Dòng chảy

60 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng của chiến thắng trận đầu vẫn còn vang vọng

Thứ Sáu, 02/08/2024 00:53

Cách đây tròn 60 năm, ngày 2 và 5 tháng 8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã dũng cảm, kiên cường đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) của đế quốc Mĩ ra khỏi vùng biển nước ta; cùng với quân dân miền Bắc chiến đấu anh dũng, bắn rơi 8 máy bay hiện đại của Mĩ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mĩ đầu tiên trên vùng biển, vùng trời miền Bắc, làm nên chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mĩ.

Sự kiện đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc, tiêu diệt máy bay hiện đại của đế quốc Mĩ xâm lược có ý nghĩa, giá trị to lớn trong lịch sử xây dựng, chiến đấu của quân đội ta và quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Để làm rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện trên, Văn nghệ quân đội (VNQĐ) có cuộc đối thoại với đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân.

VNQĐ: Thưa đồng chí Chính ủy! Kỉ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để hiểu biết sâu sắc hơn về thành tích, chiến công tiêu biểu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng chí hãy khái quát những nét tiêu biểu của dấu mốc lịch sử này.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Cảm ơn các nhà văn quân đội đã dành cho chúng tôi cuộc đối thoại nhân dấu mốc 60 năm Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân. Trong dịp này, trước sự việc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, thay mặt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân, chúng tôi xin thể hiện sự chia buồn sâu sắc tới gia quyến đồng chí Tổng Bí thư, xin hứa với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Quân chủng Hải quân, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đó cũng là trách nhiệm và tâm huyết của người chiến sĩ Hải quân với nhân dân và Tổ quốc. Về ý nghĩa của Chiến thắng trận đầu - một dấu mốc lịch sử của Bộ đội Hải quân và quân dân cả nước, có thể khẳng định được bắt nguồn từ sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Đảng, của Hồ Chủ tịch. Trong Lời biểu dương khen ngợi của Bác Hồ với Bộ đội Hải quân và Phòng không tại Lễ tuyên dương công trạng ngày 7/8/1964 đã chỉ rõ:

“Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ vừa qua.

Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi tám chiếc máy bay Mĩ và bắn hỏng ba chiếc, vừa rồi lại nghe tin bốn chiếc máy bay Mĩ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sống phi công Mĩ, đánh đuổi tàu chiến Mĩ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt.

Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái hỏi thăm các đơn vị Phòng không, Hải quân, các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ và đồng bào ở các vùng bị giặc khiêu khích đã nêu cao truyền thống quyết chiến quyết thắng và đã trừng phạt đích đáng kẻ địch”.

Từ những căn dặn của Hồ Chủ tịch, Bộ đội Hải quân đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng đối phó với giặc Mĩ, sẵn sàng chiến đấu lập công. Đây cũng là dấu mốc khởi nguồn cho những thành tích, chiến công vang dội của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này.

VNQĐ: Thưa đồng chí! Hồ Chủ tịch đã sớm nhận diện tình hình chiến sự và căn dặn, biểu dương Bộ đội Hải quân, Phòng không, các đơn vị bộ đội, công an, dân quân tự vệ sẵn sàng trừng phạt kẻ hiếu chiến đi xâm lược. Mọi âm mưu, thủ đoạn của địch đều được quân và dân ta sẵn sàng đập tan. Đồng chí hãy nói rõ hơn về vấn đề này.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chúng ta hãy quay về thời điểm những tháng cuối năm 1963, lúc đó vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mĩ. Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mĩ buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, hậu thuẫn cho cuộc đảo chính phế bỏ anh em Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (ngày 01/11/1963). Sau đảo chính, tình hình chính trị ở Sài Gòn không những không được cải thiện mà càng trở nên tồi tệ, rối ren hơn. Bọn tay sai mới tiếp tục đấu đá, lật đổ lẫn nhau và không chống đỡ nổi những cuộc tiến công nổi dậy mạnh mẽ của quân và dân ta. Trong khi đó, lực lượng cách mạng ngày càng được củng cố, phát triển và giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường.

Nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mĩ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam. Không chịu đứng yên, người Mĩ và tay sai đã ráo riết có những hoạt động đẩy cuộc chiến tranh lên cao.

Ngày 2/3/1964, Mĩ cho tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam vừa trinh sát vừa thăm dò ta và làm hậu thuẫn cho hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4; cho máy bay do thám vùng trời, cho tàu thả biệt kích, hàng tâm lí chiến ở các cửa sông, ven biển và truyền đơn kích động gây chiến tranh tâm lí; cho tàu khu trục, tuần dương vào sát bờ do thám và quấy rối, phá hoại, bắt cóc ngư dân... gây hoang mang trong nhân dân.

Bước sang tháng 7, các hoạt động khiêu khích của Mĩ càng gia tăng hơn. Chúng vừa đẩy mạnh các hoạt động trên biển, trên trời và phá hoại trên đất liền, vừa rêu rao sẽ oanh tạc miền Bắc Việt Nam để gây chú ý của dư luận.

Ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc của Mĩ tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước ta, gây ra một số vụ khiêu khích đối với thuyền đánh cá của ngư dân miền Bắc. Đặc biệt, đêm 31/ 7, rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo và khiêu khích lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, có lúc chúng vào cách đông đèo Ngang khoảng 8 hải lí, vi phạm lãnh hải của ta. Đài quan sát của Hải quân ta ở đèo Ngang nhìn rõ số hiệu 731của tàu Ma-đốc. Với các hành vi khiêu khích trắng trợn như vậy, từ tầm nhìn và những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, Bộ đội Hải quân cùng với các lực lượng đã sẵn sàng đánh giặc Mĩ trên không và trên biển, quyết chiến và quyết thắng.

Bộ đội Hải quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TL

VNQĐ: Tư liệu đã ghi lại sự kiện: Ngày 2/8/1964 sau khi tàu Ma-đốc bị tàu phóng lôi của Hải quân ta tiến công đánh đuổi buộc chúng phải rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam, thì ngay lập tức Mĩ lớn tiếng vu cáo “tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Ma-đốc của Mĩ đang đi trên vùng biển quốc tế...”, và “Bắc Việt Nam khiêu khích trắng trợn, Bắc Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế...” Để những lời vu cáo đó có sức thuyết phục hơn đối với nhân dân Mĩ và dư luận quốc tế, hôm sau, Giôn-xơn (Johnson) lệnh cho tàu khu trục Tooc-nơ-gioi (Turner Joy) cùng tàu khu trục Ma-đốc tiếp tục vào vịnh Bắc Bộ, nhanh chóng tạo ra “sự kiện thứ hai” nhằm lấy cớ “trừng phạt Hải quân Bắc Việt Nam”. Đêm ngày 4/8/1964, Mĩ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, cho tàu khu trục Ma-đốc và tàu Tooc-nơ-gioi ở vùng biển quốc tế phát tín hiệu bị tấn công, vừa hành trình vừa đồng loạt bắn các loại pháo ra xung quanh, rồi ngay lập tức nhà cầm quyền Mĩ ở Lầu Năm góc lu loa lên rằng: “Một cuộc tiến công cố ý thứ hai trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt Nam đã đánh vào tàu Ma-đốc và Tooc-nơ-gioi trong khi hai khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở vịnh Bắc Bộ trong hải phận quốc tế cách khoảng 65 dặm (gần 105km) nơi gần bờ biển nhất”. “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” do người Mĩ dựng lên không thể lừa được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đồng chí có thể nói rõ thêm những nét chính của sự kiện trên?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ” do giới cầm quyền Mĩ dựng lên thực chất là bịa đặt, cố tình lừa dối nhân dân Mĩ nhằm thông qua cho được bản nghị quyết của Quốc hội Mĩ về các hoạt động quân sự ở Việt Nam, được gọi là “Nghị quyết vịnh Bắc Bộ” - một nghị quyết mà thượng nghị sĩ Mĩ Uay-ni-mo-zơ (Wayne Morse), bang O-ri-gan (Oregon) đã mô tả như một bản “tuyên chiến đề ngày trước”. Đó là đường hướng, chính sách của chính quyền Mĩ đối với Việt Nam được tính toán cho việc leo thang mở rộng chiến tranh chứ không phải là bất ngờ hay là một “sự trả đũa”. Học giả Đa-ni-en En-xbớt (Daniel Ellsberg) của Hoa Kì đã khẳng định: Thực chất cuộc tấn công mang tính “trả đũa” lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ là cái cớ mở đường cho cuộc chiến tranh đẫm máu của Mĩ ở Việt Nam, một phần của kế hoạch gia tăng áp lực quân sự trên miền Bắc mà Hoa Kì đã theo đuổi từ đầu năm 1964.

23 giờ 30 phút đêm 4/8 giờ Oa-sinh-tơn (tức 11 giờ 30 phút trưa 5/8 giờ Hà Nội), Giôn-xơn ra lệnh cho Đô đốc G.Shap - Tư lệnh lực lượng Mĩ ở Thái Bình Dương cho máy bay cất cánh đánh “trả đũa” vào một số mục tiêu ở miền Bắc. Sáu phút sau, tức 23 giờ 36 phút đêm 4/ 8 (giờ Oa-sinh-tơn), Giôn-xơn tuyên bố trên đài truyền hình Mĩ về việc ra lệnh cho các lực lượng quân sự của Mĩ có “hành động trả lời...” đối với Bắc Việt Nam: “Những hành động bạo lực liên tiếp chống các lực lượng vũ trang của Mĩ phải được đối phó không chỉ với sự phòng bị cảnh giác mà với sự trả lời tích cực. Sự trả lời đó đang được đưa ra khi tôi nói với đồng bào đêm nay. Hành động không quân đang được tiến hành chống các tàu chiến và một số phương tiện yểm trợ ở Bắc Việt Nam đã được sử dụng chống các hoạt động thù địch đó”.

Với lời tuyên bố ngạo mạn ấy, sau những hành động có tính toán từ trước nhằm khiêu khích đối phương, lừa dối Quốc hội và nhân dân Mĩ Giôn-xơn chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược bằng không quân và hải quân đối với một nước độc lập có chủ quyền.

Đến 12 giờ 25 phút ngày 5/8/1964, chúng sử dụng 8 máy bay phản lực đánh vào Bến Thủy - thành phố Vinh. Cuộc tiến công quy mô lớn bằng không quân vào miền Bắc Việt Nam đã bắt đầu.

VNQĐ: Nhân dân Việt Nam vốn rất yêu chuộng hòa bình song chúng ta đều phải tiến hành chiến đấu với các kẻ thù hùng mạnh nhất. Thực tiễn diễn biến chiến đấu và tinh thần dũng cảm của Bộ đội Hải quân trong các trận đánh ngày 2 và 5 tháng 8/1964 đã thể hiện rất rõ điều đó. Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc một số nét chính của các trận đánh trên?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Trận chiến đấu ngày mùng 2 và mùng 5 đã được ghi chép lại rất đầy đủ. Tôi chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Quân đội những nét chính. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, khoảng thời gian đó, Bộ đội Hải quân luôn nắm chắc tình hình, bám chắc địch mà đánh. Từ rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc khi xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình đều đã bị các đơn vị ra đa, quan sát mắt của ta theo dõi chặt chẽ. Kẻ cướp chắc chắn phải bị đền tội. Căn cứ chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân lập tức giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Lúc 0 giờ 15 phút ngày 2/8, ba tàu phóng lôi số hiệu 333, 336, 339 rời cảng Vạn Hoa hành quân vào Hòn Nẹ - Thanh Hóa phục kích đón đánh tàu khu trục của địch. 13 giờ 30 phút ngày 2/8, tàu khu trục Ma-đốc Mĩ xâm phạm vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường, cách Hòn Mê 9 hải lí. Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Phân đội 3 tàu phóng lôi được lệnh xuất kích theo hướng hai tàu tuần tiễu, đến 14 giờ 10 thì đuổi kịp biên đội tàu tuần tiễu, sau đó các tàu phóng lôi tăng tốc độ vượt lên trước tìm tàu Ma-đốc của địch.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt. Ba tàu của ta dàn đội hình tăng tốc tiếp cận mục tiêu. Địch bắn trả quyết liệt. Máy bay địch liên tục lao đến tập kích các tàu phóng lôi của ta. Ba tàu của ta vừa anh dũng chiến đấu đánh trả máy bay vừa tiếp cận tàu khu trục để phóng ngư lôi. Mặc cho địch bắn pháo ngăn chặn, các tàu của ta vẫn dũng cảm tiến lên phía trước rút ngắn cự li chiếm lĩnh lợi thế để phóng ngư lôi. Các tàu 339, 336 lần lượt phóng ngư lôi vào mục tiêu và rời khỏi khu vực tác chiến. Pháo tàu địch bắn dữ dội trúng tàu 336, Thuyền trưởng Phạm Văn Tự hi sinh. Tiếp theo tàu 336, tàu 333 tiếp cận vào vị trí công kích ngư lôi. Với tinh thần quyết tâm chiến đấu đến cùng, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ đạo pháo thủ 14,5mm bắn quét lên mặt boong tàu địch và tiếp tục cho tàu cơ động rút ngắn khoảng cách, khi vào đến vị trí công kích ở góc mạn phải tàu địch 800 đã phóng ngư lôi; sau đó vừa rời khu vực tác chiến vừa tiếp tục bắn quét lên mặt boong tàu địch. Tàu khu trục của địch bốc khói chuyển hướng tháo chạy ra vùng biển quốc tế.

Ngay lúc đó, 4 máy bay của địch lao đến tấn công vào các tàu của Phân đội 3. Tàu 333 và 336 vừa cơ động vừa nổ súng đánh trả. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ các tàu đã tập trung hỏa lực bắn cháy một máy bay rơi ngay xuống biển và bắn bị thương một chiếc; hai chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu. Kết quả, tàu Ma-đốc của địch đã bị trúng đạn, hư hỏng một số trang thiết bị, phải rút chạy ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Diễn biến trận đánh đã cho thấy sự dũng cảm ngoan cường của Bộ đội Hải quân trước kẻ thù mạnh hơn gấp bội vẫn chiến đấu và chiến thắng. Đây là trận đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mĩ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, chỉ có ba tàu phóng lôi, còn nhiều hạn chế về tính năng kĩ thuật, lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng kiên cường tiến công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược của quân dân miền Bắc nói chung và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.

VNQĐ: Có thể khẳng định rằng, Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8/1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc và ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh, biết đánh thắng giặc Mĩ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất và dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Vậy ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng trên là gì, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Qua các đợt tổng kết rút kinh nghiệm và hội thảo khoa học đều đã khẳng định, Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8/1964 đã tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của Bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mĩ.

Đây là chiến công tiêu biểu đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mĩ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mĩ, ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8/1964 tạo được tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đã hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kì” ngay từ trận đầu chúng tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, đã đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Trận đầu ra quân đánh thắng ngày 2 và 5 tháng 8/1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có giá trị lí luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử mà còn với cả hiện nay và mai sau:

Đó là, luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị bất ngờ trong bất kì tình huống nào.

Nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lí, đạt hiệu quả cao.

Luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỉ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu. Không ngừng nâng cao trình độ làm chủ khoa học kĩ thuật quân sự, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị kĩ thuật hiện có.

60 năm đã qua, nhưng khí thế hào hùng của chiến thắng trận đầu vẫn còn vang vọng, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hôm nay phải luôn mài sắc ý chí chiến đấu, cảnh giác, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nêu cao hơn nữa tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống.

VNQĐ: Thưa đồng chí Chính ủy! Từ ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm quý báu trên, Bộ đội Hải quân đang phát huy tinh thần Chiến thắng trận đầu trong sự nghiệp quản lí, bảo vệ chủ quyền biển đảo như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, nhất là phát huy tinh thần chiến thắng trong sự nghiệp quản lí, bảo vệ chủ quyền biển đảo hôm nay.

Chúng tôi luôn xác định phải tập trung lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải luôn kiên định, vững vàng về chính trị; trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tin tưởng vào thắng lợi, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kĩ thuật mới; vững vàng về ý chí, bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo, tỉnh táo trong xử lí các tình huống trên biển bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đúng đối sách theo các tình huống, phương án đã xác định; nêu cao tinh thần cảnh giác, không để mắc mưu, tạo cớ, chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, xây dựng Quân chủng thực là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng - an ninh, thế trận lòng dân vững chắc trên các vùng biển, đảo Tổ quốc. Thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng các lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu trên các vùng biển, đảo, nhất là các khu vực trọng điểm, chủ động phối hợp với các lực lượng tạo nên sức mạnh đồng bộ trong việc phát triển kinh tế - xã hội biển, bảo vệ an toàn các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; xử lí có hiệu quả các tình huống, kiên quyết không để xảy ra xung đột, giữ vững ổn định trên biển, đảo.

Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền biển, đảo, góp phần làm cho các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, đảo, vai trò nòng cốt của Hải quân, có ý thức và trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đóng quân xây dựng địa bàn thực sự an toàn, vững mạnh; mỗi con tàu, mỗi hòn đảo, mỗi đài, trạm hoạt động trên biển phải là chỗ dựa vững chắc của nhân dân; giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn, giúp đỡ các dịch vụ hậu cần, kĩ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân yên tâm làm ăn trên biển, đồng thời tích cực tham gia và thực hiện tốt vai trò là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện theo hướng cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế, sát yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với trang bị, vũ khí hiện có và sẽ có, vừa phát huy được nghệ thuật quân sự, cách đánh truyền thống và kinh nghiệm thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu tác chiến trong điêu kiện mới, nhất là khi xảy ra chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Rà soát, bổ sung và thực hành các phương án tác chiến trên biển, đảo với vũ khí, trang bị mới; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, quản lí, khai thác, sử dụng làm chủ các loại phương tiện, tàu thuyền, vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Quân chủng Hải quân, tôi gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Hải quân các thời kì, các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình chính sách lời tri ân tốt đẹp nhất. Chắc chắn, trong thời gian tới, Bộ đội Hải quân sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của mình, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.

VNQĐ: Xin cám ơn đồng chí Chính uỷ!

VNQĐ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)