Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1025 (cuối tháng 11/2023)

Thứ Bảy, 18/11/2023 08:39

 “Tôi trở về từ chiến trường, với đôi mắt bị thương, không nhìn thấy nữa. Không nhìn thấy nhưng tôi vẫn vẽ, với niềm tin ánh sáng ở trong mình. Tôi một đời nặng nợ với núi sông, nặng nợ với những người đã hi sinh, cho Tổ quốc cho hoà bình dân tộc…”. Đó là những chia sẻ của Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng trong bài trò chuyện mang tên Vinh quang đồng đội đã nhường cho tôi. Bài trò chuyện do nhà thơ Đoàn Văn Mật thực hiện sẽ mở đầu tạp chí số 1025.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Nữ bưu tá của Hữu Đạt, Vợ dại của Nguyễn Mạnh Hùng, Ba quả trứng lòng đào của Nguyễn Anh Tuấn; bút kí “Binh pháp” vùng biên của Nguyễn Xuân Thủy; tản văn Tiếng chim vùng xa thẳm của Hoàng Gia Điềm.

Nữ bưu tá kể về Phương, cô nữ bưu tá xinh đẹp, dũng cảm, giàu lòng trắc ẩn. Cô vượt qua bom đạn mang thư của gia đình bạn bè đến động viên, cổ vũ tinh thần những người lính nơi chiến trường. Đông là người không bao giờ nhận được thư bởi anh không còn người thân. Câu chuyện cảm động từ đây đã được viết nên…

Vợ dại gây ấn tượng với bạn đọc không chỉ bởi giọng văn hài hước, mà sâu xa hơn, truyện chia sẻ về mối quan hệ của gia đình, xã hội. Mỗi người sinh ra với mỗi tính cách, mỗi khả năng khác nhau. Điều quan trọng là ta biết lựa chọn những cách ứng xử, lựa chọn những công việc phù hợp. Đằng sau tiếng cười, truyện để lại nhiều suy ngẫm.

Ba quả trứng lòng đào là truyện ngắn lịch sử kể về tình cảm sâu nặng cũng như những biến cố dẫn đến việc Bình An vương Trịnh Tùng - vị chúa chính thức đầu tiên của dòng họ Trịnh dưới thời Lê Trung hưng và người anh cùng cha khác mẹ Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối đối đầu nhau trong cơn binh đao đổ máu. Truyện xúc động, và để lại những bài học ý nghĩa.

“Binh pháp” vùng biên là kì đầu của chùm bút kí Những vì sao biên giới được viết trong chuyến đi thực tế dải biên cương hơn hai trăm cây số của tỉnh Thanh Hoá của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vũ Quang Trạch, Đặng Bá Khanh, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Văn Song, Hoàng Đình Hùng, Lê Đức Nghinh, Vũ Toàn, Trần Thị Huê, Đinh Tiến Hải, Đỗ Thượng Thế, Trần Lê Anh Tuấn, Hương Giang.

Những dấu ấn đề tài chiến tranh, người lính, quê hương đất nước, tình yêu con người…; sự riêng biệt trong phong cách biểu đạt; sự khẳng định giọng điệu, màu sắc riêng của mỗi tác giả đã làm nên sự ấn tượng, độc đáo cho trang thơ số này.

 

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Cõi mẹ của Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu thi tập Mẹ của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Hoa hồng thạch anh của Tàn Tuyết do Châu Hải Đường dịch.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Minh Trường, Hoàng Đình Bường, Bích Ngân, Đỗ Thị Thanh Nga, Mã Giang Lân, Vũ Ngọc Thư.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, Trường Sơn bây giờ đã khác xưa, những vết thương đã dần kín miệng, những khoảng rừng cháy trụi năm nào giờ đây đã xanh trở lại, nhưng trong tiềm thức của những nhà thơ cựu chiến binh từng một thời ôm súng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì kỉ niệm về Trường Sơn chắc chắn vẫn còn mãi. Những câu thơ về Trường Sơn sẽ được nhắc trong bài viết Cảm hứng Trường Sơn trong thơ viết trên đường ra trận.

Sau 1975, đất nước thống nhất, sự dịch chuyển của đời sống từ bối cảnh chiến tranh sang hòa bình với nhiều sắc thái đã làm thay đổi những thang bậc giá trị, tư duy và đạo đức, tạo nên rất nhiều kiểu xung đột mới trong ý thức con người và xã hội. Đó là tiền đề tạo rất nhiều cảm hứng cho thể loại kịch nói, vốn lấy xung đột làm nền tảng để khai thác. Bài viết Xung đột trong kịch nói 1975 - 1985: Quá khứ sống cùng hiện tại sẽ bàn luận về vấn đề này.

Thân phận cá nhân, thân phận cộng đồng, thân phận dân tộc, thân phận nhân loại, cả thân phận của những thời đại được kết nối với nhau, đồng hiện, loại trừ nhau hay hòa quyện nhau, không phải bằng con đường thăm thẳm của lịch sử mà bằng tâm cảm, bằng tâm linh, bằng khát vọng chắp thêm những đôi cánh, mở thêm những chân trời… Bài viết Vượt thoát, sáng tạo, phẩm hạnh - ánh sáng chiếu soi gợi nhiều suy ngẫm.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1025 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/11/2023. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Đoàn Văn Mật

Vinh quang đồng đội đã nhường cho tôi

Hữu Đạt

Nữ bưu tá

Nguyễn Xuân Thủy

Những vì sao biên giới: “Binh pháp” vùng biên

Nguyễn Mạnh Hùng

Vợ dại

Nguyễn Anh Tuấn

Ba quả trứng lòng đào

Hoàng Gia Điền

Tiếng chim vùng xa thẳm

 

Thơ

Vũ Quang Trạch

Bên mộ anh; Mây tái hiện; Gần mặt trời

Đặng Bá Khanh

Mắt rừng; Sa Vĩ; Lớp học trên đảo

Nguyễn Ngọc Hưng

Nhớ; Nhà xưa

Nguyễn Văn Song

Đôi bàn chân mẹ; Khất thực

Hoàng Đình Hùng

Những bài thơ anh viết trong chiến tranh

Lê Đức Nghinh

Bên bến Ô Lâu

Vũ Toàn

Người lính về từ đảo Gạc Ma

Trần Thị Huê

Bên kia một hay hai

Nguyễn Thanh Tâm

Cõi mẹ (Đọc Mẹ của Nguyễn Phúc Lộc Thành)

Đinh Tiến Hải

Trước biển hồ Cấm Sơn;

Trong khu rừng nguyên sinh; Thành Tuyên

Đỗ Thượng Thế

Lộc Yên từng bậc chiều lên; Cảm giác trưa

Trần Lê Anh Tuấn

Cố đô; Nơi chốn

Hương Giang

Hoàng hôn trên đình Chèm; Âu cảng

 

Văn học nước ngoài

Tàn Tuyết

Hoa hồng thạch anh (Châu Hải Đường dịch

từ nguyên bản tiếng Trung)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Minh Trường

Cảm hứng Trường Sơn trong thơ viết trên đường ra trận

Hoàng Đình Bường

Thiếu tướng Lê Huy Mai: Từ châu thổ sông Hồng

đến sông Hương - xứ Huế, và…

Bích Ngân

Vượt thoát, sáng tạo, phẩm hạnh - ánh sáng chiếu soi

Đỗ Thị Thanh Nga

Xung đột trong kịch nói 1975 - 1985:

Quá khứ sống cùng hiện tại

Mã Giang Lân

Trần Quang Quý - nội lực thơ cường tráng

Vũ Ngọc Thư

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

 

Minh hoạ, ảnh

Bìa 1: Khúc ca bi tráng Trích tranh của họa sĩ Bùi Anh Hùng

Minh họa: Lê Trí Dũng, Doãn Hoàng Kiên, Nguyễn Bá Kiên,

Ngô Xuân Khôi, Tào Linh, PV...

VNQD
Thống kê