. HOÀNG MINH ĐỨC
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống đấu tranh cách mạng
Được tin công trình xây dựng cầu Cồn Nâm vượt qua dòng sông Nan (một trong ba nhánh của sông Gianh) tiếp tục hoạt động sau một thời gian chờ đợi, tôi về Cồn Nâm gặp thầy giáo Nguyễn Khắc Tâm. Thầy là người có công đóng góp lớn trong công trình này. Gia đình thầy là một trong những cái nôi cách mạng đầu tiên của xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Trời trong xanh. Nắng chiều thu vàng óng. Gió nồm từ Cửa Gianh thổi lên mát rượi. Tôi chạy xe máy qua chiếc cầu phao của nhà thờ, bắc từ làng Thái Hòa sang làng cồn bãi Cồn Nâm. Tiếp tôi trong một ngôi nhà mới xây, khang trang, rộng rãi, thoáng mát với diện tích hơn 200 mét vuông, thầy Tâm kể: Làng Cồn Nâm của thầy là một làng công giáo toàn tòng. Trước Cách mạng tháng Tám, đa số con em trong làng đều không biết chữ. Năm 1933, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quảng Trạch thành lập tại làng Lũ Phong gồm 6 đảng viên. Theo chủ trương của chi bộ, các đảng viên tiếp tục phát triển ra các xã xung quanh. Đồng chí Nguyễn Văn Huyên về làng Trung Thôn, thành lập Chi bộ Bình và năm 1938 kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Đồng (tức Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi đồng chí chí Đồng lên làm Bí thư, đồng chí Huyên lại lên phía Tây của huyện và đã phát triển thêm một chi bộ ghép Ngọa Cương - Thanh Thủy. Đồng Chí Nguyễn Ngọc Trản cùng Trần Văn Sớ, Hoàng Dần về nhà ông Nguyễn Ngạn là ông nội của thầy Tâm (thường gọi là ông Tuần Ngạn) “làm thợ mộc”, thành lập Chi bộ xã Hà Châu (sau này xã Hà Châu và xã Minh Lệ sáp nhập lại thành xã Quảng Minh). Đến năm 1942, cả tỉnh Quảng Bình có 9 chi bộ, riêng huyện Quảng Trạch đã có 4 chi bộ.
Ba con trai của ông Tuần Ngạn đều là đảng viên cộng sản và đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 7 tháng 2 năm 1947, ông Nguyễn Thảo, bố của thầy Tâm, làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hà Châu đang chủ trì cuộc họp cán bộ cốt cán thì bọn phản động chỉ điểm cho bọn địch ở đồn Minh Lệ tập kích. Chúng trói hai cánh tay ông Thảo ra sau lưng dẫn đi quanh làng để uy hiếp bà con rồi dẫn vào bắn ở Hóc Chọ. Năm đó thầy Tâm vừa tròn 8 tuổi. Hai ông bác của thầy là Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiêm bị bọn phản động bỏ vào rọ trắn xuống khúc sông Cồn Dâu tháng 4 năm 1947.
Phát huy truyền thống cha anh năm xưa
Năm 1964, giặc Mĩ mang bom ra đánh phá miền Bắc, thầy Tâm xung phong đi bộ đội. Thầy ở Tiểu đoàn 13, pháo 75 mm, bảo vệ bờ biển Quảng Bình. Giặc Mĩ mở rộng chiến tranh, đơn vị thầy chuyển sang Mặt trận Nam Lào trong đội hình Sư đoàn 968.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy Tâm trở lại nghề dạy học. Thầy làm Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Quảng Minh B. Năm 1987, thầy mạnh dạn đầu tư đắp con kè chắn sóng từ con sông Nan vào vùng đầm lầy hói Sác Gềnh ở Bãi Triều để nuôi tôm cá tự nhiên, diện tích mặt nước là 82.000 mét vuông. Có ngày, thầy huy động hơn 50 nhân lực đào đắp và hàn kè đá, giá tiền công mỗi mét khối đào đắp lúc đó là 1.500 đồng. Trong 2 năm thì kè đá đã hoàn thành. Ban đầu, thầy nuôi tôm, cá quảng canh, chủ yếu là từ ngoài sông Nan vào. Khi tiếp thu được khoa học kĩ thuật, thầy nuôi tôm, cua theo hướng công nghiệp. Tiền bán tôm, cua đủ để nuôi các con ăn học, ngoài ra ủng hộ một phần cho phong trào khuyến học, khuyến tài. Năm 2007, các con học xong đại học, thầy nhường lại cho các hộ khác trong thôn một nửa diện tích. Thầy có ba đứa con là nhà báo. Hai người con trai Hoàng Nam, Hoàng Dương là phóng viên của báo Tiền phong. Con gái Nội Hà là phóng viên báo Quảng Bình.
Về hưu, thầy Tâm làm Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ vùng cồn, kiêm luôn cả Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh. Thầy luôn vận động con cái và con em xa quê đóng góp xây dựng “Làng văn hóa”, “Làng năm tốt”. Đặc biệt, với sự tác động tích cực của phóng viên Hoàng Nam, năm 2010, Hội áo dài Thừa Thiên - Huế và báo Tiền phong đã cho làng 78 triệu đồng đóng một con đò chở học sinh vùng cồn đi học. Bản thân thầy vào tận thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Dương, ra Hà Nội, Quảng Ninh vận động con em quê hương gửi tiền về xây dựng quỹ Hội Khuyến học xã. Các anh em của cụ Hoàng Thúc Cảnh (102 tuổi), một chiến sĩ lão thành cách mạng, năm nào cũng gửi tiền về xây dựng quê hương. Cụ đã được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Gia đình nhà thơ Hoàng Gia Cương còn cấp học bổng cho các cháu nhà nghèo học giỏi ở làng Minh Lệ học hết đại học.
Tôi hỏi:
- Hồi trước, hôm nào họp Đảng bộ hay tiếp xúc cử tri, em cũng thấy thầy đề nghị xây dựng cây cầu vượt qua sông về làng cồn, đến khi mô thì Nhà nước chấp nhận rứa thầy?
Thầy Tâm cười:
- Cũng gian nan lắm chú ạ. Tui về hưu năm 1992, và đề xuất làm được đường bê tông cho vùng cồn, là địa phương đầu tiên của vùng Nam huyện Quảng Trạch. Trước cả làng Minh Lệ mấy năm nữa kia. Năm 2015 trở đi, năm mô tui cũng đề xuất làm cầu Cồn Nâm. Mãi đến năm 2021 mới có dự án xây dựng. Nhưng rồi do dịch dã Covid-19 với lại bị trục trặc kĩ thuật nên hôm nay mới khởi động lại. Chiếc cầu 6 nhịp đã lao xong hơn một năm rồi mà chưa được sử dụng được bởi ách tắc phía hai đầu cầu. Phía Nam tui đã hiến 2.695,9 mét vuông, đất hồ nuôi tôm cua của tui cho dự án đó.
Tôi hỏi thêm:
- Dạ, một dạo em thấy đài báo nói về mô hình nuôi tôm cua của Chi hội Cựu chiến binh thôn Cồn Nâm là chỗ mô rứa thầy?
Thầy Tâm như sực nhớ ra:
- À, hồi đó đài phát thanh và truyền hình tỉnh về quay kĩ thuật nuôi tôm của tui. Còn mô hình xây dựng quỹ của Hội Cựu chiến binh thì Hội Cựu chiến binh tỉnh về tham quan để phát triển ở các nơi. Còn muốn xem cái hồ cá của Chi hội Cựu chiến binh thì chú cứ đi theo tui.
Đã ở tuổi 83, nhưng thầy Tâm vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Thầy chạy xe máy đi lên trước, về phía con sông Son phía trên làng. Thầy chỉ một cái hói chạy qua làng nối sông Son với sông Nan:
- Tui cho ngăn hai đầu cái hói này lại thành hồ nuôi tôm cá đó chú. Có tấm chắn bằng gỗ đóng mở cống cho nước sông Son ra vào khi cần thiết. Số tiền bán tôm, cá đủ gây quỹ cho chi hội sinh hoạt hàng năm.
Rồi thầy tiếp tục đem tôi ra công trường đang làm đường phía cầu Cồn Nâm. Thầy chỉ vào những hồ cá rộng mênh mông hai bên trồng cây bần xanh tốt. Chúng tôi gặp hai công nhân lái máy xúc. Một anh nhanh nhảu nói:
- Chúng cháu cũng đang khẩn trương thông cầu vào cuối năm đấy các bác ạ.
Tạm biệt hai anh lái máy xúc đang hối hả cào đất đá xuống dãy hồ cá làm nền đường phía Nam. Về nhà thầy Tâm uống nước, tôi mới có dịp ngắm nhìn những huân, huy chương chiến công, chiến sĩ vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có nhiều bằng khen, giấy khen về công tác khuyến học khuyến tài, hội cựu chiến binh và lãnh đạo chi bộ giỏi của thầy những năm về hưu. Thật cảm phục và yêu quý người cựu chiến binh nơi xóm đạo.
H.M.Đ
VNQD