Dòng chảy

Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong bão lũ

Thứ Năm, 24/10/2024 11:10

Từ đầu năm 2024 đến nay tình hình mưa lũ trên địa bàn Quân khu 2 có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Để hạn chế thấp nhất nhưng thiệt hại, giúp đỡ người dân trong những lúc gian nguy, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 đã không quản gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng dầm mình trong nước lũ để di dời người, tài sản đến nơi an toàn, cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người bị nạn. Chính những trong gian khó, hiểm nguy đó càng làm sáng tỏ, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân Tây Bắc.

Ở đâu gian khó ở đó có bộ đội
Địa bàn Quân khu 2 có 8/9 tỉnh thuộc trung du và miền núi, cơ sở hạ tầng, giao thông, đời sống của người dân, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do đặc thù điều kiện tự nhiên chủ yếu là đồi núi nên có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt nhiều sông, ngòi, khe suối. Mặt khác, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng cực đoan, khó dự báo, khó lường, có nhiều điều bất thường. Về mùa mưa, trên địa bàn xuất hiện những đợt mưa lớn, kéo dài nên đã gây ngập úng ở vùng thấp và lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá ở vùng trung du, núi cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, cuộc sống, lao động, sản xuất của người dân.

Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 9/2024 địa bàn Quân khu 2 đã chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây lên tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, làm thiệt hại nhiều người, tài sản của cả nhà nước và nhân dân. Địa bàn xảy ra nhiều đợt ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất như: Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ. Nhiều tài sản, ngôi nhà của người dân đã tích cóp, chắt chiu bao năm mới xây dựng được hay các công trình của Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều tỉ đồng để phục vụ cộng đồng, nhưng chỉ trong chốc lát đã bị đất đá vùi lấp hoặc bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Mỗi một đợt mưa lũ kéo dài hay có tin báo bão, từ các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh đến chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 2 luôn bồn chồn lo lắng đứng ngồi không yên, nhiều đêm mất ngủ. Với tình cảm, trách nhiệm của mình và cũng không cần đợi đề nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương hay sự cầu cứu của người dân, chỉ khi nhận được thông tin ảnh hưởng của mưa lũ, ở đâu cam go, bị cô lập thì dù bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng cứu, giúp đỡ nhân dân, với tinh thần “cứu người trước, tài sản sau”, “ở đâu gian khó ở đó có bộ đội”. Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã cơ động, hành quân trong đêm để tham gia phòng, chống, khắc phục hậu qủa mưa lũ, thiên tai, di dời người, tài sản của người dân đến nơi an toàn, bất chấp mọi hiểm nguy rình rập.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét tại thôn Làng Nủ (xã Phúc khánh, Bảo Yên, Lào Cai) trong cơn bão số 3.

Khi cơn bão số 3 xảy ra và ảnh hưởng hoàn lưu của bão gây lên lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất đã tàn phá hầu hết các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2. Đặc biệt, dòng nước lũ sông Hồng dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi 2 nhịp cầu Phong Châu (Phú Thọ) đã làm thiệt hại về người và tài sản, để lại nỗi buồn đau cho các gia đình. Chỉ 15 phút sau khi xảy ra sự việc, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 đã có mặt kịp thời chỉ đạo Lữ đoàn Công binh 543, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, phối hợp lên phương án lắp cầu phà tạm giúp người dân đi lại. Cũng trong thời điểm sau cơn bão số 3, thiệt hãi do mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình đến lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu. Các đoàn, các tổ công tác liên tục được thành lập, nhanh chóng cơ động đến các địa bàn xung yếu nhất chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng làm nhiệm vụ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, công tác phòng, chống lụt bão được coi là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, từ cán bộ cấp tướng đến hạ sĩ quan, binh sĩ luôn sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ, dù trong bất luận hoàn cảnh nào. Khi có thông tin bão lũ 100% quân số các đơn vị phải ứng trực, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ. Qua thực tiễn công tác đã có nhiều đồng chí xung phong tham gia phòng, chống lũ lụt, coi nhiệm vụ này như là “mệnh lệnh từ trái tim” của người lính. Đội ngũ trực ban, trực chỉ huy các cấp được duy trì chặt chẽ, hiệu quả, thường xuyên báo cáo tình hình, diễn biến của mưa bão và kết quả phòng, chống, khắc hục hậu quả thiên tai. Cơ quan quân sự các cấp cơ bản đã phát huy tốt tinh thần “4 tại chỗ”, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sử dụng các lực lượng tại chỗ như: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, dự bị động viên, đoàn thanh niên, hội viên phụ nữ, cựu chiến binh cùng chung tay phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, biến đổi khí hậu, hậu quả do bão lũ để lại rất nặng nề và là nỗi ám ảnh của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhiều chiến sĩ Quân đội sẵn sàng dầm mình sâu dưới nước, tìm đến từng nhà, tìm từng người, cứu giúp người nguy kịch; di dời người, tài sản của dân đến nơi an toàn, tìm kiếm người bị nạn khi bị lũ cuốn trôi hoặc sạt lở đất đã phần nào giúp bà con an lòng trong những lúc cam go, nguy nan nhất.

Chiến sĩ Lữ đoàn 249 lắp cầu phao Phong Châu, túc trực phục vụ người dân đi lại thuận lợi, an toàn.

Sát cánh cùng nhân dân trong lúc nguy nan

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ngày 10/9/2024, đã san phẳng nơi cứ trú của 35 hộ dân là người dân tộc Tày, làm chết và mất tích 67 người. Chưa đầy 24 giờ sau, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu đã có mặt tại hiện trường, cùng với cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai chỉ đạo, đôn đốc khắc phục hậu quả lũ quét tại Làng Nủ.

Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo họp khẩn Bộ Tư lệnh và quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả. Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã lệnh điều động 300 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 cùng nhiều phương tiện, vật tư cơ động ngay đến hiện trường phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ của tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả, tìm kiếm các nạn nhân xấu số.

Trên con đường độc đạo mới được Bộ CHQS tỉnh Lào Cai khai thông do có hàng chục điểm bị sạt lở nham nhở dọc hai bên, khiến cho những lái xe quân sự lão luyện cũng phải căng mình điều khiển xe, sẵn sàng xử lí các tình huống xấu xảy ra. Vừa đến hiện trường, mặc dù trời vẫn còn vưa nhỏ và cũng đã tối, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 vẫn lao vào tâm lũ, chân lội bùn, tay dùng đèn pin soi, khảo sát thực địa, nắm tình hình địa bàn, nghe địa phương thông báo sơ bộ thiệt hại làm cơ sở để chỉ đạo, xử lí các tình huống trong quá trình cứu hộ cứu nạn.

Không khí tang thương, não nề bao trùm cả Làng Nủ. Khắp thôn đâu đâu cũng vang tiếng gào khóc xé lòng tìm gọi người thân. Nơi người dân Làng Nủ ở trước đây, giờ chỉ còn là bãi bùn đất, lổng chổng cây que, đất đá kèm với mùi xú uế của gia súc, gia cầm chết. Ngay sàn bê tông bên ngoài của nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, hàng chục chiếc quan tài mới vẫn được xếp ngay ngắn và cứ vơi dần mỗi ngày khi các thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi được tìm thấy.

Sáng sớm hôm sau, khi nhiều người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, làn sương mù vẫn còn giăng kín các cành cây, ngọn cỏ khắp bìa rừng thì Thiếu tướng Nguyễn Đăng Khải đã đi một vòng thực địa rồi hội ý, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chỉ huy các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tại đây. Đồng chí Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 2 yêu cầu các lực lượng phải tranh thủ thời gian, xông vào những nơi trọng điểm và phải dựa vào dân bản địa, thông thạo địa hình, cảnh vật để tìm kiếm nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, phải đề phòng nguy cơ có lũ quét hoặc sạt lở đất tái diễn, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tìm kiếm.

Các chiến sĩ trẻ Sư đoàn 316 đã băng mình vào tâm lũ, chia làm nhiều tổ, mũi công tác, tranh thủ thời gian để tiến hành lùng sục, bới tìm từng lùm cây, bãi cỏ, hố bùn lầy, khe suối, với mong muốn sớm tìm được các nạn nhân xấu số. Cho dù trong điều kiện mất điện, thiếu nước sạch, sóng điện thoại di động thì phập phù và dưới bùn sâu là đinh sắt, mảnh thủy tinh sắc nhọn nhưng các chiến sĩ không chùn bước, bởi đâu đó dưới lớp bùn lây là thi thể của người dân. Trong quá trình tìm kiếm các nạn nhân, có chiến sĩ đã bị thương nhưng vẫn không hề nao núng tinh thần.

Các chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 tích cực tìm kiếm các nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

 

Binh nhì Thào Mí Lình, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, người dân tộc Mông, quê ở xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ đã dẫm phải đinh rất sâu vào lòng bàn chân và chảy nhiều máu. Bác sĩ quân y túc trực đã phải trích rộng, khử trùng, tiêm phòng uấn ván và đưa Lình về Bệnh viện Quân y 109 điều trị. Trước lúc chia tay đồng đội đi nhập viện, Lình đã khóc, nhưng không phải do đau mà vì anh không được ở lại cùng đồng đội giúp bà con Làng Nủ tìm người thân còn mất tích. Tạm thời chia tay người lính trẻ tuổi quả cảm, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 vội gạt nước mắt động viên Lình, em yên tâm điều trị, ở lại đã có anh và các chiến sĩ khác sẽ cùng đồng đội quyết tâm cao nhất, sẽ cố tìm những người còn mất tích nhanh nhất có thể, giúp bà con Làng Nủ phần nào nguôi ngoai đi nỗi đau thương này.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, dù đang thực hành diễn tập tại thao trường Động Móc, Tuyên Quang, nhưng khi có lệnh của thủ trưởng Sư đoàn đã điều động gấp lực lượng đi Hạ Hòa (Phú Thọ) chống ngập úng. Nhưng khi có các lực lượng của đơn vị khác giúp Hạ Hòa và khi Làng Nủ xảy ra sự việc đặc biệt nghiêm trọng này, đơn vị lại tức tốc hành quân vượt cư li gần 300 cây số, đem theo nhiều vật tư, dụng cụ tìm kiếm, thuốc, bông băng quân y, lương khô, sau đó bước vào thực hiện nhiệm vụ ngay. Đơn vị đã cùng với người dân bản địa, lực lượng dân quân, chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, tỏa đến các khu vực xung yếu, trọng điểm để tìm kiếm người bị nạn. Chỉ trong hai tuần làm việc các chiến sĩ Trung đoan 98 đã tìm kiếm được 40 nạn nhân xấu số, bàn giao cho địa phương, gia đình lo hậu sự, góp phần xoa dịu nỗi đau của Làng Nủ.

Cơn bão lịch sử số 3 như là minh chứng sống động, chân thực nhất về tình quân dân mặn mà sâu đậm. Điều đó không chỉ trong tâm tưởng, nhận thức của bộ đội mà trong mỗi hành động, việc làm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 luôn hướng về nhân dân. Các chiến sĩ như quên đi những hiểm nguy rình rập của thiên tai, quên đi gian khó, thiếu thốn về vật chất để ứng cứu, hỗ trợ kịp thời để người dân có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Bởi nhân dân luôn in đậm trong trái tim mỗi người lính Quân khu 2.

ĐÀO DUY TUẤN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)