Dòng chảy

Những cánh cửa đã mở ra...

Thứ Tư, 16/10/2024 06:23

Đại sứ Pakistan, Đại sứ Palestine, Đại sứ Azerbaijan, Đại sứ Kazackhtan, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ Nam Phi đã cùng có mặt tại một sự kiện kí kết biên bản ghi nhớ tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, sáng 15/10/2024. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hai Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có mặt tại sự kiện. Cùng với đó là một số thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Khóa X và một số nhà văn, nhà thơ khu vực Hà Nội.

Nội dung chính của buổi lễ là kí kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Học viện Văn học Pakistan, thế nhưng các đại biểu có mặt tại buổi lễ đã bày tỏ về một thiện chí hợp tác cũng như những mong muốn phát triển ngoại giao nhân dân lên một tầm cao mới thông qua cây cầu văn hoá, văn học nghệ thuật. Bằng sự cởi mở, chân thành, hướng đến những mục đích cao đẹp, những cánh cửa hợp tác về văn học đã từ từ hé mở.

Đại sứ Pakistan tại Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao đổi biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Đại sứ Palestine.

Đại sứ Pakistan trong phần phát biểu của mình đã có phần dẫn nhập đậm chất văn học: “Tôi tên là Kohdayar Marri, Kohdayar có nghĩa là người lang thang trên núi. Marri là tên bộ tộc của tôi và gia đình tôi. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một chút về bản thân tôi…”. Bằng một cách mềm mại đầy hình tượng, ông kể câu chuyện về dân tộc mình, những vấn đề thuộc về kí ức và những giá trị mà cá nhân ông trân trọng. “Lịch sử, những câu chuyện và văn hóa của chúng tôi được chia sẻ và lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Hiện nay, rất ít người vẫn tiếp tục truyền thống đó. Chính nhờ cách lưu giữ truyền thống này mà tôi đã khám phá ra rất nhiều điều về văn hóa của mình, về người Baloch và cụ thể hơn là về lịch sử và văn hóa của người Marri”.

Đại sứ Pakistan Kohdayar Marri tại Việt Nam được biết đến là một nhà ngoại giao tài hoa, ngoài viết văn, vẽ tranh ông còn đam mê chụp ảnh. Nói về thú vui viết lách và hội họa, Đại sứ Pakistan chia sẻ mục đích hoạt động nghệ thuật của mình: “Ông nội của tôi là nhà lãnh đạo phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pakistan, ông là đại biểu Quốc hội và là người đứng đầu bộ tộc Marri. Sau ông tôi, cha tôi cũng là một chính trị gia và là thủ lĩnh bộ tộc trong nhiều thập kỉ. Vì vậy, việc tôi chọn cầm bút, cọ vẽ rồi máy ảnh không phải là ngẫu nhiên. Đó là sự thể hiện căn bản của bất kì tư tưởng và phong trào chính trị nào cần có. Đó là trí óc, con mắt và trái tim”.

Nói về những công việc cụ thể ban đầu sau kí kết hợp tác, Đại sứ Pakistan bày tỏ, những tác phẩm của đất nước Pakistan mà ông mong muốn được dịch sang tiếng Việt là của các nhà thơ và nhà văn vĩ đại của Pakistan gồm có Faiz Ahmad Faiz, Manto, Ather Shad từ Balochistan và Allama Iqbal; cùng với đó, ông cũng cho rằng, những tác phẩm văn học Việt Nam mà người Pakistan cần phải đọc và làm quen là Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sông núi trên vai hợp tuyển của các nhà thơ Việt Nam viết về chiến tranh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi lễ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lời chào mừng các đại biểu trước lễ kí kết đã nói, văn hoá sẽ mở ra những cánh cửa giữa các quốc gia, và chúng ta là người đang nắm giữ chìa khoá của những cánh cửa đó. Còn Đại sứ Pakistan Kohdayar Marri thì nói, mục đích của ông ở đây để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, không chỉ đưa các quốc gia xích lại gần nhau, mà còn tạo ra và củng cố mối liên kết giữa tâm hồn hai dân tộc.

Về câu chuyện dẫn đến lễ kí biên bản ghi nhớ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Học viện văn học Pakistan, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam tiết lộ: đến Việt Nam nhậm chức hôm trước, hôm sau Kohdayar Marri, Đại sứ Pakistan đã tìm đến ông hỏi “Đại sứ Palestine khuyên tôi nên làm gì ở Việt Nam?”. Đại sứ Palestine trả lời: “Chúng ta là đại diện của đất nước chúng ta, những công việc ngoại giao chính thức thì chúng ta phải làm, nhưng nếu chúng ta chỉ làm những việc đó thì không khác gì một bưu tá đang làm việc tại Việt Nam. Chính vì vậy tôi đã khuyên ông nên thực hiện ngoại giao nhân dân, đặc biệt mở rộng quan hệ ra nhiều hội quan trọng, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, bởi văn học là thứ vũ khí văn hóa kì diệu. Dân tộc nào không có văn hóa dân tộc đó sẽ không tồn tại.”

Ngài Saadi Salama cũng đã có tới hơn 40 năm gắn bó với Việt Nam và là người nói tiếng Việt rất tốt. Ông nói đùa rằng, ông không còn cơ hội để kí biên bản ghi nhớ như thế này bởi Hội nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Palestine đã có biên bản ghi nhớ từ hơn 40 năm trước, vào năm 1982, khi đoàn nhà văn Palestine sang Việt Nam cũng như có những hoạt động văn học để hai dân tộc xích lại gần nhau hơn. Ngài Saadi Salama còn nhớ, khi đó trong đoàn nhà văn Palestine cũng có một nhà thơ người Pakistan cùng đi với đoàn. Và hôm nay, lễ kí kết này đã mở ra những chương mới về văn học trong quan hệ giữa Việt Nam và Pakistan, giống như Việt Nam và Palestine đã từng.

Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine phát biểu tại buổi lễ.

Bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi trong phần phát biểu của mình cũng đã đề cao vai trò của văn học. Bà nói: “Kể từ năm 1855, khi tổ tiên của tôi từ trên núi xuống đồng bằng, khi đó bình nguyên và thung lũng rất xanh tươi với nhiều hoa thơm cỏ ngọt. Tất cả những điều này tôi được biết đến nhờ những nhà văn, nhà thơ viết về thiên nhiên tươi đẹp của chúng tôi để những vẻ đẹp này được bảo tồn… Tôi không biết sẽ có một lễ kí kết về văn học giữa Việt Nam và Nam Phi hay không, nhưng tôi luôn chào đón các bạn đến với đất nước xinh đẹp chúng tôi bởi điều đó sẽ mang đến cho các bạn những kỉ niệm tuyệt vời”.

Sau khi kí kết biên bản ghi nhớ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói với các đại sứ và cử tọa rằng: “Văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất và tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc. Và hôm nay, lễ kí kết hợp tác giữa Hội nhà văn Việt Nam và Học viện Văn học Pakistan là lễ kí kết để đi đến sự hiểu biết hơn nữa những vẻ đẹp lương tri, những khát vọng lớn lao của mỗi dân tộc”.

Các nhà văn Việt Nam tại Lễ kí kết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi văn bản kí kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Học viện Văn học Pakistan là “của lương tâm và khát vọng” bởi trên thế giới vẫn còn những vùng đất đang đổ máu và nước mắt, trong đó có đất nước Palestine. “Chúng tôi xin chia sẻ với những gì nhân dân Palestine đang phải gánh chịu, nơi chúng tôi đã đến và đứng dưới bóng cây ô liu... bởi xứ sở của chúng tôi cũng đã đi qua nước mắt và máu để đến những ngày hòa bình hôm nay”. Phát biểu kết thúc buổi lễ, trên tinh thần ban đầu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói rằng, "sau buổi lễ này, trái tim của chúng ta đã mở ra, những cánh cửa còn đóng ở đâu đó cũng đã mở ra". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói với quan khách: Các nhà văn Việt Nam cầu cho thế giới không còn nước mắt và máu chảy nữa, các nhà văn Việt Nam ủng hộ mọi khát vọng độc lập, tự do và hòa bình của mọi dân tộc trên thế giới. Lễ kí kết bản ghi nhớ hôm nay là một trong những hành động vì hòa bình thế giới, bởi một trong những sứ mệnh của văn học là mang lại hòa bình.

Hoạt động kí kết hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Học viện Văn học Pakistan là một trong những hoạt động hướng mở của BCH Hội Nhà văn Khoá X. Trong năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã và sẽ kí kết 5 biên bản ghi nhớ với các tổ chức văn học quốc tế bằng những thỏa thuận hợp tác cụ thể, mang tính thực tiễn cao và tầm nhìn cho nhiều năm tới.

Lĩnh vực hợp tác chính giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Học viện Văn học Pakistan bao gồm:

- Phối hợp tổ chức các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà văn, nhà thơ, trí thức, nhà khoa học thuộc lĩnh vực xã hội và học giả hai nước theo các điều khoản được thỏa thuận chung.

- Phối hợp tổ chức các hội chợ sách tại mỗi nước.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, nghiên cứu về các chủ đề cùng quan tâm trong lĩnh vực văn học tại mỗi nước theo cơ chế luân phiên.

- Tổ chức dịch các tác phẩm văn học của nhà văn hai nước.

- Xuất bản sách của các nhà văn hai nước.

- Đăng tải thơ và các tác phẩm văn học khác lên các trang web chính thức của hai bên.

- Tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà văn, nhà thơ và trí thức hai nước trên cơ sở có đi có lại.

- Trao các giải thưởng văn học cho các nhà văn và nhà thơ của cả hai nước trên cơ sở có đi có lại.

- Các hoạt động khác nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn học, văn hóa và sáng tác được cả hai bên thỏa thuận.

THIỆN NGUYỄN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)