Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu xuất hiện trên thi đàn từ những năm 1990 với một giọng thơ riêng biệt, giàu thi ảnh và đầy nội lực. Sau đó, bẵng đi đến hơn hai mươi năm ông mới trở lại đầy ấn tượng với các tập sách như Sa hồng, Dòng thiêng, Phồn sinh. Thêm một lần nữa khẳng định tên tuổi với thi ca, đồng thời Nguyễn Linh Khiếu cũng cho thấy sự nội lực, ấp ủ và chín muồi trong sáng tạo. Nhưng Nguyễn Linh Khiếu không chỉ viết thơ.
Sáng 30/10/2024, Hội Nhà văn Hà Nội đã giới thiệu đến bạn đọc hai cuốn tùy văn Chân mây và Hoa khởi trinh của Nguyễn Linh Khiếu. Lí giải về hai chữ "tùy văn", nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho rằng: Tùy văn không phải là thơ. Không phải văn xuôi và cũng không phải là triết luận. Nó có thể có liên quan đến các thứ ấy cũng có thể không liên quan gì đến các thứ ấy...
Chân mây và Hoa khởi trinh tập hợp những tùy văn nhỏ. Đó là những cảm xúc nhất thời. Những chi tiết vụn vặt. Những kí ức mơ hồ. Những tâm tưởng nhạt nhòa. Những nỗi niềm hoang hoải... Ông viết trong những chuyến đi công vụ, rong chơi hay trong đời thường, từ những thoáng qua, từ những giấc mơ. Chân mây là nhưng chuyện ông đi, ông thấy và ông ngẫm. Hoa khởi trinh là sự đan cài giữa thực và ảo, là những kí ức tuổi thơ xa vời nhưng luôn hiện diện, nhắc nhớ.
Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu mang đậm chất thơ và gần gũi với tâm thức người đọc. Nếu thơ ông ít nhiều có sự khó tiếp cận với nhiều bạn đọc thì tùy văn lại vô cùng giản dị, súc tích, dễ đọc. Ông viết về những vẻ đẹp ẩn giấu trong dân gian, vẻ đẹp của mỗi vùng đất mà ông đi qua, mỗi con người mà ông được gặp gỡ, mỗi đời sống mà ông được trải nghiệm... bằng sự chân thật, run rẩy của một trái tim nhiệt thành và tận hiến.
Tại buổi giới thiệu sách, nhà phê bình văn học Văn Giá đã có những nhận định sâu sắc về tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu. Nhà phê bình cho rằng, người viết có nhu cầu nội tại là phải trở nên khác biệt. Muốn tồn tại phải khác biệt. Ý thức bứt phá, làm khác, khác người luôn cựa quậy trong con người Nguyễn Linh Khiếu. Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu ngắn gọn, súc tích tới mức cực hạn. Ông không chủ trương rõ ý mà chỉ cốt gợi ý. Tác giả tạo ra những khoảng trống của chữ, của ý để tạo khả năng gợi đó. Ông sử dụng thủ pháp trộn thể loại theo cách như thể ngẫu hứng, nhưng kì thực cũng bị chi phối bởi cái được nói đến. Có cái trộn truyện. Có cái trộn nghị luận. Có cái trộn thông tấn. Có cái lại trộn thơ... Nhà phê bình Văn Giá cũng nhấn mạnh: Đọc tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu cần có một độ kinh lịch về vốn sống, văn hóa, trải nghiệm, tuổi tác. Bởi tùy văn của ông thực chất rất gần với ghi chép nhân học văn hóa, tức là những sự sống thực trong sinh hoạt hàng ngày, trần thế của con người, mang tính hiện sinh. Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu rốt ráo, hiện lên một chân dung tác giả tha thiết với sự sống này, cả cái vĩ mô lẫn cái vi mô. Trường ca là vĩ mô. Các bài thơ ngắn vừa vĩ vừa vi. Tùy văn là thế giới vi mô, nơi những cái li ti bé nhỏ đầu thừa đuôi thẹo của sự sống cất lời, hàm nghĩa và gợi nghĩa.
Buổi giới thiệu sách được tổ chức tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (19 hàng Buồm, Hà Nội).
Nguyễn Linh Khiếu chủ ý viết ngắn. Thông thường ở thể tản văn, gần với tuỳ văn như ông đang dụng, người viết thường có xu hướng viết dài, lan man, vòng vẽ. Bởi thể loại này không yêu cầu phải tinh giản đến tối giản khắt khe như thơ, lại cũng cần tứ, cần cảm xúc. Thế thì tội gì mà không giãi bày, không để tình ý nó tràn ra. Nhưng Nguyễn Linh Khiếu là người ý thức sáng tạo. Ông tiết chế chữ trong tuỳ văn cũng nghiêm ngặt như với thơ vậy. Có thể nói, đó là lối viết, lối tự sự của một người kĩ lưỡng trong sáng tạo. Ông hiểu mình cần viết điều gì ra, nên ẩn điều gì đi. Cái viết ra thì tự nhiên, gan ruột. Cái ẩn đi mà vẫn như gợi lên, như dào lên, tràn ra trên trang giấy và trong liên tưởng của người đọc.
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ bày tỏ: nếu thơ Nguyễn Linh Khiếu thách thức bạn đọc thì tuỳ văn lại vô cùng dễ chịu. Qua tuỳ văn, nhà thơ mang cho chúng ta những bức tranh sống động, đa dạng. Ông cỏ thể viết về những điều gần gũi hay xa vời nhưng đều đầy cảm xúc. Mỗi bài một tứ, một nghĩa, và chúng ta sẽ nhận ra cả những tầng sâu văn bản. Những tầng sâu ấy ẩn dụ triết lí về đời sống. Tuỳ văn Nguyễn Linh Khiếu có nhiều chi tiết đắt giá mà từ đó có thể triển khai được nhiều điều lớn lao khác. Một yếu tố quan trọng nữa phải nhắc đến, là sự giàu nhạc tính trong hai cuốn tuỳ văn này. Có thể nói, tuỳ văn là lối chơi độc tấu của thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu.
Ở một góc nhìn khác, tuỳ văn Nguyễn Linh Khiếu không chỉ là những gì thoáng qua, mơ hồ. Mà những điều thoáng qua, mơ hồ ấy lại khẳng định đó là những yếu tố căn cốt làm nên con người thi sĩ Nguyễn Linh Khiếu. Không phải chỉ vì giấc mơ chập chờn thoảng qua mà lòng ông rộ lên câu hỏi “Không hiểu bây giờ chúng ra sao có đứa nào không nhớ tuổi thơ không”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông viết về những con ve đáng thương rụng xác trên thềm kèm theo một lời đầy cảm thán “kêu cho lắm vào”. Những điều bé nhỏ, mơ hồ trong hai cuốn tuỳ văn này lại nói với chúng ta câu chuyện của thiêng liêng, linh giác, lớn lao và câu chuyện của thân phận một cách thấu đáo, sâu sắc nhất.
“Cái làng Chí Thiện xưa đã biến mất. Toàn bộ cánh đồng con đê, dòng sông, đầm hồ, mom sông, cây đa, bến nước, đụn cát, con thuyền ở cửa sông nay đã nằm dưới đáy các nhà máy nhiệt điện và nhà máy hóa chất. Tất cả phù sa mỡ màu, cào cào châu chấu, giun dế, ếch nhái, bướm ong....cùng cỏ cây hoa lá, lúa ngô khoai sắn...đều đã bị chôn vùi. Một thiên đường cửa sông Hồng đã vĩnh viễn biến mất”… Bâng khuâng, nhớ tiếc, có những thế giới đã bị mất đi, nhưng sự trở lại của những cái đã mất, cái mơ hồ trong kí ức, trong sáng tạo của Nguyễn Linh Khiếu lại đem đến/tạo ra một “đời sống khác” cho ông và cho bạn đọc. Tuỳ văn Nguyễn Linh Khiếu vì thế mà cứ như một dòng phù sa mới âm thầm bồi đắp cho tâm hồn ta vẻ đẹp của sáng tạo.
THÙY CHI
VNQD