(Trích báo cáo đề dẫn Hội thảo “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ” của GS.TS. Lê Huy Bắc – Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
Hội thảo quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ” sẽ diễn ra tại Đại học Sư phạm Hà Nội vào 4/10/2024. Đây là hoạt động do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. VNQĐ Online xin giới thiệu bài viết đề dẫn Hội thảo của GS.TS Lê Huy Bắc. Tiêu đề bài viết do VNQĐ Online đặt.
Trong tiến trình lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để giữ gìn nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hướng tới cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Hiện nay, dù Việt Nam đã yên tiếng súng và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế, vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cần được nhìn lại, được viết tiếp để nhận diện căn tính dân tộc cũng như khẳng định khát vọng hòa bình.
GS.TS Lê Huy Bắc.
Với tinh thần ấy, Hội thảo quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp tổ chức là sự kiện khoa học kết nối các học giả, những nhà văn, những chứng nhân lịch sử... để cùng nhau thảo luận về chiến tranh cách mạng và chân dung người lính Cụ Hồ. Hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, 73 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hướng tới kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Khoa Việt Nam học, 67 năm ngày ra số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Trong khoảng thời gian 8 tháng chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 168 báo cáo tóm tắt và sau đó, chúng tôi nhận được 114 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 162 học giả trong nước và quốc tế. Con số này không chỉ là biểu hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với chủ đề hội thảo mà còn là tình cảm, sự tin tưởng của các học giả dành cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hội thảo nhận được 10 báo cáo tóm tắt của các học giả quốc tế, 4 báo cáo toàn văn của 4 học giả đến từ các quốc gia: Nhật Bản, Brunei, Philippines, Hàn Quốc. Ở trong nước, không chỉ các tác giả sống, làm việc tại Hà Nội tham gia viết bài mà các học giả công tác ở nhiều tỉnh thành từ khắp mọi miền đất nước đã gửi bài đến Ban tổ chức. Trong khuôn khổ hội thảo không đủ thời gian để tất cả các tác giả có thể báo cáo tham luận. Ban tổ chức rất mong được quý vị lượng thứ. Sau Hội thảo, chúng tôi sẽ lựa chọn, biên tập một số bài viết để công bố trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đồng thời tiến hành tuyển chọn, gửi phản biện, biên tập các báo cáo toàn văn để xuất bản chính thức kỷ yếu hội thảo.
Nhìn bao quát nội dung 114 tham luận toàn văn, chúng tôi tạm thời sắp xếp theo 3 nhóm chủ đề chính như sau:
Nhóm chủ đề thứ nhất, từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, bao gồm 26 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử; sự biến đổi của ý thức và tư tưởng xã hội trong nước và quốc tế về cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam; bài học lịch sử và địa - di sản thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, du lịch…
Nhóm chủ đề thứ hai, những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 77 báo cáo với những nghiên cứu khái quát và nghiên cứu trường hợp, tập trung vào vấn đề thể loại, các hiện tượng tiêu biểu của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ. Ở nhóm chủ đề này, nhiều bài viết đã tiếp cận những hướng nghiên cứu mới khi luận giải các trường hợp văn học Việt Nam và nước ngoài về chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính như lý thuyết hệ hình, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình cảnh quan, lý thuyết chấn thương… Qua đây, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa, chiến tranh và người lính là một đề tài rộng lớn và đặc biệt của văn chương.
Nhóm chủ đề thứ ba, diễn giải điện ảnh - hội họa - nhiếp ảnh - âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 11 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: so sánh sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật như văn học - điện ảnh, văn học - nhiếp ảnh; phân tích các diễn ngôn điện ảnh, hội họa, âm nhạc… về chủ đề chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ.
Trong chương trình hội thảo, chúng tôi không sắp xếp thứ tự trình bày báo cáo của các diễn giả theo trình tự 3 phần này mà đan lồng các chủ đề vào nhau. Thiết nghĩ, bản thân sự đắp đổi, lồng ghép các chủ đề, lĩnh vực trong tiến trình báo cáo cũng là một cách truyền tải về tính đa dạng, nhiều chiều kích của mảng hiện thực về chiến tranh và chân dung người lính. Các báo cáo tiếp cận chủ đề chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ từ nhiều khía cạnh khoa học và lĩnh vực chuyên môn khác nhau, vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, đem lại những nhận thức mới cả về lí luận lẫn thực tiễn.
Trong sự kiện này, ngoài các tài liệu hội thảo, BTC có chuẩn bị một món quà nhỏ gửi tới các quý vị đại biểu, đó là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà văn Nguyễn Một: Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9. Tiểu thuyết này là một trong những tác phẩm xuất sắc giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023 và tiếp tục được đề cử trao giải thưởng Văn học Asean năm 2024. Đây cũng là đối tượng nghiên cứu của một tham luận trong Hội thảo. Mặc dù hội thảo quy tụ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau nhưng chúng tôi tin rằng, tác phẩm văn học được viết ra không phải để dành cho một nhóm độc giả mà để dành cho tất cả mọi người. Và tôi hy vọng, với món quà nhỏ này, tất cả chúng ta sẽ có thêm một góc nhìn về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính thông qua kênh biểu đạt văn học.
Thay mặt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho phép và hỗ trợ tổ chức Hội thảo này. Xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã gửi tham luận và tham dự Hội thảo.
GS.TS LÊ HUY BẮC
VNQD