Tưởng nhớ “vòng tròn bất tử”

Chủ Nhật, 21/07/2024 07:41

Câu chuyện về những chiến sĩ hi sinh tại vùng biển tại Gạc Ma năm nào luôn vẹn nguyên giá trị lịch sử cho các thế hệ sau này. Trong chuyến công tác Trường Sa tháng 5/2024, chúng tôi có dịp neo tàu tại vùng biển gần đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma để làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong ngày 14/3/1988. Hơn 200 đại biểu có mặt trong chiều hoàng hôn hôm ấy sẽ mãi nhớ những câu thơ hào hùng: “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương/ Lấy thân mình làm cột mốc chủ quyền/ Chắn quân thù trên biển đảo quê hương”.

Thả vòng hoa và hạc giấy gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp nhất cho các liệt sĩ đã hi sinh mà chưa về với đất mẹ

Biển xanh thấm máu đỏ

Ngày 14/3/1988, trước sự tấn công bất ngờ tại một số bãi đá ngầm do Việt Nam quản lí tại khu vực quần đảo Trường Sa, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả. Mặc dù tự kiềm chế đến mức tối đa, tránh sự khiêu khích và đối đầu; giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng, không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp, phù hợp với xu thế đối ngoại và tập quán quốc tế, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Dẫu biết rằng, có thể sẽ hi sinh, nhưng trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của quân địch, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Và, Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604.

Trước sự tấn công dã man của kẻ thù, Thiếu uý Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc. Trước lúc hi sinh, anh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và dõng dạc tuyên bố “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mất đảo chỉ còn trong gang tấc, Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu và nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...

Công tác chuẩn bị cho buổi lễ

Nhân dân góp sức xây dựng Khu tưởng niệm

Ghi nhớ chiến công vĩ đại cùng sự hi sinh quên mình của 64 liệt sĩ, nhân dân cùng nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước theo vận động từ năm 2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã góp sức xây dựng khu tưởng niệm để bày tỏ sự biết ơn, trân trọng và khắc ghi sự hi sinh quên mình của các anh. Năm 2017, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma khánh thành tại Cam Lâm (Khánh Hòa) với quần thể rộng hơn 25.000m2, gồm 5 khu vực: Quảng trường, Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, Khu trưng bày ngầm, Mộ gió, Con đường hoài niệm.

Ông Võ Duy Trúc, Giám đốc Ban quản lí Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma cho biết hiện nay, khu bảo tàng trưng bày khoảng 38 kỉ vật liên quan các liệt sĩ và trận chiến Gạc Ma như: lá cờ mà liệt sĩ Trần Văn Phương và đồng đội bảo vệ trong ngày 14/3/1988; hiện vật vớt lên từ con tàu HQ-605 - quần, dép, thắt lưng, bát ăn cơm, nòng súng…; ảnh cưới của thiếu uý Đinh Ngọc Doanh; giấy báo nhập học; giấy báo tử;…

Ấn tượng nhất có thể nói đến đoạn thư trong lá thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương viết ngày 6/3/1988 tại Cam Ranh, trước khi xuống tàu đi Gạc Ma: "Từ nay con không viết thư về nữa, vì công việc bận, bưu điện lại quá xa... Gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về. Bao giờ về là về thôi...".

Từ 2017 đến nay, nhiều đoàn khách gồm các cá nhân, tập thể cơ quan, các đoàn học sinh, sinh viên,… đã ghé thăm, thắp hương tưởng niệm và tìm hiểu lịch sử, chiến công của các anh. Các kỉ vật gắn liền với sự kiện lịch sử sẽ giúp thế hệ trẻ cùng nhân dân trong và ngoài nước hiểu hơn về 64 liệt sĩ cùng lịch sử xây dựng, gìn giữ từng khu vực trong quần đảo Trường Sa.

Một số hình ảnh về lễ tưởng niệm trên tàu HQ-571 và Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma:

Quảng trường với tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma có chủ đề "Những người nằm lại phía chân trời". Trước mỗi lần xuất phát, các đoàn công tác ra Trường Sa sẽ đến thăm và thắp hương tưởng niệm tại đây.
Hình ảnh những bông hoa muống biển xếp thành vòng tròn ôm lấy cờ Tổ quốc tượng trưng cho hành động hôm lá cờ, anh dũng hi sinh bảo vệ đảo của 64 liệt sĩ
Tấm bia ghi tên 64 liệt sĩ tại khu tưởng niệm
Một góc trưng bày các hiện vật, hình ảnh của các liệt sĩ
Trong khuôn viên khu tưởng niệm cũng trồng bàng vuông, một loại cây đặc trưng tại Trường Sa
Toàn tàu tập trung trên boong để cùng làm lễ
Phút mặc niệm, nhiều đại biểu không kìm được xúc động trước chiến công, sự hi sinh quên mình của các anh

 

Tàu HQ-571 trong chiều hoàng hôn sau buổi lễ tưởng niệm

Phóng viên Đoàn công tác số 20, tháng 5/2024

VNQD
Thống kê