VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhà văn Nguyễn Đức Lợi - viên cuội rừng lấp lánh

Thứ Bảy, 11/11/2023 10:39

Từng đoạt giải Ba cuộc thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và có nhiều truyện ngắn ấn tượng in trên Báo Văn nghệ nhưng đằng sau con người văn chương của Nguyễn Đức Lợi còn có một con người khác. Đó là con người của đam mê sáng tạo, của khai phá trong các lĩnh vực đời sống khác. Tất cả những việc anh làm đều đắm đuối với vùng đất đã cưu mang anh, đều vì tâm niệm để lại chút gì đó cho đời. Cũng ít ai biết rằng, cuộc đời anh đã có những bước thăng trầm, những khoảng thời gian đối diện với bệnh tật và sự tuyệt vọng, thậm chí đã có khoảnh khắc muốn tìm đến cái chết.

Bài viết của nhà văn Nguyễn Phú về một người anh, một người bạn văn nhiều gần gũi, thân thiết và đồng cảm.

Hà Nội.

Mùa đông năm 1998.

Bầu trời màu xám chì nằng nặng. Gió từ trời cào xuống, gió từ sông thốc lên. Từng cơn. Từng cơn... Cắt cứa vào da thịt. Cây cầu Long Biên gỉ sét, u trầm đã xuyên hai thế kỉ, gánh bao nỗi đời xuôi ngược như cũng run lên vì lạnh. Trên cầu, một hình nhân lững thững bước, thi thoảng ngồi thụp xuống ôm đầu. Khi cơn đau dịu xuống, hình nhân lại đứng lên bước tiếp. Gương mặt khắc khổ. Đôi mắt thất thần. Bộ râu tua tủa hẳn mấy ngày đã không cạo. Những sợi tóc bị gió quất ngược lên... Mặc những cơn gió. Mặc vài ba bóng người, bóng xe hối hả trượt qua. Hình nhân cứ bước, như đang mộng du... Đã hai-mươi-tám-ngày không chợp mắt. Cả hai bệnh viện lớn đều không cho nhập viện, họ cùng nói “bệnh này phải sống chung, về ăn uống nhiều vào, ngủ nghỉ thoải mái, không làm gì, không lo nghĩ gì nữa”... Hình nhân rùng mình nghĩ đến những lời dặn dò, những người trong bản đã từng bị bệnh viện trả về. “Thôi, đời ta thế là không còn gì nữa”, ý nghĩ vang trong đầu như muốn bật lên thành tiếng nấc. Tay đã đặt lên lan can, chỉ một cú nhảy thôi... Nào, một... hai... ba... Dòng sông này sẽ mang đi tất cả. Mọi cơn đau. Mọi nợ nần...

Nhưng rồi, một điều gì đó hẳn là có sức mạnh ghê gớm lắm đã khiến hình nhân khựng lại. Hình nhân nhìn thật sâu xuống lòng sông, lại ngửa mặt nhìn trời. Rồi chầm chậm từng bước ngược đoạn đường vừa đi để trở về phòng trọ.

Hình nhân đó sau này trở thành một nhà văn. Đó là nhà văn Nguyễn Đức Lợi.

Khi được hỏi tại sao lúc ấy anh dừng lại, Nguyễn Đức Lợi bảo: “Lúc mình thấy thanh thản nhất, người đang đau như xé cơ do di chứng của những cơn co giật và muốn chấm dứt tất cả thì bỗng nghe văng vẳng tiếng trẻ con khóc. Nhìn quanh chả thấy ai. Thì ra tiếng khóc vang lên trong đầu. Hình ảnh vợ khóc, quăng đứa con mới biết lẫy nằm khóc ngất giữa giường để chạy đi tìm người cấp cứu chồng cứ bám riết lấy mình lúc đó… Và mình đã quay vào...”

Đó thực sự là một ngày định mệnh trong chuỗi tháng ngày địa ngục giữa trần gian của Lợi và gia đình bé nhỏ với ba con người. Cái địa ngục kinh khủng kia bắt đầu từ buổi sáng người chồng bỗng ôm đầu, rú lên, co giật rồi ngất xỉu. Và từ đó là những cơn đau như dao sắc, dùi nung xiên vào não, vào da thịt. Hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia. Nợ mới chồng nợ cũ. Bệnh tật hành hạ đã biến người đàn ông trẻ từng mang sức lực của một chú gấu rừng thành thân tàn ma dại. Nguyễn Đức Lợi bảo đó là căn bệnh từ tủy, làm thiếu oxy lên não.

*

Nhà văn Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: FBNV

Sau cú chết hụt ở cầu Long Biên buổi trưa mùa đông năm ấy, Nguyễn Đức Lợi quyết định trở về với núi, với vợ con. Đó là chuyến đi dài nhất của cuộc đời anh. Và bảy năm ròng số phận, bệnh tật đày ải Lợi. Không biết bao lần co giật... ngất xỉu... cấp cứu... Không ít ngày sống trong tình trạng thực vật. Bảy năm - 2.555 ngày quên hết bố mẹ, anh em, bạn bè, chỉ lơ mơ vợ, lơ mơ con và lơ mơ... chính mình! Từ năm thứ hai sau tai biến, các cơn co giật dày hơn cả giấc ngủ. Nhưng phải sống, không còn khả năng làm việc, liệu trình điều trị thường bị đứt quãng vì thiếu thuốc do không có tiền mua. Chỉ có ý chí với câu thần chú niệm đến hàng ngàn lần mỗi ngày: “Không cố sẽ chết!” Và chữ. Nguyễn Đức Lợi đã vịn vào chữ để đứng dậy, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì lúc ấy, ngoài cầm bút, anh không còn có thể làm gì ở khoảng ngừng nghỉ giữa những cơn đau. Lợi học viết báo từ những mẩu báo vớ được bất cứ chỗ nào. Những con chữ đầu tiên của người đàn ông ngấp nghé ba mươi tuổi học viết báo sai lỗi chính tả choe choét. Để khắc phục anh mượn từ điển đọc như đọc... tiểu thuyết. Lợi viết như thiêu thân, viết như ngày mai không còn sống để mà viết. Hàng trăm bài viết gửi đi đều chìm vào im lặng. Và anh lại niệm thần chú: “Không cố sẽ chết!” Sau hai năm, hàng loạt bài báo từ bé đến lớn như những cánh chim báo tin xuân ùa về với anh. Từ đó Lợi tiếp tục vật lộn, cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa đầy lấm láp, nhọc nhằn.

Có nguồn thu nhập nhỏ từ nhuận bút, Lợi đánh liều mua chịu năm đàn ong mật và trở thành người đầu tiên của tỉnh Lai Châu (cũ) sở hữu đàn ong. Nhưng ong chết ráo cả năm đàn. Lại tiếp tục mua, rồi đến lúc anh trở thành người giữ kỉ lục từ một đàn ong nhân lên mười hai đàn trong một năm, kĩ thuật cấy và thu hoạch sữa ong chúa, đổ mũ ong chúa bằng sáp lên hàng “thượng thừa”. Nhưng hỡi ơi, những sản vật tinh túy của đất trời, được săn sóc, nâng niu, chắt lọc từ mồ hôi, nước mắt người rơi vào cảnh nghiệt ngã là đắp đống quanh nhà, không bán được. Nợ cũ nợ mới, nợ mẹ nợ con lại hò reo, o ép, dồn đuổi cho cái “thằng người” sống dở chết dở về thể trạng nhưng tinh thần, ý chí thì sắt thép cũng chịu thua một phen lao đao, thảm khốc... Ong không cứu được hoàn cảnh khốn quẫn thì cầu đến cây cà phê. Trồng cây đến khi cho quả, cà phê rớt giá thảm hại. Quay sang nuôi lợn, lợn chết hàng đàn... Dường như không còn gì để mất nữa. Lúc ấy, khối nợ của Lợi đã lên tới con số khủng khiếp, tương đương với hai lăm tỉ đồng thời giá bây giờ...

Lại một lần nữa bệnh tái phát do lao lực, suy nghĩ nhiều. Có lúc Lợi rơi vào cảm giác rỗng hoàn toàn, không trọng lượng, lang thang trong đồi rừng như người bị thần núi bắt mất hồn mất vía. Không thuốc thang, chả niệm chú, cóc cần luyện tập khí công khí keo gì hết. Người như cái cây khô dần, kiến mối xông dần, chỉ một cơn gió chắc sẽ đổ kềnh...

*

Cuộc thi truyện ngắn 2011 - 2012 trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam là cuộc đua văn chương sôi nổi, cam go, quyết liệt. Năm đó, tôi theo dõi khá kĩ cuộc thi và Ma Núi Rắn của Nguyễn Đức Lợi là một truyện ám ảnh. Vấn đề kiếm tìm hạnh phúc, cuộc sống bình dị của người lính bước ra từ cuộc chiến, của người phụ nữ yếm thế không mới. Nhưng cách viết lạ hóa nhân vật, đan cài hư - thực và luôn có những khoảng lấp lửng để người đọc phán đoán đã làm cho Ma Núi Rắn có sức hấp dẫn, sự lôi cuốn riêng. Tôi đồ rằng, nhân vật Không Biết - một anh bộ đội bị nhiễm hóa chất, biến dạng hình hài thành kì quái, bao năm lẩn khuất trong rừng - được Lợi lấy nguyên mẫu từ... chính anh! Các địa danh Núi Rắn, làng Ngú Háu... trong tác phẩm cũng được Lợi bê từ ngoài đời thực vào. Bởi thế có người bạn văn chương đã khóc khi biết tin Lợi đoạt giải cao, bởi hơn ai hết chị hiểu Lợi đã viết bằng nội lực phi thường, bằng những cơn đau, mồ hôi, nước mắt, bằng chính cuộc đời anh. Trước Ma Núi Rắn, trên hành trình viết, Nguyễn Đức Lợi cũng đã giành được rất nhiều giải thưởng văn chương, báo chí danh giá. Ba lần có tác phẩm lọt vào “top ten” truyện ngắn hay của năm trên báo Văn nghệ, giải Ba cuộc thi thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2003 và nhiều giải thưởng Trung ương, địa phương... Thành quả đó đủ để xác lập cái tên Nguyễn Đức Lợi trên bản đồ văn chương Tây Bắc cũng như cả nước. Từ xứ núi Ngú Háu những con chữ của Lợi đã hoan ca, phát sáng. Tâm sự với anh về văn chương, Lợi bảo: “Văn chương với cá nhân mình chính là đời. Đời động cựa trong chữ nghĩa, khát vọng, giãy giụa và bất kham, cả bất lực lẫn thoả mãn. Vì thế mà con dấu cuộc đời luôn được mình triện lên văn chương một cách nhọc nhằn, nhưng cảm khoái…”

Dù công việc kinh doanh, duy trì hoạt động của Đào Viên Sơn vô cùng bận rộn, Nguyễn Đức Lợi vẫn dành thời gian cho những chuyến đi, những trải nghiệm cho việc viết cũng như sưu tầm những giống cây, vị thuốc của địa phương. Ảnh anh tại cột mốc số 0 trên đỉnh A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: FBNV

Văn của Nguyễn Đức Lợi xù xì, trần trụi, bạo liệt. Phần lớn nhân vật trong tác phẩm của anh đều bị xô đẩy hoặc tự nhấn chìm mình vào những cảnh huống éo le, cay đắng hoặc dữ dội, khốc liệt, tăm tối, tàn bạo. Đó là những người đàn bà chịu đắng cay vì lời mắng chửi, đòn roi, sự đày đọa của cha, chồng và hàng trăm thứ bất công. Đó là những tên lục lâm thảo khấu, đầu trộm đuôi cướp, những gã sơn tràng, bọn đào vàng. Đó là những ả ca ve, đĩ điếm... Những con người đáng thương và phần lớn là lệch dị này quay cuồng trong thế giới hỗn mang, tăm tối, đầy cạm bẫy, bạo lực ở giữa núi rừng hoang sơ hay trong một thị trấn xô bồ, ô hợp. Tàng ẩn đằng sau những con chữ và giọng văn khách quan, có vẻ lạnh lùng là một tấm lòng sẻ chia với nỗi đau, ngang trái và sự day trở, truy nguyên bóng tối, cái xấu, cái ác còn đầy rẫy trong cõi người.

Thiên nhiên trong các truyện ngắn của Nguyễn Đức Lợi được tái hiện hết sức hoang dã, kì bí, dữ dội. Nó là hiện thực thiên nhiên vùng núi Tây Bắc nhưng cũng là sản phẩm của sự phóng chiếu từ cá tính sáng tạo mạnh, của một tâm hồn luôn chứa đựng những cuộc vật lộn, đấu tranh sinh tử. Thiên nhiên ấy thường chuyên chở những thông điệp và góp phần không nhỏ vào sự thành công của truyện ngắn Nguyễn Đức Lợi. Đây là bức tranh hoàng hôn trong Nhân bản hoang vu, truyện ngắn đoạt giải Nhất cuộc thi “Những làn gió Tây Bắc” do Báo Văn nghệ Hòa Bình tổ chức năm 2018: “Hoàng hôn mở sân khấu đại nhạc hội phía sau rừng lau, biến những bông lau vốn trắng muốt như những đám mây non thành một đồi lau rực máu. Máu chênh chao! Máu ngả ngớn! Máu xiêu xẹo! Và máu rụi rạp, mủn mục, rồi nhợt nhạt đỏ trắng. Một đàn chim ri chí chóe giành nhau chỗ ngủ, vô tình cũng thành đàn chim máu…”

*

Những ngày tháng này, bước chân vào khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn của Lợi, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng, choáng ngợp trước khung cảnh bát ngát, rạng bừng, lộng lẫy của muôn sắc hoa, của các công trình nghệ thuật rải rác trên tổng diện tích bảy hécta vườn đồi. Lợi luôn biết ơn, trân trọng và có ý thức gìn giữ văn hóa bản địa, thế nên trong khuôn viên Đào Viên Sơn không hiếm gặp các công trình mang tính biểu tượng đặc sắc văn hóa của đồng bào các tộc người thiểu số như khèn H’Mông khổng lồ, trâu thần trong văn hóa Thái đen, ngôi nhà phục dựng theo lối cổ của đồng bào khu vực Ngú Háu...

Khu du lịch Đào Viên Sơn do Nguyễn Đức Lợi khởi tạo luôn bảo tồn sự hoang dã của thiên nhiên. Ảnh: FBNV

Hơn chục năm dõi theo Lợi, thi thoảng trò chuyện với anh, tôi thấy ngoài một Lợi nông dân, một Lợi chủ doanh nghiệp, một Lợi nhà văn, một Lợi nghệ sĩ sắp đặt... còn là một Lợi nhà khoa học. Trại nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn tươi của Nguyễn Đức Lợi đã lên vài tỉ đồng đầu tư và vài tỉ đồng “sở hữu” công nghệ. Lợi bảo đến với tảo xoắn chính là hành trình anh đi tìm “sức đề kháng” và “hồi phục các di chứng não”. Hơn ngàn ngày, không biết bao nhiêu thất bại, chán nản có, suy sụp có, nhưng một lần nữa tiếng nói sâu thẳm trong anh lại vang lên: Không được phép dừng lại! Mũi tên đã bắn đi phải trúng đích. Rồi cái ngày ấy, hạnh phúc vỡ òa, khi Nguyễn Đức Lợi nghiên cứu thành công công nghệ nuôi tảo xoắn hệ kín, trong bể kính, đặt trong nhà kính đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm đó. Nuôi tảo hệ kín trong bể kính vừa loại được các loại tảo tạp chứa độc tố, vừa chống lại sự ăn mòn của nước biển, thải độc ngược từ vật liệu nuôi vào tảo. Sau đúng ba năm, tháng 4/2017, sản phẩm “Tảo xoắn tươi cao cấp không tanh Đức Lợi” chính thức được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp chứng nhận sản phẩm tốt và an toàn.

Là người bị số phận dập vùi, nhiều phen thập tử nhất sinh, không ít lần có nguy cơ phá sản, thậm chí là có thể... vào tù vì nợ nần, nhưng Nguyễn Đức Lợi luôn biết ơn cuộc đời, biết ơn cả những nghiệt ngã của số phận. Với anh, cái sự sống này quý giá vô chừng. Quý đến mong manh, quý đến nỗi lúc nào cũng chỉ lo nó vỡ, lo nó mất, nên Lợi cực kì bám riết, cực kì nâng niu. Nâng niu đến độ buông tha mọi tiêu cực, tích luỹ mọi tích cực để mà sống nốt, để mà làm nốt những thứ sợ không còn được làm. Lợi bảo: “Nhìn mọi thứ, nhìn mọi người chỉ có yêu thôi, dù đôi khi vẫn cục bộ hờn dỗi, cục bộ buồn phiền, nhưng cái cơ bản, cái phần đa là yêu thương nó chiến thắng, nó biến thành nội lực, thành nghị lực, rồi thành thế lực của mọi sự phấn đấu, của mọi gắng gỏi, cứ như thể ngày nào cũng là ngày cuối cùng…”

Với tất cả những phiên bản của Lợi, tôi thích ngắm anh trong phiên bản một người nông dân cần cù, nhẫn nại, đầy đam mê và sáng tạo trên đất cằn, đá cuội Núi Rắn. Có lẽ vì thế nên nhiều năm qua, ở nơi xa, mỗi khi nghĩ về anh, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh một viên cuội lấp lánh giữa ngút ngát núi rừng.

Ông chủ Đào Viên Sơn với thú chơi đại bàng. Ảnh: FBNV

Trên bước đường mưu sinh, tìm tòi khởi nghiệp, với tâm hồn của một người làm công việc sáng tác, nhà văn Nguyễn Đức Lợi đã bén duyên với du lịch và là cá nhân tiên phong phát triển du lịch bản địa tại Điện Biên. Từ cả chục năm trước anh đã khởi tạo dự án Đào Viên Sơn trên diện tích đất canh tác trên 70 nghìn mét vuông của gia đình tại xã Ẳng Tở, huyện Mường Ẳng, Điện Biên. Đến nay Đào Viên Sơn đã là một điểm đến tham quan của người dân Điện Biên cũng như du khách cả nước yêu thích thiên nhiên và sinh thái. Song song với đó, anh còn bỏ công sức nghiên cứu và nuôi trồng thành công tảo xoắn Spirulina Platensis theo công nghệ nhà kính của Israel, tạo lập thành công thương hiệu Tảo xoắn không tanh Đức Lợi được người tiêu dùng tin cậy cho việc tăng cường sức khoẻ và làm đẹp.

NGUYỄN PHÚ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)