Là một trong những đơn vị ra đời ngay khi cách mạng Việt Nam thành công, gắn liền và là một phần không thể thiếu của các sự kiện trọng đại của đất nước, có thể nói, những nghi lễ, giai điệu được thực hiện bởi những người lính Đoàn Nghi lễ Quân đội đã góp phần cộng hưởng cảm xúc tự hào, trang nghiêm xúc động, giúp nhân dân cảm nhận sâu sắc hơn giá trị những sự kiện trọng đại của đất nước.
Để hiểu thêm công việc của những người lính làm nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ của đất nước, VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thiện Học, Đoàn trưởng và Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội. Bài trò chuyện Những người lính đồng hành cùng các sự kiện trọng đại của đất nước sẽ mở đầu Tạp chí số này.
Phần Văn xuôi với những tác phẩm ấn tượng.
Truyện ngắn Giấc mơ của Tạ Thị Thanh Hải ám ảnh người đọc bởi nỗi đau đi-ô-xin, mặc dù tác giả không hề đề cập đến cụm từ này. Toàn bộ truyện là lời kể, là cảm nhận của một cô bé được sinh ra trong gia đình tràn ngập tình yêu thương của ông bà, bố mẹ. Nhưng cô không hiểu sao mình không thể đi, không thể nói được như bạn bè trang lứa. Cô cũng cảm nhận được tất cả những nỗi đau xót âm thầm luôn bao phủ trong ngôi nhà. Truyện khắc họa nỗi đau hậu chiến sâu sắc.
Truyện ngắn Gió đồng đêm năm ấy của Hoàng Kiến Bình là câu chuyện éo le về số phận của một người con gái đẹp người đẹp nết nhưng những năm tháng thanh xuân gặp nhiều trắc trở, bất hạnh. Sâu xa hơn, truyện nói lên những mối quan hệ giữa con người với con người ở gia đình, ở làng quê, có đau xót, có yêu thương, có bội bạc, có nâng đỡ… Trên tất cả vẫn là sự sẻ chia, thấu hiểu và nhân văn của tình người.
Truyện ngắn Đời lính me của Nguyễn Huy Súc là bức tranh nhiều màu sắc, nhiều suy ngẫm về những người làm nghề bán máu chuyên nghiệp tại các bệnh viện. Có quá nhiều số phận khuất lấp đâu đó trong đời sống này, họ mang đến nguồn sống cho bao người bằng dòng máu quý giá, nhưng những gì họ nhận về từ nghề đó khiến chúng ta không khỏi xót xa. Thật may, đâu đó vẫn có những sự nhiệm màu để họ có thể thay đổi số phận cuộc đời mình…
Bút kí Hành trình day dứt của Nguyễn Doãn Việt là câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào.
Ngời sáng một cuộc đời kiên định và sáng tạo của Nguyên Đức là bài viết cho chuyên mục kỉ niệm 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam.
Góc khuất trong ba lô là bài viết đầy xúc động về người lính trong mục “Kí ức chiến trường”.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Trái tim sói tuyết của Kiều Duy Khánh.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Linh Khiếu, Lê Anh Phong, Trần Thị Huyền Trang, Trương Thị Bách Mỵ, Pờ Sảo Mìn, Đoàn Hữu Nam, Ngô Đức Hành, Võ Văn Hân, Hà Kim Quy, Huỳnh Minh Tâm, Bùi Quốc Bình, Phan Văn Chương, Nguyễn Tiến Nên.
Đó là những trang thơ mang đậm đề tài chiến tranh - người lính, nhắc nhớ bạn đọc hôm nay không quên sự tri ân với những người đi trước, đồng thời mở ra những góc nhìn cảm nhận của riêng mỗi người cầm bút trước đề tài lớn lao này. Bên cạnh đó là những bài thơ mang dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Nguyễn Văn Mạnh và chùm thơ của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Yến Thanh, Trần Hồng Hoa, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Thị Thúy Hà, Mai Anh Tuấn, Phạm Phú Uyên Châu, Châu La Việt.
Trên đỉnh thanh xuân của Vũ Hoài là một trong những tiểu thuyết đặc sắc viết về phong trào học sinh, sinh viên tranh đấu ở Huế thập niên 60, 70 của thế kỉ XX. Tác phẩm đã tái hiện những năm tháng bi tráng và rực rỡ nhất trong cuộc đời của chính tác giả, cũng như của cả một thế hệ sinh viên dấn thân trên con đường giành lại tự do, độc lập cho đất nước. Bài viết Những người lính trẻ đặc biệt “trên đỉnh thanh xuân” có những phân tích sâu sắc về tác phẩm này.
Được xem là bậc thầy truyện ngắn và là cây bút đóng góp to lớn cho diện mạo của văn học hiện đại, Alice Munro là cây bút truyện ngắn và nhà văn Canada đầu tiên đoạt giải Nobel. Bài viết Alice Munro - sự vắng bóng đầy tiếc thương và mãn nguyện sẽ khắc họa rõ hơn về chân dung và tác phẩm của bà.
Sự kiến tạo kiểu người nữ anh hùng của điện ảnh Việt Nam, dù khác nhau về bối cảnh sinh thành, đều chịu tác động từ các diễn ngôn chính trị - xã hội, từ thị hiếu công chúng và thị trường điện ảnh. Nhà làm phim, nhìn chung, ít có cơ hội để tìm kiếm và định hình kiểu nhân vật nữ của riêng mình. Bài viết Kiểu nữ anh hùng của điện ảnh Việt Nam nhìn từ “bé Nga hồn nhiên” đến “đả nữ Hai Phượng” đưa ra những luận bàn sâu sắc xoay quanh vấn đề này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí VNQĐ số 1040 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/7/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
Những người lính đồng hành cùng
các sự kiện trọng đại của đất nước
Tạ Thị Thanh Hải
Giấc mơ
Nguyễn Doãn Việt
Hành trình day dứt
Kiều Duy Khánh
Trái tim sói tuyết
Nguyên Đức
Ngời sáng một cuộc đời kiên định và sáng tạo
Hoàng Kiến Bình
Gió đồng đêm năm ấy
Nguyễn Huy Súc
Đời lính me
Thái Chí Thanh
Góc khuất trong ba lô
Thơ
Nguyễn Linh Khiếu
Tượng gỗ; Chân trời nước
Lê Anh Phong
Quê nhà; Đêm Cổ Loa
Trần Thị Huyền Trang
Nhặt trong vườn Tấm; Cầu vồng
Trương Thị Bách Mỵ
Mẹ ơi, con ở đây; Gửi mẹ Nho Quan; Chim thúy
Pờ Sảo Mìn
Bản Pa Dí xa xôi thời đại Pu Hồ; Miệng người già
Đoàn Hữu Nam
Chuyện ở một sân kho cũ; Nén lòng chờ lượt sang sông
Ngô Đức Hành
Trưa Vị Xuyên; Đêm Phú Quốc
VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Văn Mạnh
Nghĩ giữa trưa im tiếng súng; Pha Đin;
Chiều Chi Lăng, em hát
Võ Văn Hân
Nghĩa trang Trường Sơn
Hà Kim Quy
Con trở về với mẹ
Huỳnh Minh Tâm
Với đường biên Tổ quốc
Bùi Quốc Bình
Phía cuối dòng sông
Phan Văn Chương
Cao nguyên đá
Nguyễn Tiến Nên
Rau má ơi
Bình luận văn nghệ
Yến Thanh
Sự thật mất lòng
Trần Hồng Hoa
Hình tượng Bác Hồ trong thơ Huy Cận
Nguyễn Hữu Minh
Những người lính trẻ đặc biệt “trên đỉnh thanh xuân”
Nguyễn Thị Thúy Hà
Ý nghĩa biểu trưng của từ “đường”, “con đường” trong
ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975
Mai Anh Tuấn
Kiểu nữ anh hùng của điện ảnh Việt Nam nhìn từ
“bé Nga hồn nhiên” đến “đả nữ Hai Phượng”
Phạm Phú Uyên Châu
Alice Munro - sự vắng bóng đầy tiếc thương
và mãn nguyện
Châu La Việt
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn
Minh họa, ảnh
Bìa: Tây Bắc mùa hoa nở
Tranh của họa sĩ Mai Xuân Oanh
Minh họa: Tô Chiêm, Đỗ Dũng, Phạm Hà Hải,
Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Hải Kiên, PV...
VNQD