Liên hoan nghệ thuật quần chúng là hoạt động lớn về văn nghệ quần chúng do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì tổ chức. Sau 15 năm, Liên hoan đã được mở rộng quy mô, đến nay đã được tổ chức cả ở địa bàn Tây Nguyên.
Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì tổ chức họp báo.
Chiều 2/4/2024 tại Hà Nội diễn ra buổi họp báo giới thiệu Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ X với chủ đề “80 năm vang mãi bản hùng ca”. Liên hoan hướng đến nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước và truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam; khai thác, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; thể hiện khát vọng cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vinh danh gương người tốt, việc tốt, tình đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, hình tượng người chiến sĩ.
Tại buổi họp báo Đại tá Tống Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, liên hoan có sự tham dự của 80 đoàn nghệ thuật quần chúng của các đơn vị trong và ngoài Quân đội. Số lượng đoàn tham gia liên hoan gắn với con số 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tăng 19 đoàn so với liên hoan lần thứ IX, năm 2019.
Năm nay, liên hoan được tổ chức tại 3 khu vực: Khu vực I (miền Nam), diễn ra tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (số 140, đường Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), khai mạc lúc 19 giờ 30 phút ngày 8/4, bế mạc 15/4, 24 đoàn nghệ thuật quần chúng biểu diễn.
Khu vực II (miền Trung, Tây Nguyên), diễn ra tại Nhà văn hóa Binh đoàn 15 (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), khai mạc lúc 19 giờ 30 phút, ngày 20/5, kết thúc ngày 27/5, 22 đoàn nghệ thuật quần chúng biểu diễn.
Khu vực III (miền Bắc), diễn ra tại Nhà hát Quân đội (số 130 Đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), khai mạc vào 19 giờ 30 phút ngày 11/7 và kết thúc ngày 20/7, với 34 đoàn nghệ thuật quần chúng biểu diễn.
Mỗi chương trình tham gia liên hoan có thời lượng tối thiểu 30 phút, tối đa 45 phút, trong đó có ít nhất hai loại hình nghệ thuật (ca, múa, nhạc, sân khấu...). Riêng chương trình của mỗi đoàn nghệ thuật quần chúng trong Quân đội, có ít nhất 1/3 tiết mục sáng tác tự biên là một trong những tiêu chí xét giải thưởng chương trình xuất sắc.
Đại tá Tống Văn Thanh khẳng định: "Với sự tham gia tại 3 khu vực của 80 đoàn sẽ tạo nên khối đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc."
Các chương trình dự Liên hoan phong phú về hình thức thể hiện, có sử dụng dàn nhạc. Các chương trình, tiết mục, tác phẩm có phong cách dàn dựng mới, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả, đặc sắc, phản ánh nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình đoàn kết giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân; khai thác, phát huy tốt giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, ca ngợi tình đoàn kết quốc tế; khai thác, ứng dụng, phát triển các hình thức múa, hát tập thể trong Quân đội...
Các sáng tác mới có nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật tốt; khắc họa và phản ánh sinh động, rõ nét hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trên các lĩnh vực học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài các buổi biểu diễn trên sân khấu, các đoàn nghệ thuật quần chúng còn biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân các địa phương tại khu vực diễn ra liên hoan.
PV
VNQD