Dòng chảy

70 năm Điện Biên - Những kí ức chẳng phai mờ

Thứ Tư, 17/04/2024 06:00

Nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), và các ngày lễ lớn của đất nước, Thư viện Quân đội đã tổ chức buổi giao lưu tọa đàm với chủ đề “70 năm - Vang mãi Bản hùng ca Điện Biên”. Tới dự có Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Vụ Thư viện, đại diện Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Văn phòng Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn cùng đông đảo các cán bộ, chiến sĩ và bạn đọc thân thiết của Thư viện Quân đội. Tại buổi tọa đàm và giao lưu, các cán bộ, chiến sĩ, bạn đọc đã được gặp gỡ khách mời là nhân chứng trong trận chiến lịch sử và hào hùng Điện Biên Phủ, đó là Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Ông từng là một chiến sĩ Điện Biên, nay đã vào tuổi 98 với 77 năm tuổi Đảng, đã vinh dự chiến đấu từ những trận đánh đầu tiên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Buổi giao lưu diễn ra tại Thư viện Quân đội.

Mở đầu buổi giao lưu tọa đàm, Đại tá Nguyễn Hữu Tài đã vui vẻ, hài hước tự nhận mình là một con người cũ, kể lại những câu chuyện cũ, nhưng đó luôn là những kí ức hào hùng và đáng tự hào nhất trong cuộc đời ông. Kí ức của người cựu chiến binh đã ở tuổi xưa nay hiếm bắt đầu từ ngày 15/12/1953, khi đơn vị ông hành quân hơn 500km về Điện Biên Phủ với những khó khăn, gian khổ không thể kể hết. Nhà thơ Tố Hữu đã từng có những câu thơ khắc họa sự gian khổ của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn! Đó là thời điểm bắt đầu cuộc tiến công. Nhưng nếu kể cả những ngày chuẩn bị cho đến thắng lợi thực tế là 145 ngày đêm gian khổ của quân và dân ta. Đại tá Nguyễn Hữu Tài nhớ lại, hơn một tháng trời nằm ở đồi B1, các chiến sĩ chủ yếu sống bằng cơm nắm, muối vừng và mắm đen, một loại mắm được cô đặc lại. Hoàn cảnh lúc đó rau rừng, nấm, hay măng cũng không có. Thực phẩm thiếu thốn, vệ sinh cũng kham khổ, bộ đội tắm bằng nước đọng trong các hố bom, cuộc chiến gian khổ tưởng như vượt quá sức chịu đựng của con người, nhưng tất cả không khuất phục được ý chí và quyết tâm chiến thắng của bộ đội ta. Những người lính tham gia Chiến dịch đã đào 200km hào, tiếp cận các cứ điểm của địch bằng nỗ lực phi thường. “Bằng cuốc xẻng, chúng ta đã chiến thắng những máy bay, đại bác của địch một cách ngoạn mục”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài nói.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ những câu chuyện về Điện Biên.

Trong Chiến dịch Điên Biên phủ, ấn tượng sâu sắc nhất đối với vị cựu chiến binh là thời khắc lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Một quyết định lịch sử cho một chiến thắng lịch sử khi ấy là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, tạo nên chiến thắng vĩ đại của chiến dịch. Trước đó, quân ta đã rất khó khăn vất vả để kéo pháo vào trận địa, khi phương châm tác chiến thay đổi, chúng ta phải kéo pháo ra, điều đó ít nhiều tác động vào tư tưởng của chiến sĩ. Đại tá cho biết, lúc kéo pháo ra, anh em cũng thắc mắc, nhưng tất cả đều tin tưởng rằng: quyết tâm đánh thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ không thay đổi, toàn quân tuyệt đối trung thành với mệnh lệnh của cấp trên, nên tất cả đã vui vẻ kéo pháo ra. Công cuộc kéo pháo ra còn khó khăn hơn gấp bội lúc kéo pháo vào. Những vất vả và hi sinh trong quá trình kéo pháo ngang với một trận đánh với 25 chiến sĩ hi sinh, 85 chiến sĩ bị thương. Nhưng đổi lại, nếu ta nổ pháo ngay lúc đó, thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn, cục diện và lịch sử sẽ hoàn toàn thay đổi. Chúng ta không thể có một Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.

Trong kí ức người lính Điện Biên năm xưa, ông không bao giờ quên thời điểm mở màn Chiến dịch, đánh cứ điểm Him Lam. Bộ đội ta vừa tiến công, vừa được nghe hát. 16 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, thư của Bác Hồ được đọc trước trận đánh “Các chú sắp ra trận, nhiệm vụ lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to....”. Sau đó là Lệnh động viên của Tổng chỉ huy - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 17 giờ 05 phút, đại bác của ta cùng 40 khẩu pháo và cối rót vào cứ điểm Him Lam. Giữa tiếng pháo, quân ta tiến ra trận địa xuất phát tiến công, ở một góc hào, Đoàn văn công của Quân khu I đã hát bài Chiến sĩ Việt Nam. Đó là khoảnh khắc đầy hào hùng và xúc động trong trí nhớ người cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tài. Không khí hùng tráng trong trận quyết đấu ấy là tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của cả dân tộc. Sức mạnh ấy đã tạo nên thắng lợi vĩ đại, trước sự bàng hoàng tột cùng của quân địch.

Đã 70 năm trôi qua nhưng những kí ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn nguyên vẹn trong Đại tá Nguyễn Hữu Tài.

Với những kí ức, những câu chuyện của mình, Đại tá Nguyễn Hữu Tài đã mở ra những góc nhìn chân thực và sống động về những khó khăn gian khổ, những thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách một cựu binh trực tiếp tham gia từ những ngày đầu chiến dịch. Trong buổi tọa đàm giao lưu, một số chiến sĩ, độc giả trẻ đã có những câu hỏi thú vị đối với cựu chiến binh, như: thế hệ trẻ ngay nay cần làm gì để hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc; vấn đề đọc và đời sống tinh thần của bộ đội trong chiến dịch có gặp nhiều khó khăn, trở ngại; những lời khuyên của Đại tá dành cho thế hệ trẻ... Vị cựu chiến binh đã trả lời bằng những ấn tượng của ông khi tham gia Hội nghị sơ kết Chiến dịch lần thứ hai, khi đó của Đảng ủy Mặt trận đã nêu rõ: chống tiêu cực, nâng cao tinh thần chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương thành tích của các cá nhân, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, phê bình những cá nhân, đơn vị có biểu hiện tiêu cực, ngại gian khổ, hoang mang, dao động. Nếu không khắc phục được thì chiến dịch có thể thất bại. Đối với Đại tá Nguyễn Hữu Tài, bài học đó đã đi theo, trở thành bài học suốt đời, một hành trang trong cuộc đời người lính của ông. Ông cũng khuyên thế hệ trẻ cần luôn luôn phấn đấu, không ngại khó khăn, không lùi bước trước gian nan thử thách, chỉ có quyết tâm thì mới có thể đạt được thành công.

NGUYỄN THỊ LOAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)