Quần thể hang động Pu Sam Cáp thuộc hệ thống dãy Pu Sam Cáp có độ cao khoảng 1.300m đến 1.700m so với mặt nước biển. Đây là dãy núi đá vôi hình thành từ kỉ nguyên kiến tạo, theo địa hình catster với sườn núi thoải về hướng Nam và dốc đứng, chia cắt về hướng Bắc. Với hơn 10 hang lớn nhỏ, trong đó có 2 hang động lớn, cũng là 2 hang động đã được đưa vào khai thác và đón tiếp khách du lịch là Động Thiên Môn và Động Thiên Đường, trong đó Thiên Đường thực sự tráng lệ, là trái tim của "Tây Bắc đệ nhất động". Quần thể hang động Pu Sam Cáp nằm men theo tỉnh lộ 129 đi cao nguyên Sìn Hồ, chỉ cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 6km về phía Tây, đường đi thuận tiện nên du khách đến Lai Châu có thể dễ dàng ghé thăm kì quan Tây Bắc này.
Hãy cùng PV VNQĐ khám phá Động Thiên Đường.
Như nhiều hang động ẩn trong lòng núi khác, Động Thiên Đường, thuộc quần thể hang động Pu Sam Cáp cũng có lối xuống giao hoà với thiên nhiên, cây rừng rợp bóng.
Lối vào không lớn nhưng càng vào trong, du khách sẽ càng thấy mở ra những bí mật của kì quan trong lòng núi này.
Những bức rèm châu sa như trong những nhà hát balet nổi tiếng làm nên vẻ lộng lẫy của Động Thiên Đường.
Những nhũ đá ở đây có đặc điểm thanh mảnh và buông dày, nhiều chỗ được ví với mái tóc của người con gái.
Dưới lớp đáy động, nhiều khu vực cũng mang những tạo hình lượn sóng hay các hình thù độc đáo, làm nên vẻ tráng lệ của hang động.
Có những khu vực nhũ đá và nền tương tác với nhau bằng những hình thù đối lập.
Một "chiếc thúng" giữa lòng hang.
Những hình vân đá khác nhau cùng phối cảnh cho bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ gợi cho người xem nhiều liên tưởng.
Bóng nước trong hang tạo nên những thế giới song song kì thú.
Một "chân đế" cho chiếc cột nhũ đá lớn với hoa văn đặc sắc.
Trên hô dưới ứng.
Chịu khó để ý bạn sẽ có vô vàn khuôn hình độc đáo bên trong Động Thiên Đường.
Những lá nhũ mỏng tang nếu được chiếu sáng nghệ thuật sẽ tạo hiệu ứng huyền ảo rất tốt.
Nhiều khu vực, trần và đáy hang rất gần giúp cho bạn có thể quan sát các nhũ đá buông ở cự li gần.
Những nhũ đá hình măng tua tủa làm nên vẻ đẹp hiếm có của Động Thiên Đường trong tương quan với nhiều kì quan hang động khác của Việt Nam.
Giao hoà trong một tổng thể.
Như nhiều hang động khác, Động Thiên Đường cũng có nhiều hình khối mang những hình thù độc đáo. Một nhũ đá khá lớn ở khoang thứ hai mang hình ngòi bút.
Và một khối đá lớn ngay cửa vào mang hình sư tử.
Một chiếc "nanh hổ trắng" lẫn giữa những nhũ đá vàng.
Và pho tượng tí xíu giữa bình nguyên đá.
Phong cảnh thân quen của vùng Tây Bắc với những tràn ruộng bậc thang được tái tạo trong Động Thiên Đường.
Và một khối trụ mang hình toà tháp Pisa của Ý khi chưa bị nghiêng.
Những hình khối lớn được tạo nên từ nước đá vôi.
Vân đá xếp lớp như bộ lông chim rừng.
Một "miệng hang" trong Động Thiên Đường.
Trần hang như những lớp rèm sân khấu với chạm khắc tinh tế.
Quần thể động Pu Sam Cáp gắn với truyền thuyết của người Thái. Tương truyền rằng, Ải Sái Hịa là người của nhà Trời được Then sai xuống hạ giới khai hoang mở đất. Xuống dân gian, Ải khai phá đất hoang thành những ruộng lúa. Mỗi cánh đồng nằm cách nhau mấy chục ngày đi đường. Vào buổi sáng, Ải sẽ nhổ mạ ở Mường Thanh, trưa thì về Mường Lò ăn cơm, chiều lại đi cấy ở Mường Tắt và Mường Than. Dãy núi Pu Sam Cáp chính là chứng tích của ba vùng mà Ải làm ngày ấy. Quần thể hang động Pu Sam Cáp được phát hiện từ tháng 7 năm 2006. Theo tiếng Thái “Pu Sam Cáp” có nghĩa là ba quả núi lớn chồng lên nhau.
Tuy chưa được đầu tư nhiều và số du khách đến đây cũng còn thưa vắng, nhưng Quần thể hang động Pu Sam Cáp nói chung, Động Thiên Đường nói riêng vẫn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch của tỉnh Lai Châu. Một dự án đầu tư chuyên sâu kết hợp khai thác với bảo tồn di sản xứng tầm là điều cần thiết đối với Quần thể hang động này.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: NGUYỄN XUÂN THUỶ
VNQD