Bài 4: Những nốt trầm Điện Biên
Tìm kiếm những tư liệu về Nông trường Điện Biên tôi không khỏi dậy lên cảm giác tiếc nuối về một thời vàng son, khi chúng ta đã tạo nên những dấu ấn đậm nét sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ về việc tái sinh vùng đất này nhưng giờ đây mọi thứ trở nên vô tăm tích, chỉ là những mảnh kí ức đơn lẻ, trôi dạt trong những nhân chứng đều đã ở tuổi xưa nay hiếm còn sót lại. Chẳng bao nhiêu thời gian nữa, họ sẽ ra đi mang theo câu chuyện của một thời rất đáng để lưu lại, gắn liền với kí ức về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
Cùng loạt bài:
Bài 1: Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia
Bài 2: Chứng tích Noong Nhai còn đó
Bài 3: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa
Bài 4: Những nốt trầm Điện Biên
Bài 5: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ
Bài 6: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên
ĐẢNG CỦA BÁC HỒ, ĐẢNG Ở TRONG TIM
Ở mốc kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi đã gặp một trường hợp chiến sĩ Điện Biên - công nhân nông trường khác, ông không phải quân 316. Ta có 5 đại đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó, một số đơn vị thuộc 5 đại đoàn này cũng được điều trở lại Điện Biên cho các nhiệm vụ khác nhau, cùng chung tay dựng xây một Điện Biên mới. Ông Bùi Kim Điều và bà Trần Thị Hoa hiện sống trong ngôi nhà nằm trên đường 13/3 của thành phố Điện Biên Phủ, con đường được đặt tên ngày diễn ra trận đánh mở màn của Chiến dịch.
Ông Điều sinh năm 1930, quê tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình, nhập ngũ năm 1952 tại Thanh Hóa. Sau khi tham gia Chiến dịch Tây nam Ninh Bình, tháng 1/1954 ông cùng đơn vị là Đại đoàn 312 (Đại đoàn của Liệt sĩ Hà Văn Noạ) lên Điện Biên. Trung đoàn 165 của ông và các Trung đoàn 209, 141 trú quân trong một khu rừng tại xã Thanh Minh. Bảy mươi năm sau, trở lại với kí ức về những ngày mở màn chiến dịch ông vẫn vô cùng sôi nổi. Sau trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn, Trung đoàn 165 của ông được giao tấn công vào Cứ điểm Độc Lập. Trận đánh dự định diễn ra vào chiều tối, theo hiệp đồng, pháo binh của ta sau khi đánh Him Lam sẽ sang chi viện cho Độc Lập, nhưng vì trời mưa, đường trơn, pháo vào chậm, đến 3 giờ 30 ta mới nổ súng được. Tổ ba người trong đó có ông Điều được Tiểu đoàn trưởng giao mang công văn về trung đoàn xin chi viện thủ pháo. Tổ ba người của ông chạy dọc giao thông hào, dưới những làn đạn, có chỗ không còn chiến hào thì chạy trên mặt đất, hai trong số ba người trong tổ bị thương không đi được nữa, ông Điều bị nhẹ hơn tiếp tục chạy để mang bằng được công văn về. Đến được Sở chỉ huy Trung đoàn, trao được công văn cho Trung đoàn trưởng Lê Thùy xong ông ngất ngay tại chỗ. Sáng 15/3 quân ta giải phóng được Đồi Độc Lập.
Quân ta tấn công tiêu diệt Cứ điểm Đồi Him Lam. Ảnh: TTXVN
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ đơn vị ông Điều được giao áp giải tù binh về Nghĩa Lộ, Yên Bái sau đó đi thực hiện một số nhiệm vụ khác. Năm 1958, đơn vị ông lại được lệnh lên mở rộng tuyến đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Khi công trường 426 ra đời thì đơn vị ông rút về xây dựng Nông trường Điện Biên. Ông được phân công về Phân trường Mường Ẳng. Ngày ấy Mường Ẳng là xứ rừng thiêng nước độc, hổ trong rừng còn về vồ lợn của nông trường. Trước khi nhập ngũ ông Điều đã kịp cưới vợ là bà Trần Thị Hoa. Đến khi làm đường Tuần Giáo bà Hoa đã lên thăm chồng, sau đó thì theo lời kêu gọi của đơn vị, ông đã đưa bà lên cùng làm việc tại Phân trường Mường Ẳng. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn với nửa gian nhà tập thể được phân, ông bà sống như rất nhiều gia đình công nhân nông trường khác. Cuộc sống cứ thể trôi theo những năng suất, sản lượng, họp hành, triển khai các nghị quyết và chỉ tiêu nuôi trồng, hoàn thành sứ mệnh của hậu phương lớn… Nuôi dạy con cái khôn lớn, trưởng thành, ngoảnh đi ngoảnh lại đã cuối đời. Ngồi trò chuyện cùng ông bà thấy tôi nhìn bức ảnh đại gia đình chụp lưu niệm năm 2021 treo trên tường nhà, ông bà khoe đến giờ đã có tất cả 43 con, cháu, chắt. Lịch sử lùi xa nhưng cũng rất gần, những ngày ông bà lên Điện Biên xây dựng cuộc sống mới với biết bao kỉ niệm đã sáu mươi năm có lẻ nhưng nhiều chuyện nhắc lại vẫn như mới hôm qua.
Ông Bùi Kim Điều và bà Trần Thị Hoa hiện ở trong ngôi nhà kề con đường 13 tháng 3, được đặt tên theo ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Duy
Có một nỗi buồn nhẹ trong tôi khi ông Bùi Kim Điều cho biết, hiện tại cả ông và bà đều không còn là đảng viên. Hỏi thêm về chuyện này, ông Điều kể, dù đã làm đến Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ của Nông trường Mường Ẳng (năm 1964 Phân trường Mường Ẳng tách khỏi Nông trường Điện Biên thành một nông trường độc lập), nhưng do bị loét dạ dày phải phẫu thuật cắt bớt, không thể đi lại họp hành xa giữa Mường Ẳng và Điện Biên Phủ, ông đã xin nghỉ. Bà Trần Thị Hoa sau khi nghỉ việc ở nông trường, cuộc sống khó khăn, để có đủ chi phí nuôi dạy các con bà đã mở một ngôi quán nhỏ ven đường bán hàng chè thuốc, kẹo bánh kiếm thu nhập. Nhưng vì những năm tám mươi của thế kỉ trước, việc đảng viên làm kinh tế là vi phạm nguyên tắc của Đảng, bà Hoa đành phải xin nghỉ sinh hoạt để chọn lo cho gia đình. Thế mà mọi việc vẫn chưa dừng lại. Vì chuyện bà Hoa mở quán bán hàng ông Bùi Kim Điều vẫn bị chi bộ kiểm điểm, với lí do "bà ấy buôn bán kiếm được tiền mua cân thịt về thì ông có ăn không”. Không còn cách nào khác, ông Điều đành trả nốt thẻ Đảng về làm dân thường. Sau này, khi chuyển lên sinh sống tại Thành phố Điện Biên Phủ, trong những dịp kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên, câu chuyện ấy được nhắc đến, Đảng bộ nơi ông sinh sống có đề nghị ông trở lại sinh hoạt Đảng, nhưng vì thủ tục phải kết nạp lại nên ông Điều không đồng ý. Ông phân bua rằng, “tuổi tôi đã cao, sống được ngày nào quý ngày ấy, giờ kết nạp Đảng, theo nguyên tắc phải có một năm đảng viên dự bị, nhỡ đang trong thời gian dự bị tôi chết thì mãi là đảng viên dự bị à”. Vì lí do đó mà ông bà đã chọn làm những quần chúng tốt. Câu chuyện năm xưa chỉ như một vết buồn man mác vì những sự máy móc của chi bộ địa phương ở cái thời mọi thứ còn mập mờ giữa đổi mới và bảo thủ. Trước khi chia tay ông Điều bảo tôi, “không Đảng nào bằng Đảng trong tim, Đảng của Bác Hồ anh ạ”. Người lính già nhập ngũ đúng vào ngày thành lập Đảng mùng 3/2 tiễn chúng tôi, ánh mắt bình thản nhìn ra con đường gắn biển 13/3 kề ngay hiên nhà.
Tất nhiên những câu chuyện như vợ chồng ông Bùi Kim Điều tôi nghĩ cũng không nhiều. Chỉ gợn lên trong tôi ở chỗ, sau 70 năm, những người lính nông trường năm ấy hầu hết đã đi xa, chỉ còn rất ít thế hệ chống Pháp, càng ít hơn những nhân chứng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tìm những nhân chứng còn sống và mạnh khỏe, tỉnh táo để kể lại chuyện xưa, kể lại những gì thuộc về chính cuộc đời mình giờ đây khó như hái sao trời. Rồi đây sẽ chỉ còn những thế hệ con cháu họ. Như người con gái đầu của ông Điều bà Hoa, sinh năm 1960, là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Điện Biên thì nay cũng đã nghỉ hưu. Người con gái thứ hai, sinh năm 1962, là Phó giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Điện Biên cũng đã nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên. Bây giờ đã đến thế hệ thứ ba của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa dựng xây, cống hiến cho Điện Biên, đang làm chủ mảnh đất này.
MẤT TÊN MẤT CẢ THỜI OANH LIỆT?
Trở lại câu chuyện về Nông trường Quốc doanh Điện Biên, 70 năm với bao vật đổi sao dời, cùng với sự vận động của xã hội, sự thay đổi cơ chế quản lí kinh tế, tính hiệu quả từ mô hình nông trường không cao đã dẫn đến việc giải thể hàng loạt nông trường trên cả nước. Và Nông trường Điện Biên cũng không là ngoại lệ. Tìm kiếm kết quả về Nông trường Điện Biên trên google hầu như không có một kết quả về nội dung hay hình ảnh nào về hoạt động của nông trường trước đây, trong thời kì nó làm nên một phần lịch sử của Điện Biên sau giải phóng. Đơn vị kế thừa danh xưng Nông trường Điện Biên năm xưa tại Điện Biên hiện nay là Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên. Công ty này vốn là đơn vị được hình thành từ việc sáp nhập 3 đơn vị Nông trường quốc doanh Điện Biên, Nông trường Mường Ảng và Xí nghiệp cà phê Điện Biên với tên gọi Công ty TNHH Nhà nước MTV cây công nghiệp Điện Biên. Tháng 6 năm 2008, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, và chuyển đổi cổ phần thành Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên. Việc làm ăn khó khăn, số diện tích đất của Nông trường khi xưa được công ty giao cho công nhân và một phần cho thuê lại cho các hộ nông dân sản xuất. Nông trường Điện Biên một thời vang bóng, vết son đỏ trên bản đồ và kí ức về vùng Tây bắc đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại một cái tên xa mờ. Nhưng trong kí ức của những cán bộ, công nhân nông trường thuở xưa, mọi thứ vẫn vẹn nguyên.
Cánh đồng Mường Thanh được cung cấp nguồn nước tưới từ cấy một vụ đã nâng lên hai vụ. Ảnh: Tư liệu
Theo Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, trước dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo thống kê số chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn tỉnh hiện còn sống là 140 đồng chí là chiến sĩ Điện Biên. Đó là những nhân chứng sống, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở lại xây dựng kinh tế, phát triển Điện Biên, đặt nền móng cho một Điện Biên sau này… Đảng bộ tỉnh rất trân trọng công lao đóng góp xây dựng Điện Biên của các cựu chiến binh, bộ đội, từ những ngày đầu đã kiến tạo, dựng xây Điện Biên sau giải phóng. “Tôi cũng nghĩ là cần ghi lại những công lao, đóng góp của các thế hệ trước, nhất là lớp các cụ tham gia xây dựng Nông trường Điện Biên, cái này có lẽ tới đây phải đề xuất với Ban liên lạc Nông trường tập hợp những tư liệu, hình ảnh về nông trường. Các cụ lên đây xây dựng nông trường nhưng không chỉ là xây dựng nông trường mà tái tạo sự sống trên vùng đất lịch sử. Điện Biên phát triển như hôm nay phải có nền móng, gốc gác của nó”. Hi vọng lãnh đạo tỉnh, nhất là ngành Văn hóa để tâm đến việc này bằng việc triển khai những hoạt động cụ thể.
Hội Cựu Chiến binh Điện Biên những năm qua cũng có những chính sách, sự quan tâm với gia đình hội viên, kết nối vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Các cụ cựu chiến binh Điện Biên luôn được quan tâm, là vốn quý của quê hương. Tuy vậy, cũng còn nhiều thế hệ những công nhân nông trường giờ đây muốn có một chốn đi về, lưu dấu những kỉ niệm của Nông trường xưa thì không có.
TIẾP BƯỚC CHA ÔNG
Rất nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa dù đã hạ sao làm công nhân nhưng sau này con cháu của họ vẫn tiếp bước cha ông cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Anh Bùi Văn Sương, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh xã Thanh Xương cũng từng là một sĩ quan biên phòng. Cháu nội của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả là em Nguyễn Văn Cường hiện đang là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1. Anh Lại Văn Quỳnh, con cựu chiến binh Lại Văn Năm cũng đã là người lính trước khi xuất ngũ về tiếp tục làm việc tại Nông trường Điện Biên. Đến nay, nhiều người thế hệ thứ ba kể từ những chiến sĩ Điện Biên về xây dựng nông trường đã trưởng thành, đang tiếp tục dựng xây quê hương.
Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn và ông ngoại là chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm. Ảnh: Gia đình cung cấp
Lần theo thế hệ thứ ba của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa tôi tìm ra Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên. Anh là người có cả ông nội và ông ngoại đều là Chiến sĩ Điện Biên, được lớn lên trong vòng tay của bố mẹ, ông bà những năm đất nước hoà bình. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng nghìn người lính tiếp tục trở lại xây dựng Điện Biên, coi đây như quê hương thứ hai, nhiều trường hợp con của những chiến sĩ Điện Biên ấy đã nên duyên và sinh ra những thế hệ Điện Biên mới. Ông nội Thiếu tá Nguyễn Đình Tuấn là cụ Nguyễn Đình Đường, sinh năm 1921 tại Quảng Hưng, Quảng Hoà, Cao Bằng. Năm tháng lùi xa và ông nội anh đã rời quân ngũ sau lễ hạ sao năm 1960 nên chính Tuấn cũng không biết chính xác ông nội anh thuộc đơn vị nào. Ông ngoại anh là ông Lại Văn Năm, sinh năm 1932 tại Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ, nhập ngũ năm 1952, lên Điện Biên trong đội hình của Sư đoàn 316. Qua ông Năm, tôi được biết ông Đường cũng là quân 316. Cả ông nội và ông ngoại Tuấn đều là những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó đơn vị được lệnh quay về kiến thiết xây dựng Nông trường Điện Biên và ở lại gắn bó với nơi đây. Nhà Tuấn hiện nay cũng kề ngay Đồi A1. Lịch sử và hiện tại, hôm qua và hôm nay vẫn ngày ngày hiện hữu, như sờ nắn được. Nhiều lúc tôi cứ tự nghĩ, trong hàng nghìn người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ quay về xây dựng Điện Biên kia, giá như chỉ có độ chục người viết hồi kí về những năm tháng ấy thì đã lưu giữ được biết bao câu chuyện về một thời đoạn lịch sử quan trọng không những của Điện Biên mà còn của cả nước gắn với chiến thắng vĩ đại trên mảnh đất này.
NHÓM PV VNQĐ
(Còn nữa)
VNQD