Dòng chảy

Quỹ nhà văn Lê Lựu trao giải thưởng lần thứ 4

Thứ Hai, 15/04/2024 12:40

 Nhà văn Lê Hoài Lương đã ghi tên vào giải Nhất cuộc thi truyện ngắn, bút ký lần thứ 4 (2021 - 2023) do Quỹ Nhà văn Lê Lựu phát động, với hai truyện ngắn Sóng khácNgưu hoàng. Đây cũng là giải Nhất đầu tiên kể từ khi Quỹ phát động cuộc thi.

Sáng 13/4/2024 tại Hà Nội, Quỹ Nhà văn Lê Lựu đã tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký lần thứ 4 với chủ đề “Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; đời sống, sự nghiệp của các Doanh nhân và Văn hóa Doanh nhân”.

Quỹ nhà văn Lê Lựu được thành lập năm 2013, đến nay đã tổ chức được 4 cuộc thi.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Hội đồng Quỹ nhà văn Lê Lựu chia sẻ: Nhà văn Lê Lựu hết sức tâm huyết với đề tài nông nghiệp nông thôn, chiến tranh người lính, doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam. Lê Lựu đã mất nhưng những công việc của ông vẫn còn dang dở, ông để lại nhiều kì vọng và mong muốn về Quỹ. Cho nên những người tiếp tục thực hiện công việc của ông (một cách phi lợi nhuận) đã cố gắng hết mình để tìm ra được những tác phẩm xứng đáng và phù hợp với tiêu chí của cuộc thi này. Điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tác phẩm dự thi và thứ hai chính là tình cảm của người viết đối với nhà văn Lê Lựu.

Theo BTC, trong ba năm phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 200 tác phẩm dự thi từ các tác giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng mạnh về những mảnh đời, những vẻ đẹp mới lạ về văn hóa trong cuộc thi này, có thể kể vài ba chục cái tên như thế.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhất cho tác giả Lê Hoài Lương (do tác giả mắc trọng bệnh nên con trai tác giả thay mặt nhận giải). Ảnh: Hoàng Hương

Khúc thiên thai của Võ Thị Xuân Hà có nhân vật hoàn toàn hư cấu về thần thức Người. Giữa bầy cừu là các nhân vật sống nhọc nhằn cơ cực trên cát, cát nóng đến mức chân bỏng thành sẹo, nhưng tình yêu chắp cánh để người mẹ chết trẻ rồi giờ đây là con gái bay lên thành các vì sao. Văn phong đẹp và lãng mạn. Phan Đức Lộc trở lại với đề tài đồng giới anh từng bắt đầu mấy năm trước với những kiểu bi đát mới. Bi kịch của giới tính cộng thêm bi kịch do chiến tranh là một kiểu tương đối cổ điển. Phan Đức Lộc có tài dùng cốt truyện để cơi nới nỗi lòng bạn đọc, khiến cái bi đát biến hóa thành niềm bùi ngùi cứ lan tỏa mãi ra theo sâu rộng của nỗi lòng ấy. Mặn mòi vị biển của Đinh Ngọc Hùng viết về một làng biển nghiệt ngã bất trắc. Họ sống nhờ ân phước của biển, ấy là khi biển hiền, nhưng khi dữ, biển có thể lấy mạng người đến vãn đàn ông, bỏ lại những người đàn bà thèm khát, đói khát, nhọc nhằn. Còn nợ những hương linh liệt sĩ của Bùi Ngọc Quế kể về người lính trở lại chiến trường xưa, kí ức về những đồng đội mưu trí dũng cảm sống lại. Mự tôi của Hồ Ngọc Quang còn lùi xa hơn nữa, về thời chiến tranh chống Mỹ. Bước qua ranh giới của Nguyễn Văn Học ấn tượng bởi ở đây là ranh giới giữa thói quen - tiềm thức với lú lẫn - alzheimer của người già. Song Ngư có hai truyện đều cảm động. Cầu vồng ma chỉnh thể hơn, khắc họa sâu sắc số phận của trai gái trẻ vùng cao bấp bênh như cầu vồng ma. Bên cạnh đó là Nguyễn Hải Yến với các tác phẩm hầu như đều có ma sống với người, thân thiện như người, tiếp tục nỗi niềm người. Phần mềm của Phan Đình Minh đọc như xem một vở chèo về cung cách, nhân cách đám quan chức ở cái viện nghiên cứu của nhà nước, một vở chèo vừa hài hước vừa bi thảm. Hồn làng xưa ở Ngưu hoàng của Lê Hoài Lương rã ra từng mảnh với những suy thoái, mục nát của chính lòng người...

Thay mặt Ban giám khảo, nhà văn Văn Chinh chia sẻ: “Chúng tôi thống nhất cao ở ba tác giả tốp đầu: Lê Hoài Lương, Phan Đình Minh, Nguyễn Hải Yến. Thật mừng là ở họ, viết về hồn làng, ở Sóng khác là hồn biển với một ý thức rất cao, được vun bồi dày dặn và thấm thía để trở thành tư tưởng nghệ thuật. Ở Phần mềm, tuy là viết về một viện trí thức ở đô thị, nhưng bao trùm lên vẫn là hình bóng của những nông dân thấp thoáng hồn làng. Đằng khác, từ các tác phẩm của họ mở ra một định đề: hồn làng là hồn Việt, hiện còn là một nguồn cảm hứng mênh mông thăm thẳm cho sáng tạo văn chương.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà văn Văn Chinh trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải. Ảnh Hoàng Hương

Theo đó, các tác giả đoạt giải trong cuộc thi lần này là: Một giải Nhất cho tác giả Lê Hoài Lương với hai tác phẩm Ngưu hoàng, Sóng khác. Hai giải Nhì cho tác giả Phan Đình Minh với hai tác phẩm Cha tôi - kép Cúc, Phần mềm; tác giả Nguyễn Hải Yến với hai tác phẩm Người đàn bà của dòng sông, Đồng tháng ba sương bắt đầu lên. Ba giải Ba cho ba tác giả: Đinh Ngọc Hùng với các tác phẩm Mặn mòi vị biển, Thăng trầm của đất, Vỡ làng; Phan Đức Lộc với các tác phẩm Lỗ sẻ, Người đàn ông của dòng sông; Võ Thị Xuân Hà với các tác phẩm Khúc thiên thai, Giữa bầy cừu. Bốn giải Tư được trao cho bốn tác giả: Song Ngư với các tác phẩm Giao cảm, Cầu vồng ma; Hồ Ngọc Quang với tác phẩm Mự tôi; Bùi Ngọc Quế với tác phẩm Còn nợ với hương linh liệt sĩ; Nguyễn Văn Học với tác phẩm Bước qua ranh giới.

Cũng trong buổi lễ, Ban tổ chức Quỹ nhà văn Lê Lựu đã phát động Cuộc thi viết đề tài: nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; về đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân lần thứ 5.

Bên cạnh niềm vui của buổi lễ, nhà văn Nguyễn Trí Huân cũng có những chia sẻ thêm: Quỹ nhà văn Lê Lựu được thành lập năm 2013, với vốn ban đầu là 1 tỉ. Sau khi tổ chức 4 cuộc thi, Quỹ chưa tăng lên mà hụt đi. Với thực trạng này, Quỹ còn lại chỉ có thể tổ chức được một cuộc thi nữa thôi. Quỹ nhà văn Lê Lựu đang cháy đến những giọt dầu cuối cùng. Ban tổ chức mong rằng sẽ có thêm những nguồn tài trợ để Quỹ tiếp tục hoạt động và cháy mãi niềm tâm huyết, cổ vũ cho văn chương Việt Nam.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)