Dòng chảy
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KIM TÔN - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH QUÂN ĐỘI

Vươn xa hơn để đến gần hơn

Thứ Năm, 20/06/2024 00:17

Trong thời đại bùng nổ thông tin, với sự lên ngôi của mạng xã hội tác động đến đời sống người dân, những người làm báo rất dễ bị “bỏ lại phía sau” nếu không nỗ lực đổi mới, chủ động chuyển đổi hoạt động phù hợp và cập nhật phương thức làm báo thời 4.0, bám sát nhu cầu bạn đọc và khán/thính giả. Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội là một đơn vị mới nhất của Tổng cục Chính trị, dù mới thành lập được hơn mười năm nhưng đã “vượt sóng vươn xa” khẳng định bản lĩnh, vị thế của những người làm phát thanh, truyền hình trong kỉ nguyên số. Nhân kỉ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), VNQĐ đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội về hành trình đổi mới, “vươn xa hơn để đến gần hơn” của Trung tâm những năm qua.

CÀNG THÁCH THỨC THÌ CÀNG NHIỀU CƠ HỘI CHO NHỮNG ĐƠN VỊ BÁO CHÍ DÁM THAY ĐỔI

VNQĐ: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội vừa đi qua dấu mốc 11 năm phát sóng kênh QPVN. Trước khi bắt đầu câu chuyện hôm nay xin Thiếu tướng cho một cái nhìn tổng quan hoạt động của Trung tâm từ dấu mốc này…

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Thành lập năm 2011 trên cơ sở Phòng Phát thanh Quân đội nhân dân và Phòng Truyền hình Quân đội nhân dân, việc ra đời của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội gắn liền với tổ chức sản xuất, phát sóng Kênh Truyền hình QPVN chính thức đi vào hoạt động ngày 19/5/2013. Đây là 1 trong 7 kênh truyền hình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia. Hiện nay, QPVN có hơn 50 format chương trình, Kênh Truyền hình QPVN phát sóng 24/7, trong đó có 8 bản tin thời sự phát sóng hằng ngày bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Bên cạnh đó là các chương trình chuyên sâu về quân sự, quốc phòng, văn hóa, thể thao, giải trí, đối ngoại và quốc tế. Sau 11 năm phát sóng, với nỗ lực sáng tạo không ngừng, các chương trình của Kênh truyền hình QPVN luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, liên tục đổi mới hình thức để ngày càng hiện đại, sinh động và hấp dẫn hơn.

Tên của đơn vị chúng tôi được đặt là Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thể hiện rõ rằng, chúng tôi đang chịu trách nhiệm trước Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị về tổ chức sản xuất và phát sóng hai loại hình báo chí, gồm báo nói và báo hình. Đó là Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, 5 Chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Kênh truyền hình QPVN.

Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân của Trung tâm phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam với 2 chương trình/ngày, trên khung giờ 06 giờ 30 phút đến 07 giờ 00 phút và 21 giờ 00 phút đến 21 giờ 30 phút. Cùng với đó là 2 chương trình Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Bác Hồ với Chiến sĩ phát sóng luân phiên từ 23 giờ 15 phút - 24 giờ 00 phút chủ nhật hàng tuần. Bên cạnh mảng tin tức thời sự, chuyên mục chính luận và bình luận, chương trình còn có các chuyên mục văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, thu hút đông đảo bạn nghe đài. Chuyện kể ở đại đội và Câu chuyện truyền thanh là hai chương trình rất nổi tiếng được đông đảo thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam chờ nghe suốt hàng chục năm qua.

Đáp ứng nhu cầu xem, nghe của công chúng, Kênh truyền hình QPVN đang chú trọng hơn đến nhóm các chương trình giải trí, kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó, thường xuyên đổi mới hình thức thể hiện theo hướng gần gũi, trẻ trung, tươi mới, cập nhật, ứng dụng các thủ pháp truyền hình hiện đại nhằm tăng tính hấp dẫn, qua đó, dễ dàng tiếp cận gần hơn đối tượng khán giả ngoài Quân đội, nhất là khán giả trẻ. Trung tâm được đầu tư cơ ngơi khang trang, trang thiết bị hiện đại, nhất là sự chỉ đạo thường xuyên của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sự quan tâm sát sao của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, đó là những điều kiện rất tốt để chúng tôi thỏa sức cống hiến, sáng tạo và phát triển.

VNQĐ: Việc nâng cao chất lượng các chương trình, tác phẩm luôn là vấn đề thường trực của các cơ quan báo chí không chỉ của Quân đội. Truyền hình là báo chí nhưng cũng là giải trí. Với nhiệm vụ chính trị rõ ràng của một cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, Trung tâm đã cân đối thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo tính hấp dẫn, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Chúng tôi đã duy trì lợi thế về tính chính thống, tin cậy, phân tích, chuyên sâu, đa chiều về các vấn đề quân sự, quốc phòng nhưng mặt khác, cũng dần “trẻ hoá” thông tin, cập nhật các xu hướng, cách làm phát thanh, truyền hình hiện đại. Chúng tôi luôn bám sát các sự kiện chính trị, thời sự, quân sự - quốc phòng và đặc biệt là bám sát thực tiễn đơn vị cơ sở để xây dựng kế hoạch sản xuất chương trình, để làm sao phản ánh thực tế cuộc sống đang diễn ra như nó vốn có, rất sống động, chứ không phải “diễn lại”, “đóng lại” hoặc dàn dựng những nội dung, sự kiện, vấn đề để ghi hình. Nhờ đó, mà các chương trình của chúng tôi đã bớt được tình trạng “giả trân”, hình ảnh không tự nhiên, khô cứng. Các chương trình xuất hiện trên sóng QPVN đang được thể hiện với tiết tấu nhanh, biên tập ngắn gọn, giảm lời bình, tăng mật độ hình ảnh… Cùng với đó là tăng tính kết nối các vấn đề, thay đổi góc tiếp cận, giảm thông tin chung chung mà đi vào chi tiết nhiều hơn, phỏng vấn ngắn gọn, đi vào thẳng vấn đề, nhân vật nói cũng phải rất tự nhiên, giảm thiểu việc nhìn thiết bị nhắc thoại hay nhìn văn bản, hướng tới chất “truyền hình thực tế” (reality show)… Chúng tôi cũng hướng tới việc sử dụng âm thanh hiện trường sôi động hơn, hạn chế các hình ảnh mang tính đạo diễn mà tăng việc “bắt” các khoảnh khắc đời thường sinh động, thậm chí có khi là “dân dã”, để làm sao bóc tách, chọn lọc ra được những lát cắt, chi tiết rất tự nhiên của cuộc sống. Tiểu mục Khoảnh khắc màu xanh cuối bản tin Thời sự 20 giờ hằng ngày trên Kênh QPVN là một ví dụ. Mỗi tác phẩm chỉ dưới 1 phút nhưng nén nhiều thông tin, hình ảnh, kể những câu chuyện rất nhỏ, đời thường. Đó cũng là một cách điều chỉnh của QPVN cho phù hợp hơn với thị hiếu tiếp nhận thông tin nhanh chóng, ngắn gọn, gần gũi của khán giả hiện nay.

Cùng với việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tuyên truyền về nhiệm vụ, hoạt động của Quân đội, chúng tôi còn sản xuất nhiều chương trình cho giới trẻ, cho trẻ em và thanh thiếu niên để mềm hoá, tăng sức hút cho kênh như các Chương trình Lớp học Vì sao, Văn hoá Việt… Trong đó, nổi bật là việc chúng tôi phối hợp với Công ty Truyền thông Viettel sản xuất các chương trình rất trẻ, hấp dẫn, tiêu biểu như gameshow Sao nhập ngũ, Giải đố đường phố, Biển của Hy vọng...

Đồng chí Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan Trường quay S1, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, năm 2019. Ảnh: QPVN

VNQĐ: Bên cạnh sự thay đổi trong việc tiếp nhận thông tin của bạn đọc, báo chí ngày nay đang đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội. Với hai loại hình báo nói và báo hình, Trung tâm đã “vượt sóng vươn xa” như thế nào để giữ vững vị thế cơ quan truyền thông chính thống của Quân đội và là một trong những kênh truyền hình thiết yếu quốc gia?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Nhắc đến sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội, truyền thông đa nền tảng hay xu thế chuyển đổi số thời gian qua, không ít cơ quan báo chí hay nhắc đến các thách thức, thậm chí là khó khăn. Nhưng với nhận thức của chúng tôi, càng thách thức thì càng nhiều cơ hội cho những đơn vị báo chí dám thay đổi, dám thích ứng và thực sự bắt tay vào hành động để thay đổi.

Kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi là không “chạy đua” với mạng xã hội về tốc độ mà xác định là “đi chậm” nhưng sẽ giành lợi thế về chiều sâu thông tin, sự tin cậy, chính thống, đi vào phân tích vấn đề, sự kiện một cách sâu sắc, đa chiều hơn… Từ quan điểm đó, thời gian qua, các nội dung về quân sự - quốc phòng do Trung tâm sản xuất, cung cấp đã được người dân, cộng đồng quan tâm. Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tuyên truyền được giao một cách kịp thời với các bản tin thời sự, chúng tôi còn có các chương trình chuyên đề, các chuyên mục đặc sắc.

VNQĐ: Rất dễ để nhận thấy trong hơn mười năm qua, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội là một trong những đơn vị đầu mối của Tổng cục Chính trị tỏ rõ sự phát triển, lớn mạnh với nhiệm vụ tăng đột biến về số lượng cũng như những đòi hỏi cao về chất lượng, chứng minh cho một sự chuyển mình vượt bậc. Trong mọi hành trình đi tới thì yếu tố con người luôn là đầu tiên, vậy Trung tâm đã chuẩn bị nguồn nhân lực thế nào cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Với nền tảng chính là lực lượng cán bộ, phóng viên từ Phòng Phát thanh Quân đội và Phòng Truyền hình Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị trước đây, sau khi thành lập Trung tâm, với nhiệm vụ cụ thể là chuẩn bị cho việc thiết lập, phát sóng Kênh truyền hình QPVN, chúng tôi đã đề nghị và được phép lấy thêm một lực lượng cán bộ, phóng viên từ các cơ quan, đơn vị lên và tuyển dụng một số lượng khá lớn nhân sự từ nhiều kênh truyền hình khác về. Nhờ đó, chúng tôi hội tụ được kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ báo chí Quân đội cùng với năng lực của đội ngũ mới tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ. Bởi thế, ngay từ khi lên sóng, các bản tin thời sự hằng ngày của Kênh QPVN đã được thực hiện trực tiếp 100% ngay và luôn, chứ không phải ghi hình trước và phát lại. Sau khi ra mắt, Kênh QPVN đã có đủ năng lực để thực hiện các chiến dịch truyền thông lớn. Chúng tôi vẫn nhớ, những ngày đầu lên sóng, Kênh đã làm ngay các sự kiện lớn, để lại nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng giá trị trong tổ chức sản xuất, đó là Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (10/2013); Siêu bão Haiyan (11/2013) và Kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (5/2014)... Kênh ra mắt được hơn một năm thì chúng tôi bắt đầu mạnh dạn giao anh em bắt tay vào chủ trì tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp quy mô lớn (trước đó mới là ghi hình phát lại hoặc chỉ tham gia truyền hình trực tiếp các sự kiện do cơ quan khác tổ chức). Và chúng tôi cũng đã thành công. Nhưng quan trọng là đã xây dựng được ngay bộ quy trình thao tác chuẩn (Standard Operating Procedure - S.O.P) trong sản xuất chương trình truyền hình rất chặt chẽ, khoa học, chuyên nghiệp ngay từ những chương trình truyền hình trực tiếp đầu tiên của Kênh QPVN. Bộ quy trình đó vẫn đang được áp dụng cho đến hiện nay và tiếp tục được cải tiến, cập nhật, hoàn thiện.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, phóng viên của Trung tâm còn được giao thực hiện rất nhiều nhiệm vụ của Quân đội như ghi hình tư liệu, làm phim tình huống cho các cuộc diễn tập; sản xuất các phim tài liệu, video clip phục vụ các nhiệm vụ chính trị; các hội thi, hội thao; các sự kiện đối ngoại hay sản xuất phim, video clip phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước và Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng… Qua hàng ngàn những nhiệm vụ như vậy, mà cũng phải chia sẻ thật là có nhiều nhiệm vụ rất khó, rất mới và cực kì áp lực về tiến độ và chất lượng, cán bộ, phóng viên và người lao động của Trung tâm vẫn đáp ứng được và từ đó mà trưởng thành nhanh chóng, cả về chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức chính trị, nên chúng tôi rất yên tâm về đội ngũ của mình. Và từ đó mà lãnh đạo Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng các cấp ngày càng dành nhiều tình cảm yêu mến, tin cậy cho Trung tâm. Đó là niềm tự hào rất lớn, cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu làm tốt hơn nữa.

Có thể nói, việc tuyển lựa loạt nhân sự đợt đầu tiên Trung tâm đã làm rất kĩ lưỡng, cầu kì và lứa cán bộ đầu tiên ấy hiện giờ đã là các trưởng, phó phòng, là các nhân sự chủ chốt. Về sau này chúng tôi tuyển dụng từ nguồn sinh viên mới ra trường, lựa chọn những em có năng lực, am hiểu lịch sử, văn hóa, có tình cảm với Quân đội và đặc biệt là chất lượng chính trị của nhân sự tuyển dụng mới bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Anh em đa số là trẻ, kể cả cán bộ cấp chỉ huy phòng cũng đa số dưới 40 tuổi nên rất chịu khó học hỏi, nhiệt huyết, say sưa sáng tạo, cống hiến.

Chúng tôi cũng đào tạo, xây dựng được những phóng viên đa năng, tất cả trong một, nghĩa là biết tổ chức sản xuất, biết quay phim, biết viết lời bình, biết dựng phim, biết thể hiện lời bình, biết dẫn chương trình, tự tin sử dụng ngoại ngữ, có thể tác nghiệp độc lập, nhất là khi công tác nước ngoài... Ngoài ra, anh em đều có tinh thần sẵn sàng dấn thân, dám nhận việc mới, việc khó, ưa đổi mới, không lặp lại chính mình, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỉ luật... Thực hiện việc đào tạo tại chỗ, chúng tôi đã mở nhiều khoá học kĩ năng ngay tại Trung tâm. Bên cạnh đó là gửi đi đào tạo, tập huấn, dự hội thảo nghiệp vụ, nâng cao kiến thức tại các nước như Mĩ, Australia, Singapore… Trung tâm vừa khuyến khích nhưng cũng nhiều khi là bắt buộc phóng viên tham gia các giải báo chí lớn để vừa là thể hiện năng lực bản thân, vừa góp phần nâng cao, khẳng định vị thế của QPVN trên các “sân chơi” báo chí lớn.

VƯƠN XA ĐỂ ĐẾN GẦN HƠN VỚI NHÂN DÂN VÀ TỔ QUỐC

VNQĐ: Vâng! Trên những tuyến đầu, ở những mặt trận mới, những sự kiện thời sự nóng bỏng, khán giả luôn thấy có sự hiện diện của phóng viên QPVN. Điều đó cũng thể hiện một phần bản lĩnh, sự dấn thân của những người làm báo hình, báo nói xông pha trên những trận tuyến mới… Thiếu tướng nghĩ gì về hai từ “xông pha” với các nhà báo - chiến sĩ hôm nay?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Xông pha - đó cũng là đặc trưng của những người làm báo chiến sĩ. Chúng tôi luôn tổ chức đánh giá, dự báo tình hình, chuẩn bị về con người, phương tiện cho các sự kiện, gắn chặt với sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị để có sự chủ động, làm cơ sở cho việc sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ đột xuất... Xông pha, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào nhưng thật ra thì đều đã được xác định bằng kế hoạch, bằng sự chuẩn bị chu đáo. Hằng năm, hằng quý, hằng tháng, các quân khu, quân chủng và nhiều đơn vị đầu mối đều thông tin cho Trung tâm các kế hoạch công tác của đơn vị. Từ đó, chúng tôi cũng tham mưu ngược trở lại cho đơn vị về công tác tuyên truyền và phối hợp, thống nhất triển khai các nội dung tuyên truyền về nhiệm vụ của Quân đội và của các đơn vị trên sóng QPVN. Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Quân đội, của các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị mới, với những nhiệm vụ mới luôn được chúng tôi dành sự quan tâm đặc biệt. Như Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc chẳng hạn, chúng tôi đã đồng hành ngay từ những ngày đầu lực lượng này mới ra đời, cùng phối hợp với Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam, sau này là Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam, để xây dựng những ý tưởng, kế hoạch và cả lực lượng làm truyền thông. Khi các Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam triển khai sang các Phái bộ tại Nam Sudan hoặc khi các Đội Công binh của ta đi sang Abyei thực hiện nhiệm vụ, bao giờ cũng có các kíp phóng viên của QPVN tham gia cùng đoàn xuất quân. Ở giai đoạn huấn luyện tiền triển khai, Trung tâm đều tham gia tập huấn cho các tổ truyền thông của phái bộ để hướng dẫn cách thức quay phim, ghi hình, thu thập, xử lí thông tin và gửi về nước để tuyên truyền. Phóng viên chúng tôi đã có nhiều chuyến đi tới các phái bộ cùng Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác liên ngành. Nhờ đó, chúng tôi đã sản xuất nhiều phim tài liệu, phóng sự về Lực lượng Gìn giữ hoà bình của Việt Nam, trong đó đã có những sản phẩm xuất sắc, giành Giải Báo chí quốc gia, Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại như các phim tài liệu Cờ Tổ quốc ở Nam Sudan, Ốc đảo hòa bình...

Phóng viên QPVN tác nghiệp tại cuộc thi Vùng tai nạn trong khuôn khổ Hội thao Quân sự Quốc tế Army Games 2022, tại Hà Nội. Ảnh: QPVN

Với mong muốn mang tình cảm và không khí tết cổ truyền từ Việt Nam đến với các cán bộ, chiến sĩ mũ nồi xanh thuộc lực lượng Quân đội và Công an đang làm nhiệm vụ xa Tổ quốc, những năm vừa rồi, Bộ Quốc phòng đều chỉ đạo Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam và Trung tâm phối hợp tổ chức Chương trình kết nối trực tuyến với lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ. Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa rồi, chương trình có chủ đề là Hành trình vì hòa bình 2024. Chương trình thành công về mặt nội dung và tính lan toả nhưng với chúng tôi thì thành công lớn hơn chính là các phóng sự trong chương trình rất hay, rất tốt lại không phải của phóng viên chúng tôi mà do chính các cán bộ truyền thông của các đội công binh, các bệnh viện dã chiến thực hiện và gửi về. Họ chính là những nhân sự đã được chúng tôi tập huấn, hướng dẫn những kĩ năng làm truyền hình cơ bản và giờ thì anh em đã làm tốt, vững vàng, giống như những cánh tay nối dài của QPVN để chúng tôi luôn có các sản phẩm truyền hình, các thông tin cập nhật nóng hổi từ thực địa.

Chúng tôi cũng luôn mở rộng phạm vi, không gian tác nghiệp, có thể nói là bắt đầu hội nhập mạnh mẽ. Năm ngoái tổ truyền hình gồm hai đồng chí của chúng tôi đi Thổ Nhĩ Kì cùng lực lượng cứu hộ Việt Nam giúp nước bạn khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Ngoài đưa tin bài từ hiện trường rất kịp thời, ê kip phóng viên Chí Cương - Thi Tùng còn làm được bộ phim tài liệu Cảm ơn lắm! Việt Nam sau chuyến đi và đã đạt giải B Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại. Còn có những phóng viên đi cùng các tàu Hải quân Nhân dân Việt Nam thăm, giao lưu với các nước đã tích luỹ quãng đường đi biển trên 5.200 hải lí và được nhận Huy hiệu Thuỷ thủ tàu viễn dương. Các phóng viên cũng có rất nhiều chuyến đi công tác nước ngoài tháp tùng Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và tham gia các sự kiện đối ngoại quốc phòng. Nhiều phóng viên đã đi tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ... Rất đáng tự hào về tinh thần xông xáo, dám đi đến những miền đất mới để thực hiện những nhiệm vụ mới của phóng viên trẻ của QPVN hiện nay.

VNQĐ: Đó quả là những nỗ lực vươn xa ra thế giới rất đáng ghi nhận. Ở trong nước, cụ thể là trong toàn quân thì lực lượng anh em làm truyền hình tại các đơn vị cũng như những cánh tay nối dài khác, nhất là trong thời đại báo chí công dân, đòi hỏi sự kịp thời hơn bao giờ hết như hôm nay. Lực lượng này đã được quy tụ và phát huy vai trò như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Gần 400 cộng tác viên của chúng tôi tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã được kết nối, củng cố ngay từ khi mới thành lập Trung tâm, đúng hơn là từ thời còn là Phòng Truyền hình Quân đội trước đó. Với sự chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, chúng tôi tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ hai năm một lần. Một thuận lợi là lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đều rất quan tâm đến việc tuyên truyền trên sóng QPVN và đã chỉ đạo anh em rất chủ động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng kênh. Liên hoan Truyền hình toàn quân được tổ chức 2 hoặc 3 năm một lần là dịp hội tụ lực lượng làm truyền hình khắp các đơn vị để anh em cùng trao đổi, học hỏi, trao truyền đam mê, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp. Họ chính là lực lượng tại chỗ, có thể phản ứng tức thời trước các sự kiện bất ngờ như khi xảy ra thiên tai bão lũ, hỏa hoạn và các sự kiện mà phóng viên của kênh không thể tới ngay được, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Với bốn cơ quan đại diện tại các vùng trọng điểm, cùng hệ thống cộng tác viên trong và ngoài nước, sự kết nối với các đài phát thanh - truyền hình các địa phương và nhiều kênh hợp tác, chia sẻ thông tin khác đã hỗ trợ chúng tôi rất tốt trong thực hiện nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất.

VNQĐ: Chuyển đổi số như một tất yếu với tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong đó báo chí là lĩnh vực tiên phong. Với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, lộ trình này đã đi đến đâu?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Có thể nói, chúng tôi đã bắt tay vào việc thực hiện chuyển đổi số từ khá sớm, mà lúc đó, có lẽ còn chưa gọi đó là chuyển đổi số như bây giờ. Năm 2007, khi chúng tôi chuyển đổi hệ thống sản xuất từ băng từ sang băng số và hệ thống dựng phim phi tuyến trên máy tính thì cũng có thể coi đó là bước chuyển đổi số đầu tiên. Và đến nay, chúng tôi có thể tự hào là đã chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất chương trình. Từ năm 2019, với phần mềm Toà soạn điện tử, toàn bộ các khâu sản xuất, phát sóng đã được thực hiện tự động hoá nhiều khâu như nạp, mã hoá, nén dữ liệu video và dựng phim; lưu trữ tư liệu; duyệt, lên sóng; Quản trị, xây dựng kịch bản phát sóng kênh... đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả, hoàn toàn không dùng giấy nữa. Có thể nói, đó thực sự là bước chuyển rất lớn nếu so với ngày đầu ra kênh. Không dừng ở đó, chúng tôi tiếp tục trang bị nhiều máy móc, phương tiện truyền hình mới, hiện đại; bổ sung thêm các thiết bị nhỏ gọn mà hiệu quả như Flycam, GoPro, máy quay chống rung nhỏ gọn, micro cho thiết bị di động; sử dụng phần mềm chuyên dụng, các dịch vụ âm nhạc, hình ảnh, kĩ xảo có bản quyền… Đặc biệt, một số phòng, ban của Trung tâm đã bắt đầu thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất nội dung, gợi ý khung kịch bản, thay đổi cách diễn đạt văn bản, thiết kế đồ hoạ… Như chương trình Gala 10 năm QPVN - Vượt sóng vươn xa, Phòng Thời sự Truyền hình đã dùng AI để đưa ra nhiều phương án và cuối cùng Ban Giám đốc đã quyết định chọn cái tên này.

Về cơ sở hạ tầng số, chúng tôi cũng đã đạt được mức độ chuyển đổi cao. Tòa soạn điện tử kết nối tất cả các đầu mối sản xuất, toàn bộ luồng công việc được quản lí và chạy hoàn toàn khép kín trên hệ thống máy chủ cho đến tận khâu duyệt, phát sóng theo kịch bản và tự động sản xuất các phiên bản sản phẩm cho truyền thông đa nền tảng.

Các module của phần mềm toà soạn điện tử đang tiếp tục được mở rộng để phục vụ công tác lãnh đạo, quản trị, điều hành, giảm thiểu giấy tờ vật lí. Và chúng tôi xác định chuyển đổi số đến cốt lõi trong lĩnh vực truyền hình, đó là khán/thính giả phải được hưởng lợi từ chuyển đổi số, với mục tiêu là nâng cao chất lượng chương trình, gia tăng hàm lượng sáng tạo. AI đang được chúng tôi vận dụng để giảm các thao tác lặp đi lặp lại và nâng cao hiệu suất lao động, xử lí dữ liệu lớn và tạo ra cơ sở dữ liệu chọn lọc để phóng viên có thể tìm ra các cách tiếp cận vấn đề mới, gia tăng hiệu suất làm việc, thực hiện được các kĩ xảo đồ họa sáng tạo, bắt mắt…

Và chúng tôi có một niềm tự hào là toàn bộ hệ thống kĩ thuật sản xuất chương trình của kênh hiện nay là do chính đội ngũ cán bộ của chúng tôi nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, tích hợp, làm chủ và khai thác đầy đủ các tính năng kĩ thuật. Trong khi nhiều đài truyền hình trong nước phải đi mua hệ thống xe màu truyền hình lưu động trọn gói thì lực lượng kĩ thuật của Trung tâm đã tự nghiên cứu, thiết kế, lắp ráp hoàn chỉnh cả một hệ thống xe màu, đến nay đã qua nhiều năm sử dụng, thực hiện hàng trăm chương trình truyền hình trực tiếp vẫn rất ổn định, tin cậy, hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỉ đồng. Có thể nói là Trung tâm có đội ngũ kĩ thuật được đào tạo cơ bản, chính quy, am hiểu hệ thống và nhất là rất yêu nghề, tích cực học tập, đủ khả năng làm chủ hoàn toàn trang thiết bị, liên tục cập nhật cái mới.

VNQĐ: Năm 2024 là năm có rất nhiều sự kiện quan trọng của Quân đội mà nổi bật nhất là sự kiện kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị. Chắc hẳn là một năm bận rộn với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội?

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Về tổng thể, chúng tôi vẫn thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án kỉ niệm cấp Quốc gia và cấp Bộ Quốc phòng trong hoạt động kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng có những hoạt động riêng như tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quân lần thứ 14, Cuộc thi Video clip toàn quốc với chủ đề Người lính tôi yêu và Cuộc thi viết toàn quốc Chuyện kể ở đại đội... Chúng tôi cũng thực hiện một loạt phim tài liệu quan trọng. Vừa mới đây, đoàn làm phim của chúng tôi đã đi một số nước châu Phi là Morroco, Algeria, Angola, Mozambique, Burundi để thực hiện bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ nhìn từ Châu Phi. Đó là một bộ phim công phu, thu thập được nhiều tư liệu quý, các phỏng vấn chất lượng, với cách tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn, khai thác việc Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động mạnh mẽ, truyền cảm hứng để các quốc gia châu Phi kiên quyết tiến hành đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân, đế quốc. Bộ phim còn nói lên tình cảm của nhân dân châu Phi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và những người Việt Nam đang chung tay xây dựng cuộc sống mới ở châu Phi hôm nay... Trước đó, chúng tôi cũng từng thành công trong thực hiện một số phim khác như Con đường cứu nước nói về hành trình của nguyên Thủ tướng Samdec Hunsen cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng; hay bộ phim tài liệu Hai trái tim chung nhịp đập về tình hữu nghị anh em Việt Nam - Cuba…

Chúng tôi cũng đang xây dựng 34 tập phim tài liệu, tương ứng với 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đơn vị tiền thân của Quân đội ta. Và còn nhiều chương trình khác mà chúng tôi đang thực hiện với nhiều công sức và tâm huyết để phục vụ kỉ niệm ngày thành lập Quân đội, cũng là ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam...

VNQĐ: Vâng! Có thể nói vị thế của Kênh truyền hình QPVN ngày càng được thể hiện rõ cũng như các nội dung chương trình có sự lan tỏa rộng rãi. Nếu cần định vị ngắn gọn về QPVN thì đó sẽ là...

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn: Bên cạnh việc giữ vững vị thế của một trong bảy kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, chúng tôi phấn đấu để luôn là kênh truyền hình mang đến những thông tin tham chiếu về chính trị, quốc phòng, quân sự, phản ảnh kịp thời, chính thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Các chương trình của QPVN hiện đã hiện diện trên các nền tảng số, trên website qpvn.vn và các mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok… Hiện nay, ngồi bất cứ đâu khán giả cũng có thể xem kênh truyền hình QPVN, trên tivi, trên điện thoại thông minh tại các nền tảng mạng xã hội. Nhờ điều chỉnh chiến lược thể hiện và truyền tải nội dung, những năm qua, tài khoản trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội của QPVN chúng tôi đã đạt được những con thống kê đáng mừng như: Hàng chục triệu người theo dõi thường xuyên và tiếp cận QPVN trên các hạ tầng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tiktok).

Hiện nay, trung bình 3 tiếng QPVN có một bản tin thời sự nhưng chúng tôi không chạy đua về tốc độ đưa tin sự kiện mà chú trọng quan điểm về sự kiện ấy thế nào, phân tích và đưa ra các góc nhìn ra sao. Quan trọng nhất của báo chí dù ở thời điểm nào vẫn là giải quyết vấn đề “đúng - trúng - kịp thời”, nhưng trong bối cảnh mạng xã hội đang bùng nổ hiện nay báo chí, truyền hình muốn thu hút được khán giả thì phải tăng cường “sâu sắc- tin cậy - đa chiều”. Mỗi chương trình của chúng tôi đều thể hiện tính nhân văn quân sự, đề cao văn hóa Việt Nam, mang đậm bản sắc “Bộ đội Cụ Hồ”, tôn vinh những giá trị cao đẹp của Quân đội. Hành trình vươn xa cũng là để đến gần hơn với con người, với nhân dân, Tổ quốc, với mỗi người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.

VNQĐ: Xin chúc những nhà báo của Trung tâm luôn giữ vững bản lĩnh của nhà báo - chiến sĩ, luôn phản ánh kịp thời các hoạt động của Quân đội, đồng hành cùng những người lính trong toàn quân, xây dựng, kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ với các chương trình ngày càng có sự lan tỏa sâu rộng trong khán/thính giả.

Cám ơn Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn về cuộc trao đổi nghề nghiệp này!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)