Ống kính nhà văn

Điện Biên trước thềm đại lễ

Chủ Nhật, 31/03/2024 06:36

Nhắc đến Điện Biên Phủ, bạn bè quốc tế và ngay cả những người Việt Nam chưa đặt chân đến vùng đất lịch sử, văn hóa này vẫn thắc mắc: Tại sao vùng đất hẻo lánh, vời vợi nghìn trùng của một đất nước nhỏ bé như Việt Nam lại có thể làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu!?". Chỉ khi đặt chân lên vùng đất biên cương thuộc cực Tây Tổ quốc ta mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của vùng đất. Sự anh dũng kiên cường “gan không núng, chí không mòn” của thế hệ cha anh thông qua các công trình văn hóa. Không khí sôi sục 56 ngày đêm “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu gian khổ được tái hiện rất rõ ràng qua những di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã đi qua 70 năm thời khắc lịch sử với nhiều đổi thay. Trên chiến địa xưa cuộc sống hiện đại đã sinh sôi nhưng con người sống trên đó luôn khắc ghi và giữ gìn nét truyền thống cha ông.

Thành phố Điện Biên Phủ sau 70 năm đã khoác lên mình một diện mạo mới, nhưng ôm ấp trong đó là những địa danh ghi dấu bao máu xương của cha ông trong công cuộc giải phóng đất nước 70 năm về trước. 
Những ánh điện rực rỡ thể hiện sự đổi thay của một đô thị sầm uất đang trên đà phát triển.
Năm 2024 là năm Du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội hoa ban là sự kiện văn hóa mở đầu cho chuỗi hoạt động kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2024.
Biểu tượng hoa ban gắn với đất và người Điện Biên.
Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện quan trọng nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cũng là dịp để tỉnh tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, quần chúng nhân dân.

Hướng tới lễ kỉ niệm, thành phố Điện Biên đang đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, duy tu sửa chữa các công trình phục vụ đại lễ.

Vào tháng 5 cả nước hướng về thành phố Điện Biên Phủ với sự chờ đón màn diễu binh, diễu hành tại sân vận động tỉnh sáng ngày 7/5/2024 với 12.000 người tham dự. Lễ diễu binh sẽ bao gồm 4 lực lượng: lực lượng không quân bay chào mừng; lực lượng pháo lễ; lực lượng diễu binh, diễu hành và lực lượng đứng trên sân. Các lực lượng này đang tích cực hợp luyện trên nhiều địa bàn. Lễ diễu binh là hoạt động có ý nghĩa khẳng định tầm vóc lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước.
Cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 2 hướng về kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bằng những công trình tham gia dự thi tìm hiểu về sự kiện lịch sử này.
Trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, mỗi ngày thành phố Điện Biên Phủ đón hàng vạn du khách ghé thăm và tìm hiểu về các khu di tích lưu dấu ấn năm xưa.
Nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, Đồi A1 là một trong những cứ điểm quan trọng, là "cuống họng" bảo vệ khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Pháp, là địa điểm được du khách ghé thăm nhiều nhất.
Dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960 kg thuốc nổ vẫn tồn tại trên đồi A1. Đến nơi đây du khách mới thấy được những khó khăn gian khổ và sự hi sinh lớn lao của bộ đội ta thời chống Pháp.
 Rất nhiều cảm xúc được du khách lưu lại khi tham quan đồi A1.
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát được thực dân Pháp xây dựng kì công, ở trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh. 
Hiện cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên cho tới ngày nay để du khách tham quan. Hầm dài 20 m và rộng 08 m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của tướng Đờ Cát cùng quân lính.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1 nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn đặc trưng của người Thái ở Điện Biên, lễ đài bên ngoài được thiết kế theo hình dáng của Khuê Văn Các.

Được xây dựng năm 1958, đây là nơi an nghỉ của 644 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hầu hết những người nằm ở đây đều là liệt sĩ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ ghi danh các anh hùng liệt sĩ là Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Những anh hùng liệt sĩ nằm đây được chăm nom cẩn thận bởi đội ngũ quản trang của thành phố.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm ở phường Mường Thanh, được thiết kế theo hình nón cụt, trang trí tạo hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang của mũ bộ đội, gồm một tầng hầm và một tầng nổi. Nơi đây lưu giữ gần 1.000 tài liệu, hiện vật. Bảo tàng là công trình mang ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa nghệ thuật.
Điểm nhấn đặc biệt ở đây là bức tranh panorama có hơn 4.500 nhân vật, chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, phần đắp nổi 6m, tổng diện tích hơn 3.200m2. Tranh được vẽ sơn dầu trên nền vải toan từ tháng 11/2019 và hoàn thành vào tháng 5/2021, với sự tham gia của khoảng 100 họa sĩ. 
Bức tranh khổ lớn tái hiện sinh động các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã thu hút được đông đảo khán giả khi về thăm thành phố Điện Biên Phủ.
Để hướng tới đại lễ, Sân bay Điện Biên sau thời gian đóng cửa nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế đã đạt công suất 500.000 hành khách/năm. Sự trở lại phục vụ của sân bay đã giảm đáng kể áp lực giao thông đường bộ nhất là trong năm du lịch trọng điểm 2024 này. 
Trục đường phố mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp lung linh ánh điện trong đêm.
Khó có thể hình dung mảnh đất này là nơi từng diễn ra những trận đánh khốc liệt năm nào. 
Sự kết hợp giữa quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ và bản sắc văn hóa dân gian của các dân tộc Điện Biên đã khiến cho vùng đất này trở thành điểm hẹn lịch sử, một điểm đến đầy hấp dẫn.
70 năm đã trôi qua, Điện Biên hôm nay đang từng bước phát triển, khẳng định mình để tương xứng với tầm vóc lịch sử, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Thực hiện: VŨ THÀNH DUY & CTV
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)