Hà Nội là chủ đề lớn trong văn chương Việt Nam. Dường như luôn có một dòng chảy không ngừng, xuyên suốt qua các thế hệ nhà văn viết về đề tài này, có thể kể những cái tên nổi tiếng như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài… Cho đến nay, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động. Rất nhiều nhà văn đã viết về Hà Nội thời nay với những chuyển động, giãn nở, đổi thay của nó. Hà Nội hiện diện trong dòng chảy của văn chương đương đại như thế nào là điều mà nhiều bạn đọc quan tâm.
Nếu như Nguyễn Công Hoan, Tản Đà viết về Hà Nội khá bế tắc thì Thạch Lam, Nguyễn Tuân nhìn nhận nó theo kiểu kết tinh, mang tính anh hùng ca, Tô Hoài, Hoàng Đạo Thuý là kiến tạo Hà Nội kiểu xã hội chủ nghĩa. Và ngày nay, Hà Nội trong văn chương đầy sinh động, đa chiều, giãn nở...
Các diễn giả tại buổi toàn đàm.
Sáng 14/11/2024 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm "Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại" với sự tham gia của nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch, nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý. Tọa đàm nhằm góp phần kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học - nghệ thuật của các tác giả Hà Nội đương đại và giúp khán giả, độc giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, tác giả tiêu biểu ở những thế hệ có tính tiếp nối và tiếp biến.
Các nhà văn, nhà nghiên cứu chia sẻ trải nghiệm của mình với Hà Nội. Những đổi thay, bộn bề của Hà Nội trong cách nhìn của họ ra sao? Và Hà Nội đã định hình nên phong cách viết của họ như thế nào?
Theo nhà văn Đỗ Phấn, người được biết đến với nhiều cuốn tản văn, cuốn tiểu thuyết và vẽ tranh về Hà Nộ thì Hà Nội luôn thay đổi từng ngày từng giờ. Anh không còn nhận ra nhiều con đường của Hà Nội nữa ngoài những khu phố nội thành. Là người ở phố, anh chứng kiến Hà Nội thay đổi từ những điều đơn giản như từ việc đun bếp củi, đến đun mùn cưa, sau đó đun bếp dầu rồi đến bếp ga, bếp điện. Nhà văn cho rằng những thay đổi là tiền đề cho người viết, từ sự thay đổi ấy người viết sẽ nhìn nhận như thế nào, nhìn thấy những điều gì... Anh cho rằng Hà Nội có thể thay đổi rất nhiều về cấu tạo, hình ảnh, cư dân, nhưng nề nếp, tác phong, ứng xử của người Hà Nội có bề dày. Cái không đổi của Hà Nội chính là tính cách con người. Mặc dù người Hà Nội cũ đã ra khỏi vùng lõi lâu rồi, như anh từng ở phố Bà Triệu giờ dạt đến Giang Văn Minh. Những người mới đang sống ở lõi phố. Nhưng tính cách nề nếp ứng xử sinh hoạt của người Hà Nội cũ vẫn tồn tại dù chỉ là giọt mực nhỏ vào Hồ Tây. Nhưng giọt mực ấy sẽ có độ loang của nó. Anh khẳng định, chúng ta không sợ Hà Nội mất đi đâu cả vì nó ở trong chính chúng ta.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà quan niệm thị dân là những người bán hàng. Ở góc nhìn của anh, khu phố cổ Hà Nội không có nhiều đổi thay. Nhưng những người mới đến phố ở họ có sinh hoạt xa lạ với anh. Thị dân bây giờ khác thị dân ngày xưa. Theo anh, chợ là một hình thức văn hoá tiêu biểu kiểu Hà Nội, không thể thay thế. May mắn Hà Nội vẫn còn những giá trị cốt lõi. Anh cũng chia sẻ một điều rất thú vị rằng: "Tôi thấy bây giờ sinh viên, các bạn trẻ ít làm thơ hơn trước đây". Trong văn chương, nhà văn quan niệm: ăn như thế nào, yêu như thế nào thì viết văn như thế. Nỗi đau hay niềm vui của con người thời nào cũng giống nhau, cốt lõi là ở chính người cầm bút.
Ở một góc nhìn khác, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch thấy rằng sự thay đổi là định mệnh của Hà Nội. Hà Nội luôn luôn có sự biến đổi cảnh quan và biến đổi dân cư. Sự thay đổi lộn xộn của Hà Nội hôm nay, dù phát triển nhưng không đẹp vì bởi chưa có sự quản trị tốt. Anh đưa ra ví dụ thời đạo diễn Trần Văn Thủy quay bộ phim tài liệu kinh điển Hà Nội trong mắt ai, hiện lên một Hà Nội rất đẹp vì có những quy chuẩn chung, có quản trị. Nhà nghiên cứu cho rằng văn chương viết về Hà Nội suy cho cùng là đi tìm sự ổn định, sự làm chủ chứ không phải sự hỗn loạn. Trong văn chương, Hà Nội là đô thị ổn định nhất và có dòng chảy riêng. Sau Hà Nội thì có Sài Gòn là có được điều này, ngoài ra, ở các thành phố khác chưa có dòng chảy rõ rệt và chưa đủ lớn.
Nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý cầm bút như để khắc hoạ số phận của phố, số phận của người Hà Nội. Mỗi trang viết của anh cho thấy sự chuyển động của Hà Nội và những hoài niệm, khảo cứu như muốn tô đậm hơn một Hà Nội cốt lõi. Anh chia sẻ, khung cảnh Hà Nội nửa phố nửa quê đọng lại trong thế hệ của anh. Đọc Đỗ Phấn và Nguyễn Việt Hà anh thấy không gian Hà Nội trong văn học rất ấn tượng. Văn chương viết về Hà Nội có ngoa, có ghê gớm nhưng không ác, nó thuần hậu đáng mến. Các nhà văn dệt không gian sống của họ vào văn chương theo cách riêng họ. Ở đó Hà Nội có cái cổ kính có sự phát triển, có cái nề nếp có sự bề bộn để chúng ta nhìn lại và đi tiếp...
Những tác phẩm viết về Hà Nội của các diễn giả tham dự tọa đàm.
Tọa đàm cũng mở rộng vấn đề định danh “Hà Nội” cùng những biến chuyển của nó trong chiều dài lịch sử của thành phố, căn tính của những lớp người Hà Nội ở nhiều thế hệ.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận thấy rằng, trong những thay đổi của Hà Nội có cái được và cái mất, nhà văn cũng khẳng định "không có người Hà Nội chỉ có người sống ở Hà Nội".
Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch thì kiến giải: "Bản chất của đô thị là không có người gốc. Đô thị là giao điểm của các luồng di dân đến. Tính cách Hà Nội mà chúng ta vẫn gọi đó là do tinh hoa bồi đắp nên".
Với nhà văn Đỗ Phấn, định nghĩa người Hà Nội gốc dù xét theo tiêu chí nào cũng là không thỏa đáng được. Ông đứa ra ví dụ, có người chỉ sống ở Hà Nội vài năm thôi nhưng họ thật sự rất Hà Nội trong phong cách sống, trong lời ăn tiếng nói, ứng xử; trong khi có những người gia đình ở đây nhiều đời thì họ cũng không phải người Hà Nội bởi không hòa nhập được vào văn hóa hà Nội, không có đóng góp gì cho Hà Nội.
Đồng ý với ý kiến này, nhà văn Nguyễn Trương Quý đưa ra dẫn chứng, bài hát về Hà Nội được hát nhiều nhất và mang đậm không khí Hà Nội đó là bài Nhớ về Hà Nội, không phải do một người Hà Nội sáng tác mà là của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một người An Giang. Nhà văn Nguyễn Trương Quý khẳng định, quan trọng hơn khái niệm người Hà Nội gốc là người tạo được giá trị cho Hà Nội.
Bên cạnh những câu chuyện, những trao đổi "không có điểm dừng" về Hà Nội, các nhà văn cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục viết về Hà Nội khi họ cảm thấy mình còn có thể viết và cũng mong chờ những tác giả khác tiếp tục viết về Hà Nội với những chất liệu sinh động, quý giá mà Hà Nội không ngừng tạo ra cho người viết hôm nay.
THÙY DƯƠNG
VNQD