Dòng chảy

Alice Munro, một cuộc đời trong dấu ngoặc kép

Thứ Tư, 15/05/2024 16:53

Alice Munro (1931-2024), người đoạt giải Nobel năm 2013, được coi là một trong những nhà văn viết truyện ngắn vĩ đại nhất bằng tiếng Anh của thời hiện đại, đã qua đời ở tuổi 92 tại một viện dưỡng lão ở Ontario, Canada vào ngày 13/5/2024. Trước đó sức khỏe của Alice Munro đã suy giảm đáng kể từ năm 2009, khi phải phẫu thuật tim và điều trị bệnh ung thư, đồng thời đối mặt với chứng mất trí nhớ từ hơn mười năm nay, mặc dù bà vẫn tiếp tục viết.

TỪ BÀ NỘI TRỢ NÔNG THÔN ĐẾN NHÀ VĂN ĐOẠT GIẢI NOBEL

Alice Munro sinh ra và lớn lên ở vùng tây nam Ontario, có cha mẹ là nông dân và giáo viên, nên bà nắm bắt được những hi vọng, khát khao cũng như bóng tối của cuộc sống đời thường ở vùng nông thôn Canada, đặc biệt là đối với phụ nữ. Từ nhỏ, bà học giỏi, tốt nghiệp đại học Western Ontario, nhưng lại chọn sống một tuổi trẻ bình lặng. Xuất thân là một phụ nữ làm nội trợ và là mẹ của bốn người con gái, một trong số đó đã chết khi mới sinh, Alice Munro đã tranh thủ viết lách vào giấc ngủ trưa hay bớt thời gian khi làm việc nhà. Truyện của bà bắt đầu được đăng trên các tạp chí như Tamarack Review, Montrealer và Canadian Forum trước khi xuất bản thành sách. Alice Munro lập gia đình hai lần, kết hôn với James Munro năm 1951 và li dị năm 1972. Đến năm 1976, bà tái hôn với Gerald Fremlin, một nhà địa lý học và vẽ bản đồ.

Nữ văn sĩ Alice Munro

Alice Munro xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên của mình, “Dance of the Happy Shades” (Vũ điệu của những sắc thái hạnh phúc) vào năm 1968, ở tuổi 37 và ngay lập tức đã giành được Giải thưởng Văn học của Toàn quyền Canada, tương đương với Giải Pulitzer của Mỹ dành cho tiểu thuyết. Alice Munro tiếp tục hai lần nữa giành được giải thưởng văn học của Toàn quyền Canada, cùng với hai giải thưởng Giller, là một giải thưởng quốc gia quan trọng khác ở Canada và nhiều danh hiệu khác. Khi trao giải Nobel cho Alice Munro vào năm 2013, khi bà 82 tuổi, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trích dẫn 14 tập truyện ngắn của bà và gọi bà là “bậc thầy về truyện ngắn đương đại”, ca ngợi khả năng của bà trong việc “chứa đựng toàn bộ sự phức tạp mang tính sử thi của cuốn tiểu thuyết chỉ trong vài trang ngắn gọn.” 

Trước đó Alice Munro đạt giải Man Booker quốc tế năm 2009 cho toàn bộ tác phẩm trọn đời. Ủy ban giải thưởng Man Booker nhận xét rằng mặc dù bà chủ yếu được biết đến với tư cách là một nhà văn viết truyện ngắn, nhưng "bà mang lại chiều sâu, trí tuệ và độ chính xác cho mọi câu chuyện, giống như hầu hết các tiểu thuyết gia mang đến cho tiểu thuyết trong suốt quãng đời sáng tác của họ." “Đọc Alice Munro là mỗi lần bạn học được điều gì đó mà trước đây bạn chưa từng nghĩ tới”, Ban Giám khảo cho biết.

Alice Munro là thành viên quan trọng của một thế hệ nhà văn Canada tên tuổi, cùng với các tác giả Margaret Atwood và Michael Ondaatje là những người mà sự nổi tiếng đã vượt ra ngoài biên giới đất nước.

CHEKHOV CỦA CANADA

Để nhấn mạnh tầm vóc những tập truyện ngắn của Alice Munro, các độc giả, giới phê bình hàn lâm và các nhà văn đồng nghiệp đã không tiếc lời khen ngợi nữ văn sĩ và gọi bà bằng biệt danh “Chekhov của Canada”, hàm ý so sánh bà với nhà văn Nga lừng danh Anton Chekhov. Biệt danh này xuất phát từ nhà văn Mĩ Cynthia Ozick với nhận định: "Alice Munro là Chekhov của chúng ta, và sẽ tồn tại lâu hơn hầu hết những người cùng thời".

Nhiều độc giả các thế hệ đã đón nhận những tác phẩm của Alice Munro một cách háo hức vì họ tìm thấy ở đó sự đồng cảm. Alice Munro làm được điều này nhờ vào cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế và chính xác, không thừa thãi ngôn từ. Nhiều nhà phê bình đánh giá rằng một số câu chuyện của bà đạt đến mức gần như hoàn hảo về mặt nghệ thuật. Chính điều này lại trở thành một gánh nặng lớn với Alice Munro khi ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, khiến bà phải vật lộn với sự thiếu tự tin của một phụ nữ tỉnh lẻ viết văn và dấn thân vào đời sống văn học vốn phức tạp và nhiều sự cạnh tranh. Nhưng sự bất an của bà, dù bà cảm thấy nó mạnh mẽ đến đâu, không bao giờ được các nhà văn đồng nghiệp của bà lưu tâm đến, ngược lại, họ ca ngợi tài năng của bà và thoải mái dành cho bà những lời khen ngợi cao nhất. Tiểu thuyết gia người Ireland Edna O'Brien đã xếp Alice Munro cùng với nhà văn Mĩ William Faulkner và nhà văn Ireland James Joyce là những nhà văn có ảnh hưởng đến tác phẩm của bà. Nữ văn sĩ Mĩ Joyce Carol Oates cho biết những câu chuyện của Munro “có mật độ đạo đức, tình cảm dày đặc, đôi khi mang tính lịch sử so với tiểu thuyết của các nhà văn khác.”. Và tiểu thuyết gia người Mĩ Richard Ford đã từng nói rõ rằng việc nghi ngờ khả năng viết truyện ngắn của bà Alice Munro cũng giống như nghi ngờ độ cứng của một viên kim cương. Nhà văn Anh gốc Iran Salman Rushdie ca ngợi bà là “bậc thầy về hình thức”.

Các nhà văn đồng nghiệp và các nhà phê bình đã gọi Alice Munro là "Chekhov của Canada"..

Những truyện ngắn của Alice Munro được coi là ít có nhà văn cùng thời nào so sánh được, nội dung viết về những con người bình thường nhưng lại hướng đến những chủ đề đặc biệt. Alice Munro thuộc về một thế hệ nhà văn hiếm hoi, tương tự như những tên tuổi Katherine Anne Porter và Raymond Carver, những người đã tạo dựng được danh tiếng trong lĩnh vực truyện ngắn vốn có tiếng là khó sáng tác, và đã thành công rực rỡ. Những truyện ngắn của Alice Munro chủ yếu tập trung miêu tả những người phụ nữ ở thị trấn nhỏ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đang đương đầu với những ham muốn, khát vọng và có tâm lý phức tạp. Những truyện ngắn của bà là sự đan xen giữa những điều cao cả với những điều trần tục, những điều nhỏ bé với những việc lớn lao.

MỘT CUỘC ĐỜI TRONG DẤU NGOẶC KÉP

Trong suốt cuộc đời mình Alice Munro xuất bản 13 tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết mang tên “Cuộc đời của những cô gái và phụ nữ”. Ở Việt Nam, những tác phẩm đã được xuất bản của Alice Munro bao gồm: “Cuộc đời yêu dấu”; “Trốn chạy”; “Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới”.

Tờ báo The Guardian (một tờ báo chính thống, từng được nhiều lần bầu chọn là tờ báo uy tín và có số lượng truy cập nhiều nhất nước Anh) đã trang trọng đưa tin Alice Munro qua đời và đánh giá bà có “một cuộc đời trong dấu ngoặc kép”. Điều này được hiểu là lời khen ngợi bà có nhiều câu văn được độc giả yêu thích và trích dẫn, đồng thời cũng có những phát ngôn về nghề văn gây ấn tượng mạnh. Chẳng hạn Alice Munro giải thích lý do vì sao chỉ tập trung vào viết truyện ngắn: “Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà văn truyện ngắn, tôi bắt đầu viết chúng vì tôi không có thời gian để viết gì khác”. Văn chương của Alice Munro không chỉ mang chiều sâu tâm lí sắc sảo, tinh tế, soi chiếu những khát vọng cũng như dục vọng của con người, mà còn đầy chất triết lý giễu nhại. Bà viết những câu như: “Cuộc sống sẽ thật tuyệt vời nếu không có con người”, “Hạnh phúc thường trực là sự tò mò”, “Đừng bao giờ đánh giá thấp sự hèn hạ trong tâm hồn con người ngay cả khi họ tử tế... và đặc biệt là khi họ tử tế”, “Đối với tình yêu, mức độ đau khổ và hỗn loạn mà bạn sẽ phải chịu đựng là có giới hạn, cũng như có giới hạn về mức độ bừa bộn mà bạn chấp nhận được trong một ngôi nhà. Bạn không thể biết trước giới hạn nhưng bạn sẽ biết khi nào mình đạt đến giới hạn đó. Tôi tin vào điều ấy."

Một số tập truyện ngắn của Alice Munro được cấu trúc từ những câu chuyện liên kết với nhau. Trong đó các nhân vật trải qua những thập kỉ khác nhau của cuộc đời mình. Chính vì vậy dù được coi là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, Alice Munro vẫn hay được so sánh với các tiểu thuyết gia về mức độ khắc họa chân dung cuộc sống và con người trong tác phẩm của mình.

Là một nhà văn nữ, tác phẩm của Alice Munro phảng phất bóng dáng của chủ nghĩa nữ quyền.

Về sự giản dị toát lên qua từng truyện ngắn, Alice Munro tự giải thích rằng: "Sự phức tạp của mọi thứ, những thứ ẩn tàng bên trong dường như là vô tận. Ý tôi là không có gì dễ dàng, không có gì là đơn giản cả, kể cả với một cuộc sống mà mọi người cho là nhàm chán". Là một nhà văn nữ, lại sống trong thời đại này, nên dù ít hay nhiều thì bóng dáng của chủ nghĩa nữ quyền vẫn phảng phất trong những truyện ngắn của Alice Munro. Nhưng ngay cả như vậy thì nữ văn sĩ vẫn nhìn về nữ quyền với sự độc đáo xen chút hài hước của một người tự biết rõ số phận phụ nữ thông qua chính bản thân mình: “Hãy luôn nhớ rằng khi một người đàn ông bước ra khỏi phòng, anh ta sẽ bỏ lại mọi thứ trong đó. Khi một người phụ nữ bước ra ngoài, cô ấy mang theo mọi thứ đã xảy ra trong phòng cùng với mình”, “Bây giờ cô ấy sẽ sống chứ không phải đọc sách”.

Với một tài năng văn chương độc đáo, Alice Munro đã được tôn vinh nhiều lần bằng các giải thưởng lớn nhất về văn học. Bà trở thành gương mặt nổi trội trong văn học Canada và lời đánh giá của Bộ trường Bộ Di sản Canada Pascale St-Onge khi nghe tin bà qua đời, có lẽ là lời đánh giá công tâm và khách quan nhất. Ông khẳng định: “Alice Munro là một biểu tượng của văn học Canada. Trong sáu thập kỉ, truyện ngắn của bà đã làm say đắm các trái tim trên khắp đất nước Canada và thế giới.”

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)