Dòng chảy

Han Kang trở thành tác giả Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn chương

Thứ Năm, 10/10/2024 21:16

Han Kang đã được trao giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh vì “văn xuôi mãnh liệt đầy chất thơ, qua đó phơi bày những chấn thương lịch sử và sự mong manh của cuộc sống con người".

Đúng 18h ngày 10/10, chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương đã được bật mí. Mats Malm, thư kí thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển, đã ra thông cáo với toàn thế giới khi trao giải thưởng này cho Han Kang. Ông tiết lộ: “Tôi đã nói chuyện với cô ấy qua điện thoại ít phút trước đây, và có lẽ cô ấy chỉ đang có một ngày bình thường thôi. Cô nói mình vừa ăn tối xong với con trai và không thực sự chuẩn bị cho điều này. Nhưng chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về việc chuẩn bị cho tháng 12 tới, khi cô sẽ đọc diễn từ tại thủ đô Oslo”.

Nhà văn Hàn Quốc Han Kang. 

Được đánh giá là tác giả thành công nhất Hàn Quốc ở thị trường quốc tế, phạm vi sáng tác của nữ tác giả tương đối rộng khắp, từ tiểu thuyết, truyện vừa, tiểu luận cho đến truyện ngắn. Nội dung của các tác phẩm của Han Kang thường xoay quanh chủ nghĩa gia trưởng, bạo lực, mất mát và nhân loại. Năm 2016, tiểu thuyết Người ăn chay viết năm 2007 được Deborah Smith dịch sang tiếng Anh đã chiến thắng giải Man Booker Quốc tế, từ đó mở ra những thành công tiếp theo cho nữ tác giả ở thị trường nước ngoài.

Như vậy Han Kang là tác giả người Hàn Quốc đầu tiên và là người phụ nữ thứ 18 giành được giải thưởng. Anders Olsson, chủ tịch ủy ban Văn chương của Viện Hàn Lâm, cho biết: "Sự đồng cảm của Han Kang với cuộc sống dễ bị tổn thương, thường là phụ nữ, đã được thể hiện qua thứ văn xuôi nhiều ẩn dụ”. Cô có “nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa cơ thể và tâm hồn, giữa sự sống và cái chết cũng như theo đuổi phong cách thử nghiệm, có thể được coi như một nhà cải cách trong văn xuôi đương đại".

Han Kang sinh ra tại Gwangju, một thành phố ở phía tây nam Hàn Quốc, vào năm 1970. Khi cô 10 tuổi, gia đình cô chuyển đến khu phố Suyu-dong của Seoul, nơi cô học văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei chỉ vài tháng trước cuộc nổi loạn Gwangju, khi quân đội chính phủ nổ súng vào đám đông người biểu tình ủng hộ dân chủ, giết chết hàng trăm người, xảy ra. Sự kiện này đã định hình quan điểm của cô về khả năng bạo lực của con người và được thể hiện trong cuốn Bản chất của người ra mắt vào năm 2014 của nữ nhà văn.

Năm 1993, Han ra mắt tác phẩm văn học đầu tay với loạt 5 bài thơ được đăng trên tạp chí Văn học và Xã hội Hàn Quốc. Năm sau, cô giành giải cuộc thi văn học mùa xuân Seoul Shinmun với truyện ngắn Red Anchor. Tập truyện ngắn đầu tay của cô, Love of Yeosu, ra mắt vào năm 1995. Năm 1998, cô tham gia Chương trình viết văn quốc tế của Đại học Iowa trong 3 tháng, được Hội đồng nghệ thuật Hàn Quốc hỗ trợ. Tiểu thuyết đầu tay Black Deer của cô ra mắt năm 1998, là một bí ẩn về một người phụ nữ mất tích. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016, Han Kang cho biết vào khoảng thời gian đó cô đã phát triển ý tưởng cho một truyện ngắn về một người phụ nữ muốn mình trở thành một loài thực vật, mà cuối cùng cô đã phát triển thành Người ăn chay.

Người ăn chay tính cho đến nay vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của cô. Trong tác phẩm siêu thực này, một bà nội trợ chán nản đã khiến cả gia đình mình phải cảm thấy sốc khi ngừng ăn thịt và muốn biến thành cái cây để sống bằng ánh mặt trời. Nhà phê bình Porochista Khakpour của tờ The New York Times đã nói rằng Han “được tôn vinh một cách xứng đáng như một người có tầm nhìn xa trông rộng ở Hàn Quốc”. Các tiểu thuyết khác của Han Kang bao gồm Trắng (cũng được đề cử giải Booker Quốc tế) và Greek Lessons vừa được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2023. Trong Greek Lessons, một người phụ nữ mất khả năng nói nên đã cố gắng khôi phục lại nó bằng cách học tiếng Hy Lạp cổ.

Ankhi Mukherjee, một giáo sư văn học tại Đại học Oxford, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng bà đã dạy tác phẩm của Han Kang "năm này qua năm khác" trong gần hai thập kỉ. "Tác phẩm của cô ấy mang tính chính trị không ngừng nghỉ dù là chính trị về cơ thể, giới tính hay về những người đấu tranh chống lại nhà nước nhưng không bao giờ từ bỏ trí tưởng tượng văn học. Chúng không đạo đức giả mà rất vui tươi, hài hước và siêu thực".

Bộ 3 tác phẩm đã được chuyển ngữ tiếng Việt của Han Kang.

Giải Nobel của Han Kang năm nay là một bất ngờ lớn. Trước khi vinh danh người chiến thắng thì ứng cử viên được các nhà cái yêu thích nhất cho giải thưởng năm nay là Tàn Tuyết, nhà văn Trung Quốc tiên phong với những tiểu thuyết phá vỡ mọi khuôn khổ. Giải Nobel theo đó là giải thưởng văn học nổi bật nhất đã từng được trao cho những tác giả lớn như Toni Morrison, Harold Pinter, Doris Lessing, Kawabata Yasunari... Cùng với uy tín và sự thúc đẩy lớn về doanh số, người đoạt giải mới nhận được 11 triệu krona Thụy Điển và khoảng 1 triệu đô la.

Trong những năm gần đây, Viện Hàn Lâm đã cố gắng tăng tính đa dạng của các tác giả được xem xét trao giải thưởng văn học này sau khi phải đối mặt với những lời chỉ trích về số lượng người đoạt giải là phụ nữ hoặc đến từ bên ngoài châu Âu và Bắc Mĩ quá ít. Kể từ năm 2020, Viện Hàn Lâm đã trao giải thưởng cho 1 người da màu - Abdulrazak Gurnah - nhà văn người Tanzania có các tiểu thuyết phân tích di sản của chủ nghĩa thực dân, cũng như hai người phụ nữ: Louise Glück – cố nhà thơ người Mĩ và Annie Ernaux - nhà văn tự truyện người Pháp. Người nhận giải năm ngoái là Jon Fosse - tác giả và nhà viết kịch người Na Uy - người có những tiểu thuyết được kể bằng những câu dài và thường chứa đựng những ẩn ý về tôn giáo.

Được biết tiểu thuyết mới nhất của Han Kang - We Do Not Part - sẽ được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 2025 do E Yaewon và Paige Aniyah Morris dịch. Câu chuyện kể về một nhà văn khám phá ra tác động của cuộc nổi loạn Jeju năm 1948-1949 đối với gia đình một người bạn của cô. Bản dịch tiếng Pháp của tiểu thuyết đã giành giải thưởng Médicis Étranger năm 2023.

THUẬN NGÔ dịch từ nhiều nguồn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)