Dòng chảy

Những ô cửa sổ nhìn vào Hà Nội

Thứ Năm, 10/10/2024 07:27

Kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024), mới đây, nhiều đầu sách về thủ đô đã được ra mắt. Đó là các tác phẩm từ quen thuộc như Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng cho đến sách của gương mặt trẻ như tập thơ Bay qua Hồ Gươm của Huỳnh Mai Liên. Trong đó, 2 tác phẩm nghiên cứu Hà Nội thời cận đại: Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của TS Đào Thị Diến và Làng làng phố phố Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ và đầy đặc biệt.

Hà Nội thời cận đại: Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) – Đào Thị Diến: Thêm một lần nhìn sâu vào Hà Nội thời nhượng địa

TS. Đào Thị Diến từng có một thời gian dài công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I Hà Nội, do đó công trình của bà cũng được khởi phát từ nguồn tư liệu ở đây. Trong tác phẩm được đánh giá là toàn diện và hấp dẫn này, bà đã khảo sát Hà Nội theo cả chiều ngang cũng như chiều dọc. Trong đó chiều dọc cũng là cấu trúc của cuốn sách, đi từ 2 lần Thành Hà Nội bị chính quyền thực dân tấn công cho đến hình thành khu nhượng địa rồi cuối cùng biến đổi Hà Nội thành một Paris thu nhỏ. Ở chiều ngang, bà đã khảo sát cách chính quyền thực dân biến nơi đây thành một “thủ đô của Liên bang Đông Dương” qua nhiều khía cạnh, từ văn hóa, xã hội... cho đến kiến trúc, quy hoạch, giao thông...

Qua các tư liệu lưu trữ, có thể nói công trình của TS. Đào Thị Diến mang tính tiên phong cho việc sử dụng kho tài liệu lưu trữ. 

Trong hơn 40 bài viết, bà đã chọn ra những khía cạnh mới mẻ và đầy sống động để khắc họa lại cách mà thủ đô thay da đổi thịt. Ở đó ta sẽ hiểu rõ chiến dịch “tằm ăn lá” của bộ máy thực dân sau khi sở hữu được khu nhượng địa, cũng như rất nhiều chi tiết chưa được biết đến một cách rộng rãi về giai đoạn này, như cách đặt tên phố, quá trình phát triển của xe kéo tay Hà Nội, tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục đã gây ra những lo ngại ra sao cho chính quyền thuộc địa... Ngoài ra, một chương lớn về cách trường Viễn Đông Bác Cổ bảo vệ những cảnh quan, di tích đặc biệt như Ô Quan Chưởng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Bà Kiệu... cũng được khắc họa, từ đó đúc rút những bài học lớn cho ngày hiện tại.

Qua các tư liệu lưu trữ, có thể nói công trình của TS. Đào Thị Diến mang tính tiên phong cho việc sử dụng kho tài liệu này trong các tác phẩm không chỉ trong việc nghiên cứu lịch sử mà còn là sáng tạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tham khảo quý giá cho các vấn đề ngày nay mà nhiều giải pháp của chính quyền thuộc địa đã được chứng mình là hợp lí và có khả năng áp dụng.

Lũy hoa – Nguyễn Huy Tưởng: Phác thảo toàn cảnh 60 ngày đêm quyết tử

Truyện phim Lũy hoa là một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là kết quả của bao nhiêu tâm huyết và tình cảm mà nhà văn dành cho Hà Nội - một nguồn cảm hứng lớn cho hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông. Tác phẩm xoay quanh 60 ngày đêm (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) quân và dân ta chiến đấu quả cảm để bảo vệ thủ đô, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân tộc. Đó là 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, là 60 ngày đêm để chúng ta thấy hoa trên chiến lũy.

Trong lần phát hành này, cuốn sách được đính kèm theo ảnh chụp những trang bản thảo của Lũy hoa, hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Trong tác phẩm này, độc giả sẽ được trở về những ngày tháng không thể nào quên khi chứng kiến người dân tản cư và những người cầm súng cố thủ để chặn bước quân thù. Ngoài ra phố phường Hà Nội với Hàng Gai, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân... cũng được tái hiện, mà ở đó những người con của Hà Nội thuộc đủ tầng lớp và nghề nghiệp nào cũng chiến đấu, lao động và yêu thương nhau. Ở đây có sự giao thoa giữa cái dữ dội, kịch liệt của chiến đấu với cái hào hoa rất riêng của Hà Nội. Giữa tiếng súng nổ, tiếng lựu đạn, khi những lỗ thông tường nhà kết nối ý chí thủ đô, vẫn có những nụ hôn, có bánh chưng và hoa đào, có tiếng đàn hát và những cặp tình nhân... Tất cả được thể hiện qua một bút pháp chắt lọc mà không kém phần tung tẩy, giản dị mà không thiếu vẻ tài hoa.

Trong lần phát hành này, cuốn sách được đính kèm theo ảnh chụp những trang bản thảo của Lũy hoa, hình bản in đầu tiên do Văn Cao vẽ bìa, kèm nhật kí của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại quá trình sáng tác tác phẩm này cũng như tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Nhận định về tác phẩm này, giáo sư Phong Lê cho biết: “Nhiều chục năm đã qua, bên cạnh Sống mãi với Thủ đô mới chỉ có tập I, Lũy hoa vẫn là sự bù đắp cho những gì còn trống thiếu ở cuốn sách trước để cho ta một phác thảo toàn cảnh 60 ngày đêm Hà Nội quyết tử trong chiến đấu cho Tổ quốc quyết sinh”.

Làng làng phố phố Hà Nội – Nguyễn Ngọc Tiến: Đi tìm một Hà Nội của hôm nay

Từng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái cũng như vinh hạnh trở thành “Công dân Thủ đô ưu tú” vào năm 2023, trong những năm qua, nhà văn - tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đã liên tục cho ra mắt những tác phẩm mới mẻ, thú vị về Hà Nội. Mới đây, ông đã giới thiệu Làng làng phố phố Hà Nội khai thác những lát cắt mới, khi nơi này tiến hành sáp nhập các làng, các xã thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, cũng như tận dụng những kho tư liệu mà rất ít người quan tâm chú ý khai thác trước đây.

Qua hơn 60 bài viết, Làng làng phố phố Hà Nội vẫn cho thấy một Nguyễn Ngọc Tiến nặng lòng với thủ đô qua những nghiên cứu sâu sắc và nhiều giá trị.

Cấu trúc gồm 3 phần “làng làng”, “phố phố”, “Hà Nội Hà Nội”, ở mỗi chương sách, tác giả đã đưa độc giả đến những vấn đề vô cùng mới mẻ, từ cả ngày xưa cũng như hiện nay. Trong phần làng, ông đã xoáy sâu vào tính dân gian khi gợi nhắc các lễ hội đặc biệt, các làng nghề truyền thống... Ở phố, ông lại nhắc đến những vấn đề mới hơn, từ kiến trúc, quy hoạch, giao thông... cho đến những đặc trưng riêng của từng nơi chốn, như “phố biệt thự”, “phố ngắn nhất Hà Nội”, “phố check-in, phố Tiktok”, “phố có lá me bay”...

Ở phần cuối cùng và cũng mang nặng tính suy tư nhất, Nguyễn Ngọc Tiến đã khai thác những vấn đề phổ quát của vùng đất này, từ gốc văn hóa, sự thanh lịch... cho đến những di sản công nghiệp, di sản hồ, những quầy bán báo hay công viên ghế đá... Từ đó không chỉ khảo sát lịch sử mà ông còn đi sâu vào phản ánh hiện thực ngày nay, để từ những bài học lịch sử thì thành phố này và vùng đất này có thể nhìn lại, từ đó có sự thay đổi trong tương lai sao cho phù hợp. Qua hơn 60 bài viết, Làng làng phố phố Hà Nội vẫn cho thấy một Nguyễn Ngọc Tiến nặng lòng với thủ đô qua những nghiên cứu sâu sắc và nhiều giá trị.

Bay qua Hồ Gươm - Huỳnh Mai Liên: Trong trẻo một Hà Nội trẻ thơ

Tuy không sinh ra tại thủ đô nhưng Huỳnh Mai Liên đã có hơn 30 năm gắn bó với Hà Nội. Trong tập thơ Bay qua Hồ Gươm gồm hơn 50 bài thơ, tác giả đã tái hiện lại vùng đất kinh kì qua nhiều màu sắc đặc biệt. Nổi tiếng với những vần thơ dành cho thiếu nhi, do đó những bài thơ của chị vừa trong trẻo nhưng cũng chứa chan rất nhiều cảm xúc như lời tâm sự của một người mẹ dành cho con mình. Từ những con phố đậm mùi thời gian cho đến những công trình hiện đại... đều được tái hiện một cách sống động, đa chiều mà độc giả nào cũng có thể thấy chính bản thân mình ngự trị ở đó.

Trong tập thơ Bay qua Hồ Gươm gồm hơn 50 bài thơ, tác giả đã tái hiện lại vùng đất kinh kỳ qua nhiều màu sắc đặc biệt.

Không chỉ độc đáo bởi sự trong trẻo mà Huỳnh Mai Liên cũng đã mang đến cách viết đa chủ thể, đa góc nhìn khi hóa thân mình vào nhiều hình tượng như các câu chuyện dụ ngôn. Ở đó có cây cột cờ thì thầm với gió với mây: “Ông Cột cờ Hà Nội/Ngắm đoàn khách thiếu nhi/Đoán tụi trẻ nghĩ gì/Khi thấy mình cũ kỹ”, có chú chim sẻ chiêm chiếp líu lo, có cụ rùa già kể những câu chuyện đi theo thời gian... Vì thế đây là tác phẩm dành cho rất nhiều đối tượng, trong khi người trưởng thành sẽ nhìn thấy những gì quanh mình dưới góc độ khác thì những em bé nhỏ sẽ biết tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên bừng nở mỗi ngày.

Cùng với những sáng tác, các công trình nghiên cứu khác về Hà Nội, 4 cuốn sách trên như 4 ô cửa sổ để nhìn vào Hà Nội của hôm qua và hôm nay.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)