Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, chàng học viên phi công Nguyễn Quang Bộ cùng Đoàn bay thuộc biên chế Trung đoàn 910, Trường Không quân ở sân bay Tường Vân (Trung Quốc) chuyển về nước. “Đây là một cuộc chuyển quân, vô cùng phức tạp. Lần đầu tiên, vận chuyển một khối lượng máy bay và khí tài lớn, cả bằng đường không, đường biển, đường bộ; các bộ phận cơ động phân tán thành nhiều đợt. Việc tổ chức, quản lí người và khí tài, công tác hậu cần,… trên đường hành quân cả trên đất bạn cũng như khi về Việt Nam, có nhiều khó khăn, trở ngại… “ - Ông Bộ nhớ lại. Nhưng cũng chính kỉ niệm về cuộc chuyển quân đầu đời ấy đã hằn sâu trong kí ức của ông, giúp ông có những quyết định táo bạo, chính xác, linh hoạt, sáng tạo trên các cương vị công tác của người thầy dạy bay, chỉ huy đơn vị cấp nhà trường quân sự, cũng như lãnh đạo Học viện Phòng không – Không quân, thời gian sau này…
Đường tới “Giảng đường trên mây”
Năm 1975, Đoàn bay của ông về tiếp quản căn cứ Không quân Nha Trang, vốn là cơ sở đào tạo phi công của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cùng một bộ phận học viên phi công từ Liên Xô về, biên chế thành một đơn vị, có tên gọi C6 (đại đội 6), thời gian sau, có thêm C7, C8, thuộc biên chế Trung đoàn mang tên 910, thuộc Trường Không quân. Trong thời gian học ở Tường Vân, Trung Quốc, ông mới có 40 giờ bay trên loại máy bay sơ cấp 6( IAK 18), theo quy định, học hết chương trình đào tạo sơ cấp , mỗi học viên phi công phải có đủ 80 giờ bay. Giờ chuyển sang học loại máy bay mới, do ta thu được, bao gồm U17, T4. Thời gian sau, nhà trường tiếp nhận dòng máy bay huấn luyện thế hệ mới L39 (Tiệp Khắc). Như vậy, ông lại phải bay chuyển loại, làm học viên mới trên các loại máy bay mới. Sau khi tốt nghiệp, ông được Nhà trường giữ lại làm giáo viên huấn luyện, mở ra con đường đưa ông tới “Giảng đường trên mây”… - Chính khoảng thời gian này,- Ông Bộ bồi hồi nhớ lại - cái tình của người giáo viên bay, học viên bay và các cơ quan phục vụ dưới mặt đất bảo đảm công tác hậu cần bay, như thợ máy, cơ giới, chuyên viên gấp dù,… thực sự gắn kết, như anh em trong một nhà, và khái niệm “bay – máy”(hiểu nôm na là mối quan hệ gắn bó giữa phi công và thợ máy - chỉ người phục vụ mặt đất), đã trở thành nét đẹp truyền thống, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn trường, và có thể nói, cái tình đó chắc chỉ thấy ở nơi đây, tại ngôi trường đào tạo phi công này! Bạn hãy hình dung, trược mỗi chuyến bay, người phục vụ mặt đất cần mẫn lau chùi máy bay, tháo đế giá giữ bánh máy bay, rồi cùng kéo, đẩy máy bay ra khỏi gara,… sau khi đã nạp đủ dầu máy bay, kiểm tra toàn bộ máy bay, bàn giao, các phi công bước lên thang, ngồi vào buồng lái, khởi động và lăn ra đường băng cất cánh… Khi tiếng động cơ máy bay đã xa dần, những giây phút chợp mắt chập chờn, chờ đón những đồng đội phi công từ trên cao xanh trở về, đã thành những thao thức trong đời những người phục vụ dưới mặt đất…
Phi công Nguyễn Quang Bộ thời trẻ. Ảnh: NVCC
Cả cuộc đời quân ngũ gắn với mặt đất và bầu trời, Đại tá, phi công Nguyễn Quang Bộ đã có 1.500 giờ bay, với 38 năm làm giáo viên bay. Khoảng thời gian làm Phi trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân là nơi mang đến cho ông nhiều cảm xúc, nhiều kỉ niệm nhất. Nơi đây, ông đã có tới hai lần trên cương vị Phi đội trưởng, nơi mà ông bay chuyến bay kiểm tra người học trò yêu quý trước giờ thả đơn và sau đó ông nhận quyết định đi học hệ chỉ huy ở nước bạn và người học trò chuyến bay ấy đã có bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của người lính từ chuyến bay cùng thầy, sau đấy là bay đơn. Phi đội 2, nơi ông là Phi đội trưởng đầu tiên, cùng với các thế hệ phi đội trưởng kế tiếp, đã chỉ huy phi đội nhiều năm đạt Phi đội Quyết thắng, bảo đảm an toàn trong quá trình huấn luyện, tỉ lệ đào tạo phi công luôn cao nhất Trung đoàn. Phi đội 2 trong con mắt đồng nghiệp đã trở thành “Phi đội kiểu mẫu” ! Về phần mình, cựu Phi đội trưởng và cựu Trung đoàn trưởng Nguyễn Quang Bộ, đã đào tạo 10 phi công, 20 giáo viên bay, trong số này có 4 phi công nước bạn Lào. Nhớ lại những ngày” không thể nào quên” này, ông từng thổ lộ “Những năm tháng làm giáo viên bay, tôi đã sống và làm tròn trách nhiệm của người thầy, hết mình với học trò nơi “giảng đường trên mây”( Tập sách “108 Anh hùng phi công chiến đấu Việt Nam”. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, H.2022).
Trong cuộc đời làm phi công huấn luyện nơi “Giảng đường trên mây”, Đại tá, Phi công cấp 1 Nguyễn Quang Bộ cũng có lần suýt gặp tan nạn. Đó là khi ông cùng với một phi công giáo viên thực hành, làm động tác vòng chiến đấu trên máy bay T41( loại máy bay cánh quạt). Bỗng dưng, cánh quạt máy bay khựng lại, cảm thấy động cơ ngừng hoạt động. Lúc ấy, ông chỉ kịp nghĩ, đây là hiện tượng chết máy trên không! Ông nhắc người phi công bay cùng, để mình ông xử lí. Ông cho máy bay hạ thấp độ cao, vào chế độ bay bằng, bình tĩnh tìm cách thoát khỏi tình huống này. Thao tác đầu tiên, ông dùng tay kéo, đẩy cần chế hòa khí (xe máy gọi là le). Sau vài lần làm thao tác này, ông thấy động cơ máy bay lại hoạt động bình thường, tiếp tục hoàn thành bài bay và bay về sân bay hạ cánh. Khi trở về mặt đất, ông trao đổi với thợ máy phụ trách máy bay, được giải thích về lượng khí thiếu trong bộ chế hòa khí. Ông nghĩ, với người phi công, trước khi thực hành các động tác dưới mặt đất cũng như trên không, cần bình tĩnh, kiểm tra tỉ mỉ, kĩ càng, không được phép đơn giản…
Con đường trở thành Nhà khoa học Quân sự
Năm 1982, đang giữ cương vị Phi đội trưởng Phi đội 2, ông là người đầu tiên của Trường Sĩ quan Không quân được cử đi bồi dưỡng tiếng Nga rồi sang Liên Xô học tại Học viện chỉ huy tham mưu Không quân mang tên người Anh hùng, Phi công vũ trụ Liên Xô - Yuri Gagarin. “Thủ trưởng nhà trường giao quyết định đi học, ngay sau chuyến bay huấn luyện vào cuối ngày, - ông Bộ nhớ lại, - dù quyết định này đã có từ ngày hôm trước, nhưng biết tôi vẫn còn chuyến bay kiểm tra học viên trước khi thả đơn nên hôm sau mới trao…”. Ông cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình, dù mới cưới vợ chưa lâu, vì đơn vị ở Nha Trang nhưng phải có mặt ngoài Quân chủng tại Hà Nội đúng thời gian đã quy định.
Suốt bốn năm theo học tại Học viện trên đất bạn, với ông quả là một thử thách. Trong số những sĩ quan sang học khóa ấy, ông là một trong số ít học viên không qua đào tạo phi công ở Liên Xô, vì vậy, rào cản về tiếng Nga, rõ là một thách thức không hề nhỏ. Ông đã phải nỗ lực vượt bậc, ông dành mọi thời gian có thể, cả nhờ đồng đội kèm học, dịch các bài giảng ghi trên lớp để theo kịp chuơng trình lí thuyết… “Hầu như quãng đời làm học viên những năm ấy, tôi không có thời gian nghỉ ngơi, đi chơi phố. Hiểu biết về nước Nga, văn hóa Nga, cõ lẽ chỉ là qua sách văn học, qua phim, ảnh… dịch ra tiếng Việt” - Ông Bộ tâm sự. Luận văn tốt nghiệp khóa đào tạo tại Học viện chỉ huy tham mưu Yuri Gagarin của ông với đề tài: “Sử dụng không quân chi viện, bảo vệ cho chiến dịch phòng ngự” năm ấy, ghi dấu ấn về tư duy khoa học, áp sát thực tiễn đã khơi mạch nguồn nghiên cứu của người thầy giáo, phi công Nguyễn Quang Bộ trong môi trường đào tạo, huấn luyện, nơi giảng đường rất đặc biệt – “giảng đường trên mây” ở Trường Sĩ quan Không quân, cả thời gian sau này làm cán bộ quản lí ở Học viện Phòng không – Không quân.
Con đường binh nghiệp của ông xem ra không có điểm dừng, phải chăng ông là người cầm tinh con Ngựa chiến?! (Ông sinh năm 1954, tuổi Giáp Ngọ). Vào các năm 1994, 1995, ông tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ tại Học viện Quốc phòng. Năm 2005, ông được điều về công tác tại Học viện Phòng không – Không quân. Tại đây, sau thời gian ôn thi 3 tháng, ông đăng kí học khóa đào tạo Tiến sĩ (2004, 2005), sau đó, ông đã hoàn thành chương trình đào tạo này. Năm 2008, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Học viện Quốc phòng với đề tài: “Nghệ thuật sử dụng Không quân tiêm kích trong tác chiến phòng thủ trên chiến trường Miền Bắc”. “Để có thể hoàn thành công việc này, tôi đã phải cố gắng gấp đôi, gấp ba…” – Ông Bộ hồ hởi. - Quả thực, với khoảng thời gian ngắn như thế, ông quả là phi công đã đạt một kỉ lục “vô tiền, khoáng hậu” trong đời một con người! Ông trực tiếp hướng dẫn học viên học thạc sĩ. Có một kỉ niệm, phải nói là “xưa nay hiếm” trong đời một phi công, một nhà khoa học như ông. Ông có nhiều học trò, trong số này, có một học viên, thời làm thầy dạy bay ở Trường Sĩ quan Không quân, ông là người trực tiếp hướng dẫn bay. Sau khi chuyển về Học viện Phòng không – Không quân, ông lại làm thầy dạy người học trò này tại hệ đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu ở Học viện, và sau cùng, chính ông lại là người hưỡng dẫn trò cưng làm luận văn thạc sĩ. Người học viên ấy giờ đang trên cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, vị trí mà mấy chục năm trước ông từng đảm nhiệm! Như vậy, cả thầy và trò đều là những người hạnh phúc!
Phi công Nguyễn Quang Bộ khi đã trưởng thành, làm lãnh đạo Học viện Phòng không - Không quân. Ảnh: NVCC
Trên cương vị mới, Phó Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu khoa học Học viện Phòng không - Không quân, ông đã cùng với Ban lãnh đạo Học viện từng bước đổi mới nội dung giảng dạy, chỉ đạo biên soạn giáo trình, chọn dịch các tài liệu tham khảo mới của nước ngoài. Ông trực tiếp dịch, biên soạn giáo trình, tham gia chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp chiến thuật, chiến dịch. Hơn thế, ông vốn là người có cá tính mạnh, sống bộc trực, trong ông tràn đầy năng lượng cống hiến, vì việc chung, ông vô tư “lấn sân” - tham gia chỉ đạo công tác tham mưu, hậu cần, khoa học công nghệ trong Học viện.
Chỉ trong khoảng thời gian hai năm, với những đóng góp trong nghiên cứu và giảng dạy ở “giảng đường trên mây” cũng như dưới mặt đất, hồ sơ đề nghị xét phong học vị Phó Giáo sư của ông đã được Hội đồng chức danh Nhà nước thông qua với tỉ lệ phiếu thuận cao. Năm 2010, Đại tá, Phi công cấp 1, Tiến sĩ Nguyễn Quang Bộ trở thành Phó Giáo sư trên cương vị một giáo viên huấn luyện bay, một nhà nghiên cứu khoa học quân sự của Quân chủng Phòng không - Không quân trong “đội hình” các nhà khoa học quân sự của đất nước!
Khát vọng chinh phục những chân trời mới
Vốn là một người trưởng thành từ thực tế, ông luôn có những sáng kiến để gần, sát với việc đào tạo học viên. Là một cán bộ kinh qua chỉ huy cấp biên đội, phi đội, trung đoàn và phó hiệu trưởng nhà trường, ông hiểu rõ thực tế đơn vị huấn luyện cần gì, giáo viên, học viên huấn luyện thiếu gì… Ông cùng Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc biên soạn chương trình đào tạo sát với thực tế, trang bị phòng cabin mô phỏng, thực hành bay dưới mặt đất.
Bằng trải nghiệm của riêng mình, ông hiểu, với người phi công, hoạt động ở một môi trường đặc biệt, yếu tố thể lực, độ bền của sức chịu đựng trên không là vô cùng quan trọng. Ngoài việc quan tâm sâu sát chế độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn ở bếp ăn phi công, ông xây dựng một chế độ rèn luyện sức khỏe bài bản, khoa học. Từ hạn chế của bản thân, - ông vốn là một người yếu về tiền đình, - đối với các bài bay huấn luyện phức tạp, khó đáp ứng được yêu cầu, cá nhân ông đã bền bỉ tập các động tác trên vòng quay, đu quay, thang quay…
Từ cương vị Trung đoàn trưởng, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân. Với trách nhiệm mới, phụ trách công tác đào tạo, có thể là vị trí “đắc địa” để ông có cơ hội thử sức, thử năng lực của mình ở “lãnh vực” mới. Về hoạt động chuyên môn, ông cùng Ban Lãnh đạo Nhà trường tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện khí tài hạn chế, phần lớn đã tới “ngưỡng” của tuổi thọ. Ông cùng “bộ” tham mưu Nhà trường đề nghị cấp trên cải tiến chương trình, quy trình trên các loại máy bay huấn luyện mới như L39, YAK 52, Mig 21, nhằm thích ứng với các loại máy bay được trang bị ở các đơn vị chiến đấu như dòng máy bay tiêm kích, tiêm kích bom thế hệ mới - SU. Như thế, học viên tốt nghiệp ra trường, về các đơn vị chiến đấu có thể nhanh chóng làm chủ kĩ thuật, đáp ứng được nhiệm vụ chiến đấu khi xảy ra chiến tranh…
Những năm gần đây, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã quan tâm, chia sẻ với những đề xuất thiết thực của Nhà trường, trang bị các loại máy bay huấn luyện mới như YAK 130, L39LG. Ngoài ra, để đáp ứng với chủ trương trang bị máy bay cho các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ phục vụ khai thác dầu khí, tuần tra biển… Nhà trường đã mở thêm chương trình đào tạo phi công lái máy bay trực thăng, điều khiển UAV,…
Là người chỉ huy sống gần gũi, hòa đồng với đồng chí, đồng đội, ông hiểu tâm tư, tình cảm của mỗi người trong đơn vị, từ người chiến sĩ canh gác doanh trại đến các cán bộ, sĩ quan chỉ huy dưới quyền. Ông đã cùng Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường bàn bạc, trao đổi, từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên Nhà trường. Khi có chính sách về cấp quyền sử dụng đất cho các đối tượng xây nhà riêng, ông quan tâm xây dựng tiêu chí tính điểm để bình xét trên tinh thần công tâm, khách quan, để không ai trong diện được thụ hưởng chịu thiệt thòi.
Thay cho lời kết
Để có thêm những hiểu biết về người thầy trên giảng đường “mây”, nhà khoa học, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phi công cấp 1 Nguyễn Quang Bộ, chắc chắn sẽ là chưa đủ, nếu như không mạnh dạn “mở” cánh cửa bí mật ngôi nhà riêng của ông, gia đình ông?! Trong một lần gặp ông, rất tình cờ, người viết bài này, đã khéo nhắc chuyện về “cơ số” các bóng hồng mà ông đã gặp. Ông cười thật thà, giọng nhỏ nhẹ: tôi kém trong chuyện tán gái. Có thể, thời tuổi trẻ, là lính bay, rồi trở thành thầy giáo dạy bay, đâu có nhiều thời gian cho riêng mình, và ông quá rõ, người đời vẫn quan niệm, với phi công quân sự là không có thời bình! Bởi vậy, tình yêu với cánh lính bay, thường có tuổi thọ ngắn!
Qua tự thú của ông, mới hay, ông đã từng yêu ‘đơn phương” một cô gái sinh ra ở Thủ đô, sau ngày thống nhất đất nước, theo cha, mẹ vào thành phố biển, quê cha. Người con gái này làm bên ngành tài chính, nhưng có kiến thức về âm nhạc và thích hát. Ông quen người bạn gái này qua “giới thiệu” của một người đàn anh trong phi đội. Ngay trong buổi “coi mắt”, hiểu được những sở thích riêng của cô, anh có đôi chút tự ti. “Lúc ấy tôi tự nhủ, mỗi người ai cũng có sở thích của riêng mình. Cô ấy thích nhạc, thích hát, mình cũng có năng khiếu làm thơ, cũng biết hát vài ba làn điệu chèo Thái Bình quê nhà… Yêu nhau, quan trọng, là sự chân thành, và hợp tính nhau nữa, nói theo từ kĩ thuật là có cùng “tần số” hay không”!? Suốt thời gian hẹn hò, ông đã cùng bạn gái đi coi phim, cùng nhau đi dạo biển và ngắm hoàng hôn biển phía đường chân trời… Gần hai năm tìm hiểu nhau mà ông không “bắt” được “sóng yêu” từ người bạn gái, mối tình đầu này. - “Giá như thời ấy mà có Smartphone, mọi việc chắc sẽ khác…” - (ông cười, giọng có phần tiếc nuối). Ông quyết định “bỏ cuộc” và đến với tình yêu mới, người này là phu nhân của ông bây giờ. May mắn, sau cuộc “rút lui” lặng lẽ, ông gặp được một cô gái hiền thục, nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Đúng vào thời khắc trước đám cưới, người con gái của tình đầu hẹn gặp ông. Với ông, lúc ấy, cũng không còn cảm giác hồi hộp, sướng “thầm” nữa, - nói như cánh trẻ, ông đã hết “khát yêu”. Tại lần gặp này, ông cũng “bắt” được sóng tình từ người bạn gái, nhưng ông cảm thấy thanh thản, tràn đầy tự tin, không còn chút tự ti, mặc cảm của thời gian quen và yêu “đơn phương” của ngày ấy… Ông chân thành nói với cô, ông đã có người yêu, sắp tổ chức đám cưới; ông muốn, từ nay, hai người chúng ta nâng cấp quan hệ thành tình bạn suốt đời!
Vợ của ông người gốc Nghệ Tĩnh, một nữ sinh sư phạm xinh đẹp, hiền thục. Sau khi cưới nhau, ông xin cho bà về làm thủ thư trong Thư viện Nhà trường, sống cuộc đời của một người vợ phi công, như bao người phụ nữ có chồng là phi công khác, có thể nói là suốt đời chờ chồng, luôn trong tâm trạng lo âu và hi vọng… Cả đời binh nghiệp của ông hầu như sống xa gia đình, vợ, con. Mọi việc trong nhà, bà thay ông gánh vác, nuôi con khôn lớn, chăm sóc chu đáo hậu phương của hai bên gia đình nội, ngoại. Cho tới tận bây giờ, có một điều, ông chưa lí giải được: ông chưa hết bất ngờ khi bà vẫn ủng hộ cậu quý tử theo nghề của ông khi ông chưa kịp hỏi ý kiến bà về việc “chọn nghề” cho con trai. Quý tử của ông bà giờ đã là cơ trưởng trực thăng, dòng máy bay hiện đại, bay phục vụ khai thác dầu khí ở một sân bay phía Nam. Từ ngày lấy nhau, ông chưa khi nào thấy bà phàn nàn, ta than với ông một điều gì. Rõ ra, cả đời, ông nợ bà món nợ khó mà đền đáp.
LÊ HUY HOÀ
VNQD