Dòng chảy

"Cúc": Thơ nói lên tiếng nói của chính tôi

Thứ Hai, 03/06/2024 10:42

 Trường ca Cúc của tác giả Hoàng Cúc vừa được ra mắt tại Hà Nội chiều 2/6, tạo được nhiều ấn tượng với bạn đọc. Hoàng Cúc làm thơ đã lâu, nhưng đây là cuốn sách đầu tay của chị, và điều khác biệt ít gặp ở những người làm thơ là, cuốn sách đầu tay lại là trường ca.

Trường ca Cúc được chia làm ba phần: Cánh đồng của mẹ, Hồn thu xứ mặt trời, Phục sinh. Hoàng Cúc tự nhận mình là người đam mê văn chương, viết như là nhu cầu của bản thân chứ không phải vì những mục đích. Thơ chị không xa rời đời sống mà gắn bó máu thịt với đời sống qua từng giai đoạn của cuộc đời mình. Những kí ức xưa, những trải nghiệm sống, những chiêm nghiệm, được chị chắt lọc và đưa vào thơ đầy tinh tế, sâu sắc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi ra mắt trường ca Cúc

Tại buổi ra mắt trường ca Cúc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Trước khi đọc Cúc, tôi mang cảm giác đứng trước một cánh cửa khoá kín mà không thể hình dung sau cánh cửa kia là một thế giới như thế nào. Rồi cánh cửa ấy mở ra. Tôi đã bước vào và tôi thực sự bất ngờ và tôi bị thay đổi. Cúc là một cơn mộng mị, làm thơ ca trở nên kì lạ, bí ẩn và đầy quyến rũ. Mộng mị những kí ức về năm tháng đi qua cuộc đời. Cúc buồn, đau đớn, ám ảnh, kiêu hãnh và đẹp. Những câu thơ như đã được viết sẵn trong cuộc đời giờ mở ra thật giản dị mà ngỡ ngàng và ám ảnh như hoa chìm trong những cành cây đen đúa suốt mùa đông. Tôi trôi miên man như mê ngủ từ câu thơ này sang câu thơ khác mà không có bất cứ một cảm giác nào của sự khu biệt và không biết mình sẽ trôi đến đâu và đến bao giờ...

Ở trường ca Cúc, bạn đọc sẽ gặp một Hoàng Cúc kiên cường, rực cháy nhưng cũng đầy những dấu lặng. Chị đầy nghiêm cẩn với câu chữ, bên cạnh đó những cảm xúc cũng không ngừng tuôn trào sôi nổi và lắng đọng: Tôi đã đi không ngoái đầu trở lại/ Như khúc đầu của dòng sông trôi mãi/ Bỏ lại tháng ba cháy rụi triền đê... Cúc là tiếng nói chân thực nhất, là con người tác giả, con-người-im-lặng. Thi ca Hoàng Cúc là đi từ bóng tối đến ánh sáng. Thơ chị nhiều mộng mị, mê sảng, sợ hãi, buồn bã, tuyệt vọng... nhưng cuối cùng mở ra những ánh sáng để tâm hồn bay lên trong vẻ đẹp của cuộc đời và thơ ca. Thơ như là nhân chứng, là thân phận, là bóng tối và ánh sáng trong con người. Cúc đã lí giải những điều đó bằng ngôn ngữ của nghệ thuật.

Tiến sĩ Phùng Gia Thế nói về trường ca Cúc với nhiều tâm huyết: Cúc tuôn chảy nhuần nhị tự nhiên những “cổ mẫu” của văn hóa như đền đài, hình tượng tôn giáo, huyền thoại, nhưng không hề nhạt phai những âu lo, muộn sầu đương đại. Trường ca này cũng cho thấy một khả năng ngôn ngữ tuyệt vời. Có cảm giác, Hoàng Cúc viết trong trạng thái vô thức, mơ hồ, câu chữ biến ảo, tuôn chảy tự nhiên, không gượng ép. Chị không làm chữ, không chủ ý thiết tạo hình thức nhưng vẫn có nhiều câu thơ lạ và hay. Cúc không kể chuyện mà có chuyện, không phô phang tình cảm mà vẫn ngập tràn xúc cảm. Hình thức thơ linh hoạt chảy trôi theo cảm xúc của chủ thể và đối tượng tâm tình, khi là thơ tự do, khi lục bát, lúc lại là thể thơ bảy chữ phảng phất hơi thơ cổ…

Tác giả Hoàng Cúc (diễn viên, NSND Hoàng Cúc) là người từng có nhiều vai diễn để đời, từ lâu được đông đảo công chúng ái mộ như: Tám Bính trong Bỉ vỏ, Thủy trong Tướng về hưu.... Hoàng Cúc từng đạt hàng chục Huy chương vàng, Giải A, Giải diễn viên xuất sắc tại các Hội diễn, Liên hoan Sân khấu, Điện ảnh toàn quốc. Cuộc đời chị là bản nhạc nhiều cung bậc, và chị luôn cháy bỏng hết mình với nghệ thuật, là một trong những diễn viên lừng lẫy của thập niên 80, 90 của thế kỉ trước. Hoàng Cúc có cuộc đời của một nghệ sĩ với nhiều điều, nhiều cung bậc để viết.

Tác giả Hoàng Cúc xúc động chia sẻ tại buổi ra mắt sách: Tôi đã gửi mọi tâm sự của mình vào tác phẩm. Khi diễn kịch các nhân vật sống trong trái tim trí óc, tôi thuộc lời họ... Nhưng trong thơ, tôi đã nói lên những tiếng nói của chính tôi. Tôi mang những điều riêng, tiếng nói riêng, mang dòng sông không phẳng lặng của cuộc đời để viết nên trường ca Cúc.

Trường ca Cúc là chuyến hành trình dài đầy cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời của tác giả, từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành, những chuyến đi hay những tháng ngày mạnh mẽ chiến đấu với bạo bệnh… Cũng ở đó bạn đọc sẽ hình dung, liên tưởng được những giai đoạn lịch sử của đất nước, những dấu ấn của quê hương Hưng Yên - nơi Hoàng Cúc sinh ra và lớn lên, khắc họa rõ nét không gian nông thôn miền Bắc. Thơ chị chất chứa suy tư nhưng cũng hướng ta đến sự bình yên, thanh thản. Như đề từ của tập trường ca:

Tôi thường mơ giấc mơ đi trên cánh đồng có nụ cười lấm lem của mẹ và những bước chân bụi trần của cha sau những chuyến xa nhà. Nụ cười móm mém hiền roong, ông bảo “về nhà thôi để còn đón Tết”, cả ánh mắt lúc cười vẫn thấy buồn đến nao lòng của người chị gái nữa...

Và tôi đã kịp về bên họ trước khi hoa mai nở...

Tác giả Hoàng Cúc tại buổi ra mắt trường ca Cúc. Ảnh: Thiên Điểu 

Nhà thơ Thy Nguyên bày tỏ: Hoàng Cúc đã sống một cuộc đời khác cùng thi ca. Trường ca của chị thao thiết như dòng sông. Từng ngữ ảnh, từng lập vai, từng tận hiến, từng ánh đèn, từng mê hoặc, từng bờ tối sáng… đã làm nên tác phẩm này với nhiều ám gợi.

Cũng tại lễ ra mắt trường ca, tác giả Hoàng Cúc chia sẻ, doanh thu từ việc bán sách sẽ được dành cho hoạt động từ thiện nguyện, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Việc này là tiếp nối chuỗi công việc thiện nguyện mà chị đã cống hiến và thực hiện trong nhiều năm qua.

HÀ NGÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)