70 năm trước đây, từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó được bắt nguồn từ truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) có cuộc đối thoại với Trung tướng Phạm Đức Duyên - Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 2 với những góc nhìn, đánh giá, tổng kết, bài học kinh nghiệm, phát huy những thành quả từ Chiến thắng Điện Biên Phủ với người chiến sĩ hôm nay.
VNQĐ: Thưa Trung tướng Phạm Đức Duyên! Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc hết sức quan trọng, một chiến công rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ trước hết là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Ngược dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam đã có nhiều chiến thắng mang tính dấu mốc, đồng thời là niềm tự hào lớn của dân tộc ta, nhân dân ta. Từ điểm nhìn ấy, đồng chí hãy khái quát đôi nét về tầm vóc Chiến thắng Điện Biên Phủ trong dòng chảy chiến công rực rỡ của dân tộc Việt Nam.
Trung tướng Phạm Đức Duyên
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thời kì nào, thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng lên chống ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, rất đáng tự hào. Đó là Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 trong kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán; Chiến thắng tại phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 trước quân xâm lược Tống; Chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258, Chiến thắng Chương Dương - Thăng Long năm 1285 và Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 trong ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên; Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động năm 1426 và Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh; Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 đánh tan quân Xiêm; Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 đánh tan quân xâm lược nhà Thanh; và trong thời đại Hồ Chí Minh là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Đại thắng mùa xuân năm 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một trong những chiến công rực rỡ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, Đống Đa trong thế kỉ XX”... để chúng ta tự hào.
Mỗi chiến công nói trên diễn ra trong những thời kì và điều kiện lịch sử khác nhau, nên có những đặc điểm riêng biệt, song tất cả đều là những trận quyết chiến chiến lược, những trận đánh quyết định thắng lợi trong từng cuộc chiến tranh.
Đối với Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp đồng thời thể hiện sự kết tinh sức mạnh của trí tuệ Việt Nam, nhất là đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và vận dụng nghệ thuật quân sự; nó còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, mở ra một trang sử mới trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Với ý nghĩa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(1).
VNQĐ: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho đến tận hôm nay, vẫn còn nhiều vị tướng lĩnh, các học giả, nhà nghiên cứu, những người tham chiến trực tiếp, nhất là người Pháp, người Mĩ và phương Tây chưa hết ngạc nhiên và thán phục quân, dân Việt Nam đã làm nên kì tích Điện Biên Phủ. Tại Điện Biên Phủ, một tập đoàn cứ điểm liên hoàn đã được xây dựng gồm 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm thuộc ba phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm; mỗi cụm cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập, có hệ thống công sự, trận địa vững chắc và hỏa lực rất mạnh. Có 2 sân bay (Mường Thanh và Hồng Cúm) ngày đêm tiếp tế, chi viện. Hàng chục tiểu đoàn bộ binh, lính dù, lựu pháo 105mm, súng cối 120mm, trọng pháo 155mm, xe tăng, máy bay... Tướng Navarre - Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp và Mĩ đều đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, không một sức mạnh nào có thể công phá được. Vậy mà thực dân Pháp đã phải bại trận trong nỗi khiếp sợ kinh hoàng. Từ những sự thật lịch sử, nhất là về phía quân ta, đồng chí Chính ủy hãy khái quát những nét tiêu biểu về sức mạnh của chính nghĩa tất thắng và sự chuẩn bị kĩ lưỡng, quyết tâm cao độ của quân và dân ta để làm nên chiến thắng!
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Sự thực đúng là như vậy! Theo những thống kê và tuyên bố của người Pháp về sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là rất ghê gớm, bộ đội Việt Nam không thể động đến tập đoàn với đội quân thiện chiến nhà nghề được trang bị vượt trội về mọi mặt này. Vậy mà chúng ta vẫn chiến thắng! Đối với ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược 1953-1954. Chiến dịch này được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đây là chiến dịch quyết chiến chiến lược. Xét trên mọi phương diện, đây là chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quyết định mở màn chiến dịch là do Bộ Chính trị. Kế hoạch tác chiến do Tổng Quân ủy soạn thảo. Chỉ huy chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Lực lượng tham gia chiến dịch cũng đông nhất và mạnh nhất trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ tính riêng khối chủ lực, ta đã huy động năm trong số bảy đại đoàn hiện có. Đó là các đại đoàn 308, 312, 316, 304 (thiếu Trung đoàn 66) và một đại đoàn công pháo. Tổng số quân chủ lực của ta lên tới khoảng 55.000 người. Ngoài ra còn có bộ đội địa phương và dân quân du kích thuộc Liên khu III, Liên khu IV, Việt Bắc, Tây Bắc và hơn 26 vạn dân công phục vụ chiến đấu.
Như vậy, Điện Biên Phủ là sự tập trung cao của cả hai bên tham chiến, là cuộc đọ sức lớn nhất, quyết liệt nhất, toàn diện nhất giữa ta và địch. Khi bước vào chiến dịch này, nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Thế mà, chỉ sau 56 ngày đêm liên tục chiến đấu; ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm. Chính vì thế, Điện Biên Phủ là thất bại thảm hại nhất của thực dân Pháp, là chiến công chói lọi, là thắng lợi vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa đối với bạo tàn, thắng lợi của ý chí quyết chiến quyết thắng của toàn dân tộc Việt Nam. Sau thất bại này, mặc dù lực lượng quân Pháp ở Đông Dương còn đông, nhưng ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã hoàn toàn sụp đổ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán, kí Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2 tham quan, học tập lịch sử tại phòng truyền thống của đơn vị. Ảnh: Thành Duy
VNQĐ: Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mang ý nghĩa quyết định. Trên cơ sở quán triệt và hiện thực hóa đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh của các lực lượng tham gia chiến dịch; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để giành chiến thắng. Đồng chí hãy nói rõ những nét chính về vấn đề trên.
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Chúng ta phải khẳng định rằng, đối với quân đội ta, ngay từ khi thành lập, yếu tố chính trị tinh thần là hết sức quan trọng. Bác Hồ đã từng căn dặn khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là “người trước, súng sau”, yếu tố chính trị tinh thần luôn phải đặt lên hàng đầu. Với phương châm đó, để phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tập trung sức lực, tiến hành nhiều hoạt động công tác đảng, công tác chính trị nhạy bén, kịp thời, thiết thực. Đặc biệt, Hồ Chủ tịch đích thân gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận trước giờ nổ súng: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật kĩ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”(2).
Nhận được thư động viên của Bác, các chiến sĩ ai nấy đều phấn chấn thi đua lập thành tích trong đánh giặc, thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu. Nhiều biện pháp công tác đảng, công tác chính trị trên tinh thần lá thư động viên của Bác được thực hiện đã nâng cao tinh thần chiến đấu, ý chí quyết chiến quyết thắng của bộ đội. Chính nhân tố chính trị - tinh thần đã tạo ra sức mạnh to lớn và tính chủ động, sáng tạo. Đặc biệt, khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã phải tăng thêm nhiều bộ đội, dân công, thời gian chiến dịch kéo dài, khối lượng đảm bảo vật chất cho chiến dịch tăng nhiều lần. Tuy nhiên, bộ đội cùng các lực lượng tham gia đã không hề lùi bước. Mở đường kéo pháo vào lại kéo pháo ra, xuyên qua rừng núi hiểm trở mà “gan không núng, chí không mòn”. Nhân tố chính trị - tinh thần chính là nền tảng để bộ đội ta chiến đấu vô cùng dũng cảm. Dưới mưa bom của không quân, trong lưới lửa của pháo binh địch, bộ đội ta vẫn anh dũng xung phong đánh chiếm Đồi Him Lam, Đồi Độc Lập, phát triển trận địa, cắt đứt sân bay, đánh lui các trận phản kích, thắt chặt vòng vây quân địch, bao vây đánh lấn trên tất cả các hướng Đông, Bắc, Tây, Nam, làm cho phạm vi chiếm đóng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày càng hẹp lại, khiến cho tinh thần, ý chí chiến đấu của quân Pháp sa sút nhanh chóng.
Suốt quá trình chiến dịch, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm việc ngày đêm không ngưng nghỉ. Có người chở được trên 300kg hàng hóa trên một chiếc xe thồ. Có nữ dân công gánh trên 50kg với quãng đường hàng trăm ki lô mét mười ngày đêm không ngủ. Nhiều gia đình cha mẹ, con gái, con dâu đều tham gia phục vụ chiến dịch không quản hi sinh, đều do ta đã làm rất tốt về động viên, khơi thông sức mạnh tinh thần.
Có thể nói, Điện Biên Phủ chính là nơi hội tụ của tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thể hiện sự giác ngộ cách mạng và ý thức chính trị rất cao trước nhiệm vụ trọng đại trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Đây cũng là cội nguồn sức mạnh to lớn để chúng ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Công trình tham gia dự thi 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2, một trong những sư đoàn tham gia đánh trực tiếp vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: Thành Duy
VNQĐ: Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, không thể không nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Đại tướng của nhân dân, người Anh Cả của các lực lượng vũ trang nhân dân. Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp đã trở thành tượng đài, thành khẩu ngữ thường ngày không chỉ của riêng người Việt Nam. Điều đó cũng là một dấu son của lịch sử. Đồng chí Chính ủy cảm nhận thế nào về điều này?
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Đúng là nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ không thể không nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Điều này càng về sau càng trở nên có ý nghĩa, đồng thời thể hiện đúng đắn về bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Khi được giao làm Tổng Tư lệnh - Tổng Chỉ huy Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh đã đề ra những quyết sách chiến lược đúng đắn, đồng thời trực tiếp chỉ đạo thực hiện thắng lợi các quyết sách đó.
Thực tiễn chiến trường đã khẳng định tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc vận dụng và triệt để chấp hành tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là, để kết thúc chiến tranh đòi hỏi chúng ta phải đánh tiêu diệt lớn, đánh bại địch bằng quyết chiến chiến lược. Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành công trong việc phân tán trên 80% lực lượng khối chủ lực của quân Pháp ra nhiều hướng, đẩy địch vào thế bị động chiến lược để ta chủ động đánh địch trên chiến trường.
Đầu tháng 1/1954, Bộ Chính trị họp tại Tỉn Keo hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Ngày 5/1/1954, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.
Trong đầu vị Đại tướng của nhân dân lúc nào cũng văng vẳng lời Bác Hồ căn dặn. Chính vì vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông, đó là thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và bộ đội ta đã nghiêm chỉnh chấp hành cho dù phải kéo pháo vào, kéo pháo ra hết sức khó khăn, thậm chí phải hi sinh xương máu.
Việc kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến trên đã thể hiện sự sắc sảo, nhạy bén trong điều hành chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh tính đúng đắn. Đó là một quyết định dựa trên cơ sở khoa học, xem xét khách quan, toàn diện cục diện chiến trường, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao trước lịch sử, trước sinh mệnh cán bộ, chiến sĩ của người chỉ huy. Sau này, trong dịp kỉ niệm mười năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Trọng Tấn (khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312) đã nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ”.
Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp với chúng ta hôm nay luôn là niềm tự hào lớn và tấm gương lớn để các thế hệ cán bộ chiến sĩ Quân đội, trong đó có cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 học tập, noi theo.
VNQĐ: Thưa đồng chí Chính ủy! Sau này, khi có độ lùi thời gian và có được nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, giới nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước đều đánh giá Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là nơi thể hiện rõ ràng nhất bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đồng chí Chính ủy hãy khái quát những nét chính của đánh giá này!
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là thể hiện cao nhất bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nói về vấn đề này rất rộng lớn, song tôi chỉ nêu những nét chính. Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện thứ nhất ở chúng ta đã nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi. Điều thứ hai, đó chính là kịp thời thay đổi phương châm tác chiến - yếu tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều thứ ba là chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng. Điều thứ tư là chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, được thể hiện qua sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, của những vị chỉ huy tài ba, mưu lược và sự dũng cảm vô song của người chiến sĩ, sự hi sinh vô tận của nhân dân. Đó chính là một bài học lịch sử quý giá.
VNQĐ: Những khái quát của đồng chí Chính ủy là rất sâu sắc, nhất là vấn đề phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng để quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử. Xin đồng chí nói rõ hơn về vấn đề này.
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Vấn đề phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có thể nói là đặc biệt quan trọng, còn nguyên giá trị tới hôm nay để chúng ta tiếp tục phát huy, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phối hợp với Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả Ngạn, đến Bình - Trị - Thiên, Liên khu V, Nam bộ... đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Bên cạnh đó, các lực lượng thanh niên, phụ nữ khắp mọi miền đất nước đều tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian, binh vận, địch vận... phối hợp với Điện Biên Phủ.
Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kĩ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kì khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.
Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, đặc biệt là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp sống mái với quân thù.
VNQĐ: Từ những đánh giá, tổng kết, bài học kinh nghiệm, phát huy những thành quả của Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến công rực rỡ trong lịch sử dân tộc, nơi hội tụ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 hôm nay đã và đang làm gì để xứng đáng với chiến công của cha anh, với nhân dân và Tổ quốc trong tình hình mới?
Trung tướng Phạm Đức Duyên: Quân khu 2 với điều kiện đặc biệt về địa lí luôn là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của cả nước. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Tây Bắc đã đóng góp sức người, sức của, không quản ngại gian khổ, hi sinh, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 luôn rất nặng nề, song, phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi cán bộ và chiến sĩ Quân khu 2 đều ý thức sâu sắc phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lựa chọn.
Những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị để lực lượng vũ trang Quân khu 2, từ lãnh đạo chỉ huy đến mỗi người chiến sĩ khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Quân khu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
VNQĐ: Trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy!
VNQĐ
-----------------------------
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2011, tr.315.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự Thật, 2011, tr.433.
VNQD