Dòng chảy

ĐIỆN BIÊN - VINH QUANG VÀ MẤT MÁT - Bài 3

Thứ Tư, 01/05/2024 07:26

Bài 3: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa

đoàn 316 là đơn vị có nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Bốn năm sau Sư đoàn lại được giao nhiệm vụ tiên phong xây dựng và bảo vệ Điện Biên, Tây Bắc. Những người lính của Sư đoàn đã trở lại Điện Biên năm 1958, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ trong quyết tâm chung của cả nước xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Kiện, Chính ủy Sư đoàn để giao nhiệm vụ trở lại chiến trường cũ Điện Biên tham gia xây dựng Tây Bắc thành một vùng hậu phương vững chắc. Hàng ngàn người lính, thanh niên xung phong đã lên với vùng đất vừa làm nên lịch sử với khát vọng gieo mầm cho một Điện Biên xanh, làm cho mảnh đất chiến địa nở những bông hoa đẹp.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Bài 2: Chứng tích Noong Nhai còn đó

Bài 3: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa

Bài 4: Những nốt trầm Điện Biên

Bài 5: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ

Bài 6: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên

Xe tăng Pháp quần thảo trên cánh đồng Mường Thanh. Ảnh tư liệu

TẦM NHÌN XA CỦA ĐẠI TƯỚNG, TỔNG TƯ LỆNH

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai chấp bút có nói về việc, hai ngày sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Đại tướng từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi tập trung các cứ điểm ở khu trung tâm Mường Thanh. Khi đó, đứng trên Đồi A1 quan sát toàn bộ hình thái tập đoàn cứ điểm của địch và trận địa, chiến hào của ta, nhìn những vết thương chiến tranh nham nhở khắp vùng thung lũng Mường Thanh Đại tướng đã suy nghĩ về việc tái thiết Điện Biên từ rất sớm: “Tôi chợt nghĩ tới một nhiệm vụ của bộ đội, là phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi tiếp tục đi đánh giặc trên những chiến trường khác”. Đó quả là những dự liệu của một thiên tài không chỉ về quân sự, người luôn có tầm nhìn xa. Bốn năm sau, chính Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316 về tái thiết Điện Biên, gọi màu xanh về cho đất. Nông trường Điện Biên đã ra đời trên chính mảnh đất này cũng bởi những người lính đã chiến đấu giải phóng Điện Biên. Và công cuộc thu dọn chiến trường, chữa lành những vết thương chiến tranh, trả lại môi sinh cho Điện Biên đã được tiến hành từ những năm tháng đó cũng như kéo dài mãi đến sau này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ thị sát chiến trường khu trung tâm sau ngày chiến thắng 7/5/1954. Ảnh tư liệu

Năm 1959 Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại cùng Đoàn Đại biểu Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh lên dự lễ kỉ niệm 5 năm giải phóng Điện Biên Phủ. Đại tướng mang theo bài thơ của Bác Hồ viết tặng Sư đoàn 316 trước đây khi về giao nhiệm vụ cho Sư đoàn, đồng thời, tại Điện Biên, Đại tướng đã căn dặn cán bộ chiến sĩ 316: “Các đồng chí hay đem trồng lên mảnh đất anh hùng này những giống hoa đẹp nhất của đất nước. Tuy trước mắt các đồng chí còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng gian khổ nào bằng giải phóng Điện Biên Phủ trước đây. Mảnh đất này đã thấm máu bao đồng đội, đồng bào ta, các đồng chí hãy trân trọng nó, biến nó thành một nơi phồn vinh của Tổ quốc”.

Và những người lính đã không chỉ trồng lúa, trồng mía, trồng lạc, chăn nuôi trồng trọt xây dựng mảnh đất Điện Biên, họ còn gieo xuống nơi đây những khát vọng của thời thanh xuân sôi nổi muốn cống hiến cho đất nước.

TÂY BẮC LÀ QUÊ HƯƠNG, ĐIỆN BIÊN LÀ GIA ĐÌNH

Chúng tôi tìm về Sư đoàn 316, Quân khu 2 tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đây là đơn vị sau Chiến dịch Điện Biên Phủ được điều trở lại Điện Biên vào năm 1958 với nhiệm vụ xây dựng nông trường. Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn nói rằng, các thế hệ cán bộ sau này của Sư đoàn cũng không biết nhiều về thời thành lập Nông trường Quân đội, sau đó đổi tên thành Nông trường Điện Biên, bởi sư đoàn đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, lại di chuyển khắp các chiến trường, tuy nhiên trong lịch sử của đơn vị có ghi lại điều này rất rõ. Anh đã giới thiệu để chúng tôi tiếp cận, tìm lại những tư liệu liên quan đến sự việc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 316 ngày 10 tháng 3 năm 1958. Ảnh: Tư liệu Sư đoàn 316

Trong cuốn Lịch sử Sư đoàn 316 ghi rõ: Ngày 10/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Chu Huy Mân đã về thăm Sư đoàn. Đồng chí Chu Huy Mân lúc này là Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính, một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu; hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi là cơ bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn…”. Bác cũng trao cho đơn vị 100 chiếc Huy hiệu Bác Hồ để làm giải thưởng bước đầu trong đơn vị. Thế là toàn sư đoàn chuyển hướng sang thực hiện nhiệm vụ mới trên chiến trường xưa. Trung đoàn 176 chuyển thành Nông trường Điện Biên; Trung đoàn 174 từng có nhiều vinh quang và tổn thất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức lại thành Công trường 42; Trung đoàn 98 cùng một số đơn vị khác tổ chức lại thành Công trường làm đường. Lực lượng còn lại của Sư đoàn được tổ chức biên chế lại thành Lữ đoàn, trực thuộc Quân khu Tây Bắc.

Đoàn cán bộ VNQĐ tham quan Phòng truyền thống Sư đoàn 316 và tìm hiểu về thời gian Sư đoàn được giao về xây dựng Điện Biên Phủ năm 1958. Ảnh: Thành Duy

Mùa thu hoạch đầu tiên tại Điện Biên, toàn Lữ đoàn thu được 200 tấn thóc. Cũng chính những người lính Lữ đoàn 316 khi đó đã thu dọn chiến trường, giải quyết hậu quả chiến tranh, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ tại Điện Biên, trong đó có Nghĩa trang Đồi A1. Để ổn định tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn khuyến khích họ đưa gia đình, vợ con cùng lên Tây Bắc, coi Điện Biên là quê hương thứ hai. Đơn vị đã cùng với chính quyền địa phương tiếp nhận hơn 900 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ lên với Điện Biên. Năm 1960, sau khi mọi thứ đã ổn định và đi vào sản xuất, đúng ngày thành lập Quân đội nhân Việt Nam, một lễ hạ sao đã được thực hiện để những người lính 316 trở thành những cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên. Lịch sử cũng sang trang mới từ đó. Sau này nhìn lại thì chính họ là những người nắm giữ những kí ức Điện Biên, cả về những trận chiến giải phóng mảnh đất này, cả về việc cải tạo, hồi sinh nó, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hôm nay. Với lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong ngày ấy, câu khẩu hiệu “Tây bắc là quê hương, Điện Biên là gia đình” đã được họ vận dụng bằng cả cuộc đời mình và thế hệ tương lai.

TƯỚI MÁT ĐỒNG MƯỜNG THANH

Nói về quá trình đi lên của Điện Biên không thể không nhắc đến công trình thủy lợi làm thay đổi vùng đất lòng chảo Mường Thanh những năm sau hòa bình. Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng ngày 3/10/1963, với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những thanh niên xung phong đến từ Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ đã về đây chung tay “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Mấy nghìn ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt, con đập tràn dài 60 mét, cao 9 mét, rộng 11 mét chặn dòng Nậm Rốm mới thành hình, đổi lại, 18 công nhân đã vĩnh viễn nằm lại với Nậm Rốm. Những năm Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, cùng với Đại thủy nông Bắc Hưng Hải, là hai công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc lúc đó, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Có những mùa mưa bom Mỹ thả, giao thông bị chia cắt, Điện Biên bị cô lập, cả công trường thiếu lương thực, những công nhân về xây dựng công trình đã phải ăn ngô bung trừ bữa. Năm 1969 công trình cơ bản hoàn thành, tiếp đó, hồ chứa nước Pá Khoang được xây dựng rộng 600 ha, năm 1979 đi vào sử dụng. Công trình Đại thủy nông Pá Khoang - Nậm Rốm với hai tuyến kênh tả và hữu dài hơn 30 km như hai cánh tay ôm ấp cánh đồng Mường Thanh, đem dòng nước mát về cho đất. Cánh đồng 150 cây số vuông, rộng nhất miền Tây Bắc từ chỗ cấy một vụ lúa nay đã có thể nâng lên hai vụ. Nhờ có công trình này năng suất lúa đã tăng, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha, bảo đảm nước tưới ổn định cho 3.317 ha lúa hai vụ và 417 ha hoa màu. Đại thủy nông Nậm Rốm đã là một biểu tượng của tuổi trẻ những năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Công trình này cũng đã góp phần làm nên những kì tích của Nông trường Điện Biên những năm chống Mĩ.

Đập thủy lợi trên sông Nậm Rốm vẫn còn hoạt động phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh đến ngày hôm nay. Ảnh: Tư liệu 

Nông trường Điện Biên ngày ấy đã như một biểu tượng của sự hồi sinh, của việc kiến thiết, xây dựng một cuộc sống mới trên vùng đất chiến tranh dày đặc bom mìn. Nông trường đã đi đầu trong các phong trào thi đua, là một điểm sáng về nông nghiệp trên miền Bắc. Không giống như các nông trường khác, Nông trường Điện Biên, ngoài những thành tích về sản xuất còn có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, đánh thức cả vùng Tây bắc xa xôi, là điểm sáng về xây dựng cuộc sống mới sau hòa bình trên miền Bắc. Sau này nhìn lại thì chính những cán bộ, công nhân nông trường lớp đầu tiên cùng những thanh niên xung phong là những người nắm giữ những kí ức Điện Biên, cả về những trận chiến giải phóng mảnh đất này, cả về việc cải tạo, hồi sinh nó, đặt những nền móng đầu tiên cho một Điện Biên hôm nay.

Điện Biên đã là nơi hội tụ mọi miền quê như thế. Nên hiện nay, ngoài những nghĩa trang liệt sĩ thì ở đây còn có một nghĩa trang dành cho những thanh niên xung phong tham gia công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã hi sinh trên mảnh đất này, một nghĩa trang nữa dành cho những chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế hi sinh trên chiến trường Lào là Nghĩa trang Tông Khao ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

NHÓM PV VNQĐ

(Còn nữa)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)