Đoàn công tác chúng tôi có mặt tại Phú Quốc vào một ngày nắng đẹp, khi những cơn gió biển mang theo hơi thở mặn mòi từ khơi xa. Điểm chúng tôi đến đầu tiên là Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trên đảo, nơi lưu giữ tinh thần quật khởi của vị thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa. Giữa không gian linh thiêng, trước bàn thờ nghi ngút khói hương, từng câu nói của ông vẫn còn vang vọng: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây".
Câu nói ấy không chỉ là lời thề sắt son với Tổ quốc mà còn trở thành kim chỉ nam cho bao thế hệ chiến sĩ hải quân Vùng 5 đóng quân trên hòn đảo này. Những người lính Hải quân ấy vẫn ngày đêm canh giữ biển trời Tây Nam, tiếp nối tinh thần Nguyễn Trung Trực, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực trên đảo Phú Quốc.
Hành trình đến hòn ngọc phương Nam
Nhìn về quá khứ, Phú Quốc từng là một hòn đảo hoang sơ, ít người biết đến. Những năm chiến tranh, nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng, là đảo tiền tiêu chống ngoại xâm và từng chứng kiến bao cuộc chiến khốc liệt. Nhưng cũng chính trên mảnh đất này, sau chiến tranh, cuộc sống dần hồi sinh. Từ một vùng đảo nghèo, nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, Phú Quốc đã từng bước phát triển, trở thành “hòn ngọc phương Nam” của đất nước.
Hôm nay, Phú Quốc đã khoác lên mình một diện mạo mới. Những con đường ven biển thơ mộng, những khu resort hiện đại, những cảng biển nhộn nhịp tàu thuyền… Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, khẳng định: "Phú Quốc hôm nay phát triển mạnh mẽ, nhưng không thể quên rằng đây là vùng đảo tiền tiêu, tuyến phòng thủ quan trọng. Chúng tôi không chỉ bảo vệ biển đảo, mà còn góp phần giữ gìn hoà bình để Phú Quốc vươn mình thành viên ngọc sáng".

Hoàng hôn trên đảo Phú Quốc.
Lá chắn sóng nơi tiền tiêu
Đóng quân trên đảo Phú Quốc, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân là đơn vị trọng yếu trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển, cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, đảm bảo an toàn hàng hải và sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Những chiến công của họ không phải lúc nào cũng được nhắc đến, nhưng mỗi chuyến tuần tra kéo dài nhiều ngày giữa đại dương mênh mông, mỗi lần vượt sóng cứu nạn ngư dân giữa cơn bão tố, mỗi giờ phút căng thẳng theo dõi, phát hiện những mục tiêu xâm phạm vùng biển chủ quyền… đều là những minh chứng cho sự hi sinh thầm lặng của họ.
Trung tá Đặng Triệu Bình, Trợ lí Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, chia sẻ: "Người lính Hải quân Vùng 5 không chỉ đối mặt với sóng gió mà còn mang trên vai trọng trách bảo vệ chủ quyền và cuộc sống bình yên của nhân dân. Mỗi chuyến tuần tra kéo dài hàng chục ngày, mỗi lần lao vào bão dữ cứu tàu cá gặp nạn đều là những minh chứng cho sự hi sinh thầm lặng của chúng tôi. Phú Quốc hôm nay phát triển, nhưng dấu chân người lính vẫn in hằn trên từng bãi cát, từng con sóng".
Không chỉ làm nhiệm vụ canh gác, các cán bộ chiến sĩ Hải quân Vùng 5 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân. Mỗi khi tàu cá gặp nạn, những con tàu cứu hộ của Lữ đoàn 127 luôn sẵn sàng lên đường bất kể ngày hay đêm.
Thượng úy Nguyễn Văn Duẩn, Thuyền trưởng tàu cứu hộ 924, Lữ đoàn 127, tâm sự: "Làm nhiệm vụ cứu hộ trên biển chưa bao giờ là dễ dàng. Nhiều lần tàu chúng tôi phải đối mặt với sóng lớn cấp 8, cấp 9 để tiếp cận tàu gặp nạn. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, phía sau mỗi con tàu là hàng chục, hàng trăm sinh mạng. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần nhận lệnh là anh em sẵn sàng lên đường. Đối với chúng tôi, mỗi lần kéo được tàu ngư dân về bờ an toàn là một lần hoàn thành sứ mệnh cao cả của người lính biển".

Tàu cứu hộ 924 và tàu HQ 526 thuộc Lữ đoàn 127 tại quân cảng Vùng 5.
Hạ sĩ Phan Thế Duy, một chiến sĩ trẻ mới ra đảo nhận nhiệm vụ, dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng luôn mang trong mình niềm tự hào: "Tôi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng tôi hiểu rằng trách nhiệm của người lính Hải quân không chỉ là bảo vệ chủ quyền mà còn là mang lại sự bình yên cho bà con ngư dân. Mỗi lần thấy những con tàu ngư dân cập bến an toàn sau chuyến đi xa, tôi lại càng tự hào hơn về nhiệm vụ của mình". Sự kiên cường của những người lính trẻ như Duy chính là sự tiếp nối truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam, những người luôn sẵn sàng hi sinh để giữ vững biển trời quê hương.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân chuẩn bị trang bị hậu cần cho chuyến đi công tác của đoàn đến các đảo Tây Nam.
Cho hôm nay và cho mai sau
Nhìn Phú Quốc hôm nay với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, những bãi biển tấp nập du khách, ít ai nghĩ rằng hòn đảo này từng là mảnh đất của biết bao gian khổ. Sự phát triển của Phú Quốc không chỉ là thành tựu kinh tế, mà còn là minh chứng cho sự bình yên mà các thế hệ người lính hải quân đã dày công giữ gìn.
Sự hiện diện của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân không chỉ mang ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, mà còn góp phần bảo đảm an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển. Những chiến sĩ hải quân trên đảo, trên tàu cứu chữa ngư dân giữa đại dương, những người lính hải quân sẵn sàng lao ra sóng dữ cứu tàu cá gặp nạn, những người lính ra đa ngày đêm theo dõi từng chuyển động trên biển, tất cả đều góp phần tạo nên một Phú Quốc phát triển nhưng vẫn vững vàng trước sóng gió thời cuộc.

Đảo ngọc Phú Quốc trong ngày mới.
Phú Quốc hôm nay không chỉ là hòn đảo du lịch, mà còn là đảo quân sự, đảo của những người lính can trường. Và chắc chắn, Phú Quốc của ngày mai vẫn sẽ tiếp tục vươn xa, vững vàng như chính tinh thần của người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng này.
VŨ THÀNH DUY
VNQD