Hai trung đoàn 174 khởi nguồn từ Đoàn Cao Bắc Lạng anh hùng

Thứ Hai, 19/08/2024 07:14

Năm 1967, nhận lệnh của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 174 hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong giai đoạn này, để có lực lượng bảo vệ hậu phương miền Bắc, cuối năm 1967, Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn 174 mới thuộc Sư đoàn 316. Từ đó đến nay, trong Quân đội ta vẫn tồn tại 2 Trung đoàn 174 và cả 2 trung đoàn đều có chung nguồn gốc từ Đoàn Cao - Bắc - Lạng.

1. Cách đây 75 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, thực hiện Chỉ thị của Bộ tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam[1], các đại đoàn và trung đoàn chủ lực của quân đội được thành lập.

Ngày 19/8/1949, tại xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Trung đoàn 174 - một trong hai trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam[2] - đã ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 tiểu đoàn chủ công của 3 trung đoàn bộ đội địa phương là Trung đoàn 74 Cao Bằng; Trung đoàn 72 Bắc Cạn và Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Phiên hiệu 174 của trung đoàn là tổng phiên hiệu của 3 trung đoàn địa phương trên gộp lại.

Trung tá Đặng Văn Việt, vị chỉ huy của Trung đoàn 74 Cao Bằng vốn nổi tiếng bởi những trận đánh phục kích, tập kích, vận động chiến trên đường số 4 trong Chiến dịch Cao Bắc Lạng[3] (nhất là trong trận phục kích tại Đèo Bông Lau - Lũng Phầy ngày 25/4/1949), được chỉ định là Trung đoàn trưởng; đồng chí Chu Huy Mân được chỉ định là Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn 174.

Lực lượng ban đầu của Trung đoàn phần lớn là con em đồng bào các dân tộc ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn. Chính vì vậy, Trung đoàn 174 còn được gọi với cái tên hết sức thân thương: "Trung đoàn Cao Bắc Lạng".

Các cựu chiến binh Trung đoàn 174 trước lô cốt tại Đông Khê, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Ảnh: ĐCC

Sinh ra từ ngọn lửa đấu tranh cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước quật cường của nhân dân các dân tộc Việt Bắc - cái nôi của cách mạng Việt Nam - ngay sau khi ra đời, Trung đoàn 174 đã tham gia chiến đấu và giành nhiều thắng lợi giòn giã trên địa bàn khắp các tỉnh Việt Bắc - đặc biệt là trên đường số 4, con đường chiến lược quan trọng, là huyết mạch để thực dân Pháp bao vây đánh chiếm Việt Bắc, lập phòng tuyến phong tỏa biên giới.

Ngay từ những trận đánh đầu tiên, Trung đoàn 174 đã biến đường số 4 trở thành “con đường tử địa”[4], con đường chết chóc khiến quân Pháp vô cùng khiếp sợ. Do tài chỉ huy mưu lược và dũng cảm của Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, quân và dân vùng Việt Bắc đã tôn xưng ông là "Đệ tứ lộ Đại vương", còn các binh sĩ Pháp gọi ông là "Hùm xám đường số 4".

Trong các chiến dịch như Chiến dịch Lê Hồng Phong (1950), Chiến dịch Phan Đình Phùng (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951), Chiến dịch Tây Bắc (Thu đông 1952) và đặc biệt là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), Trung đoàn 174 luôn được giao đảm nhiệm những nhiệm vụ hết sức quan trọng, là mũi chủ công, là lực lượng đột kích quan trọng của các trận đánh sinh tử với kẻ thù xâm lược. Bằng tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tiêu diệt cứ điểm Đông Khê (27/5/1950), giải phóng tỉnh Hòa Bình, nhổ đồn Mộc Lỵ, Mộc Châu, Sơn La (19/11/1952) và tập tan cứ điểm phòng thủ cuối cùng của địch trên Đồi A1 (ngày 6/5/1954) trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…

Đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 174 thăm Khu di tích Hang Cốc Bó, Cao Bằng. Ảnh: ĐCC

2. Năm 1967, nhận lệnh của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 174 hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trong giai đoạn này, để có lực lượng bảo vệ hậu phương miền Bắc, cuối năm 1967, Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn 174 mới thuộc Sư đoàn 316. Từ đó đến nay, trong Quân đội ta vẫn tồn tại 2 Trung đoàn 174 và cả 2 trung đoàn đều có chung nguồn gốc từ Đoàn Cao - Bắc - Lạng: Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 thuộc Quân khu 7 và Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316, Quân khu 2.

Suốt 75 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ của cả hai Trung đoàn 174 đã liên tục cơ động, tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường 3 nước Đông Dương, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang của Quân đội ta như chiến thắng Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng (Lào), chiến thắng Đắc Tô, Tân Cảnh (1967); giải phóng thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An, tỉnh Long An), góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của tập đoàn Pol Pot; tham gia chiến đấu, bảo vệ biên giới Phía Bắc của Tổ quốc…

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, Trung đoàn 174/Quân khu 7 đã hai lần được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Rất nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân như các anh hùng liệt sĩ: Bế Văn Đàn, La Văn Cầu, Lý Văn Mưu, Nông Văn Vương, Đàm Văn Ngụy, Triệu Viết Báo, Hoàng Văn Nô, Lê Văn Dỵ, Đỗ Thanh Trì, Đèo Văn Khổ, Hoàng Văn Vịnh, Lương Sơn Tuyết, Hoàng Hữu Chuyên… Những tấm gương của các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 174 đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Các anh vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 hôm nay.

Để viết nên những trang sử hào hùng của Trung đoàn trong suốt ¾ thế kỉ qua, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đã anh dũng hi sinh, hoặc mất một phần thân thể, trong đó có nhiều liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt và chưa xác định được danh tính…

Đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đến thăm Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2. Ảnh: ĐCC

3. Hướng tới kỉ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024); 75 năm ngày thành lập Trung đoàn 174 anh hùng (19/8/1949 - 19/8/2024), từ ngày 29/7 đến ngày 02/8/2024 vừa qua, Đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 174 do đồng chí Trình Tự Kha, Trưởng Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, Quân khu 7 dẫn đầu, đã có chuyến “Hành trình về Nguồn”. Xuất phát từ đường Hùng Vương, (Thủ đô Hà Nội), Đoàn đã lên đường hành quân về Chiến khu Việt Bắc để tìm lại cội nguồn của Trung đoàn, tìm lại những sự kiện và địa danh, từng được ghi trong cuốn “Lịch sử Trung đoàn 174 anh hùng” tại chính những nơi đã xảy ra những sự kiện lịch sử ấy cách đây 75 năm trước. Đoàn trở lại làng Sen (xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), tìm lại nơi Trung đoàn 174 năm xưa thành lập; Đoàn đã về Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc; trở về thăm hang Cốc Bó, núi Các Mác, suối Lê Nin… nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động để nhen lên ngọn lửa cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc. Đoàn cũng đã tìm về Khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập năm xưa; đến thăm và giao lưu với Ban Chỉ huy Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 (tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Đoàn đã đến thăm khu tưởng niệm Anh hùng Nông Văn Dền (Kim Đồng) và thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ của Trung đoàn đã hi sinh trong các trận đánh tại Đông Khê, Thất Khê, đèo Bông Lau… để hiểu rõ hơn về truyền thống chiến đấu và chiến thắng của Trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 174 thăm gia đình Anh hùng La Văn Cầu tại Hà Nội. Ảnh: ĐCC

Tại Hà Nội, Đoàn đã đến thăm Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu; Thiếu tướng Vũ Viết Cam - Nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục II Bộ Quốc Phòng - những chiến sĩ anh hùng của Trung đoàn 174 năm xưa. Hành trình của Đoàn là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần ghi nhớ, tri ân công lao của đồng chí, đồng bào các dân tộc Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn nói riêng - đồng bào các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc nói chung - đã nuôi dưỡng, bao bọc, che chở cho Trung đoàn 174 - Trung đoàn Cao Bắc Lạng anh hùng suốt 75 năm qua. Hoạt động của đoàn đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh nơi đoàn trở về đón tiếp, giúp đỡ hết sức nhiệt tình và chu đáo. Những kỉ niệm đẹp, ấm áp tình nghĩa quân dân giữa những người lính Trung đoàn 174 năm xưa với nhân dân Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn sẽ là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời của những cựu chiến binh “Trung đoàn Cao Bắc Lạng” hôm nay.

NGUYỄN VŨ ĐIỀN

 

[1] Tên của Quân đội Nhân dân Việt Nam giai đoạn đó.

[2] Hai trung đoàn chủ lực được thành lập đầu tiên của Quân đội ta là Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209

[3] Chiến dịch Cao Bắc Lạng từ 15/3 đến 30/4/1949

[4] Cuốn sách:"Con đường tử địa" của Charles Henry de Pirey (một sỹ quan chỉ huy đại đội của quân đội Pháp viết về đường số 4 và Trung tá Đặng Văn Việt

VNQD
Thống kê