Kiệt tác điện ảnh tái hiện cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự

Chủ Nhật, 30/06/2024 14:34

D-Day là tên được đặt cho cuộc đổ bộ vào bãi biển Normandy ở miền bắc nước Pháp vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 bởi quân đội Đồng minh từ Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nước Pháp vào thời điểm đó đang bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng và cuộc tấn công có mật danh là Chiến dịch Overlord đã đổ bộ khoảng 156.000 binh sĩ Đồng minh lên bãi biển Normandy.

Chiến dịch D-Day là hoạt động hải quân, không quân và trên bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự. Chỉ trong vài ngày, khoảng 326.000 quân, hơn 50.000 phương tiện và khoảng 100.000 tấn thiết bị đã đổ bộ. Khoảng 4.000 quân Đồng minh đã bị lính Đức bảo vệ các bãi biển giết chết. Đến tháng 8 năm 1944, toàn bộ miền bắc nước Pháp đã được giải phóng và vào mùa xuân năm 1945, cùng với quân đội Liên Xô, quân Đồng minh đã đánh bại quân Đức. Các nhà sử học thường coi D-Day là sự khởi đầu cho sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chưa đầy một năm sau, ngày 7 tháng 5 năm 1945, nước Đức đầu hàng.

Poster phim Ngày dài nhất.

Vì ý nghĩa lịch sử của nó, D-Day trở thành nguồn cảm hứng trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong điện ảnh, bộ phim đen trắng kinh điển “The Longest Day” (Ngày dài nhất) của hãng phim 20th Century Fox nói về D-Day được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Cornelius Ryan. Ông là một nhà báo người Mỹ gốc Ireland và cũng là một tác giả đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm về lịch sử quân sự. Cuốn sách này được nhiều người coi là tác phẩm kinh điển về cuộc đổ bộ Normandy, do vậy Cornelius Ryan được mời làm biên kịch cho chính bộ phim Ngày dài nhất. Đây là bộ phim được xếp số 1 trong 50 phim về chiến tranh hay nhất mọi thời đại có độ dài 3 tiếng đồng hồ, theo Viện Phim Mỹ.

Bộ phim của những ngôi sao và con người thật ngoài đời

Bộ phim ra mắt năm 1962, có một dàn diễn viên quốc tế của Mỹ và châu Âu (Anh, Pháp, Đức...) với những ngôi sao lớn nhất thời đó như John Wayne, Kenneth More, Richard Todd, Robert Mitchum, Richard Burton, Steve Forrest, Sean Connery,… Một số diễn viên trong phim đã từng là quân nhân trong cuộc chiến tranh. Thậm chí Eddi Albert, Henry Fonda, Leo Genn, Kenneth More, Rod Steiger và Richard Todd là những người nằm trong số những sĩ quan đầu tiên đổ bộ xuống Normandy trong Chiến dịch Overlord và tham gia cuộc tấn công vào Cầu Pegasus.

Hình ảnh người lính bi thương trong bộ phim lịch sử.

Bộ phim có đến năm đạo diễn là Ken Annakin, Andrew Marton, Bernhard Wicki, Gerd Oswald, Darryl F. Zanuck. Các nhà làm phim đã thuê một số người tham gia D-Day thực sự của phe Đồng minh và phe Trục làm cố vấn, nhiều người trong số họ đã được tái hiện vai trò của mình trong phim. Những người này bao gồm Günther Blumentritt (cựu tướng Đức), James M. Gavin (một tướng Mỹ), Frederick Morgan (Phó Tham mưu trưởng Trụ sở tối cao Lực lượng viễn chinh Đồng minh (SHAEF), John Howard (người chỉ huy cuộc tấn công đường không vào Cầu Pegasus), Lord Lovat (người chỉ huy Lữ đoàn phục vụ đặc biệt số 1), Philippe Kieffer (người chỉ huy quân của mình trong cuộc tấn công vào Ouistreham), Marie-Pierre Kœnig (người chỉ huy Lực lượng Pháp Tự do trong cuộc xâm lược), Max Pemsel (một tướng Đức), Werner Pluskat (người thiếu tá là sĩ quan Đức đầu tiên nhìn thấy hạm đội đổ bộ), Josef "Pips" Priller (người phi công nóng nảy) và Lucie Rommel (vợ góa của Thống chế Đức Erwin Rommel, lúc đó là chỉ huy quân Đức). Hơn 23.000 binh sĩ Anh, Pháp và Hoa Kỳ đang tại ngũ đã được thuê để đóng các vai phụ trong phim.

Cảnh đổ bộ được tái hiện trong phim chân thực của phương pháp làm phim truyền thống khi chưa có kĩ xảo.

Đoàn làm phim cũng đề nghị cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lúc đó đóng vai chính mình trong phim và ông bày tỏ sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, vì không thể hóa trang khiến vị cựu Tổng thống trông đủ trẻ để đóng vai chính mình thời Chiến tranh thế giới thứ hai, nên vai diễn này thuộc về Henry Grace.

Trong phim, có một câu nói nổi tiếng: "Chỉ có hai loại người sẽ ở lại bãi biển này: những người đã chết và những người sắp chết." Trên thực tế, điều này đã được Đại tá George A. Taylor thuộc Trung đoàn bộ binh 16 Hoa Kỳ nói khi đổ bộ lên bãi biển. Ông sống sót và về sau ông trở thành Chuẩn tướng trong quân đội Hoa Kỳ.

Bộ phim Ngày dài nhất được công chiếu tại Pháp vào ngày 25 tháng 9 năm 1962 và tại Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 10 năm 1962. Phim nhận được sự hoan nghênh tích cực từ các nhà phê bình và là một thành công đáng kể về mặt thương mại, trở thành bộ phim đen trắng có doanh thu cao nhất vào thời điểm đó. Kinh phí thực hiện phim là 10 triệu USD (tương đương với 101 triệu USD ở thời điểm hiện tại), nhưng bộ phim đã thu về tổng cộng 50,1 triệu USD. Đây là bộ phim đen trắng đắt giá nhất cho đến khi đạo diễn Steven Spielberg thực hiện bộ phim “Schindler's List” (1993) với kinh phí 22 triệu USD.

Tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 35, bộ phim đã được đề cử 5 giải Oscar, trong đó có Phim hay nhất, đồng thời giành được các giải Quay phim xuất sắc nhất (Đen trắng) và Hiệu ứng đặc biệt xuất sắc nhất. Bài hát chủ đề trong phim được viết bởi Paul Anka, người cũng đóng vai một binh nhì của quân đội Hoa Kỳ.

Tính chất sử thi hoành tráng, chân thực và xúc động

Bộ phim Ngày dài nhất được quay theo phong cách phim tài liệu để tạo ấn tượng chân thực, do vậy, ngay sau khi bộ phim ra mắt, nhà phê bình điện ảnh Bosley Crowther của tờ báo uy tín The New York Times nhận xét rằng: "Hiệu ứng tổng thể của bộ phim là một phóng sự tài liệu khổng lồ, tuy là đen trắng nhưng được tô điểm và tô màu sắc bởi những chi tiết cá nhân gây xúc động, thú vị… Thật khó để nghĩ ra một bộ phim nào, được nhắm mục tiêu và xây dựng như bộ phim này, khiến người ta cảm thấy phải tiếp xúc nhiều hơn với nỗi kinh hoàng của chiến tranh như bộ phim này"… Đây một sử thi chiến tranh chắc chắn và ấn tượng, nổi lên như một loại phim tài liệu bán hư cấu quy mô lớn”. (Bosley Crowther, “Ra mắt phim Ngày dài nhất, The New York Times”, ngày 5/10/1962). Bộ phim gây ấn tượng mạnh nhờ vào các đại cảnh hoành tráng, được quay dưới sự hỗ trợ hết mình của Hạm đội sáu của Hoa Kỳ. Hạm đội này đã giúp đỡ việc quay phim và cung cấp nhiều tàu đổ bộ và tàu cho các cảnh quay. Do vậy, các cảnh đổ bộ đều mang tính chân thực cao, gần như là tái hiện lại thực tế cuộc chiến.

Cảnh trong phim Ngày dài nhất.

Nhà phê bình Richard L. Coe của tờ báo The Washington Post gọi bộ phim là "một bức tranh tuyệt vời, hấp dẫn, rùng rợn" và "phải được xếp hạng là phim sử thi chiến đấu hay nhất màn ảnh rộng".

Trong bộ phim Ngày dài nhất, các sự kiện dẫn đến chiến dịch D-Day ở Pháp được thể hiện đầy đủ và chi tiết từ phía các góc nhìn khác nhau của lực lượng Đồng minh và phe Trục. Chính vì vậy, bộ phim tránh được sự tô hồng từ một phía. Lời thoại của các nhân vật trong phim được nói bằng ngôn ngữ của các quốc gia tham gia chiến dịch này và chỉ riêng khía cạnh này đã khiến cho tính chất chính xác, tỉ mỉ, chân thực của nó vượt xa hầu hết các bộ phim khác về chiến tranh cho đến tận ngày nay. Dàn diễn viên có sự góp mặt của nhiều ngôi sao quốc tế nhưng không tuân theo công thức "tìm kiếm ngôi sao" như nhiều bộ phim thường làm, mà tránh được những khuôn sáo và những nhân vật được miêu tả hết sức chân thực. Ngay cả những người Đức cũng được thể hiện như những nhà lãnh đạo quân sự thực sự chứ không phải những kẻ hung ác theo khuôn mẫu như người ta nghĩ về Đức Quốc xã. Làm được điều này cũng là nhờ vào tài năng diễn xuất của một đội ngũ những ngôi sao điện ảnh lớn nhất thời đó.

Có những cảnh đổ bộ quy mô lớn, nhưng cũng có những cảnh yên tĩnh tại các ngôi làng trước khi chiến dịch xảy ra. Đặc biệt bộ phim gây ấn tượng mạnh bởi những cảmh quay từ trên cao nhìn xuống bãi biển với hàng ngàn binh lính, xe tăng và tàu đổ bộ, mang đến cho người xem một bức tranh rất chính xác về quy mô khổng lồ của chiến dịch. Đây cũng là điều mà ít bộ phim chiến tranh nào làm được. Mặc dù bộ phim là sự miêu tả sống động về chiến tranh, nhưng không giống như nhiều bộ phim chiến trường sau này, nó không tập trung vào những hình ảnh kinh hoàng đầy máu me và bạo lực về cái chết và thương tích tàn khốc, mà tập trung vào những câu thoại đắt giá, cùng với đặc tả tâm lí nhân vật.

Cảnh trong phim Ngày dài nhất.

Bộ phim Ngày dài nhất là bản tường thuật bằng ngôn ngữ điện ảnh về chiến dịch D-Day lừng danh trong lịch sử từ nhiều góc độ khác nhau, bao gồm cả số phận của những thường dân Pháp bị kẹt trong cuộc giao tranh giữa lực lượng giải phóng và quân Đồng minh với lực lượng chiếm đóng của Đức. Bộ phim không chỉ là khắc họa chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến với cái nhìn từ hai phía, mà còn là sự nhắc nhở và là lời tri ân sâu sắc đối với những người đã chiến đấu trong chiến dịch đó. Hơn thế nữa, gần cuối bộ phim, câu thoại của Richard Beymer trong vai Arthur Dutch Schultz: "Tôi tự hỏi ai đã thắng", là lời cảnh tỉnh sâu sắc nhất về những đau thương, mất mát trong chiến tranh, không phân biệt phe phái nào.

Rất nhiều công sức đã được đổ vào để tạo ra bộ phim lịch sử hoành tráng này. Trong thời đại ngày nay khi mà toàn bộ một quân đội đông đúc và thậm chí cả hành tinh hay vũ trụ có thể được tạo ra chỉ bằng những cú nhấp chuột trên màn hình đồ họa của máy tính, người xem sẽ có cảm giác rất khác khi thấy cách làm phim kiểu cũ được thực hiện trên một quy mô thực sự lớn lao. Bộ phim Ngày dài nhất chứa đựng một điều mà không máy tính nào có thể tái tạo được: cảm giác chân thực. Cuộc đổ bộ D-Day là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của lịch sử thế kỉ 20. Và bộ phim Ngày dài nhất mang lại điều đó: sự tái hiện lịch sử gần gũi nhất mà điện ảnh từng đưa đến cho công chúng.

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê