Dòng chảy

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1043+1044

Thứ Sáu, 23/08/2024 14:14

 Nhân dịp kỷ niệm 79 năm cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát hành số đặc biệt với những nội dung đặc sắc, ấn tượng. Nhiều tác phẩm, bài viết được gợi cảm hứng từ dấu ấn lịch sử đặc biệt này.

Những ngày đầu thu tháng Tám, Đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội có dịp về thăm Tuyên Quang, trở lại căn cứ cách mạng Tân Trào “Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hoà” nơi mà đồng bào cả nước đã từng “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Dưới những tán phách khai kì trời hoa tím ngát chờ ngày đổ vàng, các nhà văn lặng lẽ theo bước tiền nhân, gặp lại bóng áo chàm, gặp lại bóng cây đa thuở còn đánh Tây... Câu chuyện với Đại tá Hà Đình Khiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang như mở ra những lối vào lịch sử, mở ra những kết nối giữa An toàn khu năm xưa và Tuyên Quang hôm nay trong mối tương quan với cả nước. Mùa thu lịch sử như hiện hữu đâu đây trên mảnh đất mang đậm dấu ấn những ngày đầu cách mạng.

Bài đối thoại mang tên Phát huy truyền thống An toàn khu năm xưa, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Quang ngày càng vững mạnh sẽ mở đầu Tạp chí số đặc biệt này.

GS, TS, Đại tá, nhà văn Trình Quang Phú - hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và làm liên lạc từ năm 12 tuổi. Năm 1954, khi đang là thiếu sinh quân, ông tập kết ra Bắc. Quá trình học tập, công tác, trong tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, Trình Quang Phú có mặt ở rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, được tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là nhiều lần được gặp Bác Hồ, được Bác tặng huy hiệu và động viên ân cần. Trong cuộc đời cầm bút của mình, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú dành phần lớn thời gian, tâm sức để sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và sáng tác văn học về Bác Hồ. Nhân dịp này Tạp chí VNQĐ có cuộc trò chuyện với nhà văn Trình Quang Phú, bài trò chuyện mang tên Văn chương giúp tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào người đọc xoay quanh việc nghiên cứu và sáng tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh của ông.

Phần Văn xuôi được tiếp tục với các truyện ngắn Những ngôi sao vẫn sáng của Nguyễn Thị Loan, Cớm nắng của Cầm Thị Đào, Sự phản bội của gương của Lệ Hằng, Người học trò không mong đợi của Nguyễn Tham Thiện Kế, Cánh sếu thiên di của Đỗ Tiến Thụy.

Những ngôi sao vẫn sáng khắc họa những gian khó, khắc nghiệt mà người lính trong chiến tranh phải trải qua. Những rung động đầu đời và nỗi nhớ về quê hương đã giúp người lính có thêm sức mạnh để đi qua bom đạn. Truyện có những tình huống gây bất ngờ, ám ảnh, nhưng trên tất cả là vẻ đẹp của tinh thần, tình yêu người lính được ngợi ca.

Cớm nắng dung dị và đầy cảm xúc về sự nhân văn trong cuộc sống. Nếu vô tâm chúng ta sẽ dễ dàng chạm vào những góc khuất, những nỗi đau của người khác. Tình yêu thương, lòng trắc ẩn khiến Nga vỡ lẽ ra nhiều điều về người hàng xóm vốn tưởng rất khó chịu. Cuộc sống vốn nhiều éo le, nhưng chỉ cần tin vào sự nhân văn của con người với con người chúng ta sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều.

Sự phản bội của gương là truyện ngắn mang màu sắc vừa hiện thực vừa huyền ảo. Một cửa hàng có truyền thống nhiều đời, ăn nên làm ra, phát đạt, có chỗ đứng. Nhưng đến đời nhân vật “tôi” thì cửa hàng đứng trước nguy cơ phá sản. Nhân vật tôi thực hiện hành trình đi tìm câu trả lời cho sự thất bại ấy. Truyện gợi lên cho bạn đọc nhiều suy ngẫm về đời sống, về con người, và về chính bản thân mỗi người.

Người học trò không mong đợi là câu chuyện về lớp học của một người lính dạy mười ba học trò là những trẻ em lang thang cơ nhỡ và một người học trò đặc biệt - lão Sụn. Lão sụn là một thương binh, hòa bình lập lại, lão trải qua nhiều biến cố trong gia đình cũng như công việc, nhưng câu chuyện lão nhất quyết đi học để có được tấm bằng tiểu học thì ẩn chứa nhiều bí mật đằng sau…

Cánh sếu thiên di là câu chuyện tình yêu giữa chàng trai ngoại quốc và cô gái Nam Bộ với nhiều kỉ niệm đẹp. Họ cùng ấp ủ, nuôi dưỡng ước mong những con sếu đầu đỏ sẽ quay về vùng đất vốn là nơi yên lành trú ngụ của chúng bao đời. Ước mong đàn sếu quay về có thành sự thật khi dòng máu thiên di đã thấm sâu trong loài sếu; cũng như ước mong tự do như loài sếu của chàng trai ngoại quốc có giúp anh đạt được điều mình mong muốn khi tình yêu, máu thịt của anh đã gắn với xứ miệt vườn?

Món quà Trường Sa của Hoàng Thu Oanh là ghi chép đầy cảm xúc của một nhà báo trong chuyến đi thực tế Trường Sa. Những câu chuyện, những người lính nơi đảo xa luôn mang đến những điều đặc biệt, ấn tượng.

Người xứ sen đi tập kết của Đinh Phương là bút kí sâu sắc viết về những người miền Nam tập kết ra Bắc trong những năm tháng chiến tranh.

Trong năm 2024, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã tiến hành sản xuất bộ phim Vững bước dưới cờ Đảng để chào mừng Kỉ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2024). Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có buổi trò chuyện với đạo diễn bộ phim - Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Lưu Quỳ - xung quanh bộ phim giàu ý nghĩa này.

Bên cạnh đó, phần này còn có tản văn Nghề của ba của Thanh Tuân, kí ức chiến trường Những ngày tháng không quên của Hồ Đắc Thạnh.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Người săn gấu của Cao Duy Sơn.

Phần Thơ với sự xuất hiện của nhiều cây bút quen thuộc với bạn đọc như: Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Thế Tuấn, Đỗ Văn Nhâm, Mai Quỳnh Nam, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Minh Khiêm , Trần Kim Hoa, Lê Thúy Bắc, Trần Việt Hoàng, Phạm Vân Anh…

Nhiều tác giả đã thể hiện được nội lực sáng tạo cũng như giọng điệu, phong cách riêng khác. Các tác phẩm gây ấn tượng với sự phong phú về đề tài, những thể nghiệm mới mẻ, những góc nhìn sâu lắng đa chiều…

“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Lê Việt Hùng cùng chùm thơ của anh.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Buồn vui đừng tính vào khôn dại của Mai Hương giới thiệu thi tập Ngỗng trời kêu xa xứ của Vũ Quần Phương.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Đi tìm dê đầu đàn của nhà văn Trung Quốc - Thân Bình.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Hà My, Bùi Việt Thắng, Đỗ Anh Vũ, Đỗ Hải Ninh, Đỗ Lai Thúy, Hoàng Kim Ngọc, Quyên Gavoye, Du An.

Lẩy Kiều là lấy ra một cụm từ, câu, cặp câu trong Truyện Kiều, có thể giữ nguyên hoặc thay đổi để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh. Bằng hình thức lẩy Kiều, Hồ Chí Minh tạo nên sự phong phú, sinh động và hấp dẫn khi chuyển tải những câu chuyện thời sự, chính trị. Bài viết Phương pháp lẩy Kiều của Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền có những dẫn chứng thú vị xung quanh câu chuyện này.

Từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), nền văn hóa Việt Nam chuyển từ chiến lược cứu quốc sang kiến quốc… Văn học thời đại mới tiếp tục hành trình và phát triển trên đại lộ đã được khai mở từ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Căn đế và chân tủy của nó là văn hóa dân tộc trường tồn các giá trị chân - thiện - mĩ, ngày càng hài hòa tính dân tộc và tính nhân loại. Bài viết Văn học Việt Nam 1945 - 1954: văn hóa, kháng chiến và kiến quốc sẽ có những luận bàn sâu sắc về vấn đề này.

Không biết tự bao giờ, mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận của thi ca. Và trong văn chương Việt Nam, mùa thu Bắc Việt có lẽ là mùa thu để lại nhiều dấu ấn, phong vị hơn cả. Bài viết Mùa thu trong thơ, nhạc giai đoạn 1945 - 1954 có những khảo sát cụ thể về đề tài này.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1043+1044 dày 200 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 25/8/2024. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ Phát huy truyền thống An toàn khu năm xưa, xây dựng LLVT tỉnh Tuyên Quang ngày càng vững mạnh 3; Nguyễn Thị Loan Những ngôi sao vẫn sáng 12; Hoàng Thu Oanh Quà Trường Sa 22; Thanh Tuân Nghề của ba 28; Cầm Thị Đào Cớm nắng 49; Lệ Hằng Sự phản bội của gương 58; Đinh Phương Người xứ sen đi tập kết 71; Nguyễn Thanh Tâm - Trình Quang Phú: Văn chương giúp tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào người đọc 81; PV Vững bước dưới cờ Đảng 90; Hồ Đắc Thạnh Những ngày tháng không quên 95; Cao Duy Sơn Người săn gấu 111; Nguyễn Tham Thiện Kế Người học trò không mong đợi 132; Đỗ Tiến Thuỵ Cánh sếu thiên di 144

 

Thơ

Nguyễn Thuỵ Kha Cầu thang; Ngã ba 31; Đỗ Thế Tuấn Lá thư anh; Tín hiệu tạch tè 34; Đỗ Văn Nhâm Bài thơ thứ ba; Mùa hạ cũ 36; Mai Quỳnh Nam Lính trinh sát; Tiếng chim bắt cô trói cột; Bệnh binh 38; Trịnh Công Lộc Chiến tranh không quên ai; Sông Lam ví dặm;Vết sờn Cổ Nhuế 40; Đậu Hoài Thanh Hai đầu nỗi nhớ; Không lời 43; Mai Hương Buồn vui đừng tính vào khôn dại (Đọc Ngỗng trời kêu xa xứ của Vũ Quần Phương) 45; Nguyễn Minh Khiêm Thấy qua nước mắt 102; Trần Kim Hoa Sao Khuê; Đám cháy mang tên mùa hạ 104; Lê Thuý Bắc Cát rộng; Tiếng cỏ non 105; Trần Việt Hoàng Điểm tựa; Viết ở Trung đoàn 165; Dấu lửa 108; Lương Kim Phương Bức tranh người đàn bà điên đi trong mưa; Chiều trên đầm Vân Long 126; Đào An Duyên Đêm biên giới; Lưng chừng trời 128; Vũ Thu Hương Câu hát bên dòng sông Chảy; Po ơi 130; Phạm Vân Anh Điểm tựa; Mênh mang cửa biển; Bản tình ca người lính mở đường 161; VNQĐ giới thiệu thơ Lê Việt Hùng: Tháp cổ; Ở bản Cát Cát; Về với Vị Xuyên 164

 

Văn học nước ngoài

Thân Bình Đi tìm dê đầu đàn (Châu Hải Đường dịch) 157

 

Bình luận văn nghệ

Hà My Phương pháp lẩy Kiều của Hồ Chí Minh 167; Bùi Việt Thắng Văn học Việt Nam 1945 - 1954: văn hoá, kháng chiến và kiến quốc 170; Đỗ Anh Vũ Mùa thu trong thơ, nhạc giai đoạn 1945 - 1954 174; Đỗ Hải Ninh Những mảnh vỡ lịch sử và đối thoại quá khứ - hiện tại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại 177; Đỗ Lai Thuý Trần Lưu Mỹ - khoảng trống siêu hình 182; Hoàng Kim Ngọc Người thám mã ánh sáng trong không gian thơ cách tân 188; Quyên Gavoye Thơ - liều thuốc cho nỗi cô đơn 193; Du An Nhân vật từ núi rừng 197

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Ngày nắng Tranh của hoạ sĩ Thành Chương

Minh họa: Đỗ Dũng, Trương Đình Dung, Nguyễn Văn Đức, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Bá Kiên, Đặng Tiến, Lê Anh Vân, PV,...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)