Gác lại ước mơ

Thứ Hai, 09/10/2023 16:18

. HỒ KIÊN GIANG
 

Đã năm năm, mỗi lần về quê ngang qua Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, trong lòng anh Sơn Khải (dân tộc Khmer), sinh viên ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Cần Thơ trào dâng nỗi nôn nao, dường như vừa quen vừa lạ. Quen là vì anh từng đến đây đăng kí xét tuyển vào nhà trường quân đội để được gắn bó đời mình với binh nghiệp. Lạ là khi chạm ngưỡng ước mơ thì anh gác lại và mãi mãi rời xa.

Trung uý Sơn Khương (trái) cùng em trai nghiên cứu sáng kiến chuẩn bị Lễ ra quân huấn luyện năm 2021

Hơn hai mươi năm trước, ba anh Khải đột ngột qua đời ở tuổi bốn mươi, để lại mẹ anh gồng gánh nuôi ba đứa con: Sơn Khương bảy tuổi, Sơn Kha năm tuổi, và Sơn Khải mới hai tháng tuổi. Nhà chỉ có một công đất canh tác, gia đình vốn khó khăn càng túng thiếu khi trụ cột không còn, mất nguồn thu nhập chính từ tiền làm mướn hằng ngày của ba. Vì miếng cơm manh áo cho ba đứa con nhỏ, lưng má như còng xuống, đôi tay gần như quen từng mảnh ruộng khắp vùng Phước Long. “Những chuyến đi làm mướn xa, má dắt anh em chúng tôi theo để tiện chăm sóc nên việc học của anh Hai gián đoạn, bốn năm hai lớp. Hàng xóm nói vui: Thằng Khương chờ thằng Kha lớn lên học chung cho có bạn”, anh Khải nhớ lại.

Đó cũng là lúc má anh nhận ra, muốn các con thoát nghèo khổ như đời ba má thì phải học, phải lấy con chữ làm “lưng vốn” cuộc đời; dù ngày xưa má chỉ học lớp bốn, dù má biết sẽ vất vả nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học B, thị trấn Phước Long, kể: “Anh em Sơn Khương mồ côi ba từ nhỏ nhưng chăm ngoan, học lực khá. Đường đến trường sình lầy, trơn trượt, thiếu tập vở nhưng ít khi nghỉ học. Đã vậy, ngoài giờ học còn phụ má hái năn bưng ra chợ bán. Các thầy cô đều thương các em.”

Anh Khương và Kha phấn đấu giữ thành tích học tập tiên tiến trong suốt bốn năm THCS và ba năm THPT tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu. Nhưng ít ai biết, hai anh em Khương cùng nuôi dưỡng một ước mơ. “Năm 2013, tôi và má, bà con, hàng xóm vui mừng đón nhận tin vui anh Khương thi đậu Trường Sĩ quan kĩ thuật quân sự Vin-hem Pích, anh Kha cũng đủ điểm vào Trường Sĩ quan Lục quân 2. Vậy là ước mơ chọn binh nghiệp đạt thành, cũng là để má bớt âu lo chi phí khi hai anh vào đại học. Má run run thắp nhang lên bàn thờ ba. Có lẽ, ở nơi nào đó, ba cũng rất vui”, anh Khải xúc động nói.

Nhớ lại ngày đó, anh Bùi Thế Nhân, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Phước Long, cho biết: “Đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn của địa phương khi lần đầu tiên có anh em ruột dân tộc Khmer cùng thi đậu vào trường sĩ quan Quân đội. Vì vậy, chúng tôi thường lấy tấm gương đó để giáo dục, tuyên truyền cho thanh niên địa phương.” Thầy Trần Nhân Nghĩa, giáo viên Trường THCS thị trấn Phước Long, chia sẻ: “Gần 25 năm dạy học, biết bao thế hệ học trò ra trường và thành đạt nhưng chưa bao giờ tôi xúc động như khi hai anh em Khương và Kha cùng đậu trường có chỉ tiêu tuyển chọn khắt khe và luôn lấy điểm cao. Sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện ước mơ của hai em khiến mọi người ngưỡng mộ.”

Đại uý Sơn Kha (thứ 3 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm ném lựu đạn xa trúng đích với cán bộ, chiến sĩ trong giờ giải lao trên thao trường

Năm 2017, Sơn Kha ra trường với quân hàm trung uý, được điều về giữ chức Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9), xa nhà hơn 200 cây số. Hơn năm năm trước, có dịp lên đơn vị công tác, Đại uý Nguyễn Thanh Đô, Đại đội trưởng Đại đội 2, chia sẻ: “Hơn bốn năm công tác, đồng chí Sơn Kha luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, sáu lần được khen thưởng. Trung đội đồng chí quản lí không có trường hợp vi phạm kỉ luật, luôn tham gia tích cực các phong trào. Đặc biệt, đồng chí Kha là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tiết kiệm theo gương Bác.” Mới đây, Sơn Kha được phong hàm đại uý, giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 20.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm 2018, Sơn Khương tốt nghiệp ra trường và được điều về làm Trợ lí Quân khí, Ban Kĩ thuật, Trung đoàn 20. “Rất mừng khi hai anh em được công tác cùng đơn vị. Tuy xa nhà nhưng anh em có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Hồi xưa anh em học cùng lớp, cùng thi đậu vào trường Quân đội, giờ công tác chung”, Khương nói. Cũng năm 2018, Sơn Khải đủ điểm xét tuyển vào Trường Sĩ quan kĩ thuật quân sự Vin-hem Pích. Vậy là ngọn lửa từ hai anh trai đã thắp sáng ước mơ của Khải, niềm tự hào của gia đình và địa phương một lần nữa được gọi tên. “Nhưng lúc đó má tôi thường đau yếu, có lẽ lao lực nhiều. Trong khi tôi và Kha công tác xa nhà, ít có điều kiện chăm sóc má. Vì vậy, tôi khuyên Khải chọn trường khác để có thể gần gũi, chăm sóc má”, anh Khương xúc động nói.

Lúc đó, Khải không có nhiều thời gian chọn lựa giữa lúc gia cảnh đơn chiếc nên đăng kí học công nghệ thông tin Trường Đại học Cần Thơ; để những ngày nghỉ có thể tranh thủ về quê phụng dưỡng má, cũng để hai anh yên tâm công tác nơi xa. Đồng ý với quyết định của em nhưng Sơn Kha không khỏi chạnh lòng: “Tôi với anh Hai cũng buồn khi khuyên Sơn Khải gác lại ước mơ, giống như làm lại từ đầu. Bởi một khi mình không có ý định thì rất khó thực hiện. Đó là sự hi sinh rất lớn của em trai tôi.”

Năm 2020, Sơn Khương cưới vợ là chị công nhân gần nhà. Để sửa chữa một phần căn nhà cho ấm hơn, anh vay 30 triệu đồng, mỗi tháng trừ vào lương. Còn tiền lương của Kha gửi về mua thuốc cho má và Khải ăn học. Sơn Khương chia sẻ: “Vay một năm tôi trả hết nợ. Lúc vợ tôi sanh em bé, cô ấy có dành dụm ít tiền lúc đi làm công nhân nên đỡ thiếu hụt.” Thiếu tá Lê Minh Trung, Chủ nhiệm Kĩ thuật Trung đoàn 20, cho biết thêm: “Mặc dù kinh tế gia đình chật vật, nhưng khi đơn vị có chỉ tiêu xét tặng nhà “Tình đồng đội”, hai anh em Sơn Khương nhường phần đó cho đồng chí khác khó khăn hơn. Tinh thần đó rất đáng trân quý.”

Ngày đó, khi gác lại ước mơ trong nuối tiếc, Sơn Khải chưa xác định mình đi đúng hay sai con đường tương lai; thậm chí, đôi lúc còn trách giận hai anh. Nhưng dần dần, anh thầm cảm ơn các anh đã tính toán rất chu đáo. Đặc biệt, trong những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 năm 2021, má anh bị bệnh phải chuyển từ Bạc Liêu lên Cần Thơ điều trị; hai anh vì nhiệm vụ chống dịch chưa về. “Nếu tôi học Trường Sĩ quan kĩ thuật quân sự Vin-hem Pích thì có lẽ cũng đang cùng đồng đội giúp dân chống dịch, không có điều kiện chăm sóc má, chắc gì hai anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Khải nói.

Khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, Sơn Kha được phép về thăm má, còn Sơn Khương theo đơn vị diễn tập cuối năm. Đón đứa con thứ ba trong căn phòng trọ chật chội, bà Thạch Thị Ba - người mẹ cả đời hi sinh vì con, giờ mỗi bước đi phải dìu đỡ - không giấu niềm vui. Tay bà run run xoa mặt con, quân hàm sĩ quan trên vai Kha, mắt rưng rưng nói: “Má cảm thấy không cô đơn mà rất hạnh phúc. Các con lớn khôn, hiếu thuận và biết đóng góp công sức cho đất nước. Mỗi khi ra đường má cũng nở mặt nở mày với bà con, lối xóm. Vài năm nữa thằng Khải ra trường, có việc làm ổn định là má yên tâm.”

Ngoài giờ học, Khải tranh thủ nhận lau kính kiếm tiền trang trải chi phí ăn, ở, học tập và lo cho má. Mặt khác, anh muốn thể hiện khả năng “trụ cột” để má luôn tự hào về con, để hai anh bớt lo nghĩ cho đứa em út này. Ông Trương Văn Mỹ, chủ nhà trọ sinh viên, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ), cho biết: “Sơn Khải thuê chỗ tôi ba năm nay. Tánh nó hiền lành nên ai cũng quý. Mấy tháng nay má Khải bị bệnh lên đây ở, nó chăm sóc má chu đáo lắm.”

Sơn Khương và Sơn Kha thường động viên Sơn Khải rằng nếu không được theo đường binh nghiệp thì làm hậu phương để hai anh yên tâm thực hiện nhiệm vụ, cũng là góp phần xây dựng Quân đội. “Tôi thì... không nghĩ lớn lao vậy. Chỉ biết, sau khi gác lại ước mơ, tôi không hề hối hận. Bởi lòng tôi lúc nào cũng ấm nóng khi đón nhận niềm hạnh phúc từ người thân; và nhất là mỗi ngày luôn thấy nụ cười rạng rỡ của má. Nhưng rất tiếc, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp mất má tôi cuối năm 2021”, giọng anh Khải run run.

H.K.G

VNQD
Thống kê