Dòng chảy

Triển lãm "Tụ": Nghệ thuật trở nên đa nghĩa hơn

Thứ Hai, 30/09/2024 09:48

 Không đơn thuần là sự tập hợp để cùng nhau thực hiện một triển lãm tranh, "Tụ" là sự kết hợp của 5 họa sĩ gặp nhau ở niềm đam mê hội họa. Từ những bản sắc riêng biệt mang đậm dấu ấn cá nhân, các họa sĩ đã làm nên "Tụ" với những câu chuyện riêng nhưng ở đó ta thấy được đời sống của nghệ thuật hôm nay. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5/10 - 9/10/2024 tại 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tác phẩm "Tiếng khèn xuân"
của họa sĩ Phùng Văn Tuệ.

“Tụ” có sự góp mặt của các hoạ sĩ: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Tiến Quân, Phạm Đình Tùng, Nguyễn Quang Hoan, Nguyễn Đinh Duy Quyền. Với gần 60 tác phẩm, chất liệu thể hiện chủ yếu là sơn dầu, sơn mài, acrylic, triển lãm khai thác những đề tài gần gũi trong cuộc sống như phong cảnh thiên nhiên, tĩnh vật, kí ức, thời gian, văn hóa… “Tụ” vừa là sự khái quát, bao trùm về cái đẹp thường hằng vừa là sự đơn lẻ, cá tính của những thể nghiệm nghệ thuật. Những nghệ sĩ đích thực sẽ gọi ra được cái đẹp theo cách của riêng mình nhưng lại chạm đến được tâm hồn của số đông.

Họa sĩ Phùng Văn Tuệ kể câu chuyện về thiên nhiên về văn hoá một cách đầy cảm giác. Không gian tự nhiên, không gian văn hoá vừa gần gũi vừa sâu kín vừa biến ảo đã hiện diện trong mỗi tác phẩm và tạo nên nhiều chiều liên tưởng độc đáo, mới mẻ. Tạo ấn tượng với phong cách biểu hiện trừu tượng, hoạ sĩ Phùng Văn Tuệ không ngừng trăn trở, thể nghiệm, khám phá và bứt phá trên con đường hội họa. Sự hài hoà giữa cảm xúc và thực tại tạo nên trạng thái nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi bức tranh như một giai điệu, như một kí ức, lại như một giấc mơ. Bí ẩn nhưng cũng hết sức thân mật. Những điều không thể nhìn thấy đã được họa sĩ khắc họa bằng cảm giác của chính mình, và cảm giác chính là chìa khóa, là điều gợi mở cho người xem.

Tác phẩm "Bến Xuân Hải" của họa sĩ Nguyễn Tiến Quân. 

Cảnh vật trong tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tiến Quân hiện lên sống động và thanh bình. Những sắc hoa ảo diệu vừa thực vừa huyễn, gợi nhiều hơn tả. Không gian những vùng biển hùng vĩ nhưng vẫn đầy thơ mộng. Họa sĩ không chỉ biểu đạt không gian mà còn khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống lao động và tình yêu thiên nhiên. Những màu sắc tươi sáng và bố cục hài hòa của bức tranh truyền tải mạnh mẽ sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, cho dù con người được làm nhòe đi, ẩn đi trong mỗi bức tranh thì ta vẫn cảm thấy họ là chủ thể của không gian ấy. Sơn mài truyền thống được họa sĩ xử lí tỉ mỉ nhuần nhuyễn làm cho các tác phẩm thêm phần huyền ảo.

Họa sĩ Phạm Đình Tùng cho thấy sự gắn kết giữa thiên nhiên và con người là sự gắn kết đầy màu nhiệm. Sự màu nhiệm ấy là yếu tố làm nên văn hoá và bản sắc cho mỗi vùng đất. Bằng cảm xúc và tư duy sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ đã biểu đạt điều đó vừa thực vừa hư, tưởng như vô lí mà rất hợp lí. Những yếu tố đó chuyển hóa, hòa nhập và kiến tạo lẫn nhau, tạo ra các chuyển động liên tục thống nhất trong một chỉnh thể nhằm thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người và môi trường sống. Sự pha trộn giữa phong cách ấn tượng và biểu hiện cùng gam màu mạnh mẽ làm tăng hiệu quả nghệ thuật cho tác phẩm. Nhìn vào đó ta cảm nhận rõ nguồn năng lượng, sự sống đầy tích cực và thăng hoa.

Tác phẩm "Ban mai" của họa sĩ Phạm Đình Tùng. 

Họa sĩ Nguyễn Quang Hoan tiếp tục khẳng định mình trong đề tài tranh phong cảnh. Lối vẽ hậu ấn tượng và sự lựa chọn chi tiết biểu đạt một cách tinh lọc mở ra thế giới sáng tạo đầy mĩ cảm. Mỗi vùng đất anh đến đã để lại những không gian đặc thù trong mỗi tác phẩm. Họa sĩ đã khắc họa không khí vùng miền vô cùng tinh tế với những nét lãng đãng thơ mộng mà cũng xa xăm trầm lắng. Những nếp nhà ẩn hiện xa xa, đồng ruộng núi đồi tiếp nối tạo nên sự trùng điệp của cảm xúc. Nguyễn Quang Hoan thường chọn quan sát cảnh vật từ xa và bao quát làm nên ấn tượng mạnh về không gian tác phẩm. Sự kết hợp hài hoà giữa gam màu và nét vẽ đã chạm vào cảm xúc người xem.

Tác phẩm "Miền trung du" của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan.

Họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền tạo nên sự thú vị và cả những suy ngẫm cho người xem với các tác phẩm sáng tác về chủ đề tĩnh vật, thiên nhiên, đời sống. Nếu như tranh tĩnh vật thể hiện sự gần gũi, bình yên thì những tác phẩm về thiên nhiên, đời sống của anh lại đưa đến nhiều trăn trở. Giống như một sinh thể sống, thiên nhiên trong tranh của anh siêu thực mà rất thực. Sự dịu dàng của màu sắc không lấn át sự quyết liệt của thông điệp. Ngược lại, ý đồ nghệ thuật không làm mất đi yếu tố tự nhiên, trong trẻo. Thế giới như nó đang là, đó là điều mà họa sĩ cho chúng ta thấy, sự "đang là" ấy vừa nói lên hiện thực và cái nguyên bản vừa đặt ra thách thức, rào cản. Một thiên nhiên tràn đầy ánh sáng nhưng cũng nhiều mất mát. Nhưng trên tất cả, Nguyễn Đinh Duy Quyền cho ta thấy rõ tinh thần hồi sinh hi vọng.

Tác phẩm "Hoa xuân" của họa sĩ Nguyễn Đinh Duy Quyền. 

Có thể thấy, các họa sĩ đã gặp nhau ở "Tụ", gặp nhau trong câu chuyện dung dị nhưng mang nhiều suy cảm lớn lao về thiên nhiên và đời sống. Mỗi họa sĩ đều mang đến những vẻ đẹp đầy ngẫm ngợi, bởi không ai chọn tô vẽ hay miêu tả, mà họ mang đến cho công chúng phiên bản tối ưu nhất theo cách nhìn nhận thiên nhiên và đời sống này, đó chính là phiên bản của sáng tạo.

Sự chuyển biến trong tâm thức sáng tạo và trong phong cách biểu đạt theo thời gian của mỗi họa sĩ cho thấy sự chuyển động của nghệ thuật. "Tụ" là khi cái đơn lẻ của các họa sĩ chạm đến tâm thức chung, mĩ cảm chung. Vừa cô lập, vừa hợp nhất, "Tụ" làm cho nghệ thuật trở nên đa nghĩa hơn.

THU LAN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)