Nằm bên bờ sông Đuống, làng Đông Khê, Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một ngôi làng cổ gắn liền với nghề làm Phỗng đất cổ truyền có tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Thế nhưng giờ đây, sau nhiều thay đổi của cuộc sống, hiệu quả kinh tế từ làm phỗng đất không cao… cả làng Đông Khê nay chỉ còn một người duy nhất lưu giữ được nghề, đó là nghệ nhân Phùng Đình Giáp - ông là nghệ nhân làm phỗng đất cuối cùng tại Việt Nam. Lên 8 tuổi được cha chỉ dạy cho cách nặn phỗng đất. Đến nay ông Giáp đã có hơn 60 năm trong nghề. Với đôi chai sạn, ông đã thổi hồn vào các sản phẩm, tạo nên những kiệt tác góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa vùng quê Kinh Bắc.
Ở
Thăng Long xưa, trẻ em hay biết đến Tò he, Tàu sắt… thì trong kí ức của nhiều người tại vùng Kinh Bắc, cỗ Trung thu ngoài mâm ngũ quả, bánh kẹo, nhất định phải có một bộ phỗng đất, ông Tiến sĩ giấy và đèn ông sao.Phỗng đất không chỉ là đồ chơi của con trẻ ngày xưa mà còn mang giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện hồn cốt quê hương. Bộ phỗng đất Trung thu gồm các hình tượng phỗng ông Phật, phỗng ông già, phỗng em bé ôm hoa. Sự kết nối giữa các thế hệ tượng trưng cho dòng chảy của thời gian và sự trường tồn của văn hoá. Ngoài ra phỗng đất còn có hai con vật là chim và rùa... Quy trình làm phỗng đất rất công phu, nguyên liệu để làm phỗng đất chủ yếu là đất thó, giấy gió và phẩm màu. Đất được lấy từ đồng ruộng, ao hồ dưới độ sâu khoảng 3m, đem phơi khô, cho vào cối đập thành bột mịn, sàng kĩ rồi đem trộn với bột hồ được làm từ giấy gió ngâm trong nước 30 ngày. Quy trình nặn phỗng đất đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân. Điều quan trọng là phỗng đất khi tạo hình phải giữ được nét dân dã, nếu cầu kì, tỉa tót hoa văn lại mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Phỗng đất nặn xong thường được phơi khô, rồi dùng phẩm màu vẽ hoàn thiện, đối với phỗng mộc thì không vẽ màu nhưng phải phơi nắng 10 ngày, sau lấy cật tre vừa phơi nắng, và đánh bóng từng nhân vật. Nghệ nhân Phùng Đình giáp chia sẻ quy trình làm phỗng đất cho du khách tham quan tại làng nghề. Phỗng đất được giới thiệu và bày bán trong hội trợ truyền thống Khách tham quan được trải nghiệm tự tay làm những chú phỗng đất đón Tết Trung thu. Phỗng đất ngày nay ít người biết đến, nhưng giá trị của nó sẽ còn vang mãi với thời gian, như một dấu tích về nét đẹp văn hóa của người Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: VĂN HẢI - TIẾN ĐỨC
VNQD