năm 1982, nghe tin đôi mắt của tôi được cứu chữa, sáng trở lại, Đại tướng cùng trợ lí tìm đến gia đình tôi ở khu tập thể Trương Định rồi mời tôi lên xe đến phòng làm việc riêng của bác. Vừa bước vào phòng, bác Tấn chỉ tay lên tường và hỏi: “Cậu có nhớ bức tranh này không? Tôi đã giữ bức tranh này từ năm 1973 đấy!” Ngắm tranh, tôi xúc động đến rơi nước mắt. Nhưng câu chuyện bác nói sau đó còn khiến tôi xúc động hơn nữa. Đại tướng hỏi: “Có biết ai chữa cho cậu sáng mắt không?” “Dạ là bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân” - tôi trả lời. Đại tướng nghe xong thì cười bảo: “Cậu biết một mà chưa biết mười. Nguyễn Trọng Nhân từng là người liên lạc của tôi từ hồi còn ở Sư đoàn 312. Sau này Nhân được đơn vị cử đi học tại Liên Xô và trở thành một bác sĩ giỏi của quân đội ta.” Trưa hôm ấy, Đại tướng mời cả bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân đến nhà để cùng ăn cơm. Cơm nước xong, Đại tướng lại hỏi: “Cậu có muốn trở thành họa sĩ của quân đội không?” Tôi run rẩy trả lời: “Rất muốn thưa thủ trưởng.” Đại tướng lại quay sang hỏi bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân: “Theo cậu thì Ứng có đủ sức khỏe để quay lại quân đội làm việc không?” Bác sĩ Nhân bảo: “Dạ được ạ!” Đại tướng lại tiếp: “Thế cậu phong quân hàm thiếu úy năm nào?” Tôi nhắc về dấu mốc năm 1973. “Năm nay là 1983, như vậy vừa tròn mười năm và có thể lên đại úy” - bác Tấn nói. Thế là ít ngày sau đó tôi được thủ trưởng Bộ Quốc phòng kí quyết định phong vượt cấp từ thiếu úy lên đại úy và được điều về Xưởng Mĩ thuật Quân đội của Tổng Cục Chính trị.
Anh thấy có tuyệt vời không? Sự quan tâm của các thủ trưởng trong quân đội đối với anh em cán bộ, chiến sĩ cấp dưới đã nói lên tình yêu thương, tinh thần nhân văn hết mực, đã góp phần tô thắm truyền thống của Quân đội ta đấy.
- Vâng truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta luôn được tô thắm từ tinh thần đoàn kết, thương yêu hết lòng với cán bộ chiến sĩ, với Đảng, với Nhân dân! Trong chiến tranh cũng như thời bình Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam không những đảm nhiệm tốt vai trò chỉ huy quản lí công tác Đảng, công tác chính trị của toàn quân mà còn xây dựng nên một “Binh chủng đặc biệt” - Binh chủng văn nghệ sĩ quân đội. Là một người từng làm công tác tuyên huấn, rồi trở thành cán bộ của Tổng cục Chính trị ông đánh giá sao về “Binh chủng đặc biệt” này?
+ “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.” Đó là câu nói của Bác Hồ dành cho văn nghệ sĩ cả nước, trong đó có văn nghệ sĩ của quân đội. Riêng đối với văn nghệ sĩ của quân đội ta còn đảm nhiệm thêm một mặt trận nữa. Đó là mặt trận chống quân thù. Đã có biết bao nhiêu tấm gương văn nghệ sĩ anh dũng hi sinh khi đối mặt với quân thù như các nhà văn: Nam Cao, Nguyễn Thi, Dương Thị Xuân Quý…; các nhà thơ: Thâm Tâm, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân…; các họa sĩ: Hà Xuân Phong, Huỳnh Quốc Trọng…; các nhạc sĩ Anh hùng Lực lượng Vũ trang: Vĩnh Bảo, Hoàng Việt,… và cũng có biết bao nhiêu văn nghệ sĩ quân đội trở thành thương bệnh binh trong những cuộc chiến tranh bảo vệ nền hòa bình độc lập của dân tộc. Ở mặt trận văn hóa văn nghệ thì các văn nghệ sĩ quân đội đã có những đóng góp vô cùng to lớn, trong việc xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của quân và dân ta. Có thể nói, Tổng cục Chính trị chính là ngôi nhà lớn của anh em văn nghệ sĩ quân đội.
- Thế còn sự quan tâm của Tổng cục Chính trị đối với anh em văn nghệ sĩ là quân nhân?
+ Sâu sát và quan tâm của Tổng cục Chính trị với anh em văn nghệ sĩ quân đội thì rất nhiều. Tôi và anh có nói cũng không hết được. Bây giờ xin kể với anh chuyện tôi được quan tâm từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói chung và Tổng cục Chính trị nói riêng.
Năm 1983, tôi được phong vượt cấp từ thiếu úy lên đại úy và quay trở lại với quân đội. Khi ấy, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo tổ chức một buổi lễ đầy xúc động đón người thương binh từng ở trong bóng tối suốt 8 năm trời, giờ được trở về làm việc tại Xưởng Mĩ thuật Quân đội. Tôi làm việc ở đó và thấy lãnh đạo Tổng cục thường xuyên đến thăm, động viên tinh thần sáng tác cho các họa sĩ. Không chỉ động viên, Tổng cục còn lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng để tổ chức triển lãm trong và ngoài nước. Sau này tôi chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng được quan tâm như thế. Tôi sinh năm 1947, về hưu năm 2009, tức là khi 62 tuổi với quân hàm Đại tá, nâng lương lần 2. Đó cũng là sự quan tâm ưu ái đặc biệt của Tổng cục Chính trị, của Bộ Quốc phòng dành cho không chỉ riêng tôi mà với rất nhiều văn nghệ sĩ quân đội. Tôi nghỉ hưu, vẫn được lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, lãnh đạo Tổng cục Chính trị thường xuyên quan tâm. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vừa mới đến thăm gia đình tôi. Đồng chí ngắm tranh, tượng rồi trò chuyện khá lâu. Đặc biệt, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa còn viết những lời cảm nhận, những lời động viên vào cuốn sổ lưu niệm của gia đình tôi. Mắt tôi hỏng rồi, chẳng nhìn và đọc được, nhưng khi nhờ con cháu đọc cho nghe, tôi rưng rưng trước những lời động viên của anh Nghĩa.
Ngày 30/10/2013, tôi được Đảng, Nhà nước, Quân đội phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi nhận được tin này, cảm xúc trào dâng, tôi đã viết và đọc mấy câu thơ để bày tỏ nỗi lòng của mình: Hay tin danh diệu Anh hùng/ Lặng đi khoảnh khắc tưởng dừng nhịp tim/ Biết bao đồng đội hi sinh/ Để vun thành tích cho mình hôm nay/ Bao người góp sức chung tay/ Xây đắp vinh dự lớn này cho tôi/ Phút giây xúc động bồi hồi/ Nhớ quân đoàn nhớ một thời đạn bom/ Đồng đội người mất người còn/ Cũng đều xứng đáng người con anh hùng/ Riêng tôi góp chút công chung/ Trong vườn hoa thắm của rừng chiến công/ Bản thân luôn tự dặn lòng/ Mình là hạt cát giữa dòng đại dương/ Là chiếc lá giữa Trường Sơn/ Vinh Quang đồng đội đã nhường cho thôi/…
Tôi có được có ngày hôm nay là do đồng đội đã nhường cho mình. Nhường cho mình đó thôi.
- Trân trọng cảm ơn Đại tá, họa sĩ, nhà điêu khắc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng. Kính chúc ông luôn mạnh khỏe, dồi dào niềm vui và cảm hứng sáng tạo.
Thực hiện ĐOÀN VĂN MẬT
VNQD