Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia
Đến Điện Biên bạn rất dễ bị ngợp, ngợp trong những hồi quang chiến thắng, trong những di tích dày đặc, trong những tư liệu, hiện vật xếp chồng chéo đan cài những lớp thời gian. Nhưng chỉ cần kìm nén cảm xúc một chút bạn sẽ cảm nhận thấy những nốt trầm của lịch sử… Điện Biên Phủ là nơi hội tụ của sức mạnh, trí tuệ Việt Nam, thể hiện nghệ thuật quân sự đặc sắc gắn với cuộc chiến tranh nhân dân sinh động và rõ nét hơn bao giờ hết, thế nhưng, nơi đây cũng chứng kiến những mất mát, hi sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Loạt kí sự “Điện Biên - Vinh quang và mất mát” là kết quả của chuyến thâm nhập thực tế của nhóm PV VNQĐ trong chuyến về Điện Biên và một số đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 2 đầu năm 2024.
Cùng loạt bài:
Bài 2: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa
Bài 3: Những nốt trầm Điện Biên
Bài 4: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ
Bài 5: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên
Cần một hình dung về Điện Biên hôm nay gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ hôm qua thì trung tâm thành phố Điện Biên Phủ chính là trung tâm của các tập đoàn cứ điểm Pháp xây dựng năm xưa, còn phía sở chỉ huy quân ta thì ở mãi mạn Mường Phăng, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn ba mươi cây số, thuộc huyện Điện Biên. Những địa danh nổi tiếng phải mất 56 ngày đêm với những tính toán, thay đổi chiến thuật cân não mới công phá được đều nằm trong thành phố, với tay là chạm đến. Bạn có thể đi bộ thong dong lên Đồi A1, qua ngã tư trục đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Lịch sử và những di tích chính của Thành phố Điện Biên Phủ cũng “tóm gọn” phần lớn qua trục đường này, từ Quảng trường 7/5 đến Đồi A1, rẽ phải, đi thêm chút nữa là Hầm Đờ Cát, cách đó vài chục mét là cầu Mường Thanh. Đi đến cuối đường là Đồi D1, nơi có Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nghĩa trang Đồi A1 nằm đối diện Bảo tang Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bên cạnh việc thăm bảo tàng, chiêm ngắm bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ bạn hãy ghé sang Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 thắp hương cho các liệt sĩ. Đại đa số là các ngôi mộ ở đây là mộ không biết tên, và ngay cả những ngôi mộ hiện diện trong nghĩa trang ấy cũng còn quá ít so với số lượng quân ta đã hi sinh trong những ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” sống mái với tập đoàn cứ điểm này 70 năm trước.
CHẠM VÀO LỊCH SỬ TỪ NGHĨA TRANG ĐỒI A1
Chúng tôi có mặt tại đây vào buổi trưa, lại chưa vào dịp cao điểm nên số người thăm viếng nghĩa trang không nhiều. Nghĩa trang Đồi A1 do chính những người lính Sư đoàn 316, đơn vị tham gia đánh Điện Biên Phủ xây dựng có thể nhìn toàn cảnh từ vọng quan sát, toát lên vẻ uy nghiêm, phần đài tưởng niệm được thiết kế cách điệu chữ A với những ngôi sao nhỏ tương ứng với 614 ngôi mộ trong nghĩa trang. Phía cổng vào là hàng bia ghi danh các liệt sĩ. Ở nơi đây, bạn sẽ thấy miên man những dòng tên liệt sĩ dọc bia tưởng niệm, có tỉnh dài đến mấy trang chưa hết như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… có tỉnh chỉ một hai liệt sĩ góp mặt. Như thế không có nghĩa là những tỉnh kia đóng góp ít cho Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đóng góp bằng những cách khác nhau, theo ý đồ chiến lược của ta. Ngay như Sơn La, tỉnh kề sát Điện Biên danh sách liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồi A1 cũng chỉ duy nhất một người. Đem chuyện này hỏi Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, Thiếu tướng Lư bảo, chính vì thế mà tỉnh Điện Biên đang tổ chức làm cuốn sách nói về sự đóng góp của các địa phương cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hội Cựu chiến binh tỉnh được giao phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật thực hiện cuốn sách này, cuốn sách sẽ góp phần khiến mọi thứ rõ ràng hơn, trả lời cho những kiểu thắc mắc như tôi vừa nêu ra. Thiếu tướng Lư nói rằng, đây cũng là lần đầu tiên việc này được làm một cách hệ thống.
Cháu nội chiến sĩ Điện Biên Lê Đăng Điệng trước bia ghi danh các liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồi A1. Ảnh: Lê Ngọc Hoàn
Lại nói về các liệt sĩ, biết bao người con của các chiến sĩ Điện Biên đã đi tìm cha mình, suốt Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1 để rồi một mẫu số chung là cha của họ đã hoà vào đất đai cây cỏ, những cái tên đã quyện bóng mây trời. Hôm nay, đứng ở Nghĩa trang Đồi A1, trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ tôi lại nhớ đến câu chuyện của Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung. Trong dịp kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ anh đã lên Điện Biên, lúc đầu anh viết phóng sự Chuyện về dũng sĩ tay cụt đăng trên Báo Quân đội nhân dân kể về câu chuyện Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã kịp thời phát hiện việc trinh sát nhầm vị trí qua suối và khoảng cách đến Đồi Him Lam, anh đã khẩn thiết đề nghị hoãn trận mở màn của Chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/3/1954; nhờ thế mà trận đầu tiên diễn ra sau đó 2 ngày ta đã chiến thắng oanh liệt, xé tan cụm cứ điểm Him Lam, nơi mà người Pháp coi là pháo đài bất khả xâm phạm. Hà Văn Noạ là Đại đội trưởng Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. 17 giờ 10 phút ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông), Trung đoàn 141 nhận nhiệm vụ chủ yếu tiêu diệt Cứ điểm 1, là nơi phòng ngự then chốt nhất của Cứ điểm Him Lam. Cuộc chiến đấu gay go nhất là ở mỏm 1 do Tiểu đoàn 11 đảm nhiệm, mà Đại đội 243 của Hà Văn Noạ là đại đội chủ công, các Đại đội 241, 245 đảm nhận các mũi tiến công khác. Mỏm 1 là mỏm cao nhất, có Sở Chỉ huy trung tâm phòng ngự Him Lam, nên địch bố trí công sự, vật cản và hoả lực phức tạp và dày đặc để chống giữ. Trận đánh diễn ra gay go ác liệt. Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dũng cảm, linh hoạt chỉ huy đại đội đột phá thành công mỏm 1. 23 giờ 30 phút, ta đã hoàn toàn làm chủ Him Lam, thu toàn bộ vũ khí, vượt trước thời gian quy định của Bộ Chỉ huy chiến dịch 30 phút, nhưng cả ba Đại đội 243, 241 và 245 bị thương vong rất nhiều. Ở đợt tấn công thứ hai của ta diễn ra vào ngày 30/3/1954, Đại đoàn 312 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm đồi E, đồi D1, D2, vị trí pháo địch 210 và tiểu đoàn dù nguỵ số 5. Tiểu đoàn 11 được Bộ chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ thọc sâu giữa hai Đồi E và D để gây rối loạn đội hình địch, tiêu diệt trận địa pháo rất lợi hại của địch ở chân Đồi D. Ngay khi tiếng súng ở Đồi D và Đồi E đang nổ giòn giã thì Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dẫn Đại đội 243 vượt qua quãng đường độc đạo dài và hẹp giữa Đồi D và Đồi E để luồn sâu vào trong. Phát hiện ra ý định của ta địch tập trung hỏa lực định bẻ gãy mũi thọc sâu lợi hại này, gần một phần ba đại đội bị thương, nhưng đơn vị kiên quyết thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù nguỵ số 5. Địch không chịu đựng nổi sức tiến công mạnh của mũi thọc sâu do Đại đội trưởng Hà Văn Noạ chỉ huy đã bỏ chạy tán loạn, đặc biệt chúng bỏ cả trận địa pháo, điều đó đã góp phần cho các đơn vị bạn tiêu diệt địch ở các Đồi E, D. Đại đội trưởng Hà Văn Noạ đã dẫn hai mươi chiến sĩ đuổi địch đến bờ sông Nậm Rốm. Tại đây, trong trận đánh xáp lá cà, vũ khí đã cạn kiệt, anh lại chỉ có một tay, nên cùng với số chiến sĩ còn lại của Đại đội 243 anh đã anh dũng hi sinh.
Nghĩa trang Đồi A1 nhìn từ phía đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thành Duy
Bài viết làm rõ phẩm chất anh hùng của người Đại đội trưởng đã góp phần vào việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hà Văn Nọa, người bị cụt một tay trong một trận đánh xáp lá cà khác khi ông tham gia Chiến dịch Biên giới trước đó nhưng vẫn xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Con trai của liệt sĩ Hà Văn Noạ là anh Hà Văn Tuyên, chiến sĩ công an, đã nhiều lần lên Điện Biên tìm cha, mỗi lần nghe thấy có tin tìm được hài cốt anh lại lên, nhưng mỗi lần lên là một thất vọng, bởi những ngôi mộ tập thể không thể phân định xương cốt của từng người, có những hài cốt riêng tìm thấy thì đều có đủ hai tay, đây hiển nhiên không phải cha anh, bởi Dũng sĩ Hà Văn Noạ chỉ có một tay mà thôi. Đó là một câu chuyện điển hình, cùng với đó còn biết bao những người con người cháu khác, cha ông của họ hi sinh, họ đã quắt quay trong những kiếm tìm, trong những hình dung về người thân. Điện Biên Phủ với họ có lẽ sẽ khác với những người khác. Từ câu chuyện về dũng sĩ Hà Văn Noạ, cảm động về câu chuyện tìm cha của anh Hà Văn Tuyên, nhà văn - nhà báo Đoàn Hoài Trung đã viết bài thơ Tìm cha, sau đó nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Mỗi dịp kỉ niệm ngày chiến thắng, ca khúc lại vang lên với những lời ca da diết: Bao năm con đi tìm cha/ Đồi A1 dọc cánh đồng Mường Thanh/ Các nghĩa trang liệt sĩ vô danh/ Bạt ngàn san sát mộ bên nhau/ Trước nghĩa trang chiều nay/ Giữa màu trắng mênh mông nhức mắt/ Không thấy tên cha/ Con chỉ biết cha là dũng sĩ Điện Biên… Tôi và nhà văn Đoàn Hoài Trung có thời gian làm cùng nhau. Ngày hai anh em còn ở chung cơ quan Báo Phòng không - Không quân, tôi vẫn đùa anh Trung rằng, bài hát Tìm cha… chuyển thể từ phóng sự Chuyện về dũng sĩ tay cụt. Những câu chuyện như vậy đã kéo anh em chúng tôi gần lại Điện Biên, lại gần hơn với những gì không hẳn đã thuộc về lịch sử.
DÒNG TÊN CHA TRÊN BIA ĐÁ ĐIỆN BIÊN
Câu chuyện về những ngôi mộ vô danh trên đất nước mình có bao giờ hết. Chống Pháp rồi chống Mĩ. Đâu đâu cũng là chiến trường. Có ai muốn biến quê hương, đất nước mình thành chiến trường?! Nhưng có những thời đoạn lịch sử, những nơi ấy phải là chiến trường thì mới giữ được quê hương đất nước. Câu chuyện tìm người thân ấy còn được nối dài, còn được kể mãi. Bởi thế nên khi nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong câu chuyện tại Điện Biên khi chúng tôi làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nói về việc tên các liệt sĩ trên bia đá cần được khắc trang trọng và đầy đủ, nghiêm ngắn hơn thì Đại tá Trần Đức Sinh, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên bảo rằng: Điều anh nói rất đúng, còn nhiều việc phải làm, ngay như tôi, đã lên Điện Biên bao lần, nay thì công tác tại chính đây nhưng ông bác ruột của tôi đã tìm suốt những năm qua cũng chỉ còn lại ngờ ngợ ở hai dòng tên gần giống nhau trên bia đá Nghĩa trang Đồi A1 mà thôi. Bác ruột của Đại tá Trần Đức Sinh là liệt sĩ Trần Đức Ngung, sinh khoảng trước năm 1932, quê tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hi sinh tại Mường Thanh ngày 31/3/1954. Chính những người thân thế hệ sau của liệt sĩ cũng không chắc chắn về năm sinh của ông bởi mọi giấy tờ chẳng còn gì lưu lại, nên người cháu ruột và kể cả con gái ông cũng chỉ dùng từ “khoảng” khi được hỏi ông sinh năm bao nhiêu. Sau này, học xong sĩ quan pháo binh và về công tác trên địa bàn Quân khu 2, anh Sinh đã lên Điện Biên, đến Sở Lao động, Thương binh xã hội tỉnh cố gắng tìm thông tin về trường hợp hi sinh và phần mộ bác mình thì cũng chỉ biết bác hi sinh ở khu vực Đồi Khe Chít trong đợt tiến công thứ hai của quân ta. Anh cũng đi khắp các nghĩa trang ở Điện Biên dò tìm người bác đang được thờ tự tại gia đình mình ở quê mà không thấy. Cuối cùng, người cháu tìm thấy tên bác mình ở Nghĩa trang Đồi A1 và đã báo tin cho chị họ là con ruột của liệt sĩ Trần Đức Ngung.
Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Ảnh: Thành Duy
Bà Trần Thị Thiệp, người con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Đức Ngung hiện đang sống tại Bãi Bằng, Phú Thọ. Sinh ra được hai tuổi thì bố hi sinh, mẹ đi bước nữa, bà phải ở với ông bà nội, cả cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi và tủi thân, chưa khi nào bà được gọi hai tiếng “cha ơi”. Sinh năm 1952 nhưng vì đi học muộn nên tuổi hồ sơ của bà là 1954. Sau này lớn lên bà đi học Trung cấp Y tế kĩ thuật và về làm việc tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, sau đó bà chuyển về làm y tá tại Nhà máy giấy Bãi Bằng. Kí ức về cha của bà Thiệp là những câu chuyện kể thập thõm của ông bà nội. Bố bà vốn là nhà giáo, nhập ngũ vào quân đội, đi chiến đấu và hi sinh, việc thờ cúng liệt sĩ Trần Đức Ngung do người em trai, tức bố của Đại tá Trần Đức Sinh đảm nhận. Khi đã trưởng thành và có gia đình ổn định, bà Thiệp mới xin phép chú thím và các em đưa bàn thờ cha về nhà mình. Khi tôi ngỏ ý hỏi xin một tấm ảnh của liệt sĩ Trần Đức Ngung thì bà Thiệp chùng giọng kể, thật không may, năm 1981 nhà bà bị cháy, tấm ảnh duy nhất về cha cùng nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Bởi thế, kí ức mỏng manh về bậc sinh thành càng trở nên hư ảo. Từ khi nhận tin anh Sinh thông báo tên cha ở Nghĩa trang Đồi A1 bà Thiệp đã hai lần lên Điện Biên thắp hương cho cha. Bà vẫn nhớ lần đầu, khi lên Điện Biên, trời nắng chang chang, lễ mừng Chiến thắng 60 năm Điện Biên Phủ vừa diễn ra được hai ngày, khi đến Nghĩa trang Đồi A1 làm thủ tục thăm viếng, vừa chạm tay vào dòng tên cha thì mây đen ùn ùn kéo đến, trời bỗng đổ mưa rào rầm rĩ, sớm chớp ì ùng, bà Thiệp phải ngồi chờ ở nhà bia suốt 45 phút. Hết 45 phút mưa ngớt, ánh nắng lại hửng lên, một dải cầu vồng bắc ngang trời như một sự kết nối âm dương. Bà vội vàng vào thắp hương cho 614 ngôi mộ trong nghĩa trang. Tất cả là mộ không tên, trừ 4 ngôi mộ của các Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện. Bà tin đó là cuộc trùng phùng cha con sau bao năm xa cách, lưu lạc âm dương. Bà luôn tin có một sự sắp đặt tâm linh cho cuộc hội ngội vô hình với cha sau những chờ trông mòn mỏi.
THÂN NGÃ XUỐNG THÀNH ĐẤT ĐAI TỔ QUỐC
Điện Biên có 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 3 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là A1, Him Lam và Độc Lập. 8 nghĩa trang với 6.600 phần mộ liệt sĩ, trong đó chỉ có 705 phần mộ có tên đầy đủ, 653 phần mộ có một phần thông tin, còn lại 5.285 phần mộ không có thông tin. Điện Biên có 4 Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu là Tô Vĩnh Diện, Trần Can, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, những người có tên trên mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 như bà Thiệp và những người khác đã thấy thì cũng chỉ có 3 Anh hùng là có nơi hi sinh, còn liệt sĩ Trần Can, người có công lớn trong trận mở màn đánh cứ điểm Him Lam thì vẫn chưa xác định được. Di ảnh 4 liệt sĩ ấy được đặt trang trọng trong Bảo tàng Điện Biên Phủ, với Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện chỉ là một tấm ảnh vẽ lại theo trí nhớ của đồng đội mà thôi. Còn rất nhiều những liệt sĩ chưa biết tên khác, như cha bà Thiệp, vì những lí do khác nhau đến tấm ảnh thờ cũng chẳng còn. Biết bao liệt sĩ đã ngã xuống trong những đợt tiến công để giành giật một mục tiêu, lần hồi đọc lại các tài liệu về Chiến dịch Điện Biên tôi không khỏi xót lòng khi Đồi C1 ta và địch giành giật từng mét hào, mất đi chiếm lại, nống lên đánh xuống không biết bao nhiêu lần, từng tấc đất trộn máu xương chiến sĩ, đánh trận hi sinh đã đành, nhiều chiến sĩ tải thương khi hi sinh trên vai vẫn còn thi thể đồng đội. Thể xác các anh hòa vào đất mẹ, anh linh các anh hóa mây trời Tây Bắc.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng được trao cho Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 trước trận mở màn đánh Cứ điểm Đồi Him Lam. Dũng sĩ Hà Văn Noạ là Đại đội trưởng Đại đội 243, người mặc áo trấn thủ. Ảnh: TL
Tấm ảnh duy nhất của Liệt sĩ Hà Văn Noạ tại Điện Biên Phủ chụp cùng một lãnh đạo cao cấp, ông đứng đầu đội hình, đối diện với lãnh đạo nên chỉ thấy phần lưng, dù vậy thì anh Hà Văn Tuyên vẫn vô cùng trân trọng, vì đó là kỉ vật duy nhất về cha mình. Lúc đầu tấm ảnh được treo ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sau đó, do người lãnh đạo này gặp những chuyện không hay nên buộc phải gỡ tấm ảnh xuống, bởi vậy Liệt sĩ Hà Văn Nọa cũng bị gỡ xuống theo. Con trai Anh hùng Liệt sĩ Hà Văn Noạ là Đại tá công an Hà Văn Tuyên thì vẫn lưu giữ bức ảnh quý về cha mình, dù đó là tấm ảnh chụp lại chất lượng mờ nhoè. Tìm cha mãi cho đến lúc nghỉ hưu, đến nay, khi kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì người con trong bài hát Tìm cha ấy cũng đã qua đời. Cháu nội của Liệt sĩ Hà Văn Noạ là anh Hà Văn Thân, con của ông Hà Văn Tuyên, là một sĩ quan biên phòng. Thế hệ thứ ba đã là những người lính tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Dịp lễ trọng này không biết anh Thân có đến được Điện Biên thắp nén hương tưởng nhớ ông mình. Câu chuyện tìm cha đã thành câu chuyện tìm ông trong những trao truyền khắc khoải. Lịch sử chảy trôi mỗi năm độ lùi lại thêm dài…
Khu tưởng niệm tại Đền thờ các liệt sĩ trên Đồi F. Ảnh: Kiến Việt
Đền thờ các liệt sĩ hi sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ mới được xây dựng năm 2018 tại Đồi F, là mỏm nhô ra kề Đồi A1. Đây là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và địch, một điểm cao lợi thế trong việc yểm trợ cho Đồi A1, vốn là cứ điểm tử thủ của Pháp trong việc bảo vệ Trung tâm Mường Thanh, trái tim của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bởi thế, để chiếm được điểm cao này ta cũng tổn thất rất nhiều. Biết bao liệt sĩ đã hi sinh ở mỏm đồi này. Khi xây dựng đền thờ đơn vị thi công vẫn còn tìm thấy những bộ hài cốt liệt sĩ, 6 bộ hài cốt đã được cất bốc đưa về an táng tại Nghĩa trang Đồi Độc Lập. Nhìn những cựu chiến binh đứng trước đền thờ liệt sĩ, rưng rưng thắp nén nhang, mắt nhòa đi trước đôi câu đối “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa nguyên khí Quốc gia” mới hiểu giá trị tâm linh của mảnh đất này, nơi hàng nghìn người con khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống. Hàng nghìn gia đình đã mất đi người thân, đó là một nỗi đau lớn chẳng bao giờ nguôi ngoai. Việc chăm lo những phần việc hậu chiến chẳng bao giờ kết thúc, cho dù sau 60 năm, 70 năm hay lâu hơn nữa, sau chiến thắng lẫy lừng nhưng cũng nhiều tổn thất hi sinh ấy.
NHÓM PV VNQĐ
(Còn nữa)
VNQD