Dưới đây là trích đoạn của bản dịch “Tiểu thuyết gia như một nghề nghiệp” của nhà văn Haruki Murakami do Trương Lê Na chuyển ngữ. Tít bài tác giả lấy cảm hứng từ chuyện hàng năm ai ai, kể cả giới báo chí, cũng sẽ bàn bạc hoặc chạy một loạt bài báo dự đoán kiểu "Liệu Haruki Murakami có đoạt giải Nobel năm nay?", và rồi năm nào ông cũng trượt, cứ như thể Murakami "vô duyên" với Giải Nobel ngay từ đầu. Bài viết này thay cho lời Murakami nói với người hâm mộ về quan điểm riêng của ông khi nói về giải thưởng văn học nói chung. VNQĐ xin trân trọng giới thiệu!
Tại sao công chúng lại bị cuốn hút bởi Giải thưởng Akutagawa nhiều đến vậy? Đôi khi điều này làm tôi bối rối. Ví dụ cách đây không lâu, khi tôi đang ghé thăm một hiệu sách thì nhìn thấy một chồng sách có tựa đề Lý do vì sao Haruki Murakami không giành được Giải thưởng Akutagawa hay đại loại vậy. Tôi chưa đọc nó – làm sao tôi có thể mua một quyển sách có tiêu đề đáng xấu hổ như vậy chứ? – nên tôi không biết những “lý do” đó là gì, nhưng tôi không thể lấy làm lạ khi một quyển sách như vậy lại được chấp nhận xuất bản ngay từ đầu.
Nếu tôi thắng Giải thưởng Akutagawa, nó sẽ tạo ra sự khác biệt gì cho cuộc đời tôi hay số phận của thế giới nói chung? Thế giới ít nhiều sẽ giống như ngày nay trong khi việc viết lách của tôi vẫn diễn ra với tốc độ tương tự, có hoặc không có một vài khác biệt nhỏ trên đường đi trong ba mươi năm lẻ. Dù có hay không có giải thưởng, tiểu thuyết của tôi cũng sẽ được đón nhận bởi cùng một nhóm độc giả và cũng sẽ khiến chính họ chỉ trích nặng nề (hình như tôi có biệt tài dụ dỗ người khác sai cách).
Giả như giành được Giải thưởng Akutagawa nghĩa là chiến tranh ở Iraq có thể đã không xảy ra hay điều gì đó tương tự đi, thì tôi chắc rằng mình sẽ cảm thấy vô cùng kinh khủng. Nhưng không phải là trường hợp đó, vì sao người ta lại bận tâm đến mức phải viết một quyển sách về chủ đề này? Tôi chỉ là không thể hiểu nổi. “Cuộc tranh cãi” này quá sức tầm thường để có thể gọi là cơn bão trong một tách trà (1) – nó chỉ giống như một cơn lốc bụi nhỏ mà thôi.
Bày tỏ điều này có nguy cơ gây ra sự xúc phạm nhưng tôi vẫn muốn nói rõ ràng rằng: Giải thưởng Akutagawa chỉ là một giải thưởng văn học khác do nhà xuất bản Bungei Shunju chủ trì. Mục đích của giải thưởng có thể không hoàn toàn mang tính thương mại nhưng sẽ thật điên rồ nếu giả vờ tin rằng lợi nhuận sau cùng của Bungei Shunju không liên quan gì.
Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Wind-Up Blog
Dù sao đi nữa, với tư cách là một người từng là tiểu thuyết gia trong một thời gian dài, theo kinh nghiệm của tôi, một nhà văn mới có tác phẩm đáng được chú ý chỉ xuất hiện khoảng 5 năm một lần, hoặc ngắn hơn. Có thể là ba năm một lần nếu chúng ta nới lỏng các tiêu chuẩn. Mặt khác, Giải thưởng Akutagawa được trao đến hai lần một năm, nghĩa là chất lượng của nó có xu hướng bị giảm sút. Dù tôi không có gì phải bàn cãi về điều đó (giải thưởng có thể được xem là món quà chúc mừng với mục đích khuyến khích các nhà văn mới, mang đến điểm khởi đầu cho nhiều tân binh hơn), điều khiến tôi băn khoăn là bầu không khí rạp xiếc mà các phương tiện truyền thông tạo ra mỗi lần trao giải. Nhìn một cách khách quan, mọi thứ dường như không cân xứng chút nào.
Nếu chúng ta mở rộng cuộc thảo luận để bàn về không chỉ về Giải thưởng Akutagawa mà cả giá trị của các giải thưởng văn học ở khắp mọi nơi thì chúng ta sẽ va phải một bức tường. Một lần nữa nói một cách khách quan, đó là vì không có bất kì cơ sở về giá trị thực của bất kì giải thưởng nào, từ Oscar đến Nobel, dĩ nhiên là ngoại trừ những trường hợp đặc biệt khi các tiêu chí được dựa trên sự đánh giá bằng con số. Nếu bạn bắt đầu chỉ ra những lỗ hổng trong cách họ đưa ra quyết định thì có lẽ sẽ không có hồi kết. Ngay cả khi bạn tôn thờ giải thưởng thì điều đó cũng chẳng bao giờ kết thúc được.
Đây là những điều mà Raymond Chandler nói về giải Nobel ở một trong những lá thư của ông “Tôi có muốn trở thành một nhà văn vĩ đại không?”, ông viết “Tôi có muốn đoạt giải Nobel không? Không, nếu việc này tốn nhiều công sức. Cái quái gì vậy, họ trao giải Nobel cho quá nhiều người hạng hai khiến tôi không còn hào hứng nữa. Chưa kể, tôi còn phải đến tận Thụy Điển, trang điểm rồi phát biểu. Giải Nobel có xứng đáng với tất cả những điều đó không? Chết tiệt, không.”(2)
Tiểu thuyết gia người Mĩ Nelson Algren (với các tác phẩm The Man with the Golden Arm, A Walk on the Wild Side) đã giành được Huân chương Công trạng của Viện Văn học Nghệ thuật Quốc gia vào năm 1974 nhờ sự hỗ trợ của Kurt Vonnegut nhưng ông đã bỏ lỡ buổi lễ trao giải và say xỉn với một phụ nữ tại một quán bar. Tất nhiên sự vắng mặt của ông là có chủ ý. Khi được hỏi “Ông đã làm gì với huy chương?” Algren trả lời “Tôi không biết nữa, có lẽ tôi ném nó đi hay đại loại vậy.”(3)
Hai nhà văn này có thể là những ngoại lệ cực đoan. Họ đã viết theo những phong cách độc đáo và chống lại chính quyền trong suốt cuộc đời họ. Nhưng cảm giác mà họ chia sẻ, hoặc có lẽ điều họ muốn thể hiện qua thái độ của mình, là đối với một nhà văn chân chính có nhiều điều quan trọng hơn là những giải thưởng văn chương. Một trong những điều đó là lòng tin chắc chắn vào những gì họ viết có ý nghĩa thực sự; một điều khác là họ đang nói với một cộng đồng độc giả – con số không thực sự quan trọng – những người thực sự hiểu ý nghĩa đó là gì. Những nhà văn tin vào hai điều trên ít khi cần đến những giải thưởng. Cuối cùng, sau tất cả, danh hiệu chỉ là một sự phê chuẩn xã hội và văn học chính thức của một thực tế đang hiện hữu.
Nhưng vẫn còn nhiều người trên thế giới chỉ chú ý đến những thứ có hình dạng hữu hình và cụ thể. Chất lượng văn học vốn là thứ vô hình, vì thế giải thưởng, huy chương mang lại cho nó hình dạng cụ thể đó. “Hình dạng” này sau đó khiến mọi người nhìn vào. Điều thực sự khiến Chandler và Algren cảm thấy sai trái là chất lượng phi văn học rõ ràng của các giải thưởng và sự kiêu ngạo hống hách của các nhà chức trách, những người có thái độ “Giải thưởng chỉ là của anh nếu anh chịu đến nhận nó”.
Tôi có một câu trả lời tiêu chuẩn khi những người phỏng vấn hỏi tôi về các giải thưởng văn học - câu hỏi này luôn luôn xuất hiện dù ở Nhật Bản hay nước ngoài. “Điều quan trọng nhất”, tôi nói với họ “là những độc giả dễ thương. Không gì có ý nghĩa hơn những người sẵn lòng móc hầu bao để mua sách của tôi - chứ không phải giải thưởng, huy chương hay bất cứ lời khen ngợi nào của giới phê bình”. Tôi lặp đi lặp lại những câu trả lời này đến mức buồn nôn, nhưng nó dường như chẳng thấm vào đâu. Thường thì nó hoàn toàn bị bỏ qua.
Ảnh: Wind-Up Blog
Nhưng khi tôi dừng lại để suy ngẫm về nó, người phỏng vấn có thể thấy câu trả lời của tôi khá nhàm chán. Có thể có một cái gì đó về nó nghe như được đóng gói dành cho tiêu dùng công cộng vậy. Đôi khi tôi cũng có cảm giác này. Đó chắc chắn không phải là loại bình luận thu hút sự quan tâm của một nhà báo. Nhưng vì câu trả lời phản ánh những gì tôi coi là sự thật chân thành nên tôi thực sự không thể thay đổi cho dù nó có thể nhàm chán đến đâu. Đó là lí do tại sao tôi lại nói đi nói lại cùng một điều. Độc giả không có động cơ thầm kín nào khi họ bỏ ra hai mươi hay ba mươi đô la để mua một trong những quyển sách của tôi. “Hãy kiểm tra xem nào” (có lẽ) là những gì họ đang nghĩ, thuần túy và đơn giản. Hoặc họ có thể tràn đầy hi vọng. Tôi mãi mãi biết ơn những độc giả như vậy. So với họ, à không, hãy bỏ qua sự so sánh đi.
Hiển nhiên là tác phẩm văn học sẽ có đời sống lâu dài còn giải thưởng văn học thì không. Tôi không tin nhiều người có thể nói cho bạn biết ai là người đã đoạt giải Akutagawa hai năm trước hay ai là người thắng giải Nobel ba năm trước. Bạn có thể không? Ngược lại, những tác phẩm thực sự vĩ đại đã vượt qua thử thách của thời gian sẽ lưu lại trong kí ức của chúng ta mãi mãi. Ernest Hemingway có phải là người đoạt giải Nobel không? (Ông ấy từng đoạt giải). Còn Jorge Luis Borges thì sao? (Ông ấy có đoạt giải không nhỉ? Ai thèm quan tâm chứ). Một giải thưởng văn học có thể thu hút sự chú ý vào một tác phẩm cụ thể nhưng nó không thể thổi sức sống vào tác phẩm ấy. Điều đó đơn giản mà.
Tôi đã mất gì khi không giành được Giải Akutagawa? Tôi đã lật lại câu hỏi nhiều lần trong đầu nhưng không thể nghĩ ra được gì. Tôi đã đạt được một cái gì đó chăng? Không, cả điều đó cũng không đúng.
Nhưng có lẽ điều may mắn là danh hiệu “Người chiến thắng Giải thưởng Akutagawa” không gắn liền với tên tuổi của tôi. Ngược lại (và đây hoàn toàn là phỏng đoán của tôi), ai đó có thể cho rằng bằng cách nào đó nhờ giải thưởng mà tôi đã đến được điểm này, điều có lẽ sẽ khiến tôi cảm thấy khó chịu. Cuộc sống tự do và dễ dàng hơn nếu không có những danh hiệu như vậy. Đối với tôi, chỉ là Haruki Murakami thôi cũng đủ rồi. Và nếu tôi không cảm thấy phiền thì có gì to tát đâu?
Tôi không có ác cảm gì với Giải thưởng Akutagawa (tôi cảm thấy cần phải tiếp tục nhấn mạnh điều này), nhưng phải thừa nhận rằng tôi tự hào vì đã viết tiểu thuyết và sống cuộc đời của mình như một tác nhân độc lập. Nó có thể là một điều rất đỗi tầm thường nhưng với tôi ít nhất nó cũng có chút trọng lượng.
Là một ước tính rất sơ bộ nhưng tôi đoán khoảng năm phần trăm tất cả mọi người là độc giả tích cực của văn học. Phần dân số hạn hẹp này tạo thành cốt lõi của toàn bộ công chúng đọc sách. Ngày nay có rất nhiều cuộc trò chuyện về việc mọi người trở nên xa lạ với sách và chữ viết, và tôi thừa nhận mình cũng quan sát thấy điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng năm phần trăm số người này sẽ tìm cách đọc bằng cách này hay cách khác ngay cả khi chính quyền yêu cầu họ dừng lại. Họ có thể không ẩn náu trong rừng sâu và nhớ về những quyển sách như một loại kí ức như trong tác phẩm 451 độ F của Ray Bradbury, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ thoát khỏi cuộc sống đàn áp và tiếp tục đọc sách bằng cách nào đó. Dĩ nhiên tôi cũng là một người trong số họ.
Một khi thói quen đọc đã hình thành - thường là khi chúng ta còn rất nhỏ - thì không dễ dàng từ bỏ được. Youtube và các video 3D có thể dễ dàng tiếp cận nhưng khi năm phần trăm chúng ta có thời gian rảnh (và ngay cả khi không có thời gian rảnh), chúng ta sẽ tìm đến một quyển sách. Chừng nào vẫn còn một phần hai mươi người giống chúng ta, tôi sẽ không lo lắng quá nhiều về tương lai của tiểu thuyết và chữ viết. Tôi không xem các phương tiện truyền thông điện tử là một mối đe dọa. Hình thức và phương tiện không quan trọng lắm, và tôi cũng không quan tâm lắm đến việc từ ngữ xuất hiện trên giấy hay trên màn hình (hoặc được truyền miệng như trong tác phẩm 451 độ F). Miễn những người yêu sách vẫn tiếp tục đọc là tôi hạnh phúc rồi.
Mối quan tâm nghiêm túc duy nhất của tôi là: Tôi có thể tặng gì tiếp theo cho những người yêu sách đây? Tất cả các câu hỏi khác đều là ngoại vi. Xét cho cùng, năm phần trăm dân số Nhật Bản cộng lại có đến sáu triệu người. Chẳng phải một nhà văn luôn có thể sống thoải mái với một thị trường quy mô cỡ đó sao? Nếu bạn nhìn xa hơn Nhật Bản đến phần còn lại của thế giới, số lượng độc giả sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.
Nhưng còn chín mươi lăm phần trăm còn lại thì sao? Họ có rất ít cơ hội tiếp xúc với văn học trong cuộc sống hàng ngày và những cơ hội đó có thể còn mỏng manh hơn nữa trong tương lai. Chuyện từ bỏ việc đọc có thể tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên từ những gì tôi có thể thấy, ít nhất một nửa số người đó – một ước tính rất sơ bộ khác – có thể cầm trên tay một tác phẩm văn học và đọc nó nếu họ có cơ hội như một trò giải trí trí tuệ hoặc như một hiện tượng văn hóa xã hội. Đây là những độc giả tiềm năng, những “cử tri chưa quyết định” về mặt chính trị. Họ cần một quầy chào đón để dẫn họ vào thế giới văn chương. Hoặc có thể một cái gì đó giống như một phòng trưng bày. Có lẽ đây (đã và đang) là công việc của Giải thưởng Akutagawa, hoạt động như một quầy chào đón những độc giả mới. Nó có thể được so sánh với Beaujolais Nouveau hoặc Buổi hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna hoặc cuộc chạy tiếp sức Hakone Ekiden; ngắn gọn đó là những cổng chào bước vào thế giới của rượu vang, âm nhạc cổ điển và chạy ma-ra-tông. Sau đó, tất nhiên, có giải thưởng Nobel về Văn học. Nhưng khi chúng ta đến với trường hợp của giải Nobel, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều.
Tôi chưa bao giờ làm việc trong ban giám khảo tuyển chọn cho bất kì giải thưởng văn học nào. Tôi từng nhận được vài lời đề nghị nhưng luôn lịch sự từ chối. Đó là bởi vì tôi cảm thấy mình không đủ tiêu chuẩn cho công việc này.
Lí do vô cùng đơn giản – vì tôi là người quá chủ nghĩa cá nhân. Tôi là kiểu người có tầm nhìn cố định và một quy trình chặt chẽ để định hình tầm nhìn đó. Không thể tránh khỏi, việc duy trì quá trình đó đòi hỏi một lối sống toàn diện. Không có nó, tôi không thể viết.
Đó là thước đo của tôi, công thức thành công của tôi, nhưng dù nó phù hợp với tôi đi nữa, tôi không tin là nó cũng hợp với những nhà văn khác. Tôi không thể giả vờ rằng cách của mình là cách duy nhất, và tôi tôn trọng nhiều phương pháp khác được các nhà văn trên khắp thế giới áp dụng – tuy nhiên, có những cách tiếp cận mà tôi thấy không tương thích hoặc không thể nào hiểu nổi. Tôi là kiểu người chỉ có thể đánh giá những thứ phù hợp với quan điểm của mình. Nhìn một cách tích cực, đây là một ví dụ về chủ nghĩa cá nhân; nhìn một cách tiêu cực, đây là dấu hiệu của một người tự cho mình là trung tâm và ích kỉ. Nếu tôi mở rộng tiêu điểm tự cho mình là trung tâm này và sử dụng nó như một thước đo để đánh giá các tác phẩm của những nhà văn khác, họ có thể thấy điều đó là không thể chấp nhận được. Những nhà văn giàu kinh nghiệm có thể xử lí được, nhưng tôi rùng mình khi nghĩ đến những người mới bắt đầu có thể phản ứng thế nào khi số phận của họ bị ảnh hưởng bởi một quan điểm nghiêng ngả như quan điểm của tôi. Tôi chỉ là không thể làm được điều đó.
Nếu ai đó tấn công tôi vì đã từ bỏ trách nhiệm xã hội với tư cách là một nhà văn, tôi sẽ phải thú nhận rằng họ có thể có lí. Xét cho cùng, chính nhờ Giải thưởng Nhà văn mới của Gunzo mà tôi đã bắt đầu – có thể nói chính tại cánh cổng của họ, tôi đã giành được tấm vé của mình. Tôi ngờ rằng nếu mình không giành được giải thưởng ấy, tôi có tiếp tục viết với tư cách là một nhà văn hay không. “Ồ thật tốt”, có thể tôi đã nghĩ “một phần thưởng quá lớn”. Với kinh nghiệm đó, tại sao tôi không mở rộng cơ hội tương tự cho thế hệ trẻ như chính mình đã từng được trao? Dù có thành kiến thế nào đi nữa, phải chăng tôi không nên nghiến răng bày tỏ thái độ không vừa ý mà nên tập trung một mức độ khách quan tối thiểu cần thiết để đưa ra một tấm vé như vậy cho những người đi theo bước chân của tôi, giúp họ có cơ hội tương tự? Phải thừa nhận rằng điều đó nghe cũng có vẻ hợp lí. Có lẽ tôi đúng là đáng trách vì đã không nỗ lực.
Tuy nhiên có một cách khác để nghĩ về điều này. Trách nhiệm lớn nhất của một nhà văn là đối với những độc giả của mình, tiếp tục cung cấp cho họ những tác phẩm hay nhất mà anh ta có khả năng viết ra. Tôi là một nhà văn năng động, nghĩa là, một người vẫn đang làm việc. Một nhà văn không ngừng mò mẫm khám phá xem liệu phải làm gì tiếp theo, nhích dần từng bước qua những hiểm nguy của chiến trường văn học. Nhiệm vụ đặt ra trước mắt tôi là phải sống sót và cố gắng tiếp tục tiến về phía trước. Tuy nhiên, việc phát triển tính khách quan cần thiết để tán thành hay từ chối tác phẩm của người khác một cách có trách nhiệm hoàn toàn nằm ngoài ranh giới của chiến trường đó. Nếu tôi thực hiện nhiệm vụ mới đó một cách nghiêm túc – nó sẽ tiêu tốn một lượng thời gian và công sức không nhỏ. Đồng thời điều đó cũng sẽ cắt giảm lượng thời gian và năng lượng mà tôi có dành cho công việc của riêng mình. Thành thật thì tôi không có nhiều thời gian rỗi đến vậy. Tôi biết là có những người có thể đảm nhiệm cả hai việc cùng lúc, nhưng tôi thật sự đã quá bận rộn với một lượng lớn việc phải làm rồi.
Đây có phải là chủ nghĩa vị kỉ không? Chắc chắn đó là hành động tự cho mình là trung tâm. Tôi không thể tranh luận với điều đó. Tôi chỉ đơn giản là phải nuốt hết bất cứ lời chỉ trích nào đến với mình.
Tuy nhiên từ những gì tôi đã thấy, các nhà xuất bản dường như không gặp vấn đề gì trong việc tập hợp ban giám khảo cho các giải thưởng văn học của họ. Tôi cũng chưa từng nghe nói về việc các nhà xuất bản buộc phải dừng giải thưởng chỉ vì thiếu thành viên ban giám khảo. Ngược lại từ những gì tôi có thể quan sát thấy, số lượng các cuộc thi giành giải thưởng chỉ ngày một tăng. Thực tế có cảm giác như thể ai đó sẽ nhận được một giải thưởng nào đó mỗi ngày. Có vẻ như việc tôi không phục vụ cho bất kì giải thưởng nào không gây ra vấn đề xã hội bằng việc giảm số lượng vé cho những nhà văn có nguyện vọng.
Sự miễn cưỡng của tôi cũng bắt nguồn - từ một vấn đề khác. Giả sử tôi chỉ trích một tác phẩm đang được xem xét, và một người nào đó nói với tôi rằng “Anh là ai mà lại tỏ ra cao quý và vĩ đại đến vậy? Còn những thứ anh đã viết thì sao?” Tôi có thể đáp lại thế nào đây? Tôi chỉ có thể đồng ý thôi. Tôi muốn tránh tình huống đó nếu có thể.
Xin đừng hiểu lầm – tôi không có ý bôi nhọ các nhà văn (đồng đội của tôi), những người ngồi trên ghế ban giám khảo giải thưởng văn học. Có những người có thể chuyên tâm vào các tác phẩm của mình đồng thời có thể phê bình khách quan tác phẩm của các nhà văn mới. Họ phải có một loại công tắc tinh thần nào đó cho phép họ đảm nhiệm vai trò kép ấy. Tôi chỉ có thể bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc nhất đến họ. Điều đáng buồn là tôi không thể gia nhập đội của họ. Tôi cần thời gian để đưa các quyết định và thậm chí sau đó tôi thường đưa ra những quyết định sai lầm.
Điều tôi muốn nhấn mạnh trên hết là phẩm chất cá nhân của một nhà văn là tài sản quan trọng nhất của họ. Một giải thưởng văn học nên gián tiếp củng cố những phẩm chất này và không nên xem đó là một hình thức đền bù. Những gì giải thưởng làm được vẫn còn rất ít để có thể phác họa được chân dung một tác giả. Nếu giải thưởng cố gắng củng cố năng lực của nhà văn theo hướng tích cực thì đó là một “giải thưởng tốt” – còn nếu không, hoặc nếu nó cản trở công việc của nhà văn hoặc trở thành một gánh nặng, thì rất tiếc nó không còn được gọi là “giải thưởng tốt” nữa.
- Haruki Murakami -
***
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn viết rất ít về các giải thưởng văn học. Đó là bởi vì các phương tiện truyền thông có xu hướng tung hê chúng lên bất kể chất lượng tác phẩm ra sao. Tuy nhiên, như tôi đã nói ngay từ đầu, chuyên mục ngắn về mối quan hệ giữa tôi với Giải thưởng Akutagawa khiến tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải cân nhắc về chủ đề này. Mặt khác, tôi sợ rằng một quan niệm sai lầm kì lạ có thể nảy sinh, nếu không được giải quyết có thể trở thành sự thật phổ biến được chấp nhận.
Tuy nhiên không dễ dàng như vẻ bề ngoài khi nói về những gì mà bài báo đó đã tuyên bố, vì nguồn gốc đáng ngờ và bản chất gây tranh cãi của nó. Tôi càng bộc lộ tâm hồn mình, tôi càng có vẻ kiêu ngạo và không đáng tin hơn. Giống như một chiếc boomerang, nỗ lực đính chính bài báo có thể còn gây ra tác dụng ngược nhanh hơn nữa. Nhưng khi cân nhắc đủ đường, tôi nghĩ rằng sự trung thực là kế sách tốt nhất trong mọi tình huống. Vì ít nhất có một số độc giả mến mộ chắc chắn sẽ tin tôi.
Điều tôi muốn nhấn mạnh trên hết là phẩm chất cá nhân của một nhà văn là tài sản quan trọng nhất của họ. Một giải thưởng văn học nên gián tiếp củng cố những phẩm chất này và không nên xem đó là một hình thức đền bù. Những gì giải thưởng làm được vẫn còn rất ít để có thể phác họa được chân dung một tác giả. Nếu giải thưởng cố gắng củng cố năng lực của nhà văn theo hướng tích cực thì đó là một “giải thưởng tốt” – còn nếu không, hoặc nếu nó cản trở công việc của nhà văn hoặc trở thành một gánh nặng, thì rất tiếc nó không còn được gọi là “giải thưởng tốt” nữa. Vì thế Algren đã vứt bỏ huy chương của mình và Chandler sẵn sàng từ chối một chuyến bay đến Stockholm (mặc dù tôi không thể biết liệu ông ấy có tiếp tục làm vậy không nếu ông ấy thực sự thắng giải Nobel).
Vì thế các giải thưởng văn học có ý nghĩa rất khác nhau đối với những người khác nhau. Ý nghĩa của chúng phụ thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân, vào hoàn cảnh của nhà văn và cách anh ta nghĩ và sống. Bạn không thể gộp tất cả chúng ta lại với nhau. Đó thực sự là tất cả những gì tôi muốn nói về chủ đề giải thưởng văn học. Bạn không thể đưa ra những tuyên bố toàn diện về chúng, bằng cách này hay cách khác. Vậy nên bạn cũng nên tránh làm điều đó đi.
Những gì tôi đã khẳng định ở đây, tất nhiên, không có khả năng thay đổi mọi thứ theo bất kì thực tế nào.
TRƯƠNG LÊ NA dịch từ bản tiếng Anh của Philip Gabriel và Ted Goossen
--------
1. Chú thích của người dịch: “cơn bão trong một tách trà” là một thành ngữ ngụ ý việc phóng đại quá mức một vấn đề
2. Những lá thư chọn lọc của Raymond Chandler, Frank MacShane chủ biên (New York: Nhà xuất bản Đại học Columbia, 1981), 180–1.
3. Trích dẫn trong Touch and Go: A Memoir, Studs Terkel và Sydney Lewis, (New York: The New Press, 2007), 197.
VNQD