Sáng 2/11, hội thảo khoa học “Văn học Đài Loan đương đại và Dấu ấn Ngô Minh Ích” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các diễn giả là những học giả nghiên cứu văn chương châu Á đã trình bày những nét độc đáo trong tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành nói riêng và văn chương Đài Loan nói chung.
Các diễn giả tham gia hội thảo.
Dấu ấn Ngô Minh Ích
Vào tháng 8 vừa qua, tập truyện ngắn Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của Ngô Minh Ích đã được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam. Đây là tác phẩm được đánh giá cao và đã chuyển thể thành phim truyền hình. Cuốn sách xoay quanh 10 câu chuyện của 10 nhân vật đã từng sinh sống tại một khu chợ ở Đài Bắc những năm 1970 và điểm giao của chúng là đều xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện nhân vật nhà ảo thuật. Bằng nghệ thuật viết huyền ảo, Ngô Minh Ích đã đưa độc giả về lại quá khứ, từ đó chất vấn tính hay thay đổi và tầm quan trọng của những gì đã qua, liệu rằng nếu như quá khứ thay đổi thì những điều khác có thay đổi không?
Trong đó, nhân vật nhà ảo thuật như đại diện cho cái hiện thực cũng như hư ảo, rằng đó là 2 khía cạnh liên tục chuyển hóa lẫn nhau, thực mà hư, hư mà thực, sắc sắc mà cũng không không. TS. Phan Thu Vân - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh – nhận định Ngô Minh Ích là một nhà văn vô cùng sáng tạo khi ông có được khả năng sáng tác ở đa dạng đề tài cũng như thể loại, từ chủ đề chiến tranh (Chiếc xe đạp mất cắp), sinh thái (Người mắt kép) cho đến quá khứ (Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành). Ngoài ra, ThS. Nguyễn Hồng Anh - GV Văn học nước ngoài, trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh – cũng gợi mở một cách đọc khác cho tác phẩm này khi xem nó như một câu chuyện dành cho thiếu nhi.
Nhưng quan trọng hơn hết, với phong cách kể chuyện độc đáo, Ngô Minh Ích đã đưa độc giả vào thế giới đa chiều, nơi hiện thực và huyền ảo giao hòa vào nhau, khiến chuyện đời thường cũng đầy kì bí và rất sâu sắc. Thông qua lăng kính của Ngô Minh Ích, những chủ đề về sự tồn tại, danh tính cá nhân, mối quan hệ giữa con người với thế giới hiện đại được khai thác dưới góc nhìn mới mẻ, gần gũi nhưng cũng ám ảnh. Từ đó mời gọi độc giả suy ngẫm về sự cô đơn, nỗi trăn trở của con người trong xã hội hiện đại và hành trình tìm kiếm ý nghĩa giữa nhịp sống đô thị.
Có thể nói Ngô Minh Ích là một trong những đại diện đương đại thành công nhất của văn học Đài Loan trên trường quốc tế. Vào năm 2018, tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp có trọng tâm chính là cuộc chiến ở Miến Điện trong giai đoạn Thế chiến thứ 2 đã đưa ông trở thành nhà văn Đài Loan đầu tiên được đề cử ở giải Man Booker Quốc tế danh giá. Kể từ đó, các tác phẩm của ông mỗi khi ra mắt luôn nhanh chóng được chuyển ngữ và đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Ngoài ông, một tên tuổi khác cũng được chú ý là Kevin Chen với cuốn tiểu thuyết Vùng đất quỷ tha ma bắt được chú ý tại cái thị trường nói tiếng Anh. Qua đó cho thấy văn chương Đài Loan đang dần bùng nổ và được ghi nhận bên ngoài biên giới.
Văn học Đài Loan và những chặng đường
Tại buổi tọa đàm, không chỉ tập trung riêng vào giai đoạn đương đại mà các diễn giả cũng nói nhiều hơn về một lịch sử có phần rộng dài của vùng lãnh thổ này. Theo TS. Phan Thu Vân, lịch sử văn học Đài Loan có thể chia ra làm 5 giai đoạn. Đầu tiên, trước năm 1920, văn chương Đài Loan gắn bó chặt chẽ với văn học Trung Quốc dẫu năm 1895 thì đảo quốc này được “cắt” cho Nhật thế nhưng mạch đập nói trên vẫn không ngừng tuôn chảy. Giai đoạn 1920 – 1945 đánh dấu sự ảnh hưởng của Nhật Bản lên văn chương và có thể đây là “văn chương thuộc địa Nhật”. Theo bà Vân, các nhà văn Đài Loan lúc này thường viết nhiều về cuộc sống, con người Đài Loan dưới sự thống trị của đế quốc Nhật, thậm chí có nhiều nhà văn viết bằng tiếng Nhật hoặc không thể nói được tiếng Nhật.
Giai đoạn thứ 3 từ 1945 - 1950 đánh dấu một biến động lớn là cuộc đấu tranh giữa Đảng Quốc dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cũng chính điều này để lại dấu ấn vô cùng mạnh mẽ trong văn học Đài Loan sau này khi mang tính chất hoài hương theo sau cuộc di dân từ Đại Lục sang Đài Loan. Một trong những tác giả lớn của giai đoạn này đã được chuyển ngữ tại nước ta là Diệp Thạch Đào với tập truyện ngắn Giấc mộng xuân ở ngõ Hồ Lô. Đa số sáng tác trong giai đoạn này đều mang tính chất hiện thực, xoay quanh các cuộc đấu tranh, bố ráp, tù tội cũng như khắc họa những người có lí tưởng cao. Giai đoạn 1950 - 1960 lại không ghi nhận được thành tựu nào, khi những biến động ở thời kì trước mới bắt đầu dịu lại.
Đông đảo bạn đọc, các sinh viên đã tham dự hội thảo.
Giai đoạn 1960 - 1980 đánh dấu tính chất “hương thổ” của nền văn chương khi những người từng trải bắt đầu nhận ra nỗi nhớ quê hương còn bản thân mình không thể quay lại. Điều này theo sau thời gian giới nghiêm dài nhất lịch sử thế giới (1948-1987) làm nảy sinh ra “phức cảm Đại lục” mà Bạch Tiên Dũng và tập truyện ngắn Người Đài Bắc thể hiện rõ nhất. Trong đó ông đã nói về những nét độc đáo của quê hương xưa, từ hoa Nam Kinh, đồ ăn Quế Lâm hay lụa Hàng Châu vì ông tin rằng trải qua những cuộc bể dâu, thế hệ nối tiếp sẽ không còn nhớ và không muốn nhớ những gì là của quê hương xưa cũ. Giai đoạn từ năm 1980 đến nay chứng kiến sự đa nguyên hóa, khi nhiều tác giả tiến ra nước ngoài và tạo được tiếng vang lớn. Đó là giai đoạn của Cửu Bả Đao, của Ngô Minh Ích hay Kevin Chen...
Ngoài các giai đoạn phát triển của lịch sử văn chương Đài Loan, sự tiếp nhận văn học Đài Loan tại nước ta cũng được nhắc đến, từ giai đoạn đầu là những tiểu thuyết mang tính kiếm hiệp của Cổ Long, Kim Dung... cho đến tiểu thuyết Quỳnh Dao... 2 thập niên qua, nhờ sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lí nhà nước và cơ quan quản lí văn hóa mà văn học Đài Loan tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã phát triển lên một tầm cao mới. Theo các diễn giả, việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa khác là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, và văn học Việt Nam cũng rất nên tham khảo mô hình nói trên để đưa nhiều hơn nữa các tác phẩm trong nước ra với quốc tế.
TUẤN MINH
VNQD