Dòng chảy

Tọa đàm: Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ

Chủ Nhật, 13/10/2024 07:59

 Chữ viết là thành tựu văn minh mang giá trị lớn lao bậc nhất của nhân loại. Không chỉ là công cụ giao tiếp, chữ viết còn mang ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Chữ viết của người Việt hôm nay có từ khi nào, lịch sử của tiếng Việt ra sao? Đó là một câu hỏi lớn mang tính lịch sử và khoa học.

Sáng 12/10/2024, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội), trong khuôn khổ triển lãm 70 năm giải phóng Thủ đô, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt".

Tọa đàm đàm có sự tham gia của các khách mời: TS. Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ", PGS.TS. Trần Trọng Dương - Nhà nghiên cứu Hán Nôm và TS. Vũ Đức Liêm - nhà nghiên cứu lịch sử.

Với chủ đề Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt, buổi tọa đàm xoay quanh chuyến hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào 400 năm trước (1624-2024).

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, người đã dành 5 năm nghiên cứu về chữ Quốc ngữ và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, trong buổi tọa đàm chị có những chia sẻ về hành trình đi tìm nguồn cội chữ viết của mình. Theo chị, ngày nay chúng ta có nhiều hỗ trợ về ngôn ngữ nhưng điều đó cũng lấy đi năng lực tri thức cảm xúc của chúng ta với ngôn ngữ. Cách đây 400 năm các nhà truyền giáo không có gì hỗ trợ ngoài các ký tự. Chúng ta hôm nay được thụ hưởng nhiều giá trị của tiền nhân nên phải biết để giữ gìn và tri ân. Đây cũng là động lực để chị thực hiện cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỉ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651. Cuốn sách có phần lời do tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly viết, phần tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long.

Từ cuốn sách này, câu chuyện về lịch sử chữ viết trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Tiến sĩ Vũ Đức Liêm cho rằng, ngôn ngữ là hành trình của nhân loại, không phải đơn lẻ mà là hệ thống. Ngôn ngữ học là lĩnh vực chuyên biệt rất khó tiếp cận. Các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ chữ viết để làm gì, có gì thú vị? Ở vai trò người điều phối anh cũng đặt ra câu hỏi cho các diễn giả: chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ phương Tây đem đến, vậy điều này có ảnh hưởng tích cực hay hạn chế, có làm thay đổi bản sắc người Việt không, có làm đứt gãy văn hoá không?

Nhà nghiên cứu Hán-Nôm, tiến sĩ Trần Trọng Dương bày tỏ, đầu thế kỉ 20, sự lựa chọn chính thức của lịch sử là chuyển từ chữ Nôm sang chữ Latinh. Ai không học, không biết chữ này sẽ mất quyền công dân. Và từ năm 1945, chữ viết này đã trở thành văn tự chính thức của Việt Nam. Chữ viết được coi là tiêu chí cho sự phát triển văn minh của một quốc gia. Việc ra đời chữ Nôm đầu triều Lý là dấu mốc cho sự phát triển của dân tộc ta. Ca dao, hò, vè, truyền bá Nho giáo, Phật giáo... đều dùng chữ Nôm. Khi giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam, ban đầu họ cũng phải học chữ Nôm trước. Bởi vậy chúng ta còn có chữ Nôm Công giáo nữa. Lịch sử đa dạng hơn chúng ta vẫn nghĩ. Di sản mà chúng ta có đến hôm nay còn phải nhắc đến chữ Quốc ngữ Công giáo và chữ Nôm Công giáo.

Đầu thế kỉ 20, các di sản phương Tây trở nên phổ biến trên cả thế giới. Chữ Quốc ngữ sinh ra trong môi trường tin tức, in ấn... phù hợp với thời đại mới. Thay đổi chữ viết là thay đổi văn minh. Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ. Chữ Quốc ngữ trở thành di sản mới. Chúng ta có hai di sản lớn về ngôn ngữ.

Nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ là một thách thức lớn. Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ, chị không phải là người đầu tiên nghiên cứu về chữ Quốc ngữ, trước đây đã có nhiều học giả nghiên cứu và có nhiều thành tựu. Là người kế thừa và đi sau, chị tìm thấy một vùng riêng cho mình và góp phần vào việc làm sáng tỏ tiến trình lịch sử 400 năm của chữ Quốc ngữ. Chị có mong muốn tìm hiểu về lịch sử chữ Quốc ngữ bắt đầu từ câu hỏi ngẫu nhiên bật ra, chị hỏi cố nhà giáo Phạm Toàn là vì sao chúng ta lại dùng chữ viết hệ La-tinh trong khi các nước Á Đông khác như Trung Quốc, Nhật Bản vẫn dùng chữ tượng hình?

Trong quá trình nghiên cứu, chị nhận thấy thách thức lớn nhất với các nhà truyền giáo phương Tây trong quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là thanh điệu. Hệ thống nguyên âm tiếng Việt cũng nhiều hơn, họ phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu. Có một lợi thế, đó là các giáo sĩ biết nhiều ngôn ngữ cổ, rồi họ tìm ra những điểm tương đồng về âm tiết để hình thành.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả quan tâm đến chủ đề này. 

Trở lại vấn đề nhiều ý kiến cho rằng chữ Quốc ngữ làm đứt gãy văn hóa bản sắc Việt. Ngày nay khi đến các đình, chùa chúng ta hầu như không còn đọc được các văn tự cổ của cha ông để lại. Đây là vấn đề rất khó để khẳng định đúng, sai. Có thể thấy giai đoạn đó, chính quyền ở Nam kỳ xoá chữ Hán Nôm quá nhanh, gây nên nhiều sự mất mát trong văn hóa mà không thể khôi phục, khắc phục. Ở Trung kỳ và Bắc kỳ được rút kinh nghiệm thì vẫn chạy song song hai hệ thống văn tự, duy trì cả chữ Nôm và học Quốc ngữ nên dấu ấn bản sắc Việt còn nhiều rõ nét. Người Việt sau này biết đến Quốc ngữ nhiều hơn khi tư tưởng văn hoá người Pháp tiếp cận.

Chữ viết là tư duy. Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly bày tỏ, rất tiếc vì những người bình không được ghi lại những gì mà họ cảm nhận, tiếng nói của họ không được ghi lại. Điều này khiến chúng ta cũng mất đi một phần bản sắc quan trọng, vì tầng lớp bình dân chiếm số đông trong mọi thời kì.

Khi đến Việt Nam, người Pháp cũng tranh luận rất nhiều về việc dạy chữ nào trước ở Việt Nam: Hán, Nôm hay Quốc ngữ? Sau đó căn cứ vào thực tế, họ chọn chữ Quốc ngữ để truyền bá và mong muốn kéo Việt Nam đến gần tư tưởng của Pháp hơn. Ở phía người Việt, nhóm trí thức ai cũng vì lòng yêu nước muốn dân tộc hưng thịnh hơn, biết nhiều hơn. Họ muốn khai dân trí nên chọn chữ Quốc ngữ để mở mang tri thức. Còn các nhà Nho học muốn giữ văn hoá cha ông, muốn tiếp tục duy trì chữ Nôm. Nhưng chúng ta không cưỡng được sự lựa chọn của lịch sử. Giai đoạn 1945, chính phủ đã theo hướng chọn chữ Quốc ngữ để dạy cho nhân dân.

Chữ viết là phần quan trọng của văn minh. Câu chuyện chữ viết mang đến nhiều góc nhìn. Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho rằng, sinh mệnh của văn tự gắn liền thể chế chính trị. Chữ Hán trước đây được lựa chọn để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó là sự lựa chọn vì sự tồn tại của mình. Thời Pháp thuộc cũng vậy, Pháp muốn kéo chúng ta về phía họ. Chữ Quốc ngữ được chọn chính thức cũng vì sinh mệnh của đất nước. Công cụ quan trọng thời đó là bình dân học vụ. Sinh mệnh văn tự liên quan đến ý thức hệ, mục đích chính của giai đoạn đó là đánh lại phong kiến.

Lịch sử nhân loại thế kỉ 18 đến nay là lịch sử của các cuộc cách mạng. Làm thế nào để tuyên truyền cách mạng? Ngôn ngữ chính là công cụ để đưa tư tưởng vào quần chúng. Cách mạng nào và ở đâu, thời nào cũng thế. Bắt nguồn từ đó, nguồn gốc các ngôn ngữ được ra đời.

Tiến sĩ Vũ Đức Liêm nhấn mạnh, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng, chữ Quốc ngữ giúp chúng ta chỉ mất khoảng ba tháng để biết đọc biết viết. Điều này nhanh chóng giúp người Việt xóa nạn mù chữ. Đó là thay đổi tích cực và lớn lao mà chữ Quốc ngữ mang lại. Trong khi với 47 nghìn chữ Hán thì rất khó và rất lâu để một người bình dân được coi là biết đọc biết viết.

THÙY CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)