Dòng chảy

Lê Thiết Cương 'design' Hà Nội, gọi tên chất đất, chất người

Thứ Năm, 08/08/2024 22:43

 Là một họa sĩ đương đại, nhưng từ lâu Lê Thiết Cương cũng được biết đến là một người cầm bút với những bài viết về hội họa, về kiến trúc, về văn hóa... với văn phong mang nét riêng biệt. Bên cạnh vốn tri thức sâu rộng là khả năng cảm thụ cái đẹp, hai yếu tố này giúp họa sĩ có lối viết thuyết phục và cuốn hút.

Khi có thời gian đọc lại những gì mình viết trong khoảng 20 năm qua, họa sĩ Lê Thiết Cương đã tập hợp lại gần 60 bài viết xoay quanh câu chuyện nhà cửa, gia cảnh của các văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, cũng như nơi anh sinh ra hay những vùng đất anh đã đi qua và neo giữ lại nhiều kỉ niệm. Từ đó tập tản văn Nhà và người được ra mắt bạn đọc với sự thú vị, tinh tế, mang đậm dấu ấn Lê Thiết Cương.

Sáng 8/8/2024 tại Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn đã tổ chức buổi giới thiệu sách Nhà và người của họa sĩ Lê Thiết Cương. 

Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người, qua người thấy nhà.

Họa sĩ chia sẻ: Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Chuyện nhà, chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách bày biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác.

Viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một. Thử hỏi có chuyện gì trong đời mà chả là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản.

Trước khi nói chuyện nhà, chuyện người, họa sĩ dành một phần ba cuốn sách để nói chuyện về những vùng đất với những câu chuyện và cảm nhận, ngẫm nghĩ sâu sắc. Mỗi đề từ của mỗi bài viết vừa như một gợi ý, vừa như một đúc kết. Trong 36 phố - Một Hà Nội Lê Thiết Cương đưa ra một yếu tính của Hà Nội cho thấy sự nhìn nhận vừa bao quát vừa tinh tế của anh: "Không phải là không có những văn nhân sinh ra ở đây, cha sinh mẹ dưỡng, nhưng cái chất thủy thổ của Hà Nội có xu hướng dưỡng (chất âm) nhiều hơn sinh (chất dương). Anh cũng đưa ra những nhận định then chốt: Hà Nội là văn hóa làng - làng trong phố và chất chợ - sông. Không chỉ đưa ra những diễn giải từ thực tế lịch sử, di sản, đời sống để bạn đọc có thêm những căn cứ tìm hiểu, những bài viết của Lê Thiết Cương còn luôn có những "đường link" để chúng ta rong ruổi dọc ngang, nhờ đọc điều này mà thấy được điều kia, nhờ câu chuyện này mà hiểu được chuyện khác. Lê Thiết Cương hiểu Hà Nội như đứa trẻ ham chơi hiểu rõ khu vườn mà cậu ngày ngày khám phá và cảm nhận mọi thứ trong khu vườn ấy theo cách vừa gọi đúng bản chất như nó đang là, vừa thi vị nó bởi những mộng mơ. Chẳng hạn, trong Duyên Hà Nội, anh mở đầu: "Vỉa hè Hà Nội luôn được design bằng những câu chuyện đời, những hình, những màu, những âm như thế." Hà Nội theo cách ấy mà đi vào trang viết của Lê Thiết Cương đầy sắc màu, thanh điệu nhưng cũng rất đời.

Anh cho rằng, Hà Nội là đô thị trong sông, Huế là đô thị trong vườn, còn Sài Gòn là kiểu đô thị kênh rạch. Sự cắt nghĩa thực tế và đầy hình tượng này đã khắc họa được rõ nét cái chất của mỗi vùng, từ đó mà ra chất của con người, ra câu chuyện của văn hóa, văn minh mỗi nơi. Bên cạnh đó, những trang viết cũng đưa đến nhiều lí giải về những vùng miền khác với sự đặc trưng của nó như: tại sao Đà Lạt buồn nhưng đẹp; tại sao Hải Phòng đất dữ ăn to nói lớn nhưng luôn nồng nàn “đói bạn”; tại sao Sài Gòn lại là đất dưỡng thân của những kẻ thích làm to, thích liều lĩnh, năng động và hợp thời đổi mới; tại sao chất đất - chất người của Thăng Long - Hà Nội lại thiên về âm thổ v.v…

Những bài viết về chuyện nhà lại chứng tỏ Lê Thiết Cương là người tinh tường, kĩ lưỡng và luôn đi đến cùng tận mọi vấn đề. Là một nghệ sĩ, anh có mối quan hệ thân tình với nhiều sĩ khác trong nhiều lĩnh vực. Đó cũng là cơ hội để anh được cặn kẽ "chuyện nhà" của những bạn bè, đồng nghiệp. Cuốn sách cho biết tại sao đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, về nhà tức là về quê, làng Chùa của anh, chỉ quê mới là nhà, nhà - quê? Tại sao nhạc sĩ Phú Quang lại lạc nghiệp mới an cư? Tại sao nhà của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà của đạo diễn Đào Trọng Khánh là nhà “thích khách”? Tại sao nhà của thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha có gì đặc biệt mà vừa bần cư trung thị vừa “sơn lâm” nhưng vẫn quá đông tao nhân mặc khách ra vào, tá túc năm này qua năm khác?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Với những tản văn mà tôi phải dùng hai từ là "tuyệt đẹp" về ngôn ngữ, về hình ảnh, về không khí và một cảm xúc đầy tính huyền ảo bao trùm cùng những phát hiện như lần đầu ta được biết, Lê Thiết Cương đã mở cánh cửa những ngôi nhà Việt và mở ra một thế giới tâm hồn tinh tế, thẳm sâu của người Việt. Đấy là những cánh cửa bị khóa kín lâu nay. Lê Thiết Cương đã tìm thấy chìa khoá và lặng lẽ mở những cánh cửa đó.

Từ những quan sát của mình về nhà của bạn bè, đồng nghiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương cho thấy những ngôi nhà đã mang theo vẻ đẹp tinh thần từ chủ nhân của nó. Ngôi nhà chính là gốc rễ, là cội nguồn để nghệ thuật được sinh ra. Bởi trong ngôi nhà chứa đựng rất nhiều vật dụng, đồ đạc, mỗi thứ lại gắn với một câu chuyện, một ngữ cảnh hay một kí ức. Tiếp đó là những sinh hoạt gia đình, là tình cảm cá nhân, là sự sum vầy hay đơn lẻ, là hạnh phúc hay khuyết thiếu, là nề nếp, là nền tảng... Những trang viết của Lê Thiết Cương nói đến chuyện riêng mà như chạm đến cái chung, nói chuyện chung chung mà như đang tâm tình rất riêng. "Chuyện gia đình, chuyện vợ chồng, chuyện nhà cửa, chuyện hạnh phúc bất hạnh loanh quanh thế nào lại là chuyện bếp." Mà bếp trong văn hóa Việt lại là câu chuyện lớn mang tầm biểu tượng.

Nhà và người tưởng đơn giản, rạch ròi thế mà không sao nói hết. Chuyện nhà chuyện người mà rồi ra chuyện cuộc đời, chuyện thân phận, chuyện cái đẹp, chuyện nghệ thuật,  chuyện lịch sử, chuyện đương thời...

Nhà văn Đỗ Bích Thúy có những sẻ về cuốn sách: Từng trang từng dòng một, dù rất kiệm lời, cứ nhẩn nha, tỉ mẩn, chậm rãi mà chẻ mọi thứ nhỏ ra tới mức một người chẳng biết gì về Hà Nội như tôi cũng có thể nhìn thật thấu đáo những gì mà anh đề cập một cách rất tự nhiên, cuốn hút. Anh nói gì cũng rất kĩ lưỡng nhưng lại hay ở chỗ cứ thản nhiên, tự nhiên như không. Khi Lê Thiết Cương viết về những ngôi nhà của bạn bè, đồng nghiệp, những người thân thiết và quý mến, thì kiểu gì anh cũng phải tìm ra một cái gì đó thực sự thuộc về người ấy. Mà có khi chính chủ nhân của ngôi nhà, vốn đã sống ở trong đó rất lâu, rất chăm chút, lại chẳng nhận ra những điều mà anh nhận ra...

Đây là cuốn sách đầu tay của họa sĩ Lê Thiết Cương và cũng là cuốn đầu tiên trong bộ 3 cuốn sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc. Theo họa sĩ, tiếp theo là cuốn Trò chuyện với hội họa Trong hạt thóc có hạt gạo (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).

THU HÀ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)