Hành trình của hội ngộ

Thứ Ba, 26/12/2023 06:56

Sinh thời bố vợ tôi, người thương binh Nghiêm Quang Vương luôn nhắc đến một kỉ niệm khi ông là bộ đội chiến đấu tại mặt trận Quảng Đà, ở đó ông đã quen gia đình chị Ba, một cơ sở cách mạng trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ. Những năm cuối đời, chiến đấu với căn bệnh ung thư ông vẫn đau đáu tìm lại người ân nhân năm xưa…

Năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào thời kì khốc liệt nhất, bố vợ tôi rời vùng đất Châu Giang, Duy Tiên, Nam Hà nhập ngũ. Sau khi huấn luyện, ông được điều về Khu V chiến đấu, chủ yếu ở mặt trận 44 Quảng Đà, tên gọi chung cho Quảng Nam và Đà Nẵng. Nghe ông kể, nhiều lần máy bay Mĩ rải chất độc trắng xóa rừng, khi ấy ông cùng đồng đội tìm mọi nguồn nước để nhúng khăn tay, có những lần vào mùa khô không tìm được nước phải tiểu tiện vào khăn để bịt mũi để giảm nguy cơ hít phải chất độc do máy bay rải xuống.

Những năm 1966-1968 là thời kì chiến tranh khốc liệt ở miền Trung. Bố vợ tôi quen bác Ba trong thời kì này ở Thành Mỹ, huyện Giàng, Quảng Nam, nơi có dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bác Ba hoạt động cách mạng ở quê nhà tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, bị cảnh sát ngụy bắt tra tấn dã man. Sau khi địch thả bác ra, tổ chức cách mạng bố trí cho bác lên huyện miền núi Giàng, giáp với Lào công tác. Lúc này, đơn vị của bố vợ tôi hoạt động 3 cùng với dân. Mỗi khi có địch càn quét, ông được gia đình bác Ba giấu dưới hầm bí mật. Bác Ba hơn bố vợ tôi một giáp. Gia đình bác quý chàng bộ đội người Bắc lắm, chính ông là người lao xuống dòng nước chảy xiết cứu người con trai của gia đình bác Ba, cậu bé Tuấn Anh khi ấy còn nhỏ cùng mấy chị em ra sông tắm, chẳng may trượt chân chìm dần dưới dòng nước dữ…

Cuộc chiến ác liệt ở mặt trận Quảng Đà giữa một bên là bộ đội, du kích trang bị thô sơ với một bên là quân đội hùng mạnh Mĩ - ngụy được trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng cuối cùng cũng kết thúc vào năm 1975. Biết bao người đã ngã xuống, đã hi sinh cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho Tổ quốc.

Thương binh Nghiêm Quang Vương năm 2011. Ảnh: Gia đình cung cấp

Khi đất nước thống nhất, bố vợ tôi may mắn được trở về quê hương sau chín năm chiến đấu ác liệt nhưng để lại cánh tay phải ở chiến trường và mang về những căn bệnh khi trái gió, trở trời. Ông chuyển ngành về quê nhà, tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Không nề hà, ông lăn lộn trong công tác cơ sở, dù chỉ còn một cánh tay, được chính quyền và nhân dân địa phương yêu mến. Nhưng các vết thương cùng với những căn bệnh sốt rét, nhiễm chất độc da cam từ chiến trường, mỗi khi trái gió, trở trời ông lại lên cơn đau ốm nhiều ngày và rồi căn bệnh ung thư phổi ập đến. Ông mất khi mới 67 tuổi, sau mấy tháng chiến đấu với ung thư, có lẽ do hậu quả của việc nhiễm chất độc hóa học máy bay Mĩ thả xuống nhằm hủy diệt những cánh rừng làm ông kiệt sức...

Trong suốt 5 tháng cuối chiến đấu với bệnh tật, bố vợ tôi thường nhắc về gia đình bác Ba đã nuôi dưỡng, chăm sóc ông khi ông bị thương ở chiến trường Quảng Đà. Năm 1980, bác Ba khi ra Hà Nội công tác có về Hà Nam thăm ông nhưng sau đó bặt tin. Những năm sau chiến tranh, phương tiện thông tin liên lạc còn ít ỏi, huyện Giàng ở Quảng Nam lại được chia làm đôi, Đông Giang và Tây Giang. Hồ sơ quản lí cán bộ không như bây giờ, tuyến huyện sang lắm là có máy đánh chữ cổ lỗ sĩ chứ chưa có điện thoại… Người thương binh hạng 3/4 gặp nhiều khó khăn trong đời sống, nhiều lần dự định đi tìm người chị nuôi tên Ba trong chiến tranh nhưng chưa thực hiện được.

Một vài năm trước, tôi nói với ông nếu có dịp vào Quảng Nam công tác sẽ đi tìm bác Ba, nhưng thông tin về bác rất mơ hồ. Không địa chỉ, không một bức hình, chỉ duy nhất có một bức thư bác Ba viết năm 1980 bằng mực xanh trên giấy đen đã ố vàng (cũng không có địa chỉ nốt). Bởi vậy mà tôi cứ lần lữa…

Bức thư bác Ba gửi cho ông Nghiêm Quang Vương. Ảnh: Gia đình cung cấp

Thời gian lâm bệnh nặng, sau khi nằm điều trị tại Bệnh viện quân đội 103 được hai tháng, bố vợ tôi thấy người khỏe hơn và lại hào hứng nhắc đến chuyện đi tìm chị Ba. Tôi tìm kiếm trên Internet về huyện Giàng, nay tách thành hai huyện Tây Giang và Đông Giang nhưng không có một chút thông tin nào của bác Ba cả…

Tôi tìm cổng thông tin điện tử của Tỉnh hội Phụ nữ Quảng Nam lấy địa chỉ và gửi Email cho Chủ tịch Hội là chị Trương Thị Lộc. Bức thư có nội dung như sau:

Nam Định, ngày 09/02/2015

Kính gửi chị Lộc, Chủ tịch Hội

Tôi là Lê Lợi, Bác sỹ ở Tỉnh Nam Định trước hết xin kính chúc chị và cơ quan một năm mới khỏe mạnh và hạnh phúc. Có một việc làm phiền các chị, rất mong được chị quan tâm. Đó là tìm giúp địa chỉ 1 cán bộ Hội phụ nữ ở Tỉnh Quảng Nam.

Bố vợ tôi là Nghiêm Quang Vương, từ năm 1966 chiến đấu ở mặt trận 44 (Quảng Đà) có quen chị Lê Thị Ba (chồng tên là Học, làm Thương nghiệp) được anh chị Ba nhận làm em nuôi. Chị Ba sau này làm cán bộ Hội Phụ nữ huyện Giằng, năm 1980 đã đi Hà Nội họp và qua nhà ông Vương ở Duy Tiên (Hà Nam), từ đó đến nay không có tin tức.

Chị Ba năm nay chừng 80 tuổi, có con gái đầu tên là Tâm làm giáo viên (chắc cũng đến tuổi nghỉ hưu).

Nay ông Vương 68 tuổi, bị ung thư Phổi, di căn toàn bộ. (Ông là thương binh 65%, cụt tay, bệnh binh 61%), chắc chỉ còn được ít ngày, nguyện vọng muốn biết tin tức của anh chị Ba trước khi nhắm mắt.

Rất mong chị Lộc và các chị ở Hội LHPN Quảng Nam tìm hiểu và thông tin sớm, giúp đỡ gia đình tôi.

Một lần nữa, chúc các chị khỏe, bước sang năm mới đầy thắng lợi.

Xin trân trọng cám ơn.

Thư và điện thoại cho các chị ở Hội LHPN tỉnh Quảng Nam vào ngày 09/02/2015 thì chỉ sau 4 ngày, lúc lúc 12h52’ ngày 12/02/2015, Chị Lộc, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam gọi điện thoại báo tin đã tìm được địa chỉ và liên lạc được với bác Ba hiện ở Đà Nẵng. Một cuộc tìm kiếm hết sức khẩn trương, tưởng chừng vô vọng, dường như không một chút manh mối nào, vì bác Ba về hưu cách đó trên 30 năm, hồ sơ cán bộ không còn. Mãi sau, một cán bộ về hưu nhớ láng máng bác Ba quê Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tìm về Đại Lộc thì bác Ba không ở quê mà chuyển tới thành phố Đà Nẵng ở với các con.

Tác giả (ngồi giữa) cùng bà Lê Thị Ba và con trai của bà trong một cuộc gặp tại Đà Nẵng. ẢnTGCC

Khi nghe chị Lộc gọi điện thoại, tôi không cầm được nước mắt. Bố vợ tôi đã mất trước đó vài tiếng đồng hồ, vào lúc 9h05’ ngày 12/02/2015. Mấy ngày trước khi nghe tôi nói chuyện rằng đã nhờ các chị ở Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tìm kiếm thông tin về bác Ba, ông vui lắm. Tận đến trước khi qua đời, ông vẫn tỉnh táo, mắt vẫn dõi nhìn như ngóng chờ tin tức của chị Ba…

Qua điện thoại, giọng chị Lộc thảng thốt và nghẹn ngào chia buồn cùng gia đình, nói rằng đã ráng hết sức nhưng không thể tìm được bác Ba sớm hơn. Vậy là người thương binh, người cựu chiến binh ấy đã không thể gắng đợi giây phút gặp gỡ người chị nuôi, người chị cách mạng một lần sau cuối.

Xin cám ơn Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, cám ơn chị Lộc chủ tịch Hội và những người dân Quảng Nam đã làm hết sức mình có thể để cho gia đình chúng tôi liên lạc được với bác Ba. Một năm sau đó, vợ người thương binh Nghiêm Quang Vương cùng con gái, con rể và cháu ngoại được hội ngộ gia đình bác Ba tại Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 4 năm 2016, đúng dịp kỉ niệm Chiến thắng 30/4. Chắc rằng dưới suối vàng, bố vợ tôi sẽ rất vui khi biết tin về người chị nuôi, chị Ba cùng các con, cháu khỏe mạnh, rằng, lúc nào người chị nuôi cũng nhớ đến cậu em nuôi là bộ đội người Bắc. Rằng, bác vẫn còn lưu giữ một tấm hình của chàng thanh niên khi đi bộ đội 50 năm trước tại vùng chiến trường Quảng Đà năm xưa…

Từ đó đến nay, mỗi khi có dịp vào Đà Nẵng, tôi lại ghé thăm gia đình bác Ba. Trong những cuộc gặp gỡ đó, bác luôn ôn lại những kỉ niệm năm xưa, thời kì quân và dân cùng chung tay trên trận tuyến đấu tranh giải phóng dân tộc. 

LÊ LỢI

 

 

VNQD
Thống kê