Dòng chảy

ĐIỆN BIÊN - VINH QUANG VÀ MẤT MÁT - Bài 6

Thứ Hai, 06/05/2024 18:29

Bài 6: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên

Tiếp tục tìm kiếm những người chủ chốt của Nông trường Điện Biên năm xưa thời mới khai mở, tôi được một người chị là Trần Thị Phú ở Hà Nội cho biết, em gái ruột của ông nội chị có chồng là Bí thư Đảng ủy Nông trường thời kì đầu. Ông là Tạ Thành Dương, bí danh là Tạ Triết nên mọi người thường goi là ông Dương Triết, chồng của bà Trần Thị Tuất. Ông Tạ Thành Dương thì đã mất nhưng bà Trần Thị Tuất hiện vẫn sống tại Đình Tru, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Rất may mắn là bà và ông cùng lên xây dựng nông trường, có 8 năm gắn bó với Điện Biên nên bà Tuất vẫn nhớ những câu chuyện của thời kì Nông trường Điện Biên mới thành lập.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Bài 2: Chứng tích Noong Nhai còn đó

Bài 3: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa

Bài 4: Những nốt trầm Điện Biên

Bài 5: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ

Bài 6: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên

Hoa phượng Tháng 5 bên hố bộc phá Đồi A1. Ảnh: Phạm Công Thế

CỤ BÀ 100 TUỔI VÀ NỖI HOÀI NHỚ ĐIỆN BIÊN TỪ VĨNH PHÚC

Ông Tạ Thanh Dương và bà Trần Thị Tuất đều vốn là quân 316 đóng tại Thanh Hoá. Đơn vị ông đóng ở Hậu Lộc, còn bà ở Tiểu đoàn Quân y 11 đóng ở Nga Sơn. Năm 1958, Đảng, Nhà nước kêu gọi đi xây dựng quê hương mới tại Điện Biên, vậy là Sư đoàn 316 lại lên với mảnh đất này. Ông Dương thời điểm ấy là Chính ủy của Trung đoàn nên khi chuyển sang làm nông trường ông giữ vị trí Bí thư Đảng ủy.

Bà Trần Thị Tuất và ông Tạ Thanh Dương đều sinh năm 1924. Năm nay vừa tròn 100 tuổi, bà Tuất vẫn khỏe mạnh và có trí nhớ tương đối tốt. Bà kể, thời gian đầu lên Điện Biên ông bà ở nhờ trong nhà dân ở bản Nà Tấu, Mường Phăng, nơi trước đây ta đặt Sở chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày đầu gian khổ, bọ chó ruồi vàng đốt, các nốt trên da sưng to bằng đồng xu, vừa đau vừa ngứa ngáy rất khó chịu. Ăn thì có gì ăn nấy, lúc thì gạo nếp anh nuôi dậy nấu sớm, đến khi tập thể dục xong về ăn nếp đổ mồ hôi nát bét, nửa cơm nửa cháo. Sau này khi đơn vị đã triển khai trồng lúa nước cho thu hoạch thì mới có gạo ăn, còn trước đó chủ yếu ăn bí đỏ, ngô bung và rau dưa tạm bợ. Một kỉ niệm với bà Trần Thị Tuất trong thời gian ở Nà Tấu là bà đã gặp nhà văn Nguyễn Khải đến tìm ông Tạ Thanh Dương. Khi đó ông Dương đi vắng, bà đang địu cháu nội của người chủ nhà, ở với đồng bào dân tộc nhiều nên tiếng của bà nói nghe cũng lơ lớ không khác người dân tộc là mấy. Bà hóm hỉnh kể rằng lúc đó Nguyễn Khải tưởng bà là người Thái, bà cũng không thanh minh, ông hỏi bà tại sao lại lấy ông Dương, bà bảo, tôi đi dân công gặp cán bộ, cán bộ thương tôi thì tôi lấy thôi. Thời gian ấy nhà văn Nguyễn Khải lên Điện Biên thực tế, ông cùng một số nhà văn nhà thơ khác đã gặp lãnh đạo nông trường làm việc, đến các đội sản xuất tìm hiểu cuộc sống của công nhân, sau này ông có truyện ngắn Mùa lạc với bối cảnh Nông trường Điện Biên còn mãi đến bây giờ.

Trên tường nhà ông Tạ Thanh Dương và bà Trần Thị Tuất ở Đình Tru, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Ảnh: Thi Phú Trần

Bà Tuất cho biết, khi mới lên Điện Biên, anh em bộ đội phải vào rừng lấy gỗ về dựng nhà, dựng lán ở tập thể. Mãi sau ông bà không ở nhờ nhà dân nữa thì vẫn phải ở tạm trong nhà kho đựng phân bón của nông trường, dù ông là lãnh đạo. Sau nữa ông bà mới được ở nửa gian nhà tập thể. Khu của cán bộ còn có ông Trần Xuân Cảnh, là Phó giám đốc Nông trường, quê Bắc Ninh, còn Giám đốc Nông trường là người Huế. Sau đó đồng chí giám đốc được cử đi học thì ông Tạ Thanh Dương chồng bà cáng náng mọi việc. Nông trường tính phân công bà Tuất làm ở căng tin nhưng bà nghĩ, vợ con tướng tá, cán bộ thì làm ở chỗ sướng, còn vợ con chiến sĩ thì dãi dầu lao động thế khó coi. “Làm căng tin mưa không đến mặt, nắng chẳng tới đầu ai mà không muốn, nhưng tôi bảo ông ấy, ông làm lãnh đạo, tôi vào đấy làm trong khi anh chị em công nhân vất vả thì ông nói được ai, vì thế tôi đã một mực xin xuống đội sản xuất, làm việc như các anh chị em công nhân khác, ông ấy cũng phải đồng ý chiều tôi. Đội sản xuất của tôi ở phía Tây Hồng Cúm, trồng mía, trồng ngô, trồng lạc. Ban ngày đi làm, tối về thì sinh hoạt, đọc báo một tuần ba buổi. Cùng với đó là học tập chính trị, thông báo nghị quyết của Đảng, tình hình chiến trường miền Nam…”. Điện Biên sáu tháng nắng, sáu tháng mưa, ở mãi bà Tuất cũng quen với thời tiết xứ này. Ngoài giờ làm bà còn ra đồng bắt cua về cải thiện bữa ăn. Cua ở cánh đồng Mường Thanh rất to và ngon. Bà lao động hăng say nên năm nào cũng được bầu là Chiến sĩ thi đua. Có điều bằng khen, giấy khen bị mối xông hết, bà giữ được mỗi tờ quyết định phong tặng.

Ông Tạ Thanh Dương tuy cao lớn, da đỏ au, râu ria dữ tợn nhưng thực ra rất yếu, bệnh tật liên miên. Ở Điện Biên được 8 năm, ông bị đủ thứ bệnh, vừa cao huyết áp, vừa suy tim, Nông trường cho về xuôi điều trị. Bệnh viện nói bệnh của ông không thể tiếp tục lên miền núi nên giữ lại luôn. Thế là bà đành thu xếp về quê với chồng. Đó là năm 1966. Cưới nhau từ thời còn ở quê, sau đó lại cùng lên Điện Biên ở với nhau 8 năm nhưng bà vẫn chưa có con. Mãi khi về lại quê, năm 1969 bà mới sinh được cô con gái, đó cũng là người con duy nhất của ông bà. Bà bảo, ông bà dù đã cưới nhau nhưng cứ như hai cái tai của chiếc cối xay, xoay tròn, chẳng bao giờ gặp được nhau, đến khi gần nhau thì do bệnh tình của ông, bác sĩ khuyên việc chăn gối phải kiêng khem, hạn chế, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, thế nên bà rất giữ gìn cho chồng, sau ngày cưới hơn hai mươi năm ông bà mới có được mụn con. Về quê một thời gian, chán nản ông bà lại lên Việt Bắc, do ông có quen ông Bắc Dũng khi đó là Khu ủy Thái Nguyên mời lên làm việc. Một lần nữa ông bà lại khăn gói lên Việt Bắc, nhưng khi khám sức khỏe đầu vào, bác sĩ bệnh viện ở Thái Nguyên vẫn nói bệnh của ông không ở được miền núi và kết luận sức khỏe của ông không đủ điều kiện để làm việc. Lần này ông bà mới chịu về quê hẳn.

Bà Trần Thị Tuất (bên phải) và người cháu. Ảnh: Thi Phú Trần

Con gái của ông bà là Tạ Thị Kim Dung, khi mới sinh sức khỏe cũng yếu, rất khó nuôi. Bà bảo, đứa con duy nhất ông bà cố mãi mới được nhưng lại giống bố, bị “khớp đớp tim”, mười người thì chín người bảo không nuôi được nhưng bà vẫn cố gắng hết mức, ơn giời cuối cùng chị đã khôn lớn trưởng thành. Hiện chị Dung ở TP. Hồ Chí Minh, hai cháu ngoại của bà đều đang đi học ở Mĩ. Bà Tuất dù tuổi cao, con cháu muốn thuê giúp việc nhưng bà từ chối, một mình ở trong căn nhà gỗ của gia tộc nhà chồng, vẫn tự mình phục vụ mọi sinh hoạt, nấu nướng. Tôi hỏi bà Tuất có giữ được kỉ vật gì của Điện Biên không, bà chép miệng tiếc rẻ kể, khi bà về xuôi, ông Kham trưởng bản có tặng bà một tấm da hổ, lẽ ra bà phải đem đi thuộc thì lại mang phơi, dính trời mưa nên bộ da hỏng mất. Việc đó làm bà tiếc mãi đến tận bây giờ. Cùng với đó là một vài chiếc nanh hổ, một cái trâm cài tóc bằng ngà, một tấm chăn bằng dù thu được của địch, chiếc áo trấn thủ của chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Những đồ vật mang về quê cứ rơi rụng dần, mỗi lần chuyển nhà lại bỏ đi một vài thứ, bây giờ bà chỉ còn giữ tấm chăn bằng dù màu xanh lá mạ, kỉ vật Điện Biên, hàng ngày bà vẫn đắp nó. Bà bảo, nếu ông Dương không bị bệnh thì chúng tôi vẫn sẽ ở Điện Biên. Sau khi về quê, chồng đau ốm liên miên bà phải làm hộ lí chăm sóc ông nên chẳng đi đâu được. Ngoài bệnh cũ, ông còn bị thoát vị, phải phẫu thuật hai lần. Cho nên, cho đến những năm cuối đời ông bà vẫn không có điều kiện trở lại Điện Biên lần nào.

Về những anh em cùng ở Nông trường Điện Biên, sau này cũng có những người về xuôi. Một lần tình cờ, người cháu của ông bà ở Hà Nội là Hoài Châu, nhà ở khu tập thể Kim Liên, thường đi tập thể dục ở Công viên Thống Nhất có gặp một người cùng tập nói rằng ông là chiến sĩ Điện Biên. Người cháu bà kể mình cũng có ông chú trước là bộ đội, sau về làm ở Nông trường Điện Biên, hai người trò chuyện qua lại, thì ra đó chính là ông Trần Xuân Cảnh, cấp phó của ông Dương khi xưa. Đó là năm 1995. Anh Hoài Châu cháu ông bà cho ông Trần Xuân Cảnh biết ông Tạ Thanh Dương vừa mới mất được hơn một tháng. Thế là ông Cảnh hỏi thăm rồi tập hợp mấy anh em ở Hà Nội vốn cùng ở Nông trường Điện Biên trước đây lên Đình Tru, Lập Thạch, Vĩnh Phúc thắp hương cho người thủ trưởng cũ.

NGHĨ TỪ QUẢ ĐẠN PHÁO 105 LY

Tôi cũng đã định tìm thêm những người từng có một thời tuổi trẻ làm việc tại Nông trường Điện Biên nữa để hỏi chuyện, nhưng rồi nhìn lại những người đã gặp, tôi chợt nhận ra, kí ức của họ có những điểm tương đồng. Họ đã có chung một thời tuổi trẻ, cùng gắn bó trong một nhiệm vụ xây dựng nông trường. Họ đã cùng nhau lưu giữ một kí ức tập thể. Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận, nhưng phần kí ức về Nông trường của họ khá đồng nhất, gia đình của họ cũng theo những mô hình giống nhau. Tất cả họ đều có một vùng lung linh khi nhắc lại những ngày gian khó mà tự hào phơi phới, tận hiến hết mình trên mảnh đất lịch sử ghi dấu chiến thắng lẫy lừng. Bởi thế, nếu có gặp thêm nữa thì câu chuyện cũng không khác biệt nhiều.

Ở Điện Biên, khi tôi chia tay những cựu công nhân Nông trường Điện Biên ở Thôn Chăn Nuôi 2, người chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm, cũng là cựu công nhân Nông trường ngỏ ý tặng chúng tôi chiếc vỏ đạn pháo 105 ly ông bà từng dùng gò cuốc xẻng khiến tôi không nỡ từ chối. Vợ chồng người con trai út của ông Nguyễn Văn Khả thì gào guột mời chúng tôi ăn ngô luộc. Những bắp ngô có hạt hai màu trắng - tím đan xen gia đình vẫn trồng như đã từng trồng trên đất Nông trường Điện Biên năm xưa. Ở tuổi 94 ông Khả vẫn dò dẫm ra tận cổng nơi có hàng rào ngũ sắc trước hiên nhà bịn rịn tiễn khách. Một thời nông trường với những gian khó và yêu thương đã lùi xa, chỉ còn trong ánh mắt của các cựu chiến sĩ - công nhân như ông Năm, ông Khả, bà Tấm, bà Mơ… những người đã chọn Điện Biên làm quê hương. Với những người đã rời xa như ông Dương, bà Tuất, ông Cảnh, những kí ức nông trường vẫn còn đó, vời vợi trong niềm nhớ. Tôi đã ra về với quả đạn pháo được chị Liễu, con gái của ông Năm bà Tấm bọc trong chiếc bao tải vốn là bao bì đựng phân bón cho trồng trọt.

Vỏ quả đạn pháo 105 ly Cựu chiến binh Lại Văn Năm tặng cho các nhà văn, nhà báo VNQĐ. Ảnh: Bùi Văn Sương

Trên quãng đường từ huyện Điện Biên về TP. Điện Biên Phủ, ôm quả đạn pháo 105 ly, loại đạn mà những chiến sĩ pháo binh của Trung đoàn 45, Đại đoàn 351 đã bắn vào Cứ điểm Him Lam chiều 13 tháng 3 năm 1954, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngồi trên taxi do cháu của một người lính Điện Biên cầm lái, tôi chợt nghĩ, nếu như có một bảo tàng hay chí ít là một căn nhà truyền thống, thì vỏ quả đạn pháo này hẳn sẽ nằm ở đó, nơi nó có thể nói lên tiếng nói của mình tốt nhất, là minh chứng cho một thời từ chiến trường thành nông trường, từ tay súng sang tay cày tay cuốc. Rất nhiều những thế hệ người Việt Nam ra đi từ đồng ruộng chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, rồi khi hết giặc lại trở về với mảnh ruộng khu vườn, từ cầm cuốc sang cầm súng rồi lại về cầm cuốc. Với những ý nghĩ miên man ấy, quả đạn đã nặng như càng nặng hơn trong tay tôi. Những di sản bé mọn dường như đang phiêu dạt, ẩn mình vào một thời đã qua, lịch sử cứ trôi đi theo cách của nó, vô tình, không cách gì cưỡng lại.

Những kí ức đẹp đẽ đó đáng để lưu giữ, nếu không có một bảo tàng thì ít nhất cũng là một nhà lưu niệm, một nhà truyền thống hay một khu trưng bày để các thế hệ sau của Điện Biên và cả những du khách đến mảnh đất lịch sử này biết được nó đã hồi sinh sau cuộc chiến oanh liệt nhưng cũng nhiều đau thương mất mát ấy như thế.

ÁNH TRĂNG TRÊN ĐỒI A1

Vầng trăng Điện Biên. Ảnh: Thành Duy

Tôi có mặt ở Điện Biên vào đúng tuần rằm, vầng trăng tròn vành vạnh đỏ đặc như được nhuộm bằng những trầm tích xứ này. Đồi A1 đã hết khách viếng thăm nườm nượp trong cái nắng đầu hè của ban ngày, đèn đóm cũng đã tắt, chỉ còn những xe tăng ụ pháo, những lô cốt, hầm hào lặng im như những nốt trầm. Đây là nơi đã cướp đi 2.500 sinh mạng bộ đội ta trong cuộc chiến giành giật điểm cao cuối cùng được mệnh danh là chìa khóa mở vào Khu Trung tâm Mường Thanh. Để có được chiếc "chìa khóa" ấy 2.500 con người đã ngã xuống trong các trận tiến công cứ điểm A1. Còn trong 56 ngày đêm ấy, già 4.000 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại Điện Biên. Kề Đồi A1 là trụ sở Tỉnh uỷ Điện Biên. Cũng sát đó là Trường THPT Điện Biên Phủ, cái nôi đào tạo nên những con em Điện Biên, thế hệ xây dựng Điện Biên những năm hoà bình. Cái bóng của lịch sử quá lớn cả về nghĩa đen và nghĩa bóng đang phủ lên vùng đất này. Bằng một cách đặc biệt chúng tôi đã ở đây, trên ngọn đồi này khi đêm đã xuống, mọi thứ yên ắng, chỉ còn vầng trăng soi tỏ Đồi A1 hằn lên những hầm hào lô cốt chằng chịt, đường lên đồi đi qua lô cốt Cây đa cụt vẫn được những người lính đánh Đồi A1 năm xưa gọi là “Ụ thằng người”. Dưới gốc cây đa ấy trước khi Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ có một ngôi đền thờ Đức Thánh Trần. Người Pháp đã cho phá đền thờ làm lô cốt, chặt ngọn đa để lấy tầm nhìn. Chiếc lô cốt lợi hại này có bố trí những ổ hoả lực ngầm phía ngoài bảo vệ nhằm bẻ gẫy những đợt công phá, sự lợi hại ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng bộ đội ta. Gần phía đỉnh đồi có căn hầm chỉ huy ngầm kiên cố làm hao tâm tổn trí vị Trung đoàn trưởng 174 Nguyễn Hữu An ngày ấy, giờ đây chiếc xe tăng Bazeille của Pháp được trưng bày, chiếc xe đã bị Đại đội 67 của Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư 316, đơn vị được giao tấn công cứ điểm Đồi A1 trong đợt 2 của Chiến dịch tiêu diệt vào sáng mùng 1/4/1954. Ngọn đồi này có những cây phượng vĩ, màu hoa đỏ vẫn bừng lên mỗi dịp tháng 5 về. Bây giờ tất cả chìm xuống, mờ nhòe dưới trăng. Từ đây nhìn xuống thành phố Điện Biên Phủ lốm đốm ánh đèn, tiếng loa giao lưu văn hoá văn nghệ từ các đoàn “về nguồn” vọng lại, rộn ràng những bài ca về Tây Bắc, về Điện Biên. Những di tích như Đồi A1 này, vào những dịp cao điểm mỗi ngày đến vài nghìn khách viếng thăm. Những bài ca chiến thắng vẫn vang lên ở Điện Biên và cả nước, nhưng phía sau những bài ca ấy còn có những nốt trầm của lịch sử.

Đến Điện Biên hôm nay, đằm mình vào câu chuyện của 70 năm trước vẫn có thể cảm nhận một Điện Biên với cả những vinh quang và mất mát.

Điện Biên - Hà Nội tháng 4 năm 2024

NHÓM PV VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)