Dòng chảy

Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ là trung tâm của văn học nghệ thuật chiến tranh cách mạng

Thứ Sáu, 04/10/2024 16:40

 Hội thảo quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp tổ chức là sự kiện khoa học kết nối các học giả, những nhà văn, những chứng nhân lịch sử để cùng nhau thảo luận về chiến tranh cách mạng và chân dung người lính Cụ Hồ trong văn học. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; 67 năm ngày ra số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; 73 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và hướng tới kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Khoa Việt Nam học.

Sáng 4/10/204 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội thảo đã diễn ra trong không khí trang trọng, học thuật, cởi mở. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được tổng cộng 168 báo cáo tóm tắt, sau đó là 114 báo cáo toàn văn được gửi tới từ 162 học giả Việt Nam, Nhật Bản, Brunei, Philippines, Hàn Quốc.

Các nhà khoa học chủ trì Hội thảo. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bảy tỏ, tìm kiếm những tri thức khoa học, tri thức mới là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường. Hội thảo quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ sẽ thúc đẩy tri thức, nâng cao học hỏi, thu nhận nhiều điều cho các nhà khoa học, các thầy cô và sinh viên. Chúng ta có nhiều sự kiện mang tính lịch sử, bối cảnh lịch sử, nhưng ý nghĩa của Hội thảo còn vượt xa hơn, cho chúng ta có góc nhìn sâu hơn, đa chiều hơn về lịch sử và lịch sử trong đời sống văn học hôm nay.

Trong bài phát biểu chào mừng Hội thảo, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Dường như lịch sử chọn Việt Nam và dân tộc Việt Nam để làm thước đo về sự chịu đựng và chiều cao của lòng dũng cảm con người tới đâu. Bằng cớ là dân tộc ta đã đương đầu với những đạo quân thiện chiến và hùng mạnh vào bậc nhất của loài người. Đó là những cuộc chiến tranh sống còn để sinh tồn. Cuối cùng, người Việt cũng vượt qua được những nanh vuốt của lịch sử để bước đến thế kỉ 21 này. Chúng ta chiến thắng, chúng ta tồn tại vì chúng ta có sự can trường của dân tộc. Sự can trường ấy ở một giai đoạn nào đó, như từ thế kỉ 20 trở về đây đúc rút gọn lại trong một hình tượng, đó là anh Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2024 này, tròn 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. 80 năm nhuốm màu của huyền thoại, của những gian khổ, khó khăn, hi sinh, chết chóc nhưng cũng oanh liệt, dữ dội mà những Quân đội khác không có được.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Thành Duy

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói rằng, viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính là lương tri, là trách nhiệm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật. Vì trên thực tế, con người ta không thể đi lên phía trước vững chắc khi phía sau lưng không có sự vững chắc của quá khứ. Viết về chiến tranh cách mạng chính là gia cố thêm cho sự vững chắc quá khứ của dân tộc ta - quá khứ đó quyết định bước đi tiếp theo của tương lai. Ý thức được điều này, các nghệ sĩ sáng tạo bằng trực giác của mình đã làm rất tốt. Chúng ta đã có được một kho tàng văn học nghệ thuật về chiến tranh khá đồ sộ. Hiển nhiên trong đó hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ là trung tâm. Vấn đề còn lại bây giờ là làm sao phân tích, mổ xẻ, đánh giá, định giá được cái kho tàng ấy ra sao. "Tôi nghĩ, nhìn ở một góc thì không hết, vì thế cần phải nhìn ở nhiều góc. Ở lịch sử, khoa học, văn hoá, ngôn ngữ, du lịch… thì mới thấy hết được. Bước vào sự khám phá địa hạt này là bước vào một địa hình khá phức tạp và bề bộn, vì thế không chỉ đòi hỏi sự nhiệt tình, tài năng, kiến thức, mà còn đòi hỏi lòng quả cảm nữa. Phải có lòng quả cảm thì chúng ta mới đủ sức nhìn vào những khía cạnh khác, tiếp cận ở những vấn đề khác, và có lòng quả cảm chúng ta mới tôn trọng sự khác biệt chúng ta", Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói. 

Quang cảnh buổi Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thành Duy

Buổi Hội thảo đã thu hút các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phê bình ở nhiều trường đại học, nhiều cơ quan nghiên cứu trong cả nước cũng như ở nưngoài về dự. Các tham luận trong Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính:

Nhóm chủ đề thứ nhất, từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, bao gồm 26 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử; sự biến đổi của ý thức và tư tưởng xã hội trong nước và quốc tế về cuộc chiến tranh giữ nước của Việt Nam; bài học lịch sử và địa - di sản thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, du lịch…

Nhóm chủ đề thứ hai, những biểu đạt văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 77 báo cáo với những nghiên cứu khái quát và nghiên cứu trường hợp, tập trung vào vấn đề thể loại, các hiện tượng tiêu biểu của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ. Ở nhóm chủ đề này, nhiều bài viết đã tiếp cận những hướng nghiên cứu mới khi luận giải các trường hợp văn học Việt Nam và nước ngoài về chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính như lí thuyết hệ hình, phê bình nữ quyền, phê bình sinh thái, phê bình cảnh quan, lý thuyết chấn thương...

Nhóm chủ đề thứ ba, diễn giải điện ảnh - hội họa - nhiếp ảnh - âm nhạc về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, bao gồm 11 báo cáo, tập trung vào các vấn đề: so sánh sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật như văn học - điện ảnh, văn học - nhiếp ảnh; phân tích các diễn ngôn điện ảnh, hội họa, âm nhạc… về chủ đề chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ.

Buổi Hội thảo đã thu hút các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu phê bình ở nhiều trường đại học, nhiều cơ quan nghiên cứu trong cả nước về dự.  Ảnh: Thành Duy

GS.TS Lê Huy Bắc, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ về đề tài của Hội thảo: Trong tiến trình lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để giữ gìn nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, hướng tới cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Hiện nay, dù Việt Nam đã yên tiếng súng và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế, vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cần được nhìn lại, được viết tiếp để nhận diện căn tính dân tộc cũng như khẳng định khát vọng hòa bình.

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú trong tham luận tại hội thảo đã chứng minh và phân tích năm khuynh hướng tiếp cận trong tiểu thuyết viết về người lính và chiến tranh ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI: lịch sử-tái hiện; lịch sử-hư cấu; tự thuật-tự truyện; văn hóa-tái hiện; văn hóa - nhân bản. Trên cơ sở lấy yếu tố truyền thống làm nền tảng, tiếp thu những hướng viết hiện đại, mới mẻ, tiểu thuyết về đề tài này đang có nhiều đổi mới cần khẳng định. Nó ngày càng khắc phục những hạn chế như khuôn mẫu, công thức trong miêu tả không gian chiến tranh; sơ lược, vụng về trong phân tích tâm lí nhân vật... Khuynh hướng văn hóa - tái hiện và văn hóa - nhân bản đang được quan tâm chú ý cùng những kết quả nhiều hứa hẹn, cho thấy tiểu thuyết Việt Nam đã tiếp cận được với tiểu thuyết thế giới hôm nay.

TS. Nông Tiến Dũng, giảng viên khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đóng góp tham luận “Nhìn nhận tinh thần lãng mạn cách mạng của người chiến sĩ thông qua những tác phẩm hội hoạ Việt Nam giai đoạn 1945-1975”. Bài viết nghiên cứu về tinh thần lãng mạn cách mạng của người chiến sĩ giai đoạn 1945 - 1975 thông qua những tác phẩm hội họa để thấy được đặc điểm tạo hình của tác phẩm, tinh thần người chiến sĩ - nhân dân trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ và thống nhất đất nước.

GS.TS Momoki Shiro (Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Thành Duy

GS.TS Momoki Shiro (Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội) đem đến Hội thảo tham luận về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỉ XIII của nước Đại Việt, trang sử oanh liệt được biết rộng rãi không những trong nước Việt Nam mà ctrên cả thế giới. Ông tập trung bình luận về hai khía cạnh. Thứ nhất là việc cập nhật lí giải của cuộc kháng chiến đó theo góc nhìn toàn cầu, trong đó có sự so sánh với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Cao Lệ, Java v.v. Thứ hai là khả năng làm ra tác phẩm văn hóa đại chúng nhằm mục đích phát huy giá trị của lịch sử kháng chiến oanh liệt bằng hình thức/nội dung thật hấp dẫn và phù hợp với thời đại toàn cầu hóa. Giáo sư mong rằng tham luận này phần nào đóng góp cho đường lối vừa hội nhập quốc tế vừa giữ gìn bản sắc dân tộc của Việt Nam trong thế giới ngày nay.

Tham luận “Thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay qua góc nhìn kí hiệu học văn hoá” của ThS. Phạm Khánh Duy - TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh thuộc Khoa Sư Phạm, Trường Đại học Cần Thơ chứng minh mảng sáng tác về đề tài biển đảo và người lính hải quân thu hút một lực lượng sáng tác dồi dào, đặc biệt ở thể loại thơ ca. Các tác giả đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học Việt Nam, góp phần phác thảo diện mạo văn học về biên giới, hải đảo, xem văn chương như “cột mốc” đánh dấu chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

Tham luận “Những lũy đá bất tử trên mảnh đất biên cương: Một kiểu tự sự lịch sử trong tiểu thuyết Mình và họ của Nguyễn Bình Phương” của Tiến sĩ Cao Kim Lan khảo sát tiểu thuyết này của Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn tự sự học lịch sử - một trong những khuynh hướng tiếp cận nổi trội của tự sự học hậu kinh điển nhằm làm sáng rõ hai khía cạnh sau: 1) hành trình tìm lại kí ức chiến tranh qua việc phân tích kiểu người kể chuyện bị bỏ quên, từ đó phô bày hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới cùng những dư âm của nó trong dòng đời xô bồ đương đại; 2) nhận diện kiểu cấu trúc chấn thương trong Mình và họ qua việc phân tích tình trạng bạo lực không được thấu hiểu. Từ đây, bài viết xem xét việc kể (telling)trình hiện (showing) về hiện thực chiến tranh trong sự soi chiếu với tâm thức và lịch sử dân tộc để nhận ra phong cách riêng của nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Buổi Hội thảo còn có sự tham dự của các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thành Duy

Dưới sự điều hành của các nhà khoa học uy tín, các tác giả tham luận và đại biểu tham dự đã có những phần trình bày hấp dẫn, những trao đổi khoa học giàu sức gợi mở và mang tinh thần khoa học khai phóng. Các tham luận đã nhìn nhận đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong sự soi chiếu từ nhiều góc độ: từ lịch sử đấu tranh vì độc lập dân tộc đến chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay, từ những biểu đạt văn học đến những diễn giải của các loại hình nghệ thuật khác về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ… Tiếp cận cả từ góc độ so sánh với cái nhìn liên ngành và liên/ xuyên khu vực, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra những hình dung về khả năng mở của việc nghiên cứu về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng người lính. Từ đó, nghiên cứu mở ra những hình dung sắc nét hơn về căn tính, bản sắc đất nước, con người Việt Nam.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)