VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Văn đàn Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo của hiện đại và hậu hiện đại

Thứ Ba, 14/05/2024 00:28
TS Phan Tuấn Anh hiện là Phó Hiệu trưởng, đồng thời giảng dạy tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Các nghiên cứu của Phan Tuấn Anh tập trung vào các khu vực chính như: văn học ngoại biên, chủ nghĩa hậu hiện đại, văn học Việt Nam đổi mới, phê bình phân tâm học, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ Latin, văn học so sánh…

Nghiên cứu, phê bình văn học là một hành trình dài dặc, không có điểm cuối với nhiều đối tượng, hướng nghiên cứu, phương pháp tiếp cận khác nhau. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có buổi trò chuyện với nhà nghiên cứu văn học, TS Phan Tuấn Anh (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) xoay quanh tình hình nghiên cứu một số lĩnh vực văn học ở nước ta.

- Xin được bắt đầu câu chuyện của chúng ta bằng đề tài nghiên cứu khoa học của anh về thể loại truyện tranh (manga) Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh có thể cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội biết lí do mình chọn một đề tài thuộc “ngoại biên của ngoại biên” như truyện tranh Nhật Bản để bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu văn học?

+ Tôi đam mê văn chương từ thuở ấu thời, song điểm số môn văn của tôi thường không quá cao, chưa bao giờ đứng đầu lớp. Lí do nằm ở chỗ, theo tôi, học sinh phổ thông bị gò vào trong những bài văn mẫu, những tác phẩm cho sẵn cũng như bị chế áp bởi cách tiếp cận mà giáo viên đặt ra. Rất nhiều tác phẩm văn học trong nhà trường nặng về chức năng giáo dục, mà xem nhẹ tính giải trí, tính thẩm mĩ, và do đó, mất đi khoái cảm của sự đọc. Đến khi vào đại học, tôi được phép nghiên cứu văn học theo cách mà mình muốn, tự do trong đối tượng lẫn phương pháp. Tính khai phóng của giáo dục đại học là một may mắn và ân sủng đối với cá tính nghiên cứu của tôi. Ngay lập tức, tôi quay về khảo sát những đối tượng văn học mà mình đam mê nhất, ngay từ khi tiếp nhận văn chương, bao gồm truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện tranh… Đề tài quan trọng nhất tôi lựa chọn ở giảng đường đại học là truyện tranh và truyện tranh Nhật Bản; đề tài tốt nghiệp này sau đó được lựa chọn dự thi và đoạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2007, do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao.

- Bản thân tôi - và có lẽ là thế hệ mình - rất mê truyện tranh Nhật Bản. Tôi và các bạn đồng trang lứa của mình đã có thời gian dài nhịn ăn sáng, dành tiền để mua những Doraemon, Teppi, Tsubasa, 7 viên ngọc rồng, Kenshin, Bác sĩ quái dị, Thám tử Conan… Phải công nhận truyện tranh Nhật Bản có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với bạn đọc trên toàn thế giới. Theo anh, vì sao truyện tranh Nhật Bản lại có sức hấp dẫn đến vậy?

Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu đã xuất bản (in riêng): Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại (chuyên luận, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015), Văn học Việt Nam đổi mới từ những điểm nhìn tham chiếu (chuyên luận, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2019), Những khu vực văn học ngoại biên (chuyên luận, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020).

+ Trong suốt nhiều năm đọc, quan sát, nghiên cứu nhiều nền truyện tranh khác nhau, tôi thấy mỗi nền truyện tranh lớn như truyện tranh Mĩ, truyện tranh Pháp, truyện tranh Hàn Quốc, truyện tranh Trung Quốc… đều có những thế mạnh và sức hút riêng. Tuy nhiên, đúng như anh nói, truyện tranh Nhật Bản (manga) vẫn có sức hút đặc biệt nhất. Tôi xin nhấn mạnh, manga là một nền nghệ thuật, một nền công nghiệp giải trí, chứ không đơn thuần chỉ là một thể loại văn học. Sức hấp dẫn của manga nằm ở chỗ đề tài phong phú, đáp ứng cho đa dạng lứa tuổi, chứ không đơn thuần dành cho bạn đọc nhỏ tuổi. Nhiều thể loại truyện tranh chuyên biệt dành cho người lớn, đủ 18 tuổi mới được đọc, với những đề tài như chiến tranh, thần bí, kinh dị, tính dục, chiến đấu… Truyện tranh dễ tiếp nhận, dễ sở hữu do lời thoại ít, tính điện ảnh nhiều nên dễ chuyển thể thành phim hoạt hình (anime) hay phim điện ảnh, tiết tấu gấp gáp, giá thành thấp do khổ sách nhỏ, không dùng màu sắc thể hiện… Nền công nghiệp hỗ trợ như xuất bản, nghiên cứu, quảng bá, chuyển thể, hóa trang... của manga cũng vô cùng chuyên nghiệp. Tất cả hòa quyện, hỗ trợ nhau để tạo nên một nền truyện tranh đầy màu sắc hấp dẫn.

- Cá nhân tôi thấy Trung Quốc có những bộ truyện tranh rất hay được nhiều người ưa thích như Chân mệnh thiên tử, Tiểu hòa thượng, Phong vân… Những truyện này vừa đậm bản sắc Trung Quốc, vừa rất hiện đại, hài hước. Họ cũng xây dựng thành công một “hệ sinh thái” xoay quay truyện tranh như Nhật Bản (chuyển thành games, phim hoạt hình, phim truyền hình, điện ảnh)… Mặc dù vậy, theo quan sát của tôi, độ phổ biến toàn cầu của truyện tranh Trung Quốc vẫn không thể so sánh được với Nhật Bản. Anh có thể lí giải về hiện tượng này?

+ Về cơ bản, truyện tranh Trung Quốc mạnh về nội dung mà thường xem nhẹ yếu tố thể hiện. Ngôn ngữ truyện tranh Trung Quốc về cơ bản vẫn nặng yếu tố “liên hoàn họa”, tức là phần lời vẫn chiếm ưu thế và dung lượng lớn, phần tranh ít, chủ yếu đóng vai trò minh họa. Phần ngôn ngữ hình vẽ trong truyện tranh Trung Quốc là tĩnh, ít có yếu tố điện ảnh (cinematic). Hơn nữa, các đề tài truyện tranh Trung Quốc khai thác vẫn là đề tài lịch sử, hoặc đề tài kiếm hiệp. Những đề tài này dĩ nhiên thú vị, song so với điện ảnh hay truyện chữ, thì truyện tranh lại không có lợi thế bằng. Các đề tài tình yêu, giả tưởng, khoa học, đời sống đương đại về cơ bản không được truyện tranh Trung Quốc quan tâm xứng đáng. Do đó, hơi thở đương đại lẫn sức sống của truyện tranh Trung Quốc không so được với truyện tranh Nhật Bản.

- Sau truyện tranh Nhật Bản, anh nghiên cứu về García Márquez, rồi các giai đoạn cốt lõi trong tiến trình văn học sử Việt Nam như giai đoạn 1930 - 1945, sau Đổi mới 1986… rồi lại quay về với những vấn đề thuộc về ngoại biên của văn học. Có thể thấy diện nghiên cứu của anh rất rộng. Điều này dường như đi ngược lại xu hướng chung là đi sâu vào một “chuyên ngành hẹp” của giới nghiên cứu. Lựa chọn này hẳn là có căn nguyên, thưa anh?

+ Cám ơn anh đã rất tinh ý. Quả thật, những mối quan tâm ban đầu của tôi trong nghiên cứu văn học là “những khu vực văn học ngoại biên”, bao gồm mảng văn học giải trí, thị trường như truyện trinh thám, truyện tranh, văn học mạng, truyện kinh dị, truyện tính dục… Đến nay tôi vẫn trên đường hành trình khám phá các khu vực ấy. Song ngoài giảng dạy văn học, tôi còn hoạt động phê bình trên các báo, tạp chí. Với yêu cầu công việc như vậy, khó tránh khỏi việc phải tìm hiểu, nghiền ngẫm về văn học Việt Nam đổi mới, về văn học hậu hiện đại, về văn học Mĩ Latin, về thơ mới, về văn học thiếu nhi, về tiểu thuyết lịch sử, hư cấu lịch sử trong văn học, về sự phát triển của văn học các địa phương… Nhiều mảng văn học này tưởng chừng như xa lạ, song lại xâu chuỗi và có quan hệ nhân quả với nhau. Ví dụ, G.G.Márquez là một nhà văn hậu hiện đại Mĩ Latin điển hình, song lối viết hiện thực huyền ảo của ông có ảnh hưởng to lớn lên văn học Việt Nam đương đại/ hậu hiện đại, với các sáng tác của Đặng Thân, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh… Trong những tác phẩm của Márquez, có nhiều yếu tố trinh thám, tính dục, lịch sử…, chúng đều liên quan đến những quan tâm của tôi trong nghiên cứu văn học từ trước đó.

Nói chung, văn học có tính đa hệ thống, càng tìm hiểu sâu ta lại càng phải can dự và liên đới đến nhiều mảng của đời sống văn học. Sự cô lập thực sự là cái chết của nghiên cứu, phê bình văn học. Những nghiên cứu văn học trong tương lai, theo tôi, đều có tính chất liên ngành, liên văn bản.

- Trong công trình của anh về García Márquez, tôi rất thích phần phân biệt giữa hai khái niệm kì ảo và huyền ảo. Đây là những lí thuyết trừu tượng, khó hiểu ngay cả đối với những người trong ngành. Anh có thể đưa ra một vài kiến giải, ví dụ để tường minh một cách đơn giản nhất về hai khái niệm này?

+ Tôi xin diễn giải ngắn gọn thế này, qua hai ví dụ điển hình, bỏ qua những khái niệm trừu tượng và trường quy để bạn đọc dễ nắm gọn tinh thần của hai khái niệm.

Ví dụ thứ nhất, trong tác phẩm kì ảo hay nhất mọi thời đại có tên Bá tước Dracula của Abraham Stoker, con ma cà rồng dưới lớp áo của một kẻ quý tộc dần lộ mặt theo từng chương truyện. Đối diện với một con quỷ hút máu người như thế, lẽ dĩ nhiên ai cũng sợ hãi, cả nhân vật lẫn bạn đọc. Nỗi sợ hãi từ nhân vật lan sang bạn đọc. Con quỷ tàn ác ấy tàn sát mọi nhân vật con người trong tác phẩm, hoặc biến họ thành đồng loại quỷ như nó. Đó chính là đặc trưng lớn nhất của cái kì ảo (the fantastic) lẫn văn học kì ảo. Những tác phẩm quen thuộc với chúng ta như Liêu trai chí dị hay Tây du kí của văn học Trung Quốc hay Truyền kì mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thánh Tông di thảo trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam… đều mang yếu tố kì ảo khá rõ nét.

Ví dụ thứ hai, trong Trăm năm cô đơn, hàng loạt sự kiện bất thường, siêu nhiên diễn ra: nàng Remedios bay lên trời cao cùng những chiếc chăn thô trong một chiều nắng đẹp, cơn mưa hoa vàng li ti rơi xuống trong đám tang José Arcadio lão trượng, Rebeca với thói quen ăn đất, căn bệnh mất trí nhớ, dòng máu chảy dài trên đường về báo tin cho Úrsula Iguaran về cái chết của con trai trưởng trong gia đình… Tất cả những sự kiện ấy không mang lại bất kì cảm giác sợ hãi nào. Ngay cả những bóng ma vẫn sinh hoạt bình thường, được đối xử bình đẳng trong gia đình Buendía. Đó chính là văn học hiện thực huyền ảo. Bóng ma của nàng Đạm Tiên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như vậy. Cái huyền ảo là cái bất thường, siêu nhiên, song nó được hiện thực hóa, lãng mạn hóa, và là ẩn dụ về thực tại. Bạn đọc khi tiếp nhận những tác phẩm huyền ảo, dường như không có một cảm giác sợ hãi nào khi đối diện với những sự kiện siêu nhiên, huyễn tưởng. Nói cách khác, cái huyền ảo đã bình đẳng hóa, giải thiêng hóa, hài hước hóa, trần tục hóa, lãng mạn hóa cái kì ảo. Văn học qua cái huyền ảo, phản ánh hiện thực được khúc xạ bởi những chi tiết siêu nhiên, huyền diệu.

Một số tác phẩm tiêu biểu của TS. Phan Tuấn Anh

- Gần đây ở Việt Nam nói nhiều đến trào lưu hậu hiện đại hay bắt đầu nói đến siêu hiện đại. Với tư cách là một người có những nghiên cứu về hậu hiện đại, ý kiến của anh về vấn đề này thế nào? Liệu trào lưu siêu hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam chưa? Liệu đã đến lúc giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam dành cho trào lưu siêu hiện đại sự quan tâm thỏa đáng như đối với hậu hiện đại?

+ Siêu hiện đại như một chương mới, hoặc giai đoạn hậu kì của hậu hiện đại đang được nhiều người nói đến. Tôi nghĩ rằng, giống như bất kì chặng phát triển nào của văn chương nhân loại, hậu hiện đại không sớm thì muộn, cũng qua đi giai đoạn hoàng kim, để thoái trào dần và thực hiện sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới. Ở những nước phát triển hàng đầu của nhân loại, hậu hiện đại là câu chuyện đã trải qua gần nửa thế kỉ. Thập niên 70 hay 80 ở thế kỉ XX, ở phương Tây, chủ nghĩa hậu hiện đại đã đạt đến giai đoạn hoàng kim của nó. Sự chuyển đổi qua siêu hiện đại, hay bất cứ một trào lưu kế nhiệm nào khác, đều hợp lí một cách tự nhiên. Song tình hình ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, có thể khác đi vì chúng ta vẫn hiện đại hóa chưa hoàn chỉnh, manh nha bước qua hậu hiện đại mà thôi. Do đó, ở Việt Nam thời điểm đương đại, chủ nghĩa hậu hiện đại dường như với nhiều người vẫn còn quá mới mẻ, vượt quá tầm đón đợi. Và dĩ nhiên, nó tạo ra những hiểu lầm, phủ nhận hay nghi kị một cách tất yếu. Siêu hiện đại theo tôi đến nay vẫn đang trên đường đến với sự xác lập lí thuyết ở phương Tây, riêng Việt Nam phạm trù này vẫn còn quá mới mẻ. Chúng ta cần hiểu rõ hiện đại, xác lập được hậu hiện đại mang bản sắc Việt Nam, trước khi nói đến siêu hiện đại. Về cơ bản, tôi vẫn tin rằng trong khoảng hai mươi năm tới, văn đàn Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo của hiện đại và hậu hiện đại.

- Cách đây vài năm, anh là một trong những người đầu tiên đề xuất khái niệm thế hệ nhà phê bình F để chỉ thế hệ phê bình 7X, 8X với những đặc trưng khác biệt so với các thế hệ phê bình trước. Theo quan sát của anh, ở thời điểm hiện tại đã xuất hiện một thế hệ phê bình mới thay thế thế hệ phê bình F chưa? Anh mong chờ điều gì ở thế hệ phê bình tiếp theo?

+ Cá nhân tôi nghĩ, thế hệ phê bình F hiện nay, dù không tuyên ngôn, không có được một tổ chức, trào lưu đủ mạnh, song đã hình thành và chiếm lĩnh văn đàn Việt Nam. Những người năng sản, năng động, nhạy cảm và sáng tạo nhất hiện nay trên văn đàn Việt Nam nói chung và địa hạt nghiên cứu phê bình nói riêng, đều là những cây bút thế hệ F. Xin điểm những gương mặt nghiên cứu phê bình đương đại với tôi là ít nhiều có những thành tựu đáng ghi nhận như: Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Thiện Khanh, Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Lê Nguyên Long, Phùng Gia Thế, Phùng Ngọc Kiên…

Thế hệ phê bình mới, thế hệ Gen Z, theo tôi sẽ sớm vỡ giọng và thay thế thế hệ F trên văn đàn. Âu đó cũng là quy luật tất yếu của đời sống văn học. Tôi mong chờ họ ở sức sáng tạo, khả năng quy tụ đội ngũ lẫn năng lực bám sát những hiện tượng vận động và phát triển mới của đời sống văn học đương đại. Tôi cũng mong chờ thế hệ phê bình Gen Z có khả năng tạo ra trào lưu mới cho văn học Việt Nam, cũng như được quy tụ, thống nhất dưới những tổ chức văn nghệ thực sự chặt chẽ. Đây có thể xem là những giới hạn cố hữu của thế hệ F của chúng ta chưa làm được. Thế hệ Gen Z cũng cần có năng lực ngoại ngữ tốt hơn thế hệ F, để vươn ra tầm quốc tế. Mọi nghiên cứu văn học ở thời điểm này đến tương lai, đều cần dựa trên một cái nhìn có tính chất quốc tế.

- Ngoài nghiên cứu, phê bình văn học, anh còn sáng tác, tham gia công tác giảng dạy và làm quản lí. Các vị trí, vai trò này có tác động hỗ trợ qua lại thế nào với anh? Nếu phải “định vị” bản thân, anh sẽ lựa chọn mình ở vị trí nào?

+ Tôi nghĩ, một nghệ sĩ sân khấu hay điện ảnh xuất sắc là người phải diễn được nhiều loại nhân vật, nhiều loại tính cách, nhiều thể loại phim hay vở kịch khác nhau. Con người luôn là con người xã hội, tùy theo quan hệ xã hội cụ thể mà con người xây dựng một vị thế, vai trò khác nhau. Càng đa dạng, càng kết nối nhiều chức năng xã hội, thì con người lại càng có điều kiện trải nghiệm lẫn hoàn thiện mình. Tôi có một may mắn, những công việc của mình, dù khác nhau, song đều liên đới và tương hỗ cho tôi trong quá trình sống và viết. Bản thân tôi trước tiên là một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, tôi được đào tạo chuyên nghiệp, được xã hội giao phó để làm công việc này một cách chính danh. Nhà thơ, nhà báo, nhà quản lí là những công việc, chức năng hỗ trợ. Từ trước đến sau, tôi luôn tâm niệm và lựa chọn chính cho mình công việc giảng dạy văn học. Từ trong sâu thẳm, tôi nghĩ mình là một nhà giáo, song khi đối diện với chính mình, tôi lại là một nhà thơ. Thơ ca là cách tôi đối diện và đối thoại với chính mình, còn nhà giáo là chức năng xã hội chính của cá nhân tôi.

- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

ĐOÀN MINH TÂM thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)