Giữa mênh mông đại ngàn, trong thiếu thốn bộn bề, Thiếu tá Trần Minh Vũ (y sĩ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP tỉnh Quảng Trị) kiên trì, cần mẫn khắc phục khó khăn để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và người dân trên địa bàn như một cách xây dựng “phên dậu biên cương” ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.
Nơi cuối trời biên cương
Cho đến tận bây giờ, thôn Pa Ling (xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn là nơi khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh Quảng Trị. Xa không hẳn vì tính bằng quãng đường mà vì sự cách trở phải vượt qua khi muốn tới nơi này. Năm 2014, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị xây dựng và đưa vào sử dụng Trạm Quân dân y tại thôn Pa Ling. Nói là trạm quân dân y nhưng chỉ có y sĩ của Đồn Biên phòng A Vao phụ trách. Thiếu tá Trần Minh Vũ, người có gần 30 năm làm nghề y, đã lên rừng, xuống biển trước khi về bản giáp biên này. Trạm nằm độc lập ngoài bìa rừng, một mình anh trực nên mọi người vẫn nói vui rằng, anh giàu nhất đồn vì một mình sở hữu cả “bệnh viện tư” ở Pa Ling. Câu nói ấy cũng không phải là quá vì với đồng bào Pa Cô ở miền biên viễn này, trạm chẳng khác gì “bệnh viện đa khoa”. Trạm có đủ phòng khám, điều trị, nội trú. Bệnh nhân được y sĩ Trần Minh Vũ thăm khám, điều trị, chỉ có những ca nặng mới phải chuyển lên tuyến trên. Mấy tháng trước, 2 cháu nhỏ là Hồ Thị Sen (6 tuổi) và Hồ Thị Soang (9 tuổi) bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Gia đình đã tức tốc đưa 2 cháu tới Trạm Quân dân y Pa Ling. Thiếu tá Trần Minh Vũ đã nhanh chóng làm cho bệnh nhân nôn, tiêm trợ tim và truyền dịch. Nhờ cấp cứu kịp thời, hai cháu nhỏ thoát khỏi nguy kịch trở về từ cõi chết.
Người chiến sĩ quân y luôn tận tâm với công việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tháng10/2022, chiến sĩ của đơn vị bị đau dữ dội vùng bụng. Y sĩ, Thiếu tá Trần Minh Vũ sau khi thăm khám, đã chuẩn đoán bệnh nhân bị đau ruột thừa cấp. Ban Chỉ huy đồn nhanh chóng hội ý và chọn 11 đồng chí khỏe mạnh nhất, cử Chính trị viên phó Nguyễn Văn Chinh là tổ trưởng lấy võng để đưa chiến sĩ bị đau ra Trạm Kiểm soát Biên phòng A Vao. Xe cấp cứu của Bộ Chỉ huy sẽ từ thành phố Đông Hà chạy lên đón. Đêm tối, sương mù dày đặc, đường dốc đèo và nguy hiểm hơn là lúc nào cũng có nguy cơ sạt lở. Với tinh thần, ý chí người lính với quyết tâm cao nhất mọi người đội mưa mà đi. Không ai nói với ai nhưng trong sâu thẳm đều hiểu rằng, cần phải tăng tốc hơn nữa, tính mạng của đồng đội phụ thuộc vào mình. Mặc mưa cứ rơi, gió cứ thổi, kệ bàn chân rớm máu vì dẫm đạp phải đá cũng chả ai quan tâm. Trên suốt hành trình, những người lính thay nhau khiêng võng, là hoa tiêu khi qua núi, qua khe suối, chiếu sáng cho đoàn đi. Thế rồi, mọi người thấy ánh sáng nhấp nháy của cán bộ Trạm kiểm soát A Vao và bà con nhân dân đội đèn, di chuyển xe máy đến Khe Chuông tiếp ứng. “Nếu bình thường 20km từ đồn ra trung tâm xã thì phải gần ít nhất 5 tiếng, nhưng hôm ấy, chúng tôi chỉ mất 3 tiếng 10 phút. Chúng tôi đã đi bằng niềm tin, bằng ý chí, bằng sức mạnh có được từ sự lo lắng cho an nguy đồng đội”- Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ.
Viết nên bài ca tươi đẹp nhất
Người Pa Cô ở Pa Ling quan niệm, phụ nữ sinh con không được ở trong nhà. Đến ngày gần sinh, gia đình sẽ làm cho 1 cái chòi nhỏ để “vượt cạn”. Chao ơi, điều ấy thật khó có thể tưởng tượng ra đối với những người đã từng sinh nở, dù trong điều kiện ở thành phố, có bác sĩ chuyên khoa, máy móc và người thân lúc nào cũng túc trực. Tất nhiên, với lương tâm của người thầy thuốc, Thiếu tá Trần Minh Vũ đã không để chuyện phụ nữ vượt cạn ngoài bìa rừng tiếp diễn. Thiếu tá Trần Minh Vũ đã lần lượt đón các thiên thần nhỏ đến với thế giới trên đôi tay của mình. Trộm vía, ca sinh nào y sĩ Vũ đỡ cũng thuận lợi, đứa trẻ nào cũng khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đáng yêu. Có lẽ bởi nội lực sẵn có của đứa trẻ sinh ra giữa đại ngàn Trường Sơn nhưng nhìn xa hơn là bởi sau khi sinh, Thiếu tá Trần Minh Vũ đều quan tâm, hướng dẫn bố mẹ chăm sóc các cháu đúng cách.
Chúng tôi cùng Thiếu tá Trần Minh Vũ xuống nhà sản phụ Hồ Thị Lo để vệ sinh cuống rốn cho con gái mới sinh. Chị Lọ mang thai lần đầu, mới 36 tuần nhưng trở dạ lúc 1 giờ sáng và trời mưa như trút, sấm chớp đùng đùng. Biết tin, Thiếu tá Trần Minh Vũ lấy túi thuốc, khoác vội cái áo mưa, cầm đèn pin rồi lao vào đêm mưa đen đặc. Thế rồi, với sự giúp đỡ của Thiếu tá Trần Minh Vũ, một công chúa nhỏ đã chào đời theo cách hoàn hảo nhất. Tiếng khóc của đứa nhỏ lanh lảnh trong niềm vui vô bờ của đôi vợ chồng trẻ và người lính.
Chị Hồ Thị Lọ không phải là sản phụ đầu tiên ở Pa Ling được Thiếu tá Trần Minh Vũ giúp đỡ. Trước đó, tháng 11/2022, anh đã giúp chị Hồ Thị Chuôi vượt cạn, sinh con trai đầu long. Đến nay, 6 đứa trẻ đã chào đời trên “đôi tay vàng” của người y sĩ Biên phòng và được lần lượt đặt tên Biên Cương, Biên Thùy, Ngoan Ngoãn, Vũ Trang, Hòa Bình, Hạnh Phúc. Thiếu tá Trần Minh Vũ chia sẻ rằng, đỡ đẻ không khó nhưng sợ nhất là bị biến chứng băng huyết, thai ngạt hoặc thai ngược trong khi điều kiện cơ sở vật chất ở trạm không được trang bị cho các tình huống này. Thuốc băng huyết không thiếu nhưng để bảo quản được thì phải có tủ đông mà ở đây lại không được trang bị. Những nguy hiểm từ biến chứng khi sinh không phải người dân không biết, cũng không phải vì lối suy nghĩ cũ “Nó không muốn ở với mình thì nó đi thôi”. Thiếu tá Trần Minh Vũ bảo: “Không phải người dân không muốn đâu vì nhà không có điều kiện thôi. Mọi người đừng nghĩ là đã có bảo hiểm. Bảo hiểm chỉ chi trả viện phí và thuốc men. Thế còn tiền ăn uống! Đi viện đâu phải chỉ có mình bệnh nhân, còn người đi phục vụ nữa chứ. Rồi tiền đi lại trong khi ở đây, đứa trẻ sinh ra có khi chỉ được gói trong tấm áo cũ của cha mẹ”. Đúng là chỉ có những người “3 bám, 4 cùng” với dân mới hiểu được điều ấy.
Thiếu tá Trần Minh Vũ với cháu bé Hồ Biên Cương.
Tối hôm ấy, chúng tôi ngồi trước hiên trạm quân dân y. Câu chuyện xoay quanh gia đình người lính cả cuộc đời gần như xa nhà. Khi tôi hỏi tại sao gần hết năm rồi mà anh vẫn còn nguyên phép, Thiếu tá Trần Minh Vũ trả lời, giọng nhỏ như sợ ai nghe thấy: “Thôn Pa Ling có gần 800 nhân khẩu nhưng chỉ có 1 mình tôi là làm y tế thôi và còn kiêm quân y đơn vị nữa thế nên việc đi phép phải tính toán rất kĩ . Điều tôi lo lắng là còn những sản phụ sắp đến ngày sinh. Tôi đã vận động họ ra trung tâm y tế huyện nhưng nghe có vẻ họ không muốn đi. Tháng 5/2023, đường bê tông từ trung tâm xã A Vao vào Pa Ling đã thông tuyến, thế nhưng ai cũng biết rằng sẽ sạt lở vì những cơn mưa rừng tầm tã, không ngớt và Pa Ling sẽ bị cô lập”. Những lời tâm sự ấy khiến chúng tôi chợt xấu hổ khi lúc chiều xuýt xoa với đồng lương của bộ đội ở biên giới. Lúc nào cũng đặt việc chung lên trước, thì chắc chắn đồng tiền không phải là tất cả. Thật trân quý, giá trị biết bao tấm lòng của người lính Biên phòng ở nơi rất khác này.
THANH TRÚC
VNQD