Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: Làm kiến trúc là làm văn hóa

Thứ Sáu, 29/03/2024 11:26

Không màu mè hoa mĩ, đi thẳng vào vấn đề một cách mộc giản nhất, những diễn giải về kiến trúc của anh khiến người nghe như được dẫn vào thế giới vừa gần gũi nhưng cũng vừa huyền bí, thân thuộc đấy nhưng không dễ để chạm vào. Hiện là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cũng là giảng viên Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội. Hàng trăm công trình mang đậm dấu ấn, sự kết nối văn hóa với tính ứng dụng cao trong thực tiễn trải khắp các vùng quê Việt Nam đã mang đến cho anh rất nhiều giải thưởng kiến trúc, văn hóa, xã hội danh giá từ khi tác giả còn rất trẻ. Con đường đã chọn nhiều năm trước đến nay vẫn được anh và cộng sự tại Văn phòng kiến trúc “1+1>2” bồi tụ, phát triển ngày càng rộng mở hơn.

PV: Xin chào Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào! Quả thực khi đọc thông tin về anh, giữa một biển giải thưởng và những công trình kiến trúc mà đa phần đều nhỏ xinh, ích dụng nhưng cũng mơ mộng và đầy cuốn hút, tôi không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ xin bắt đầu bằng giải thưởng mới nhất trong vô vàn giải thưởng của anh - một công trình nhỏ ở vùng cao, một địa điểm ý nghĩa gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đó là Trường mầm non và tiểu học Lùng Vài. Một trường học bé xíu trong số hàng vài chục nghìn trường học được xây dựng mỗi năm trên những khu vực địa lí của thế giới, nhưng đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá. Có lẽ đằng sau đó ẩn chứa những câu chuyện…

KTS Hoàng Thúc Hào: Điểm Trường mầm non và tiểu học Lùng Vài do Văn phòng kiến trúc “1+1>2” chúng tôi thiết kế, xây dựng từ nguồn kinh phí thiện nguyện của Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA Corporation (Thành phố Hồ Chí Minh). Công trình có quy mô 600 m2, gồm ba phòng học, một phòng nghỉ giáo viên, một bếp ăn, nhà vệ sinh, sân chơi và đồ dùng học tập. Tổng số kinh phí được tài trợ trên 2 tỉ đồng. Lùng Vài là một bản nằm trên đỉnh núi cheo leo, nơi cư trú của đồng bào Mông. Trường mầm non và tiểu học Lùng Vài có thiết kế không gian chuyển động cao thấp liên hoàn, lấy cảm hứng từ những đường đồi núi quanh co, ruộng bậc thang và những mái nhà lô xô, gắn chặt vào địa hình, bối cảnh của khu vực. Điểm trường gồm hai lớp mầm non, một lớp tiểu học, với tổ hợp hình khối linh hoạt, sinh động tạo cảm hứng cho trẻ. Với những mái tôn cong xòe rộng, ngôi trường như chiếc đĩa bay đậu trên sườn đồi hay cây nấm rừng bung ra từ lòng đất. Nhìn từ trên cao, công trình gợi liên tưởng thửa ruộng bậc thang với mặt nước lấp lánh soi bóng khung cảnh núi rừng. Kiến ​​trúc mang đậm bản sắc văn hóa, hài hòa với thực cảnh, Trường mầm non và tiểu học Lùng Vài đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế: hạng mục “Chung tay của năm” giải thưởng Ashui Awards 2022; hạng mục “Trường học” giải thưởng IAA Chicago 2023; hạng mục “Giáo dục” giải thưởng Archdaily Building of the year năm 2024. Một năm thế giới họ xây vài chục nghìn cái trường, khắp nơi biết bao nhiêu là trường. Việt Nam mình bé nhỏ, Điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài cũng là một ngôi trường bé tí cho trẻ em vùng cao, thế mà chúng tôi đoạt giải độc đắc, đó là điều không dễ…

- Xưa nay nói đến kiến trúc và những công trình kiến trúc tiêu biểu người ta thường nghĩ đến không gian đô thị, còn anh đã tìm cách khai mở, đưa kiến trúc về vùng sâu vùng xa. Điều này chắc hẳn xuất phát từ quan niệm, triết lí về kiến trúc của anh có sự khác biệt?

+ Có mấy câu chuyện: Chúng ta nhìn kiến trúc chủ yếu ở đô thị, sinh viên học kiến trúc ở đô thị, các trào lưu kiến trúc cũng xuất phát từ đô thị. Nhưng phần lớn diện tích trái đất không chỉ đô thị, phần nông thôn nếu thống kê thì lớn lắm, châu Phi, Ấn Độ, Nam Mĩ, Trung Quốc… và ngay cả nông thôn Việt Nam. Ở những vùng đó người dân tự làm kiến trúc, không có kiến trúc sư chuyên nghiệp. Đó là kiến trúc dân gian, kiến trúc mới nông thôn chủ yếu học theo đô thị, bắt chước là đô thị kéo dài. Chỉ châu Âu là phát triển sớm, kiến trúc đã thành ý thức xã hội, dân trí quan trí với kiến trúc đều tốt, còn lại nhiều vùng của thế giới chưa được như thế. Trong khi đó, những vùng nông thôn Việt Nam nắm giữ trữ lượng văn hóa rất lớn. Chúng ta có 54 dân tộc, kiến trúc truyền thống rất đẹp, nhưng kiến trúc hiện đại lại không có, đó là một sự đứt gẫy, rất lãng phí. Chúng ta cần một sự công bằng trong kiến trúc. Làm sao để phát huy quá khứ, tiếp biến văn hóa ấy trong đời sống hiện đại. Đó là mảnh đất màu mỡ để các kiến trúc sư sáng tạo.

Đô thị của chúng ta cũng không có bản sắc. Một số đô thị lịch sử như Huế, Hà Nội phần cổ rất đẹp nhưng phần xây mới lại dở. Làm sao để châm cứu, tăng giá trị bản địa lên, cấy vào để dần dần nó lan tỏa những giá trị mới, phù hợp với quá khứ, tiếp biến quá khứ... Đó là những việc chúng tôi đã làm và vẫn đang làm, làm lâu dài. Câu chuyện công bằng trong kiến trúc, làm kiến trúc cho nông thôn, phát huy yếu tố truyền thống trong kiến trúc hiện đại, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thì luôn gặp phải vấn đề là không có tiền. Không ai trả kinh phí cho kiến trúc sư đến đấy làm cả, người dân mà trả kinh phí thiết kế thì rất thấp, chỉ vài triệu, nếu làm ở Hà Giang thì nguyên việc đi đến Hà Giang thôi đã hết khoản tiền đó rồi. Bởi thế kiến trúc sư rất ít người đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa làm việc. Họ phải kiếm sống bằng làm nghề, nuôi nghề kiến trúc của họ. Còn ai làm việc với nông thôn là phải tự nguyện, phải dấn thân, phải chấp nhận không có kinh phí...

KTS Hoàng Thúc Hào trong một lần nhận giải thưởng kiến trúc quốc tế. Ảnh: NVCC

- Thế nhưng anh đã từng bỏ ra cả tỉ đồng để xây dựng Nhà cộng đồng Suối Rè ở Lương Sơn, Hòa Bình từ 16 năm trước. Thường người ta hay làm công tác xã hội khi đã thành danh, khi đã có thể sống được bằng nghề, nhưng ở thời điểm đó anh còn khá trẻ và mọi thứ mới đang bắt đầu…

+ Giải thưởng kiến trúc Việt Nam chủ yếu nằm trên giấy, ít khi có công trình thật. Công trình Nhà cộng đồng Suối Rè xuất phát từ việc chúng tôi muốn làm một công trình thật để đem đi dự thi kiến trúc quốc tế. Ban đầu cũng là ích kỉ cá nhân thế thôi. Công trình kiến trúc tốn rất nhiều tiền để xây dựng, nên tôi làm ở nông thôn thôi, công trình bé thôi để tốn ít tiền. Kiến trúc không phải là viết một cuốn sách hay vẽ một bức tranh đâu, xây dựng nên chúng rất tốn kém. Tôi chọn nhà cộng đồng vì nó như đình làng vậy, là nơi quy tụ cộng đồng dân cư khu vực ấy trong những hoạt động chung. Thế mà chúng tôi cũng phải chờ khi nhận được một giải thưởng lớn mới “dám” khởi công. Đó là giải thưởng về quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận. Số tiền thưởng 30 nghìn đô la đó chúng tôi đã lấy làm mồi để khởi công Nhà cộng đồng Suối Rè. Kiến trúc sư là người sáng tác, không thể chờ đủ cơm áo gạo tiền mới làm. Trong hội họa, ông Sáng, ông Phái (các danh họa Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái của Việt Nam - PV) các ông ấy vẽ những bức tranh đẹp nhất đều từ thời trẻ chứ có phải khi đã thành danh đâu; trong văn học cũng vậy, các nhà văn cũng thế, tác phẩm hình thành thời có khi còn mông muội, ông Bảo Ninh, ông Nguyễn Huy Thiệp viết những tác phẩm sau này nổi tiếng từ những thời xa xôi khốn khó. Không thể chờ kiếm tiền đủ rồi mới làm được…

- Anh là người đưa ra khái niệm “Kiến trúc hạnh phúc”, anh có thể chia sẻ một chút về khái niệm này? Nó có liên quan gì đến công trình Trung tâm hạnh phúc mà Văn phòng kiến trúc “1+1>2” của anh thực hiện tại Bhutan, quốc gia hạnh phúc hay không?

+ Năm 2008, Bhutan trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn đo GNH (Gross National Happiness - Tổng hạnh phúc quốc gia) để đánh giá những yếu tố mang lại giá trị cho đời sống, thay cho chuẩn đo GDP. Nhân sự kiện này, hoàng gia và chính phủ Bhutan quyết định thành lập một trung tâm, nơi mọi người từ khắp thế giới có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lí sống hạnh phúc của người Bhutan thông qua thực hành thiền và học cách trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, tiêu dùng… Hai trong bốn trụ cột của chuẩn đo GNH là bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy văn hóa. Bởi vậy, chính phủ Bhutan yêu cầu công trình GHN center phải thân thiện, thể hiện bản sắc địa phương qua chất liệu, màu sắc, họa tiết nhưng phải cách tân và hiện đại hóa. Tôi đã được mời thiết kế công trình này.

Quần thể kiến trúc nằm trong rừng thông, gồm phòng hội nghị 120 chỗ, phòng tập thiền 250 người, nhà hành chính, nhà bếp, nhà ăn tập thể, cùng 5 nhà lưu trú nhỏ. Các khu nhà nằm rải rác trên triền núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, ven sông lớn ở tỉnh Bumthang, đông bắc Bhutan. Công trình đã đi vào sử dụng, bước đầu được người dân Bhutan đón nhận cũng như các vị khách từ khắp nơi trên thế giới khi đến đó cảm nhận được phần nào thông điệp hạnh phúc mà đất nước Bhutan muốn truyền tải.

Khi làm thiết kế trung tâm hạnh phúc Buttan, quan sát cách sống, cách bảo tồn văn hóa, chung sống hài hòa với tự nhiên ở đây, tôi tự hỏi liệu những người làm kiến trúc có hạnh phúc không, hạnh phúc nhất là cái gì. Tôi tìm hiểu các khái niệm về hạnh phúc bền vững. Có nhiều quan điểm nhưng theo quan điểm của Đại học Harvard, hoàn cảnh chiếm 10-15% hạnh phúc đời người; thứ hai là gen sinh học, nó là thứ không thay đổi trong cả đời người, chiếm đến 40-45%; còn lại là hoạt động thật của cuộc đời, tinh thần hướng thượng, có ý chí, điều này có cơ may xác lập và gia giảm hạnh phúc của đời người. Tôi thấy chiếu sang những người làm kiến trúc chúng tôi rất đúng. Tại sao nhóm chúng tôi lại làm được lâu dài và tự nhiên như vậy? Là vì chúng tôi thấy hạnh phúc, cá nhân tôi và công ty tôi, trong đó người đứng đầu phải dấn thân, hướng thượng và nêu gương. Nếu mình làm được nhiều thì sẽ hạnh phúc nhiều.

- 15 năm anh cùng cộng sự đã xây mới 60 điểm trường vùng cao, quan trọng đó không chỉ là trường học mà còn là một công trình kiến trúc, công trình văn hoá mang dấu ấn bản địa được người dân sở tại đón nhận. Điều ý nghĩa nhất với anh khi hoàn thành các dự án này là gì?

+ “Đầu ra” của những công trình này là xây dựng ý thức xã hội về phát triển bền vững, bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Công trình kiến trúc đem lại hạnh phúc cho người dân bản địa, khi nó tiếp biến được văn hóa ở đấy, bối cảnh ở đấy, người dân được hưởng thụ nó. Chúng tôi thấy rất nhẹ nhõm khi mình làm được kiến trúc cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua quá trình làm mình cũng hiểu biết hơn, cảm hứng từ các vùng đất gợi mở cho mình nhiều hơn, đồng thời góp phần đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại ở những vùng hẻo lánh, nông thôn. Sau này, các huyện, các tỉnh khi xây dựng trường mới đã tham khảo công trình của chúng tôi, rút kinh nghiệm để xây dựng tốt hơn, phát triển bền vững về sinh thái, văn hóa. Các nhóm thiện nguyện, các tổ chức muốn xây trường cũng tìm đến để tìm hiểu, hoặc nhờ chúng tôi, hoặc lấy đó làm điểm bắt đầu khởi tạo những công trình mới. Các trường đại học trong công tác giảng dạy cũng lấy các công trình của chúng tôi làm ví dụ, các hội nghị hội thảo cũng vậy. Người dân bản địa họ cũng tự hào về vật liệu nơi họ sống đã được phát huy, nói lên tiếng nói của mình…

Công trình Điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài tại Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: NVCC

- Trong cơn lốc toàn cầu hoá, bản sắc vùng miền là thứ rất dễ bị san phẳng, xoá nhoà mà đôi khi chính những người dân ở đó cũng không ý thức hết. Như quan sát của cá nhân tôi, rất nhiều nơi vùng cao đồng bào Mông đã thay nhà trình tường đất bằng xây tường xi măng, thay mái lợp ngói, lợp những tấm gỗ pơ mu sang mái tôn cho nhanh gọn. Chúng ta nên ứng xử với câu chuyện này thế nào? Với những gì đã làm về kiến trúc ở vùng cao, với kinh nghiệm tích luỹ suốt ba mươi năm qua anh có rút ra điều gì?

+ Muốn lưu giữ và làm mới những yếu tố bản địa trong kiến trúc phải tìm hiểu cốt lõi của bản sắc, cốt lõi nào có thể tiếp biến trong hiện đại. Ví dụ kết cấu đất kết hợp gỗ của người Dao khó làm hai tầng, sử dụng gỗ hoàn toàn thì dẫn đến phá rừng, tường dùng hoàn toàn đất thì dễ bị nứt, phải xử lí thế nào để đất có độ bền, không bị nứt nữa, phần gỗ thì có thể cài xen thép vào để chịu lực. Không thể copy bản sắc một cách cứng nhắc. Khi làm mô hình tường đất nện tiếp biến từ nhà trình tường, chúng tôi đã làm cái máy ép gạch đất. Máy có thể tháo ra để vận chuyển từ nơi này đi nơi khác. Ban đầu khi làm các dự án như thế chúng tôi làm những viên gạch đặc, rất chắc và nặng, sau chúng tôi cải tiến làm gạch rỗng để nhẹ hơn và cách âm, cách nhiệt tốt hơn. Vật liệu khác cũng vậy, ban đầu chúng tôi dùng vôi như truyền thống, nhưng nếu dùng vôi thì phải phá núi đá nung vôi, sau chúng tôi lại thay bằng nhựa cây. Kết quả là nhà đất nện của chúng tôi tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi áp dụng “chiến tranh du kích”, vùng nào có vật liệu gì dùng vật liệu ấy. Có vùng chỉ có đá hộc, đá cuội thì chúng tôi xây bằng đá, nhưng xây toàn bộ bằng đá thì sẽ rất lạnh, để cho đỡ lạnh thì xen gạch đất vào. Việc làm nhà vệ sinh cũng vậy. Vùng núi có mấy tháng mùa khô rất thiếu nước, nước sinh hoạt còn không đủ thì lấy đâu ra nước cho nhà vệ sinh. Chúng tôi phải xây bể bioga xử lí chất thải, đồng thời xây bể tích nước mưa, hướng dẫn các hộ dân phân công nhau đảm bảo nước cho công trình. Khi làm chúng tôi đã phải có nhiều giải pháp vậy kiến trúc cộng đồng mới đi vào đời sống được, người dân sở tại mới tiếp nhận chúng. Kiến trúc cộng đồng không phải chỉ là “cái xác” khô cứng, phải tạo ra không gian sinh tồn cho nó, để nó có đời sống của nó. Trong quá trình làm chúng tôi mới rút kinh nghiệm, mới vỡ dần ra…

- Vâng! Và những gì mà anh cùng cộng sự đã và đang làm có thể hiểu là bảo tồn văn hoá các dân tộc trong lĩnh vực kiến trúc. Trở lại câu chuyện kiến trúc đô thị mà điển hình là Hà Nội của chúng ta, anh đã từng được giải cao nhất kiến trúc quy hoạch không gian Hồ Gươm và vùng phụ cận. Là người chú trọng yếu tố thiên nhiên và văn hóa, anh khát vọng về một “Hà Nội mới” với hình dung ra sao?

+ Đến giờ chúng tôi đã có nhiều ý tưởng kiến trúc về Hà Nội. Đó là đồ án Quy hoạch bảo tồn và phát triển làng gốm Bát Tràng; đồ án Quảng trường Khoan dung - cải tạo khu vực Nhà tù Hỏa Lò; đồ án Quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận; dự án Chỉnh trang tuyến đường Kinh thành Thăng Long. Ngay ở cuộc thi ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và phụ cận năm 2008, chúng tôi đã chú trọng đến yếu tố xanh, cụ thể, tôi đã đề xuất ở tầng 4 và 5 của các công trình xung quanh Hồ Gươm sẽ giật cấp lùi dần vào phía trong và bổ sung trên các không gian mái mới, hình thành những vườn treo. Như vậy, công trình sẽ trở nên hài hòa hơn với cây xanh, mặt nước của Hồ Gươm. Ý tưởng cải tạo Nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường Khoan dung từng được giải thưởng của Hội Kiến trúc sư Quốc tế UIA tại Paris năm 1996, còn đồ án Quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận cũng từng được UBND TP. Hà Nội trao giải cao nhất, nhưng cho đến nay vẫn nằm trên giấy. Trong các đồ án mà tôi từng thiết kế, ý tưởng cải tạo không gian tại đê Bưởi và Nhà tù Hỏa Lò đã vĩnh viễn mất, không làm được nữa. Tôi cũng từng có ý tưởng kiến trúc về Bảo tàng Hồ Gươm. Giải pháp của tôi đưa ra là tận dụng tòa nhà với lối kiến trúc Pháp cổ nằm kề Tượng đài Vua Lê cải tạo thành bảo tàng, cùng với khuôn viên Tượng đài Vua Lê thành một quần thể chặt chẽ về mặt ý nghĩa lịch sử cũng như văn hóa.

Với các ý tưởng kiến trúc về Hà Nội, chúng tôi chọn cách tiếp cận hiện đại, đây phải là một thiết kế đô thị của hôm nay nhưng có nội dung lịch sử văn hóa. Sự gợi nhớ quá khứ ấy phải nghệ thuật và đa nghĩa để người cảm thụ tự tưởng tượng. Hà Nội có Thành cổ Hà Nội, có khu phố cổ và có hệ thống sông hồ, đó là cái quý nhất. Nhưng còn nhiều bất cập, hổ lốn về mặt kiến trúc. Sông Hồng chảy trong lòng Hà Nội mà người dân chả bao giờ nhìn thấy nếu không đi qua cầu. Là bởi vì muốn thấy người ta phải trèo qua con đê, rồi cái ám ảnh lâu nay về những khu ổ chuột bên bờ sông Hồng khiến người ta né tránh nó. Con sông gần như không đóng góp được gì vào cảnh quan Hà Nội. Đó là lãng phí rất lớn.

Gần đây tôi làm Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng. Lúc đầu tôi định lấy cảm hứng từ hình ảnh cái lò bầu hiện đại nhưng vẽ nó không ra, kết cấu nó không logic, từ đó mới gợi ra ý làm bàn xoay, to dần, xòe dần ra. Công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh bàn xoay động, tái hiện quá trình người thợ chuốt khối đất sét, thổi hồn thành tác phẩm. Hình thái công trình là kết quả 7 khối bàn xoay gốm đấu vào nhau, ngẫu nhiên và tự do. Tôi tận dụng và tôn trọng nét mộc mạc, bình dị của làng gốm, các vật liệu địa phương như gạch nung, gốm màu, ngói Bát Tràng…. được sử dụng triệt để. Chúng tôi cũng có đề án biến làng gốm Bát Tràng thành bảo tàng sinh thái văn hóa mở. Làng lụa Vạn Phúc cũng nên có một cái. Bảo tàng mĩ thuật đương đại cũng nên xây dựng để có thể triển khai những ý tưởng nghệ thuật lớn, chứ Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam hiện nay nhỏ và hẹp quá.

KTS Hoàng Thúc Hào và Cựu Thủ tướng Bhutan Dr. Jigme Thinley. Ảnh: NVCC

- Những ý tưởng của anh ở vùng sâu vùng xa thì luôn thành hiện thực bằng những công trình đi vào đời sống, còn những ý tưởng làm đẹp Thủ đô, mảnh đất nơi anh sinh ra và có nhiều gắn bó kí ức lại có vẻ chật vật nhỉ…

+ Nhiều người có ý tưởng muốn Hà Nội đẹp hơn tức là họ muốn đóng góp cho thành phố, chứ không phải họ... xin dự án. Họ trăn trở, day dứt, mất thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng và hoàn chỉnh ý tưởng, họ cần những nhà quản lí có tấm lòng chia sẻ, đánh giá đúng những đóng góp của họ, chứ không phải như sự “ban ơn”. Chỉ khi lãnh đạo thành phố quyết tâm triển khai biến những ý tưởng đóng góp có giá trị thành hiện thực thì mới thực sự khuyến khích, động viên được những người khác tiếp tục tìm tòi, cống hiến. Như bây giờ, nhiều ý tưởng bị bỏ lửng, nhiều cuộc thi có kết quả rất tốt nhưng không được triển khai vào thực tế, nên những người tâm huyết ngày càng bớt nhiệt huyết, không muốn tham gia.

- Trong mảng kiến trúc dân dụng tôi thấy Hà Nội cũng có nhiều điểm sáng đấy chứ… Rất nhiều những tổ hợp nhà ở hiện đại và sinh thái đã mọc lên và ngày càng có dấu ấn hơn…

+ Các cao ốc nhiều quá. Hà Nội sau mở rộng không lo thiếu đất. Nhà ở không nên khuyến khích 30, 40 tầng làm gì, 9 đến 15 tầng thôi. Cao quá con người bị cắt khỏi thiên nhiên. Chỉ mươi, mười lăm tầng là vừa. Cây to dưới đất có thể vươn tới năm, sáu tầng rồi, còn lại thì khắc phục. Hoàn toàn có thể xây dựng những ngôi làng trên cao, những con đường nối giữa các khối nhà. Trồng cây to trên cao, công nghệ sinh học hoàn toàn có thể làm được. Đi xe đạp trên cao từ làng này sang làng khác giữa các khối nhà đó. Tại sao không thể làm những ngôi biệt thự bằng đất? Sáng tạo là vô tận, không giới hạn. Hà Nội có nhiều mặt nước, rất đặc biệt, phát huy những hình thái ấy trong đời sống, hoàn toàn có thể xây dựng những ngôi làng trên cao có cây cối, có mặt nước…

- Vâng! Sáng tạo là vô tận nhưng bắt đầu một dự án luôn có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Khi bắt đầu một ý tưởng kiến trúc cho dự án/công trình đó thường sẽ đến với anh như thế nào? Cảm hứng và lí tính chiếm tỉ lệ thế nào trong các công trình bay bổng và đậm chất sáng tạo ấy? Trong các công trình đã làm, anh ấn tượng hay có kỉ niệm hơn với những công trình nào?

+ Đầu tiên phải hiểu định làm gì với công trình ấy, hiểu bối cảnh kinh tế, văn hóa, địa lí của địa phương ấy. Từ thực chứng, bối cảnh cụ thể mà tùy cơ ứng biến. Trên đồi khác, mặt phẳng khác, khu vực ấy có nhiều cây không, có gần núi không, có mặt nước không. Trực giác sẽ mách bảo phải làm gì. Trừ những công trình lớn, tổ hợp lớn cần tuân thủ yếu tố kĩ thuật cao rất cần sự duy lí, tính toán công năng của từng khối và công năng liên kết các khối, còn lại những công trình vừa và nhỏ có thể tung tẩy hơn, yếu tố cảm xúc có thể nhiều hơn. Có những khi cảm giác bị sai với thực tế. Không trường hợp nào giống trường hợp nào.

Bảo cái nào hay nhất với tôi rất khó, một trăm công trình thì là một trăm cái hay. Nhưng cái đầu tiên, kỉ niệm đầu tiên bao giờ cũng đáng nhớ. Đó là Nhà cộng đồng Suối Rè ở Lương Sơn, Hòa Bình, mang dấu ấn của cả người Kinh và người Mường, khu vực họ đã chung sống với nhau hàng trăm năm. Bây giờ vẫn thế, và nhìn vào công trình ấy họ đều thấy gần gũi với dân tộc mình, nó vừa như nếp nhà 5 gian của người Kinh, vừa có dáng vẻ nếp nhà sàn người Mường. Yếu tố văn hóa Việt - Mường được kết hợp, dung hòa thân thiện. Từ Nhà cộng đồng Suối Rè chúng tôi đã mở ra hàng trăm công trình khác.

- Trong lĩnh vực văn hoá người ta vẫn nói “đi đến tận cùng dân tộc mình sẽ gặp nhân loại”, câu nói này có vẻ rất đúng với anh trong lĩnh vực kiến trúc khi anh đã được những tổ chức uy tín về kiến trúc của thế giới vinh danh. Một số người làm kiến trúc theo xu hướng mang thế giới về Việt Nam, còn anh lại theo hướng mang Việt Nam ra thế giới. Điều gì đã khiến anh tự tin với hành trình ấy?

+ Điều này cũng tự nhiên thôi, tôi làm những gì trên đất nước mình, thân thuộc với mình nhất, mình có thể làm tốt nhất. Kho tàng văn hóa của mình trữ lượng quá phong phú, nhưng biểu hiện ra các loại hình, các không gian mới còn quá ít. Kho tàng ấy làm cho kiến trúc sư có thể “múa may quay cuồng” thoải mái với nhiều cơ hội rất thú vị. Truyền thống Việt Nam lá lành đùm lá rách, vấn đề là làm như thế nào, nhà nước cũng luôn quan tâm đến người nghèo, đồng bào thiểu số, chúng tôi cũng theo truyền thống đó thôi. Còn quan tâm như thế nào phải phụ thuộc vào từng người cụ thể, từng việc làm cụ thể, những công trình cụ thể. Lĩnh vực kiến trúc cũng vậy, cần những công trình cụ thể. Nhân loại này tiến lên bằng những công trình cụ thể, tác phẩm cụ thể, phát minh cụ thể.

Từ bé tôi rất thích lịch sử, đọc sách lịch sử là chính, rất thích các anh hùng hào kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Trãi… Tôi luôn nghĩ sau này mình có nên cơm cháo gì không, có lập được chiến công gì không, thậm chí đi xem bói tôi cũng hỏi các thầy điều đó, quả thực có khao khát trở thành anh hùng, thành hình tượng tiên phong. Sau này kiến trúc cũng hợp với con người mình, cũng tìm cách “tiên phong” gì đó. Sau một thời gian, một quá trình đã ra những kết quả chứng minh điều ấy. Tôi thấy phần lớn văn hóa của mình nằm ở nông thôn thì tôi “phi” vào đấy thôi.

- Hiện nay người ta nói nhiều đến xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng, khi mà xu hướng ấy anh đã thực hành từ 20 năm trước với hàng loạt những công trình mang tính biểu tượng cho các vùng quê. Có thể nhìn nhận rằng anh đã thức thời hay anh đã chạm vào những giá trị cốt lõi của kiến trúc?

+ Kiến trúc là một nghệ thuật xã hội, phải hiểu lối sống, phong tục tập quán, cách vận hành của xã hội đó. 21 tuổi tôi tốt nghiệp đại học, ngày trước không có lớp 9, tôi lại học sớm một năm thành ra tốt nghiệp sớm, bây giờ các em phải 23 tuổi mới tốt nghiệp. Ra trường tôi đã có ý tưởng biến Nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường Khoan dung, biến Bát Tràng thành làng nghề sinh thái. Sau đó tôi mở công ty, có điều kiện làm điều mình muốn hơn.

Bây giờ thì kiến trúc xanh đã thành một khái niệm rõ ràng. Muốn đạt tiêu chuẩn kiến trúc xanh, ngoài cây xanh, công trình đó phải đáp ứng 5 tiêu chí do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt ra: lựa chọn địa điểm bền vững, không ảnh hưởng môi trường tự nhiên và lịch sử, chất lượng môi trường bên trong công trình phải cách nhiệt tốt, “ấm đông mát hè”, tiết kiệm năng lượng… Công trình đó phải được ứng dụng những công nghệ mới, vật liệu mới như: vật liệu xanh, thiết bị tiết kiệm nước, pin mặt trời…, áp dụng kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc và mang yếu tố xã hội nhân văn, vì con người. Kiến trúc xanh khác với công trình xanh. Nếu công trình xanh chỉ đơn thuần quan tâm đến hiệu quả năng lượng công trình (vật liệu tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường…) thì kiến trúc xanh cần đáp ứng tiêu chí bản sắc, nhân văn, quan tâm đến tâm lí tình cảm, phong tục tập quán của con người. Tôi thích nhất là công trình “tự thân xanh”. Cái xanh đó phải tạo ra một ngạc nhiên, bền vững với thời gian, tiết kiệm năng lượng... Hơn hết là con người sống trong đó luôn hứng khởi, hạnh phúc dù không phải bỏ ra quá nhiều tiền…

Kiến trúc cho nông thôn phải là một hệ sinh thái. Chúng ta không thể xây dựng lại một nông thôn mới, người ta sống ở đó hàng trăm hàng nghìn năm, chỉ có thể làm mới những cái cũ, trên nền cái cũ, trên cái hiện có, làm cho nó tốt hơn. Vấn đề vẫn là phương pháp. Làm kiến trúc nhưng đồng thời phải giải quyết các vấn đề năng lượng, nước thải, bắt đầu từ những hành động đơn giản như xếp đá làm hàng rào, bằng chiến thuật “chiến tranh du kích”, châm cứu vào điểm thiết thực để nó lan tỏa, dẫn đến những thay đổi tích cực.

- Cuối cùng thì sự “khác biệt” anh theo đuổi đã được thừa nhận và trở thành những giá trị xã hội. Khi mà đã đến thời ngay cả thị trường kinh doanh bất động sản trong nước cũng xuất hiện những nhu cầu thể hiện bản sắc, sự khác biệt. Anh có tiên đoán trước điều này ở Việt Nam không và anh cùng cộng sự tại Văn phòng kiến trúc “1+1>2” đón nhận những biến đổi ấy thế nào?

+ Cũng đơn giản thôi. Ba bốn anh em thấy hợp nhau thì rủ nhau làm. Khi quyết định đi thi thì chúng tôi làm công trình Suối Rè. Cái mình chủ quan cho là mạnh nó đã bộc lộ được, đó là bản sắc văn hóa. Tôi xác định làm kiến trúc là làm văn hóa. Kiến trúc là một tổ hợp đa ngành, không độc lập như một số ngành nghệ thuật khác. Phụ thuộc rất nhiều vào kĩ thuật và công nghệ, thứ mà phương Tây dẫn đầu, dẫn hướng. Văn hóa lối sống của người Việt cộng với kĩ thuật, công nghệ phương Tây phải lớn hơn hai. Đó chính là ý nghĩa cái tên văn phòng kiến trúc “1+1>2” của chúng tôi. Phải có mục tiêu hướng thượng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa và sinh thái, liên kết các lĩnh vực khác nhau vào kiến trúc. Vừa làm vừa vỡ ra, càng làm càng sắc hơn, càng hiểu sâu sắc hơn. Đến một vùng đất phải phát hiện cốt lõi văn hóa nào cụ thể, bên cạnh nỗ lực của kiến trúc sư còn là giá trị bản địa, tiếng nói cộng đồng. Từ một hai công trình ban đầu đến nay chúng tôi đã làm hàng trăm công trình, vài chục tổ chức xã hội đã nhờ chúng tôi trong các dự án của họ. Bây giờ chúng tôi đang triển khai cho một quỹ của Mĩ dự án làng hạnh phúc tại Việt Nam. Kiến trúc xanh, kiến trúc hạnh phúc đã ngày càng rõ đường đi, ngày càng bền vững hơn.

Những xu hướng ấy đã tác động đến mặt bằng nhận thức xã hội về kiến trúc, tác động đến môi trường kinh doanh bất động sản. Ông kinh doanh ông không thể bán mãi mặt hàng cũ được, quy luật phát triển ai đi nhanh người đó thắng. Đã có những chủ đầu tư đi tiên phong và để lại dấu ấn. Đó là những điểm sáng đáng quý.

- Trong vai trò là giảng viên, điều anh quan tâm truyền tải cho sinh viên là gì? Điều gì là cần nhất với một sinh viên kiến trúc khi ra trường?

+ Có hai chuyện. Thứ nhất là đạo đức, thứ hai là kĩ năng nghề nghiệp. Nói đạo đức thì hơi to tát, nhưng có thể hiểu đó là trách nhiệm xã hội của công việc mình làm. Kiến trúc sư phải hiểu môi trường này là cho một trăm, một nghìn năm sau, cần hiểu chức năng giáo dục nhận thức xã hội về kiến trúc, phát triển bền vững và sinh thái, văn hóa. Nó giống như Lời thề Hippocrates trong y học. Làm ra giá trị văn hóa cho mai sau, tạo dựng bộ mặt văn hóa cho đất nước. Về mặt nghề nghiệp, ngoài chuyện năng khiếu ra phải chăm chỉ, làm hàng nghìn giờ, thông qua làm việc sẽ tích lũy và trưởng thành, thông thuộc các kĩ năng. Kiến tạo không gian và cảm nhận không gian thực tiễn rất quan trọng. Trên bản vẽ và trên thực địa, cảm giác thực về không gian là không dễ. Tốt nhất sinh viên kiến trúc năm thứ hai, thứ ba phải đi thực tập, phải đến các văn phòng làm việc, phải chân lấm tay bùn, phải ra công trường sớm thì sẽ có cảm nhận thực. Người thầy cũng quan trọng, nếu người thầy có trải nghiệm thực tiễn, có xúc cảm và cảm nhận về không gian đúng và có chiều sâu văn hóa thì sẽ tiết kiệm được cho sinh viên nhiều thời gian, rút ngắn khoảng cách, để sớm trưởng thành hơn.

Kiến trúc là trả lời những câu hỏi cụ thể của một địa phương cụ thể, một cộng đồng người cụ thể. Bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể rất quan trọng nếu không muốn nói là quyết định, làm cho người Dao khác với người Kinh, làm cho người Mường khác làm cho người Mông, ở miền xuôi khác miền núi,… Nên sinh viên kiến trúc rất cần thực tiễn về những vùng miền đó.

- Bên cạnh thiết kế, điều hành văn phòng kiến trúc anh còn duy trì việc viết. Anh có thể tiết lộ một chút về cuốn Hoa rừng sắp xuất bản. Nó là cái gì vậy?

+ Chúng tôi kể lại câu chuyện thiết kế và xây dựng các điểm trường, chủ yếu ở Tây Bắc. Đó là hành trình kiến thiết cùng với cộng đồng, địa phương cụ thể, từng bước hình thành ý thức cộng đồng của địa phương ấy, nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức về một ngôi trường để con cái họ học tập. Họ sẵn sàng góp sức cùng chúng tôi xây trường, cùng chúng tôi đào đất, sàng đất, vào rừng lấy cây, ra suối mang đá về, xác định đầu tư cho tương lai của con cái họ, cũng là của chính họ. Ở công trình Lùng Vài, việc thiếu mạng lưới đường bộ khiến sự tiếp cận khi xây dựng vô cùng khó khăn. Trong quá trình thi công, người dân Lùng Vài và thôn Bắc Sum lân cận đã chung tay mở đường, giúp chúng tôi đưa vật liệu xây dựng lên dễ dàng hơn. Ngôi trường mọc lên không chỉ là từ tiền quỹ hỗ trợ mà còn từ bàn tay của chính họ. Hàng trăm ngôi trường không trường nào giống trường nào, mỗi trường là một câu chuyện. Từ quyết tâm của thầy cô giáo, cán bộ dự án, địa phương và sự nỗ lực của các kiến trúc sư. Tôi hi vọng cuốn sách có thể là bài học không đến nỗi vô ích cho các trường đại học, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên, để mọi người thấy rằng, kiến trúc có thể góp phần không nhỏ vào việc phát triển, thay đổi xã hội.

- Vâng! Và những người làm kiến trúc có tâm, có tầm, có những tìm tòi từ cội nguồn văn hóa luôn là những người truyền cảm hứng để xuất hiện thêm nhiều hơn nữa những cá nhân cùng kiến tạo nên giá trị xã hội. Xin cám ơn anh đã dành thời gian cho VNQĐ!

NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện

VNQD
Thống kê