Là một trong những đơn vị ra đời ngay khi cách mạng Việt Nam thành công, gắn liền và là một phần không thể thiếu của các sự kiện trọng đại của đất nước, có thể nói, những nghi lễ, giai điệu được thực hiện bởi những người lính Đoàn Nghi lễ Quân đội đã góp phần cộng hưởng cảm xúc tự hào, trang nghiêm xúc động, giúp nhân dân cảm nhận sâu sắc hơn giá trị những sự kiện trọng đại của đất nước.
Để hiểu thêm công việc của những người lính làm nhiệm vụ thực hiện các nghi lễ của đất nước, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Thiện Học, Đoàn trưởng và Đại tá Nguyễn Trung Tâm, Chính ủy Đoàn Nghi lễ Quân đội.
PV: Có thể nói, ngay trong xã hội nguyên thủy, khi chưa có nhà nước, các nghi lễ đã xuất hiện. Khi nhà nước ra đời và phát triển, các nghi lễ ngày càng được hoàn thiện để phục vụ nhà nước đó. Nghi lễ thể hiện sự trang trọng và tôn nghiêm của một sự kiện trọng đại. Vì thế, khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, thì đơn vị làm công việc thực hiện nghi lễ cho nhà nước cũng được thành lập. Đồng chí Đoàn trưởng có thể cho biết về hoàn cảnh ra đời của Đoàn Nghi lễ Quân đội?
Đại tá Nguyễn Thiện Học
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Trong cuốn lịch sử Đoàn Nghi lễ Quân đội của chúng tôi có ghi: Ngày 20/8/1945, 70 đội viên của đội kèn “lính khố xanh” đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng lòng đi theo cách mạng, đánh dấu sự ra đời của Ban Âm nhạc Giải phóng quân. Trước khi Ban Âm nhạc Giải phóng quân ra đời, ngay từ năm 1944, tại chiến khu Việt Bắc, những chiến sĩ trung kiên đã được lựa chọn để làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Đây là những sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Quân nhạc và Danh dự, hai đơn vị tiền thân của Đoàn Nghi lễ Quân đội ngày nay. Ngày 20/8 cũng được lấy làm ngày truyền thống của đơn vị. Trong quá trình phát triển, đơn vị thay đổi tên gọi qua các giai đoạn như: Đội Danh dự bảo vệ Trung ương Đảng và Bác Hồ; Đoàn Quân nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam; Tiểu đoàn danh dự thuộc Trung đoàn 47; Trung đoàn Nghi lễ 781, Quân khu Thủ đô; Sau khi chuyển về Bộ Tổng Tham mưu (8/2008), vào ngày 3/11/2008, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu đơn vị thành Đoàn Nghi lễ Quân đội cho đến nay.
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Tôi xin được nói thêm về sự kiện thành lập Ban Âm nhạc Giải phóng quân, tiền thân của Đoàn Nghi lễ Quân đội ngày nay. Sau ngày tổng khởi nghĩa, những người lính kèn của chế độ cũ trong trại “Bảo an binh” được lệnh tập hợp để nghe đồng chí Vương Thừa Vũ, chỉ huy bộ đội Hà Nội và một số cán bộ đi cùng đến nói chuyện. Sau khi nói về thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội, về khó khăn chung của đất nước, đồng chí Vương Thừa Vũ nhấn mạnh: “Tôi biết tấm lòng của anh em đối với Tổ quốc và những hoạt động yêu nước của anh em mấy ngày qua. Giờ đây, trong anh em, ai có thể đi làm cách mạng thì đứng tại chỗ, ai vì hoàn cảnh không đi được thì đứng qua một bên”. “Nhạc binh rất cần cho quân đội, cho đất nước. Anh em sẵn có lòng yêu nước, nếu đồng ý gia nhập hàng ngũ cách mạng, đội kèn sẽ được giữ nguyên và bắt đầu từ hôm nay mang tên Ban Âm nhạc Giải phóng quân”.
Khi đồng chí Vương Thừa Vũ dứt lời, Đội trưởng Đinh Ngọc Liên và toàn bộ anh em hết sức phấn khởi. Đội hình nhạc binh gồm dàn nhạc hơi (ác-mô-ni) 40 người và cả thông hiệu, trống con 30 người đứng yên tại chỗ. Trong không khí trang nghiêm, hàng ngũ bỗng xôn xao, một nhạc công chơi kèn ô-boa bước sang một bên và trình bày hoàn cảnh khó khăn, vợ ốm với bốn con nhỏ, xin được về lo cho gia đình và tham gia công tác ở địa phương. Đồng chí Vương Thừa Vũ và tất cả anh em thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của nhạc công không tham gia Ban Âm nhạc Giải phóng quân.
Sau khi thành lập, Ban Âm nhạc Giải phóng quân trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hà Nội. Lúc này, Ban Âm nhạc Giải phóng quân là một thành phần của đội quân cách mạng, đồng chí Đinh Ngọc Liên được cấp trên giao nhiệm vụ làm Nhạc trưởng, toàn quyền chỉ huy đơn vị. Trong giai đoạn này Ban Âm nhạc Giải phóng quân vừa phải gấp rút củng cố lại dàn nhạc cho xứng đáng với vị trí và tầm cỡ của một đoàn quân nhạc quốc gia vừa phải tích cực chuẩn bị mọi mặt cho buổi lễ thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày mồng 2/9/1945.
Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn đang trưng bày bộ 20 chiếc kèn đồng của Ban Âm nhạc Giải phóng quân được sử dụng trong buổi lễ lịch sử đó.
PV: Vâng, sau sự kiện lịch sử đó, Ban Âm nhạc Giải phóng quân - tiền thân của Đoàn Nghi lễ Quân đội chúng ta hiện nay, tiếp tục mang âm nhạc phục vụ nhân dân, chiến sĩ ở khắp các mặt trận, khích lệ tinh thần chiến đấu chiến thắng của quân và dân ta. Và gần đây nhất, ngày 7/5/2024, trong lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những màn biểu diễn tạo ấn tượng rất lớn cho đông đảo đồng bào cả nước và khách quốc tế chính là màn xếp hình nghệ thuật kết hợp múa súng của bộ đội Danh dự và Quân nhạc do Đoàn Nghi lễ Quân đội thực hiện.
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Trải qua quá trình hình thành và phát triển Đoàn Nghi lễ Quân đội chúng tôi không ngừng lớn mạnh, đảm bảo phục vụ nghi lễ của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các hoạt động kỉ niệm, sự kiện lớn của đất nước, dân tộc và sẵn sàng tham gia một số nhiệm vụ quan trọng khác.
Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 - 7/5/2024, theo đề án đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt, đơn vị được đảm nhiệm khối quân nhạc nam đứng và lần đầu tiên có một khối quân nhạc nữ được tuyển chọn từ 18 đơn vị trong toàn quân với yêu cầu chiều cao từ 1m60 đến 1m70, tuổi đời dưới 35, nếu có gia đình thì con phải trên 36 tháng tuổi. Ngoài ra, chúng tôi còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tiêu binh của buổi lễ, Tổ Quân kì toàn quân, ca sĩ hát quốc ca và phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại thành phố Điện Biên vào dịp đó.
Sau khi đề án được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, đơn vị tổ chức huấn luyện, hợp luyện. Ngày 26/3/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đơn vị chủ trì lễ kỉ niệm có đề xuất với Bộ Quốc phòng bố trí xây dựng màn xếp hình nghệ thuật giữa bộ đội Quân nhạc và Danh dự và được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý. Mặc dù thời gian đã rất gấp, cán bộ của đoàn hầu như không ai được đào tạo cơ bản về đạo diễn, nhưng bằng quyết tâm, lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc, xây dựng ý tưởng màn xếp hình theo thời lượng là 20 phút. Giai đoạn đó, cường độ luyện tập của chúng tôi rất cao. Khối quân nhạc đứng, mặc dù anh em hôm nay tập đứng 3 tiếng thì ngày mai lại phải tập xếp hình, không kể ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật, tất cả đơn vị, từ chỉ huy đến chiến sĩ của khối Quân nhạc, Danh dự cơ động sang sân bay Bạch Mai vừa tập vừa sửa màn xếp hình. Khi xếp hình các biểu tượng xác định hành động của bộ đội Danh dự sẽ làm gì, Quân nhạc sẽ làm gì sau đó mới chia nhỏ để tập rồi mới ghép hình. Bộ đội phải tranh thủ tập cả trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, miệt mài trong gần một tháng, sau đó mới cơ động lên thành phố Điện Biên.
Cùng với hợp luyện, sơ duyệt, tổng duyệt và phục vụ lễ kỉ niệm, diễu binh, diễu hành tại thành phố Điện Biên, chúng tôi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ của nhà nước như: phục vụ kì họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa XV, các hoạt động kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội và đón Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp…
PV: Trong buổi lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài màn múa súng, nhân dân cả nước cũng như khách quốc tế rất ấn tượng với khối xếp hình biểu tượng chiến thắng, đặc biệt là có sự tham gia của một em bé…
Đại tá Nguyễn Trung Tâm
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Lúc đầu, chúng tôi chỉ xếp hình động domino giữa bộ đội Danh dự và Quân nhạc. Khi chuẩn bị báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4, đơn vị có mời đồng chí Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tham gia ý kiến và đã đề xuất xây dựng biểu tượng “tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ” cho thêm phần sinh động. Ban đầu xếp biểu tượng chỉ có 2 đồng chí đứng trên, sau buổi kiểm tra của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, biểu tượng được bố trí giống như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (một chiến sĩ cầm cờ, một chiến sĩ cầm súng, một chiến sĩ bế em bé). Rất may mắn, trong quá trình lên Điện Biên Phủ tập luyện, chúng tôi gặp một em bé người Thái được ông nội cho đi xem bộ đội luyện tập. Thấy em có gương mặt rất hợp với hình tượng đang xây dựng, chúng tôi tiếp cận gia đình và đề nghị cho em bé tham gia. Gia đình nhất trí và em trở thành một phần rất sinh động trong khối xếp hình biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ của chúng tôi.
PV: Ban đầu biểu tượng em bé, Đoàn định thế nào?
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Ban đầu chúng tôi cũng chỉ định làm mô hình thôi. Xin nói thêm về quá trình đề nghị gia đình cho em bé tham gia. Khi chúng tôi tiếp cận, gia đình cũng có những lo lắng nhất định về sự an toàn bởi bên dưới em bé là bộ đội cầm súng với lưỡi lê tuốt trần. Chúng tôi tính toán rất tỉ mỉ, chi tiết đảm bảo an toàn khi dựng biểu tượng, trong trường hợp xấu nhất, mà điều này xác suất vô cùng nhỏ, thì em bé cũng ở trong vòng tay của những người lính đứng tay không trong biểu tượng, và chúng tôi cũng phân tích, giải thích rõ với gia đình em bé, lúc ấy, gia đình mới hoàn toàn yên tâm và nhất trí cho em bé tham gia cùng đơn vị. Quá trình buổi lễ diễn ra đúng hôm trời mưa to, chúng tôi cũng rất lo, quán triệt dặn dò rất kĩ các lực lượng phải hết sức chú ý, không để xảy ra sự cố trơn trượt. Cũng hơi tiếc vì thời tiết xấu nên các thiết bị ghi hình không diễn tả hết được chương trình diễn ra…
PV: Vâng, đúng là hơi tiếc, nhưng quá trình luyện tập trước đó, các hình ảnh cũng được lan tỏa trên không gian mạng, được mọi người đánh giá rất cao.
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Sau khi sự kiện diễn ra và nhận được phản hồi tốt đẹp, cán bộ chiến sĩ Đoàn chúng tôi rất tự hào. Nó xứng đáng với công sức, sự vất vả không quản mưa nắng, ngày đêm thục luyện suốt mấy tháng trời của cán bộ chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội nói riêng và toàn bộ các khối tham gia buổi lễ nói chung. Cũng thông qua những ngày luyện tập ở Điện Biên đó mới thấy mối quan hệ quân dân cá nước khăng khít bền chặt thế nào. Bà con mang nước, mang trái cây động viên bộ đội trong quá trình tập luyện.
PV: Đối với những người lính thực hiện nghi lễ, dáng vẻ, ánh mắt, thần thái toát ra từ họ là điều hết sức quan trọng…
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Việc thực hiện nghi lễ của chúng tôi hoàn toàn khác với các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Hình thức nghi lễ đón các đoàn khách, các sự kiện, những người thực hiện làm sao phải toát lên được vẻ đẹp văn hóa con người Việt Nam, khí chất của người chiến thắng, khí chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, vừa thể hiện được sắc thái, niềm vinh dự, vừa thể hiện được sự bình dị, hiếu khách của con người Việt Nam. Động tác đánh mặt sang phải 45 độ, nâng lên 15 độ, rất hài hòa giữa sự kiêu hãnh và cởi mở trong đối ngoại đa phương của đất nước. Khi đón các đoàn đến, chúng tôi cũng giới thiệu về đất nước con người của đoàn đó và mối quan hệ của Việt Nam với quốc gia đó, để anh em thấy được trách nhiệm của mình nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố mối quan hệ của Việt Nam với bạn.
Trong quá trình tổng phổ quốc thiều các nước, chúng tôi cũng giới thiệu ý nghĩa quốc thiều của nước đó cho nhạc công nắm được để diễn tấu. Đối với việc này, sẽ có đại diện đại sứ quán của nước bạn đến duyệt trước khi cử hành trong buổi lễ đón chính thức. Nhiều lần, đại diện đại sứ quán của một số quốc gia còn phát biểu, quân nhạc Việt Nam chơi hay hơn quân nhạc của nước họ. Đợt chúng tôi đón đoàn của Tổng thống Mĩ Joe Biden sang thăm, ông nói rất hài lòng và biểu dương Đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất hài lòng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vũ Cường
PV: Tính đến nay, đội Quân nhạc của Đoàn Nghi lễ Quân đội đã phối được quốc thiều của bao nhiêu nước?
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Những nước mình có quan hệ ngoại giao và đã sang thăm Việt Nam ở cấp nhà nước đều có bản tổng phổ và cơ bản quân nhạc đều thuộc quốc ca của bạn. Tuy nhiên thời gian gần đây có một số nước có thay đổi và đơn vị phải phối lại. Có chương trình hội thao quốc tế ở Việt Nam, đội Quân nhạc cùng một thời điểm phải thuộc và cử đến 18 quốc thiều các nước khác nhau.
PV: Về tuyển chọn lực lượng chỉ huy đội danh dự thì thế nào thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Từ trước đến nay, chúng tôi tuyển chọn sĩ quan chỉ huy đội danh dự cơ bản ở nôi đào tạo Sĩ quan Lục quân. Về chiều cao, phải ít nhất 1m80 trở lên. Khi tuyển chọn về đơn vị, chúng tôi cho anh em tiếp xúc với công việc, huấn luyện uốn nắn từ động tác điều lệnh, khẩu lệnh, mở khẩu hình thế nào, lấy hơi làm sao, tập hô, tập báo cáo, rèn luyện bản lĩnh tâm lí. Ban đầu chúng tôi cho luyện tập ở đơn vị, sau đó sẽ được tham gia đón các đoàn nhỏ, đơn vị nhỏ rồi nâng cấp dần lên, cũng phải chọn vài ba người mới được một người.
PV: Việc tuyển dụng về tiêu chuẩn rất khắt khe, nhưng về phía người được tuyển dụng vì tuyển ở trường đào tạo sĩ quan nên tâm thế khi học ra trường là sĩ quan chỉ huy ở các đơn vị huấn luyện chiến đấu, vì thế cũng sẽ có những ngỡ ngàng nhất định. Được biết đồng chí Đoàn trưởng trước đây tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 được tuyển về, đồng chí có thể chia sẻ một chút về điều này?
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Bản thân tôi vốn được đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, trước khi về công tác cũng chưa biết nhiều về Đoàn Nghi lễ Quân đội. Lí do tôi được về Đoàn Nghi lễ đó là, sau lễ diễu binh năm 1995 kỉ niệm 50 năm Quốc khánh; lúc đó, Đoàn Nghi lễ còn thuộc Quân khu Thủ đô và đơn vị có lên Trường Sĩ quan Lục quân I tuyển chọn cán bộ. Đầu tiên, các đồng chí chỉ huy chọn hàng đầu các khối vừa đi diễu binh về, sau đó xem tập động tác đội ngũ đi đều, đi nghiêm, chuyển bước tiếp lệnh, tập báo cáo… và tôi là một trong 4 đồng chí được tuyển chọn.
Cái khó hiện nay của chúng tôi là chưa có một quy định riêng về tuyển chọn sĩ quan để bồi dưỡng Đội trưởng Danh dự. Vì thế để tuyển, ngoài tiêu chuẩn về chiều cao, quân dung đẹp, vẫn phải căn cứ vào nguyện vọng của sĩ quan chuẩn bị ra trường và đơn vị phải có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà trường sĩ quan, đồng thời cố gắng lan tỏa hình ảnh, nhiệm vụ chính trị của Đoàn.
PV: Trưởng thành từ Đội Danh dự, tuy nhiên trong Đoàn Nghi lễ Quân đội lại có lực lượng Quân nhạc, vậy trên cương vị Đoàn trưởng đồng chí có khó khăn gì trong công tác quản lí, chỉ huy?
Đại tá Nguyễn Thiện Học: Kiến thức được trang bị ở nhà trường là toàn diện, khi áp dụng ở từng đơn vị chỉ một phần nhất định, có những nội dung đòi hỏi kiến thức phải chuyên sâu và cả bằng kinh nghiệm thực tiễn, còn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị chỉ huy, chúng tôi phải tự học tập, học các đồng chí chỉ huy đi trước và đồng chí, đồng đội… Ban đầu khi về đơn vị, âm nhạc với chúng tôi cực kì khó khăn, nếu như huấn luyện bộ đội Danh dự, chúng tôi có thể uốn nắn, sửa được, nhưng để tìm hiểu về nhạc cụ và hiểu về âm nhạc chúng tôi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều mới có thể phân biệt được đâu là bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng, bộ gõ… và kiến thức về âm nhạc của chúng tôi cũng được nâng dần lên. Tất nhiên, về chuyên môn, chúng tôi có một đồng chí Đoàn phó chuyên môn âm nhạc rất am hiểu phụ trách về lĩnh vực này.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Đổng Quân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam trong buổi Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8. Ảnh: Vũ Cường
PV: Vấn đề công tác đảng, công tác chính trị trong một đơn vị có tính chuyên môn sâu như Đoàn Nghi lễ Quân đội được tiến hành thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Trước hết, Đoàn Nghi lễ là một đơn vị Quân đội nên các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cũng được tiến hành bình thường như các đơn vị khác. Bên cạnh đó, là đơn vị đặc thù liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vì thế đòi hỏi quá trình thực hiện nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng, khắt khe, tỉ mỉ bảo đảm sự hoàn thiện ở mức cao nhất. Như Bác Hồ nói, “Dụng nhân như dụng mộc”, cái quan trọng của người chỉ huy ở các đơn vị đặc thù như Đoàn chúng tôi là biết sử dụng đúng người đúng việc, đúng năng lực, sở trường. Với những người chỉ huy, sự cầu thị về chuyên môn, tôn trọng, hiểu và nắm được tâm tư tình cảm của anh em, tạo được niềm tin, sự yêu mến của anh em là vô cùng cần thiết, từ đó tranh thủ ý kiến chuyên môn của anh em để có những kết luận chuẩn xác. Muốn làm được điều đó, vấn đề dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng để mọi người có thể bày tỏ ý kiến của mình, từ đó nâng cao nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ. Với đơn vị chúng tôi, không khí dân chủ ở đơn vị rất cao, hàng ngày Đoàn trưởng, Chính ủy vẫn đi tập với bộ đội, đi dẫn viếng cùng anh em trong các lễ tang bình thường. Hàng tháng tổ chức sinh hoạt đối thoại dân chủ cơ sở, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn đều phân công chỉ huy đến dự tại các cơ quan, đơn vị để nắm, kịp thời giải quyết tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ; bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm đến đời sống hàng ngày của bộ đội.
PV: Năm nay là 79 năm, sang năm 2025, Đoàn sẽ tròn 80 tuổi, đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ một chút những đúc kết về phẩm chất của người lính Đoàn Nghi lễ Quân đội?
Đại tá Nguyễn Trung Tâm: Sau gần 80 năm, nét đẹp truyền thống của người lính Đoàn Nghi lễ được đúc kết trong 24 chữ vàng: “Trung thành vô hạn, đoàn kết một lòng, năng động sáng tạo, chính quy mẫu mực, vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ”. Là những người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vì thế, chúng tôi cũng hội tụ đầy đủ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Rèn luyện theo 5 tiêu chí Bộ đội Cụ Hồ: bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỉ luật tự giác, nghiêm minh; chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Đoàn trưởng và đồng chí Chính ủy về cuộc trò chuyện.
VNQD