Thời niên thiếu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Ba, 02/07/2024 00:40

. NGUYỄN THỊ THU HẰNG
 

Trong lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “biểu tượng” của trí tuệ và tinh thần quả cảm, quyết đoán. Không chỉ là vị tướng của lòng dân, mà ngay cả những người bên kia chiến tuyến cũng không thể không khâm phục ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành huyền thoại của lịch sử quân sự Việt Nam không chỉ bởi những chiến công lừng lẫy mà còn bởi vẻ đẹp của nhân cách, trí tuệ, lòng nhân ái. Tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với truyền thống quê hương, gia đình gắn với thời niên thiếu sôi nổi, giàu chí hướng, chúng ta càng hiểu và trân trọng hơn tầm vóc của ông trong quá trình trở thành bậc vĩ nhân của dân tộc.

 

Võ Nguyên Giáp thời niên thiếu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, tại làng An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà Nho nghèo. Cha là ông Võ Quang Nghiêm. Mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Ông bà có bảy người con, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ năm. Thân phụ của Đại tướng là một nhà Nho uy tín trong vùng, có phong cách giản dị, thanh bạch. Ông vừa dạy học vừa bốc thuốc lại vừa làm ruộng. Xóm làng tôn trọng ông bởi đức tính hiền hòa, nhân hậu. Tuy nhiên, trong gia đình ông luôn chú ý về nền nếp gia phong và giáo dục con cái cực kì nghiêm khắc. Khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu, gia đình đi tản cư, ông chưa kịp thu xếp để đi theo thì giặc Pháp ập tới. Chúng càn quét lùng bắt, đưa ông về giam ở Huế, tra tấn dã man cho đến chết. Thân mẫu của Đại tướng là một người phụ nữ hiền lành, chất phác, lo toan ruộng vườn và nội trợ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thừa hưởng từ mẹ vóc người thấp đậm, gương mặt tròn, trắng trẻo, và đôi mắt đặc biệt, vừa hồn nhiên trong sáng vừa cương nghị như có ánh thép và sắc sảo, long lanh trí tuệ. Sau này nữ nhà báo nổi tiếng thế giới Oriana Fallaci người Italia đã nhận xét về đôi mắt của Đại tướng sau cuộc phỏng vấn vào tháng 2/1969: “Đây là đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng được thấy!”

Ngày còn nhỏ, cậu bé Võ Nguyên Giáp cùng với em trai Võ Thuần Nho được học chữ Nho từ người cha Võ Quang Nghiêm. Lên tiểu học cậu phải ở trọ trên trường tỉnh ở Đồng Hới, vốn thông minh, đĩnh ngộ, cậu luôn đứng đầu lớp, vào kì thi tốt nghiệp bậc sơ học, cậu đỗ đầu tỉnh. Tuy vậy, phải thi lại lần thứ hai năm 1925 cậu mới đỗ vào trường Quốc học Huế. Chia tay quê hương với dòng sông tuổi thơ Kiến Giang và Nhật Lệ, Võ Nguyên Giáp bước vào cánh cổng trường Quốc học lúc phong trào đấu tranh của nhân dân chống thực dân Pháp đang sôi sục. Cuộc gặp gỡ với những người bạn lớn tuổi trong phong trào học sinh sinh viên như Nguyễn Chí Diểu và những thầy giáo giàu tâm huyết như Võ Liêm Sơn, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai... đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cậu vào Huế để học tập và lập tức bị cuốn ngay vào cơn lốc chính trị của thời đại.

Võ Nguyên Giáp học luật, dạy lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, làm báo và hoạt động ở Hà Nội (1932 - 1939)

Năm học đầu tiên của Võ Nguyên Giáp đã diễn ra với nhiều biến động. Kinh đô Huế nhỏ bé và cổ kính, nơi cuộc sống vốn yên ả, thanh bình bỗng nhiên rộn rã bởi các phong trào diễn ra liên tiếp: đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Trong hai mươi năm đầu thế kỉ XX, hầu hết những cuộc vận động giải phóng dân tộc đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của tinh thần Phan Bội Châu. Trong tiềm thức của Võ Nguyên Giáp và những người bạn cùng thời, Phan Bội Châu là người anh hùng dân tộc đem lại niềm hi vọng cho hàng triệu người dân Việt Nam. Cuộc đời bôn ba đầy gian truân, khát vọng cứu nước mãnh liệt cùng những vần thơ “máu nóng” và nước mắt của cụ đã thức tỉnh biết bao người dân đất Việt, trong đó có chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp. Cậu cùng những người bạn đã đi vận động chữ kí vào đơn gửi Toàn quyền Đông Dương đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Trước sức ép đấu tranh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp buộc phải hủy bản án khổ sai chung thân và đưa cụ về Huế giam lỏng. Tại ngôi nhà tranh đơn sơ trên dốc Bến Ngự, ở tuổi 14, 15 đầy nhiệt huyết, thứ năm hàng tuần Võ Nguyên Giáp thường đến nghe cụ giảng giải, bình văn, ngâm thơ. Những bài thơ của cụ có sức thu hút mạnh mẽ đối với tâm hồn Võ Nguyên Giáp. Nhận thấy sự hăng hái, nhiệt tình và ham học của cậu nên cụ Phan rất quý, rất thương, có lần bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp.”

Tiếp đó, sự qua đời của nhà ái quốc Phan Chu Trinh làm dấy lên phong trào để tang lan rộng khắp cả nước lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân. Tại Huế, nhiều cuộc truy điệu tổ chức rầm rộ trong thành phố. Do Trường Quốc học tìm mọi cách ngăn cấm, Võ Nguyên Giáp cùng những người bạn đã lập bàn thờ với đủ lư đồng, giá nến, khói hương nghi ngút, ai nấy đều đeo băng tang cúi đầu tuyên thệ trước hương hồn nhà chí sĩ yêu nước. Trước sự tham gia phong trào “Hai cụ Phan” của học sinh, Hiệu trưởng và Tổng Giám thị Trường Quốc học đã tăng cường kiểm soát, ngày nghỉ không cho ra khỏi trường, xử tội nặng những học sinh đọc sách báo yêu nước và tìm cớ đuổi học Nguyễn Chí Diểu, người được cho là kẻ cầm đầu các phong trào. Một cuộc bãi khóa nổ ra chống lại những áp đặt vô lí của nhà trường lan sang cả trường nữ học Đồng Khánh và nhiều trường học lân cận buộc cảnh sát được điều động để đàn áp. Đây là một trong những cuộc tổng bãi khóa lớn thời bấy giờ. Kết thúc sự kiện này, Võ Nguyên Giáp cùng nhiều học sinh yêu nước bị đuổi học. Theo luật lệ hiện hành, những học sinh bị đuổi không được học hành thi cử trong vòng hai năm liền trên toàn cõi Đông Dương. Võ Nguyên Giáp đã đi tìm gặp những người bạn cùng chí hướng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định tìm mối xuất dương hoạt động cách mạng theo gương các bậc tiền bối nhưng không thành. Một thời gian sau, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế nương náu tại nhà giáo sư Võ Liêm Sơn vùi đầu nơi tủ sách. Chính tại nơi đây, các tài liệu về chủ nghĩa Mác đã giúp anh thêm mở mang tầm mắt. Sau đó, anh trở về quê Quảng Bình cùng em trai Võ Thuần Nho và những thanh niên tiến bộ trong làng lập hội kín tìm cách chống lại bọn lí hương, bọn cho vay nợ lãi, đòi chia lại ruộng đất cho công bằng, đòi lại ruộng bị gán nợ, bị mua đắt bán rẻ. Điều trớ trêu là anh bị rơi vào tình thế khó xử khi người cha muốn anh kết hôn với con gái ông bá hộ giàu có nhất làng. Tuy nhiên chàng trai trẻ không hề mong muốn cuộc hôn nhân sắp đặt đó. Khi còn đang lúng túng tìm cách khước từ thì anh gặp lại người bạn thân Nguyễn Chí Diểu. Cuộc gặp gỡ đã khiến Võ Nguyên Giáp định hình được con đường của mình trên chặng đường mới. Nguyễn Chí Diểu đã chia sẻ với Võ Nguyên Giáp một tập tài liệu bí mật gồm những bài nói chuyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Bỉ và Trung Quốc. Lần đầu tiên anh được đọc một tài liệu giải thích rõ ràng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế. Nguyễn Chí Diểu còn giới thiệu và thay mặt tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt cách mạng Đảng. Sau này, trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên, ngày 4/11/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tôi tham gia hoạt động trong tổ chức Tân Việt tại Huế vì theo tôi Tân Việt có xu hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt: làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Tổ chức này đã qua một quá trình từ các hội Phục Việt, Hưng Nam mà tiến lên.”

Năm 1930, khi 19 tuổi, Võ Nguyên Giáp bị bắt giam tại Lao Thừa Phủ (Huế) vì tham gia Xô Viết Nghệ Tĩnh

Mùa thu năm 1928, Võ Nguyên Giáp thoát li gia đình, trở lại Huế, hăng hái tham gia sinh hoạt trong một tiểu tổ bí mật của Đảng Tân Việt. Ban đầu anh làm việc tại Quan Hải Tùng Thư, trụ sở bí mật của Tổng bộ Đảng Tân Việt. Sau đó được Đào Duy Anh giới thiệu sang làm biên tập viên báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng thành lập. Đây là thời gian Võ Nguyên Giáp học nghề làm báo. Anh phải đọc rất nhiều sách các loại, tìm hiểu những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để làm quen với mọi thể loại: tin tức, thời sự, bình luận, điều tra, phóng sự... Với bút danh Vân Đình, Hải Thanh..., các bài viết của anh đi sâu phản ánh những đời sống khổ cực của nông dân về: sưu cao, thuế nặng, địa tô, cướp đoạt ruộng đất... Nhiều bài chính luận tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng đối với tư sản dân tộc Việt Nam khiến nhà cầm quyền phản ứng gay gắt, yêu cầu phải xóa bỏ. Một thời gian sau, Võ Nguyên Giáp được cử là Ủy viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông, lúc đó anh mới tròn 18 tuổi, là ủy viên trẻ nhất của Tổng bộ. Võ Nguyên Giáp đã có quãng thời gian tuổi trẻ đáng nhớ ở Huế. Anh hăng say hoạt động bằng tất cả sự nhiệt huyết, vừa viết báo, vừa tích cực vận động thanh niên, học sinh, phụ nữ, nông dân giác ngộ cách mạng. Đồng thời tham gia vào cuộc vận động thống nhất hai tổ chức Tân Việt và Thanh Niên. Đầu năm 1929, với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông, Võ Nguyên Giáp được Tổng bộ trao nhiệm vụ ra Vinh, Hà Nội, vào Sài Gòn để thực hiện chủ trương vận động các kì bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản.

Có thể thấy, ngay từ thời niên thiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ nhiều phẩm chất của một nhân cách lớn. Với lòng yêu nước nồng nàn, thông minh, ham học hỏi, từ rất sớm Đại tướng đã tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước, từng bước giác ngộ lí tưởng cách mạng. Tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế hệ trẻ ngày nay càng thêm kính trọng, yêu quý, được truyền cảm hứng, động lực về tinh thần vươn lên trong học tập, bản lĩnh trong lao động, sống có lí tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ, dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn. Đó là những phẩm chất tốt đẹp để thế hệ trẻ Việt Nam làm chủ đất nước trong bối cảnh mới.

N.T.T.H

VNQD
Thống kê