Sau khi nhảy dù chiếm lòng chảo Điện Biên tháng 11/1953, quân đội Pháp đã đưa tới đây nhiều vũ khí, trang bị phục vụ cho nhu cầu phòng thủ của Tập đoàn cứ điểm, trong đó có các loại pháo, xe quân sự, đặc biệt là một đại đội xe tăng gồm 10 chiếc. 10 chiếc xe đó đã vĩnh viễn ở lại Việt Nam, 8/10 chiếc bị bắn hạ ngay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện là các hiện vật được trưng bày trong các di tích tại Điện Biên, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là chiếc xe tăng nằm cô đơn giữa cánh đồng Mường Thanh suốt 70 năm nay.
Những chiếc tăng được đưa đến Điện Biên Phủ thuộc dòng xe M24 mang tên Charfee, do các hãng sản xuất vũ khí Mỹ chế tạo. Dòng xe này được đặt tên theo tên của Thiếu tướng Lục quân Hoa Kỳ Adna R. Chaffee, Jr., người được mệnh danh là "Cha đẻ của lực lượng thiết giáp Hoa Kỳ”. Đây là loại tăng chiến đấu hạng nhẹ, nặng 18 tấn, trang bị pháo 75mm, ngoài ra, có một súng máy Browning 12,7 mm trên nóc tháp pháo và hai súng máy 7,62 mm. Nếu tính cả chiều dài nòng pháo chính mỗi xe dài 5,56 m, cao 2,77 m và rộng 3 m. Toàn thân xe được bọc một lớp giáp dày 9-25 mm.
10 chiếc tăng được quân Pháp biên chế thành Đại đội số 3, thuộc Trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 (3/1 RCC), với một xe chỉ huy và 3 phân đội, trong đó phân bổ cho phân khu Mường Thanh 2 phân đội (6 xe), và phân khu phía Nam (Isabelle - Hồng Cúm) 3 xe. Mỗi kíp xe theo tiêu chuẩn có 5 người. Chỉ huy đại đội là đại úy Yves Hervouët.
Tương tự việc các cứ điểm tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên đều mang những cái tên mĩ miều của các cô gái như Isabelle (Hồng Cúm), Béatrice (Him Lam), Éliane…, các xe tăng của Đại đội 3 cũng được đặt những tên riêng lãng mạn. Theo cuốn sách "The Last Valley" (Thung lũng cuối cùng) của tác giả Martin Windrow thì chiếc xe chỉ huy đại đội mang tên Conti, hai phân đội tăng ở phân khu Mường Thanh được chia thành Phân đội Bleu (Xanh dương), gồm các xe Bazeille, Douaumont, Mulhouse và Phân đội Rouge (Đỏ): Ettlingen, Posen, Smolensk. Phân đội tăng đóng tại Hồng Cúm mang tên Vert (Xanh lá cây), gồm 2 xe tăng mang tên Ratisbonne và Neumach.
Trong cuộc chiến tại Điện Biên Phủ năm 1954, đại đội xe tăng này đã gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho Quân đội Việt Nam, tuy nhiên, kết thúc chiến dịch, 8/10 xe tăng đã bị tiêu diệt, hai chiếc còn nguyên vẹn được thu làm chiến lợi phẩm bổ sung vào biên chế vũ khí trang bị của Quân đội ta sau đó. Chiếc xe tăng hiện vẫn nằm lại trên cánh đồng Mường Thanh từng tham gia Thế chiến thứ 2, đã bị Đại đội 802 pháo 105mm thuộc Trung đoàn pháo binh 45 bắn hạ ngày 23/4/1954. Ngày nay, đến Mường Thanh, giữa muôn trùng sóng lúa xanh tươi người ta vẫn gặp nó nằm một mình cô đơn như gợi về một thời chiến tranh khốc liệt 70 năm trước, khi những chiếc xe tăng từng quần thảo, cày nát cánh đồng này.
Trọng Thái tổng hợp
VNQD