Hiệu quả từ bồi dưỡng kiến thức dân tộc Khmer

Thứ Sáu, 07/06/2024 00:28

. HỒ KIÊN GIANG
 

Xác định nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài, 2 năm gần đây, các đơn vị, địa phương trong LLVT Quân khu 9 tổ chức nhiều lớp học tiếng dân tộc và bồi dưỡng kiến thức dân tộc Khmer, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết, vận dụng vào quá trình công tác.

Năm 2018, Lý Chanh Ry tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh. Năm sau, anh tình nguyện nhập ngũ và được cử đi học văn bằng 2 tại Trường Sĩ quan Chính trị. Là người con của đồng bào Khmer cùng kĩ năng đào tạo cơ bản, anh là một trong hai giáo viên được đơn vị giao đảm nhiệm lớp bồi dưỡng tiếng Khmer. Trung úy Lý Chanh Ry, Chính trị viên phó Đại đội 12 (Tiểu đoàn 303) cho biết: “Quá trình học tiếng Khmer khó nhất là phiên âm bởi với một số từ đồng âm, chẳng hạn như từ “mìnl”, dịch sang tiếng Việt là “có” hoặc “giàu”; “Khơ-nhum-mìnl-cô-rùal-xa-hơi” thì dịch là “Tôi đã có gia đình rồi”; “Khơ-nhum-chia-nạt-mìnl” - “Tôi là một người giàu”.

Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc Khmer tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9. Ảnh: Phương Nhật

Cùng với đó, tiếng Khmer có 33 phụ âm và 25 nguyên âm nên học viên gặp khó khi phát âm, nhất là với cán bộ, chiến sĩ chưa tiếp cận cơ bản ngôn ngữ này. Mặt khác, phương ngữ Khmer Nam Bộ chưa thống nhất trong vùng mà có những từ khác biệt giữa các địa phương, vì vậy, ngoài tập trung nghe thầy giảng trên lớp, giao tiếp, trao đổi nhóm là biện pháp hữu hiệu để người học bổ sung vốn từ vựng. Binh nhất Thạch Hoàng Thiện, chiến sĩ Đại đội 1 (Tiểu đoàn 309) chia sẻ: “Trong giao tiếp bằng tiếng Khmer, chúng ta cần nắm vững nghĩa của một số từ bởi một nhân vật có thể gọi bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như “cha” của tiếng Việt có thể gọi bằng “pà”, “ầu”, “à-phụt”... Khi nắm vững các từ ngữ đó áp dụng vào địa phương chúng ta giao tiếp để mọi người ở đó dễ hiểu hơn.”

Không chỉ vậy, một số cặp từ khi phát âm sẽ dài hơn, như tiếng Việt là “con dâu” thì tiếng Khmer là “côn-bra-xa-xrây”. Do vậy, những buổi thực tế không chỉ giúp học viên hiểu thêm đời sống, sinh hoạt của đồng bào mà còn rèn luyện kĩ năng nghe, nói tiếng Khmer khi người dân dùng câu có vay mượn từ. Thượng úy Sơn Lai, Chính trị viên Đại đội 1 (Tiểu đoàn 309) cho rằng: “Ở một số vùng, người dân giao tiếp có sử dụng tiếng Việt xen lẫn tiếng Khmer, tôi có thể hiểu và đoán được ý định của bà con. Tuy nhiên, chúng ta phải nắm vững tính đa dạng của ngôn ngữ này mới trao đổi mạch lạc.”

Với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là điểm kết nối, duy trì nền nếp, văn hoá truyền thống. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nét kiến trúc độc đáo, tượng Phật đậm chất tâm linh vẫn lưu giữ vẹn nguyên, truyền qua các thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống gắn với nhân sinh quan, thế giới quan, cũng là nguồn gốc tư tưởng tác động hình thành văn hoá đặc trưng cộng đồng Khmer Nam Bộ.

Trung úy Lê Trung Nhiệm, Chính trị viên phó Đại đội 11 (Tiểu đoàn 303) chia sẻ: “Qua tham quan chùa Khmer, tôi hiểu thêm tượng Phật 4 mặt như khi người dân đến cúng cả 4 mặt theo chiều kim đồng hồ tương ứng với từ - bi - hỉ - xả để cầu mong những điều tốt lành.” Đại đức Đỗ Văn Ninh, trụ trì chùa Sô-quách-ra-ram Sốc-pô-lok ở phường Chi Lăng, thị xã Tịnh Biên (An Giang) phấn khởi nói: “Hằng năm, dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc, phật tử đến cúng bái, chúng tôi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Khi bộ đội biết tiếng Khmer, tôi rất mừng vì có thêm kênh tuyên truyền giúp phật tử biết nhiều hơn, hiểu rõ hơn.”

Các học viên trao đổi, tìm hiểu phong tục Khmer với nhà sư chùa Sô-quách-ra-ram Sốc-pô-lok. Ảnh: Phương Nhật

Những kiến thức tích lũy từ lớp bồi dưỡng giúp bộ đội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành nghiêm chủ trương, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, là nền tảng cơ bản đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ kiên trì luyện tập để sử dụng thành thạo trong quá trình công tác. Thượng tá Trần Thành Trung, Chính ủy Trung đoàn 1, cho biết: “Do thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ, lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc Khmer chỉ duy trì ngày cuối tuần. Theo đó, trên 100 đồng chí được hướng dẫn kĩ năng phát âm tiếng Khmer thông qua các chủ đề giao tiếp thông dụng hằng ngày. Sắp tới, chúng tôi xây dựng kế hoạch, quán triệt bộ đội nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa nội dung này, nhất là phát huy vai trò cán bộ, ĐVTN người dân tộc Khmer hiểu biết sâu sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết Khmer hướng dẫn, bồi dưỡng thêm cho anh em.”

Năm 2022 - 2023, các đơn vị, địa phương trong LLVT Quân khu 9 tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc Khmer cho gần 800 cán bộ, chiến sĩ; 4 lớp tiếng dân tộc Khmer cho trên 250 cán bộ. Thông qua phương pháp phối hợp với trường đại học và tự tổ chức lớp học tiếng Khmer, từng bước khẳng định hiệu quả thiết thực của Chỉ thị số 105 ngày 26/5/2020 của Bộ Quốc phòng “Về việc tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

H.K.G

VNQD
Thống kê