. NGUYỄN HƯNG
Tôi gặp Đại tá, tiến sĩ Lê Hữu Trường, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử quân sự, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng vào sáng một ngày đầu thu. Mái tóc điểm bạc, ánh mắt cương nghị giấu sau cặp kính dày, trên bàn là tập tài liệu tiếng Anh đang mở, anh vừa đọc vừa đánh dấu để phục vụ cho giờ dạy vào buổi chiều. Khi được hỏi, anh bảo tiếng Anh này anh tự học, lâu lắm rồi, từ những ngày còn ở trong Sư đoàn 330, Quân khu 9.
Khởi đầu của chàng trai Lê Hữu Trường là thi đỗ vào Trường Sĩ quan Chỉ huy Kĩ thuật Phòng không (giờ là Học viện Phòng không - Không quân), chuyên ngành Pháo cao xạ. Khi ra trường đầu những năm 90, sĩ quan trẻ, chưa vướng bận vợ con chỉ muốn đi xa để mở rộng tầm mắt, khám phá những vùng đất mới nên đã đăng kí vào Quân khu 9. Khi vào Quân khu 9 anh được biên chế về Sư đoàn 330, đóng quân ở thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ở nơi đây lần đầu chàng trai quê chiêm trũng Hưng Yên biết thế nào là mùa nước nổi với sóng nước bạt ngàn, nhìn bốn xung quanh chỉ thấy thấp thoáng ngọn cây nằm xòa trong nước. Anh kể, ở quê nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay đã thấy rộng lắm rồi. Giờ nhìn sóng nước mênh mông kéo ngút mắt về phía đường chân trời, xóa nhòa mọi ranh giới địa lí mới hiểu sự biết, trải nghiệm của mình còn hạn chế nhiều.
Chưa hết, những năm đó cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mới chấm dứt được ít lâu. Những người lính quân phục còn vương mùi thuốc súng trở về từ nước bạn ngày ngày vẫn kể cho nhau nghe những mẩu chuyện chiến đấu khắc cốt ghi tâm. Là lính trẻ mới chân ướt chân ráo từ Bắc vào, Trường cũng nghe, ham nữa là khác, rồi lân la hỏi, trận A trận B quân ta phục kích ở đâu, quân địch từ hướng nào đến, liên lạc tiếp viện hậu cần ra sao, đánh xong rút về điểm nào... Rồi vì thích nên cũng tìm đọc thêm sách lịch sử chiến tranh, hồi kí của các tướng lĩnh, sách văn học viết về trận mạc.
Đến năm 1992 anh đi học chuyển loại chính trị 6 tháng, sau đó quay lại làm cán bộ đại đội của Tiểu đoàn Phòng không, Sư đoàn 330. Từ đây con đường của chàng lính chuyên ngành Pháo cao xạ rẽ sang hướng khác. Thâm tâm anh hiểu chính các câu chuyện của các anh các chú từ chiến trường Campuchia trở về (có người từ chống Mĩ) đã âm thầm thúc đẩy anh thử sức với lĩnh vực mới. Đến năm 2005 anh đi học tại Học viện Chính trị, thuộc Bộ Quốc phòng. Sau đó, vẫn quay trở lại đơn vị cũ, giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 330. Đến năm 2011 thì anh chính thức nhận công tác tại Học viện Quốc phòng.
Hơn hai mươi năm gắn với đơn vị đến khi làm công tác giảng dạy giúp anh hiểu rằng dạy lịch sử chính xác là truyền kiến thức từ người dạy sang người học, trong quá trình dạy cả hai cùng trao đổi để nâng cao kiến thức của mình hơn chứ không chỉ đơn thuần rập khuôn một chiều phát và nhận. Việc dạy cũng cần bám sát nội dung thực tế, tránh biến bài học thành khô khan nhàm chán; có liên hệ thực tiễn gắn với thời đại ngày nay, qua từng giai đoạn phát triển của đất nước thì từng vấn đề lịch sử cụ thể được nhìn nhận thế nào. Đặc biệt, sau mỗi bài học lịch sử học viên đúc rút được điều gì áp dụng vào vị trí công tác hiện thời.
Nhận thức môn Lịch sử quân sự cũng chính là bộ môn nền tảng để học viên có thể tiếp thu được các bộ môn khác một cách thuận lợi, dễ dàng hơn, vì thế, Đại tá, tiến sĩ Lê Hữu Trường vẫn luôn tâm niệm người thầy hôm nay không được thỏa mãn với vốn kiến thức mình đã có, phải liên tục trau dồi kiến thức mới, đi thực địa khi có điều kiện, biết tự học hỏi đào sâu qua sách báo, internet, với từng vấn đề phải hiểu được tận cùng gốc rễ của nó; với cùng một vấn đề giảng dạy phải mở rộng, chẻ nhỏ, nhìn bằng nhiều chiều.
Và những điều anh nghiên cứu, giảng dạy bao năm đã được đúc kết trong cuốn sách Một số nét nghệ thuật tiêu biểu về sử dụng lực lượng phản công chiến lược trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 - 1975), dày 188 trang, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản trong quý II vừa rồi. Theo lời nói đầu của Nhà xuất bản, “cuốn sách đã đi sâu nghiên cứu thực tiễn hoạt động sử dụng lực lượng phản công chiến lược, từ đó rút ra một số nét tiêu biểu về nghệ thuật sử dụng lực lượng phản công chiến lược trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, làm cơ sở vận dụng vào trong điều kiện tác chiến mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Với riêng tôi, khi cầm một cuốn sách nghiên cứu thường mở ra sau xem phần tài liệu tham khảo trước. Nhìn vào mục tài liệu tham khảo chi tiết, kĩ lưỡng, tỉ mỉ, tôi tin Đại tá, tiến sĩ Lê Hữu Trường vẫn đang ấp ủ không chỉ một mà là nhiều cuốn sách nghiên cứu về lịch sử quân sự của nước Việt Nam ta.
N.H
VNQD